![]() |
TS tâm lý Đinh Phương Duy: "Xài sang là giá trị ảo, nhưng ngày nay giá trị ảo đã bành trướng trong nhiều tầng lớp xã hội" - Ảnh: THANH ĐẠM |
Xài sang điện, lãng phí mỗi năm 8 tỉ USD...
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết ông đến trước khi bàn tròn diễn ra 30 phút vì không lượng định được thời gian từ trường đến báo Tuổi Trẻ (do sợ kẹt xe!). Và để không lãng phí thời gian, ông tranh thủ trong lúc ngồi chờ nhắn tin cho ba vị tổng giám đốc ba ngân hàng "nên tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay". Ông nói: "Giới ngân hàng xài sang rất dữ nhờ giàu lên nhanh chóng từ năm 2006!".
TS Ngân nói lẽ ra vấn đề tiết kiệm nên đưa ra từ năm 2006, khi nền kinh tế đất nước đang phát triển tốt, chứ đợi đến khi lạm phát thì hơi muộn.
GSTS Nguyễn Vân Nam - chuyên gia kinh tế - phân tích: các nước tiên tiến hướng đến công nghiệp sạch với các tiêu chuẩn môi trường, họ đẩy ô nhiễm sang các nước kém phát triển hơn. "Đọc báo thấy VN chuẩn bị làm những nhà máy thép tại các bến cảng, dọc biển, tôi lo ngại quá. Không khéo chẳng khách du lịch nào dám đến nước ta vì môi trường không đảm bảo".
Ông Huỳnh Kim Tước - giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng - đưa ra các con số xài sang: sản lượng điện ở các hộ gia đình chiếm tới 40% sản lượng điện toàn quốc. Ông nói mỗi gia đình và các thành phần khác chỉ cần giảm 10% sản lượng điện dùng thì mỗi năm cả nước tiết kiệm đến 8 tỉ USD!
Ông Tước cho rằng nhận thức của cá nhân cũng như các tổ chức VN về tiết kiệm năng lượng rất thấp. Trong số 2.600 đơn vị hành chính nhà nước và doanh nghiệp cần hỗ trợ, tư vấn về tiết kiệm năng lượng, chỉ có 1.800 đơn vị tham gia, trong đó rất ít cơ quan công quyền và nhà nước! Trong khi đó, việc lãng phí năng lượng ở các đơn vị này rất cao.
Truyền thống bị mai một...
PGS Trần Hữu Tá tâm sự rằng ông rất đau khi người Việt chúng ta phải lấy những câu chuyện ở các nước để làm tấm gương học tập về tiết kiệm. Bởi tiết kiệm từng là truyền thống của người VN. Ví dụ, chúng ta đã có những tấm gương sáng ngời như Cụ Hồ, vua Lý Thái Tổ "mặc áo sô, đi giày gai"...
GS Trần Ngọc Thêm - trưởng bộ môn văn hóa học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cũng cho rằng truyền thống của người VN ta là tiết kiệm: chọn đồ thì chọn những thứ "nồi đồng cối đá”, đồ hư thì sửa lại dùng chứ không bao giờ vứt đi cả đống, áo rách mạng lại dùng tiếp.
Nhưng phải chăng truyền thống đã bị mai một? Nhiều đại biểu băn khoăn như thế.
TS Đinh Phương Duy - phó hiệu trưởng Trường Cán bộ TP.HCM - cho rằng xài sang là giá trị ảo, nhưng ngày nay giá trị ảo đã bành trướng trong nhiều tầng lớp xã hội.
Xài của người khác
Vấn đề này được ông Huỳnh Bửu Sơn (BV tim Tâm Đức) đặt ra nhưng đẩy nó lên thành cao trào lại là một doanh nhân, ông Cao Tiến Vị (chủ tịch HĐQT Công ty Giấy Sài Gòn). Ông Sơn nói truyền thống người Việt là tiết kiệm, chỉ vì những "lỗi hệ thống" nào đó của xã hội nên hình thành một bộ phận chuyên... xài tiền của người khác. Chính điều này tạo nên hiện tượng vung tay quá trán! Ông Cao Tiến Vị tiếp ngay: "Tôi nghĩ đã đến lúc các nhà xã hội học phải xem lại, phải định danh và chỉ ra căn bệnh này. Vì sao khái niệm đáng xấu hổ "xài của chùa" bây giờ lại được nói, nghe và dùng một cách rất bình thường!".
Nói thêm về chuyện xài của người khác, ông Diệp Văn Sơn "kê bệnh": "Chính một số chính sách, chế độ ưu đãi không hợp lý đã làm hư một bộ phận không nhỏ công chức của chúng ta, đặc biệt là trong thụ hưởng. Lâu dần hình thành thói lãng phí vô tội vạ”. Ông Sơn kể: để "oai", một số quan chức không chịu dùng chung xe với một đoàn đông khi đi công tác mà nằng nặc đòi xe riêng!
Ông Vũ Thành Tự Anh (giám đốc nghiên cứu chương trình Fulbright) cho rằng việc tiêu tiền dễ dàng có lý do từ việc làm ra đồng tiền cũng dễ dàng. Đấy cũng là cách "xài tiền của người khác" khi lợi nhuận có được không minh bạch.
* Do trang báo có hạn nên Tuổi Trẻ sẽ đăng các ý kiến đặc sắc của các vị khách mời trên những số báo tới.
Đề xuất của chúng tôi Để dành đồ cũ tặng người nghèo Tôi có thói quen để dành quần áo, giày dép, vật dụng cũ không dùng nữa để đem về quê cho những người nghèo khó. Một chị bán vé số sắp đến ngày sinh nở được tôi tặng ít quần áo em bé cũ thì mừng lắm. Nhà gắn truyền hình cáp, ăngten trở nên vô dụng, nhưng khi đem biếu anh bán báo dạo thì nó mang đến niềm vui cho anh. Đôi dép cũ của chồng bị rách quai, tôi định vứt nhưng lại được anh thợ hồ xin về khâu lại mang đi làm... Những chương trình quyên góp áo trắng, sách giáo khoa cũ tặng bạn nghèo, tặng áo ấm cho đồng bào nghèo trong đợt rét đậm rét hại vừa qua... vừa có ý nghĩa tương thân tương ái, vừa tiết kiệm. Tại sao chúng ta không nhân rộng những hoạt động này bằng việc một tổ chức từ thiện đứng ra quyên góp vật dụng cũ và định kỳ hằng tháng đem đến tặng những người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao (hay những người nghèo có thể đến những địa chỉ nhất định để tìm cho mình một vật dụng cũ nhưng có ích). Tắt máy tính khi rời cơ quan Tôi làm việc trong một công ty phần mềm và chứng kiến sự lãng phí xảy ra hầu như hằng ngày. Trong số đồng nghiệp của tôi, rất ít người có ý thức tắt máy tính khi rời cơ quan. Nhiều người để máy tính chạy suốt đêm cho đến ngày hôm sau. Nếu họ rời cơ quan vào ngày thứ sáu thì máy tính sẽ chạy suốt đến thứ hai tuần sau. Thậm chí có người đi du lịch cả tuần lễ nhưng vẫn không hề tắt máy. Máy tính của họ gần như chạy liên tục 24/24g, không cần biết có làm việc hay không. Nếu bạn chỉ làm việc tám giờ mỗi ngày thì việc bật máy tính trong 16 giờ còn lại là hoàn toàn lãng phí! Với lượng người hiện đang làm việc với máy tính trong cả nước, nếu ai cũng có ý thức tắt máy tính sau giờ làm việc thì lượng điện năng tiết kiệm được sẽ là một con số không nhỏ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận