01/09/2008 04:00 GMT+7

Nghĩa trang quốc gia đầu tiên

ĐĂNG NAM
ĐĂNG NAM

TT - Con đường nhựa phẳng lì dẫn vào nghĩa trủng Hòa Vang. Nằm lọt thỏm giữa khu dân cư mới ở P. Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ (Đà Nẵng), bốn bề nhà cao khuất, nghĩa trủng Hòa Vang là nơi yên nghỉ của hơn 1.200 chiến sĩ yêu nước ngã xuống trong trận đầu đánh Pháp vẫn sum sê hoa lá. Đang vào mùa đơm hoa nên hương từ gốc mù u cổ thụ nằm cạnh khu nghĩa trủng tỏa ra ngào ngạt.

Mj0eDqcQ.jpgPhóng to
Nghĩa trủng Hòa Vang với hơn 1.200 ngôi mộ được xem là nghĩa trang quốc gia đầu tiên của nước Việt - Ảnh: Đ.Nam
TT - Con đường nhựa phẳng lì dẫn vào nghĩa trủng Hòa Vang. Nằm lọt thỏm giữa khu dân cư mới ở P. Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ (Đà Nẵng), bốn bề nhà cao khuất, nghĩa trủng Hòa Vang là nơi yên nghỉ của hơn 1.200 chiến sĩ yêu nước ngã xuống trong trận đầu đánh Pháp vẫn sum sê hoa lá. Đang vào mùa đơm hoa nên hương từ gốc mù u cổ thụ nằm cạnh khu nghĩa trủng tỏa ra ngào ngạt.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Kỳ 1: Đắp thành dựng lũy kháng chiếnKỳ 2:Những đội quân nghĩa dũng

"Chiến sĩ đài"

Ngày trước ở làng Khuê Trung, người biết rõ gốc tích nghĩa trủng này nhất không ai khác ngoài cụ Hương Mưu, nhưng rồi ông cũng như trái mù u chín, đến lúc phải lìa cành. "Bây giờ người biết rõ nhất chỉ còn ông Tế mà thôi", một cán bộ phụ trách văn hóa ở quận Cẩm Lệ bảo. Năm nay đã bước qua tuổi 80 nhưng xem ra ông Huỳnh Ngọc Tế vẫn còn minh mẫn lắm. "Đây là cây mù u duy nhất còn sót lại ở làng Hóa Khuê. Một minh chứng cho lòng trung kiên", ông Tế chỉ vào gốc mù u tỏa bóng một góc nghĩa trủng bồi hồi nhớ lại.

Lòng can đảm và sự hi sinh của các tướng sĩ ta đã chiến thắng vẻ vang quân Tây dương. Lợi dụng những chiến thắng đó để làm quân địch vô phương, ngõ hầu đem lại thái bình và an ninh cho xứ sở, vì phúc lợi tối thượng của thần dân trung thành của trẫm. Đó là niềm mong mỏi thiết tha nhất của trẫm.

Vua Tự Đức

Năm 1866, tức tám năm sau khi Pháp nổ súng đánh Đà Nẵng, xét thấy cảnh nhiều mồ mả của các tử sĩ mình chôn cất quá tạm bợ, lại rải rác khắp muôn nơi, vua Tự Đức liền ra chiếu dụ và cấp tiền cho xây dựng "Hòa Vang nghĩa trủng". Theo ông Huỳnh Ngọc Tế, ban đầu nghĩa trủng Hòa Vang được lập ngay tại xứ Trũng Bò thuộc làng Nghi An, vốn là nơi hạ trại của đại quân triều Nguyễn trước đó (nay là P.Hòa Phát, Q.Cẩm Lệ).

Nhưng đến năm 1920 Pháp mở rộng sân bay Đà Nẵng, người dân đã di dời các phần mộ của tướng sĩ trận vong về làng Hóa Khuê (Khuê Trung). Đến đầu năm 1965, sân bay Đà Nẵng một lần nữa mở rộng về phía nam, người làng Hóa Khuê lại di dời các huyệt mộ về khu Bình Hòa 1 (P.Khuê Trung ngày nay). Nghĩa trủng Hòa Vang tồn tại từ đó cho đến nay.

Ngoài 1.200 ngôi mộ được đúc bằng bêtông vuông vức, thẳng tắp, hiện bên trong khuôn viên nghĩa trủng còn có một ngôi mộ lớn được cho là mộ của tướng Nguyễn Ân (tử trận khi trấn giữ đồn Hóa Khuê). "Sau khi nghĩa trủng di dời lần 2, chính tôi là người đứng ra quyên góp tiền của của dân để tiến hành tu sửa (năm 1965, ông Tế là xã trưởng xã Hòa Cường), nhưng cũng phải gần sáu năm sau việc trùng tu mới hoàn tất. Ngày ấy khi dời mộ tướng Nguyễn Ân lên, người ta còn tìm thấy cả đuôi kiếm, áo mão cân đai, đặc biệt có năm hạt nút áo giáp bằng vàng của ngài nữa" - ông Tế kể.

Cũng theo ông Tế: "Để các vong hồn tử sĩ không bị cô quạnh, ngày trước người làng Khuê Trung đã dành tiền thu tô của hai mẫu ruộng tại Đồng Cừa phục vụ cúng tế. Việc cúng tế diễn ra vào ngày 17-11 âm lịch. Bây giờ người ta lấy ngày 16-3 âm lịch hằng năm để cúng nghĩa trủng kết hợp với lễ tế tiền hiền trong làng. Trang trọng và hoành tráng lắm".

Cũng như Hòa Vang nghĩa trủng, năm 1876 viên trấn thủ Đà Nẵng lúc bấy giờ là Nguyễn Quý Linh thấy cảnh dập vùi những nắm xương lạc loài sau trận chiến cửa Hàn bèn động lòng kêu gọi thân hào, nhân sĩ trong vùng quy tập hài cốt lập lên nghĩa trủng Phước Ninh (P.Phước Ninh, Q.Hải Châu). Nhưng nghĩa trủng này sau nhiều lần di dời bây giờ chỉ còn lại vài tấm bia sa thạch màu xanh đen nằm cạnh gốc sung già. Trong khuôn viên này hiện chỉ còn lại hai ngôi mộ của hai vị là chánh lãnh binh Nguyễn Viết Nhâm và phó lãnh binh Lưu Trận Sum. Cả hai ông đều hi sinh trong trận Pháp tấn công vào trận tuyến Liên Trì do Nguyễn Tri Phương xây dựng.

"Đồi hài cốt" lính Tây

m0rRxEr8.jpgPhóng to
Hằng năm cứ đến ngày 16-3 âm lịch, người Đà Nẵng tổ chức tế lễ các tướng sĩ tử vong tại nghĩa trủng Hòa Vang - Ảnh: Đ.Nam

Nằm cuối con đường ra cảng biển Tiên Sa ngày nay, khuất trên một triền đồi cao, xung quanh được bao bọc bởi những gốc dương liễu già cỗi cùng một bức tường rêu phong cao không quá gối người là khu mộ Tây (hay còn gọi là "đồi hài cốt") - nơi chôn cất của hơn 1.500 lính liên quân Pháp - Tây Ban Nha tử trận thuộc hạm đội của tướng Rigault de Genouilly.

Trong khuôn viên khá xinh xắn nằm sát bãi biển Tiên Sa, ngoài ngôi nhà nguyện mà bên trong có gắn dòng chữ "À la mémoire des combattants Franc5ais et Espagnols de lExpédition Rigault de Genouilly. Mort en 1858 - 59 - 60 et ensevelissement en lieux" (Để tưởng niệm những chiến binh Pháp và Tây Ban Nha của cuộc viễn chinh Rigault de Genouilly. Chết những năm 1858 - 59 - 60 và được an táng ở đây) là 32 ngôi mộ có gắn thánh giá xếp chồng lên nhau. Không một dấu tích nào để lại cho thấy có người thường xuyên lui tới khu mộ Tây, mà xung quanh chỉ có những đám cỏ dại cao ngút như muốn lấp cả dòng chữ "Ossuaire" (đồi hài cốt) chạm nổi khá lớn dưới cây thánh giá mặt trước của ngôi nhà nguyện.

Dù đây là khu mộ Tây thuộc hàng độc nhất vô nhị, thế nhưng trên thực tế có rất ít tài liệu nói về số phận của những người lính viễn chinh bỏ xác ở quê người cũng như lai lịch của "đồi hài cốt". Theo thạc sĩ sử học Lưu Anh Rô - tác giả cuốn Đà Nẵng buổi đầu đánh Pháp (NXB Đà Nẵng), thư của hiệu trưởng Trường Viễn Đông Bác Cổ gửi Toàn quyền Đông Dương ngày 25-5-1921 có đề nghị cho tu sửa khu nghĩa địa này: "Tôi xin lưu ý ngài về tình trạng hư hỏng của nghĩa trang ở bán đảo Tiên Sa, bắc Tourane (tức Đà Nẵng ngày nay), nơi chôn cất những binh sĩ bộ binh và hải quân của người Pháp và người Tây Ban Nha thuộc hạm đội của đô đốc Rigault de Genouilly.

Khoảng 1.500 hài cốt đã khai quật và tập trung vào một hốc công cộng có dựng một nhà thờ. Nhà thờ này đã bị đổ nát, cửa ra vào đã hư hỏng. Xung quanh nhà thờ có một số ngôi mộ của các sĩ quan Pháp và Tây Ban Nha, trong đó có mộ của trung tá Duppré Déroulède bị giết trên chiến hạm Némésis vào ngày 18-11-1859...". Vỏn vẹn chỉ có vậy. Khi được hỏi, nhiều người dân địa phương sống quanh khu "đồi hài cốt" cho biết thi thoảng cũng có một vài khách du lịch là người Pháp hoặc Tây Ban Nha viếng thăm và cầu nguyện cho những người còn nằm lại trên bán đảo này.

______________________

Đã 150 năm trôi qua, nhiều dấu tích còn lại của cả một hệ thống phòng thủ Đà Nẵng trong buổi đầu đánh Pháp cũng dần mai một. Có rất nhiều kế hoạch nhằm trùng tu, tôn tạo những dấu xưa bi hùng nhưng tất cả vẫn còn... tranh cãi.

Kỳ tới: Tìm dấu xưa bi hùng

ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên