01/12/2020 12:47 GMT+7

Nghi vấn bán phá giá đường nhập, ngành đường lại kêu cứu vì khó cạnh tranh?

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Cho rằng các sản phẩm đường nhập khẩu tại Thái Lan đang bán phá giá ở thị trường Việt Nam gây thiệt hại cho ngành đường nội địa, doanh nghiệp và người nông dân đề nghị sớm áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Nghi vấn bán phá giá đường nhập, ngành đường lại kêu cứu vì khó cạnh tranh? - Ảnh 1.

Hội thảo Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam

Thông tin được đưa ra tại hội thảo Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, do Bộ Công thương và Hiệp hội Nông dân Việt Nam tổ chức ngày 1-12 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Lộc, quyền tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho hay ngành mía đường chấp nhận hội nhập, và thực tế cho thấy năng suất, trình độ sản xuất của ngành không thua kém các nước. Tuy vậy, lượng đường nhập khẩu từ đầu năm đến nay đạt tới 1,3 triệu tấn, chủ yếu từ Thái Lan.

Đáng chú ý là giá bán đường nhập ngoại ở Việt Nam còn thấp hơn cả giá mua mía tại Thái Lan, nên ông Lộc cho rằng đang có sự không có sòng phẳng và công bằng hội nhập. Thực tế này dẫn tới, hàng chục nhà máy sản xuất bị phá sản, dừng hoạt động, khiến cho diện tích trồng mía của người dân giảm.

Việc nhập khẩu đường với giá rẻ khiến người nông dân và các nhà máy đường gặp khó. Bà Đoàn Thị Yến (Phú Yên) - nông dân trồng mía - cho biết hiện trồng 60ha mía, song từ 2016 đường nhập lậu vào làm giá giảm mạnh, nhà máy phải giảm giá mua.

"Người trồng mía không có lãi, bị lỗ vốn nên phải giảm diện tích trồng, phải bỏ đất hoang, người dân phải bỏ xứ. Chúng tôi mong mua được giá tối thiểu 900 đồng/kg, hỗ trợ lãi suất, ngăn chặn đường nhập lậu" - bà Yến đề nghị.

Ông Trần Ngọc Hiếu, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần mía đường Sóc Trăng, cũng cho hay diện tích đất trồng mía của tỉnh liên tục giảm, năm 2017 là 8.400 thì đến năm 2020 chỉ còn 2.400ha. Sản lượng thu mua cũng giảm, từ 426.000 tấn giảm còn 140.000 tấn. Người nông dân trồng mía liên tục bị lỗ, chỉ cố gắng duy trì hòa vốn để hoạt động.

"Diện tích mía vụ 2020 - 2021 giảm 20% nên thu mua giảm tương ứng do ảnh hưởng hàng nhập lậu, gian lận thương mại, chủ yếu là đường Thái Lan nhập khẩu. Do đó hàng không bán được, tiền không có, hàng tồn kho cao, có vụ chỉ bán 10%, chạy ăn từng bữa, chạy lương và bảo hiểm cho người lao động" - ông Hiếu nói.

Theo ông Trần Thanh Hải, phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), mặc dù kéo dài bảo hộ thêm hai năm, song ngành vẫn gặp khó khăn khi sản lượng nhập khẩu tăng đột biến. Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 28 với các giải pháp cơ cấu vùng trồng, cơ cấu nhà máy, sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nên Bộ Công thương đã khởi xướng điều tra hai nhóm mặt hàng đường, nên tới đây kỳ vọng có thể có biện pháp bảo hộ cho doanh nghiệp và người nông dân hợp lý.

Tuy vậy, ông Hải cũng cho rằng sự chuyển biến của ngành đường chưa rõ ràng, trong khi nhiều ngành như ôtô vươn lên mạnh mẽ. "Chúng tôi cũng chưa thấy có sự cố gắng vươn lên để liên kết và đổi mới thực sự vượt qua hội nhập. Do đó, đây là thời điểm cần thiết, cấp bách để giúp ngành đường đi lên, góp phần tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội" - ông Hải nói.

Việt Nam điều tra kép mía đường nhập khẩu từ Thái Lan Việt Nam điều tra kép mía đường nhập khẩu từ Thái Lan

TTO - Tối 21-9, Bộ Công thương ban hành quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm mía đường nhập khẩu từ Thái Lan.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên