![]() |
Giai điệu mùa thu và những giấc mơ...
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Chỉ cần nghe tên, khán giả đã biết mình sẽ được gặp gỡ những gương mặt trẻ, tài năng của làng nhạc cổ điển VN bên cạnh những người bạn trở về từ nước ngoài. Đến với “Giai điệu mùa thu” là đến với những kiệt tác cổ điển của các tác giả lừng danh thế giới.
“Qua những gì đã nghe, xem, có thể nói mạnh mẽ rằng chúng ta không hề thiếu tài năng âm nhạc - nhạc sĩ - NSƯT Hoàng Điệp, giám đốc Trung tâm Biểu diễn Nhạc viện TP.HCM, nói - nhưng vì sao các em lại phải ra nước ngoài để tiếp tục học tập, biểu diễn mà không học tập, biểu diễn trong nước là điều chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ”.
Theo nữ nhạc sĩ, trong đào tạo, chúng ta chỉ mới dừng ở mức phát hiện và bồi dưỡng tài năng chứ chưa thể phát triển được tài năng lên đến đỉnh cao. Trong biểu diễn, chúng ta có quá ít đất diễn cho các tài năng âm nhạc hàn lâm. Bà so sánh sự cân nhắc của khán giả khi chi 200.000 - 300.000 đồng mua vé thưởng thức nhạc hàn lâm với việc sẵn sàng chi tiền triệu xem một chương trình nhạc nhẹ để lý giải vì sao các show nhạc cổ điển ít được tổ chức, kéo theo việc các nghệ sĩ phải dành phần lớn thời gian hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài.
Bà Nguyễn Thế Thanh - phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, trưởng BTC chương trình - nhấn mạnh vào yếu tố dân trí khi nêu trường hợp của violinist Nguyễn Hữu Khôi Nam. Bà cho biết: “Ở Pháp, chỉ cần giới thiệu Nam là thành viên của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Pháp là mọi người đã biết được đẳng cấp của người nghệ sĩ. Còn ở ta thì nhiều người chưa biết Nam là ai”. Đồng quan điểm với nhạc sĩ Hoàng Điệp, bà Thế Thanh xác nhận sự đầu tư của chúng ta cho đào tạo, biểu diễn chưa tương xứng với khả năng của các nghệ sĩ.
Bao nhiêu năm qua, ước mơ về một nhà hát mới, đạt tiêu chuẩn quốc tế để các nghệ sĩ biểu diễn vẫn chưa thực hiện được. Giáo trình đào tạo trong nước vẫn bị đánh giá là quá lạc hậu. Các tài năng âm nhạc muốn vươn tới đỉnh cao buộc phải du học tự túc hoặc xin học bổng để phát triển tài năng.
Không thể nói rằng Nhà nước không đầu tư cho nghệ thuật. Nhưng như GS Ca Lê Thuần đã chỉ ra rằng hầu hết kinh phí đầu tư cho nghệ thuật là đầu tư cho hoạt động nghệ thuật chứ chưa chú trọng đến đào tạo. Trong vai trò người dẫn dắt lớp nghệ sĩ trẻ, ông mong hoạt động đào tạo được quan tâm đúng mức hơn, để các tài năng âm nhạc VN đừng mai một.
Từ ba đêm công diễn “Giai điệu mùa thu”, chúng ta biết ta không thiếu nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế. Nhưng cũng từ đây chúng ta biết rằng lỗ hổng trong đào tạo âm nhạc hàn lâm vẫn chưa được lấp đầy. Chúng ta vui vì các nghệ sĩ vẫn luôn sẵn lòng quay về nước biểu diễn như bà Nguyễn Thế Thanh nói. Song chúng ta phải thấy còn quá nhiều việc cần phải làm, trước mắt và trong tương lai để nhạc hàn lâm tại VN có được vị trí xứng đáng dành cho nó, để có “giai điệu bốn mùa” chứ không chỉ một “giai điệu mùa thu”!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận