Phóng to |
Cảnh trong vở chèo Quan Âm Thị Kính |
“Trùng phùng” về tư tưởng
TS Thái Thị Kim Lan đã nhận xét: “Phật giáo ảnh hưởng sâu rộng vào cuộc sống của người dân Việt Nam và từ đó lặn sâu vào nghệ thuật truyền thống một cách nhuần nhuyễn đến nỗi, nó đã trở nên quen thuộc như là hơi thở. Do quá quen thuộc, nên người ta chẳng để ý, cũng chẳng suy nghĩ về chúng, cho đến lúc, chợt nhận ra, nó quan trọng đến mức nào".
Qua các tham luận của cuộc hội thảo, lần đầu tiên, người ta thấy một cuộc “trùng phùng” về tư tưởng của các nhà nghiên cứu khi đều cho rằng Phật giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Cội rễ của vấn đề này, theo giáo sư Vũ Khiêu, bản chất tốt đẹp của dân tộc ta là mảnh đất màu mỡ cho Phật giáo phát triển. Sự kết hợp giữa tư tưởng dân tộc và tư tưởng Phật giáo đã thể hiện rõ nét trong nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Trước hết, yếu tố Phật giáo ảnh hưởng qua chất liệu để xây dựng tác phẩm. Rất nhiều nhân vật trong chèo, tuồng đều xuất phát từ các tích trò của nhà Phật. Với nghệ thuật sân khấu truyền thống mà điển hình là chèo, tuồng, cải lương, không chỉ lấy tích nhà Phật để “dịch nên trò”, tư tưởng của nhà Phật còn chi phối toàn bộ các vở diễn. Cốt truyện, nhân vật hầu hết đều được xử lý bằng tinh thần Phật giáo là “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”. Trong các cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, rất nhiều khi các nhân vật trong nghệ thuật truyền thống phải khoác áo tu hành để hướng tới sự giải thoát.
Chính NSND Đàm Liên, người gần 50 năm gắn bó với nghệ thuật tuồng, đã thảng thốt kêu lên rằng: “Chỉ khi bắt tay vào viết tham luận cho hội thảo này, tôi mới ngộ ra rằng: yếu tố Phật giáo đã thấm đẫm trong nghệ thuật tuồng. Hóa ra là từ trước đến nay, mình vẫn diễn, vẫn hát tuồng, nhất là các vở tuồng của Đào Tấn, trong đó các nhân vật đặc sắc như Nguyệt Hạo đều có những dấu ấn của Phật giáo. Cái tinh thần Phật giáo chi phối cả cách thể hiện, lấy hơi nhả chữ mà mình không biết”.
Góc nhìn Phật giáo trong xử lý tác phẩm
Nhận ra yếu tố Phật giáo đã ảnh hưởng như thế nào đối với nghệ thuật truyền thống có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này giúp cho các nhà soạn vở, đạo diễn, diễn viên có một cách nhìn mới về tác phẩm. Cũng từ đó, tìm ra cách xử lý tác phẩm một tốt nhất.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái đã đưa ra một phát hiện khá bất ngờ nhưng rõ nét về điều này khi nhận ra “quá trình vận động thẩm mỹ trong tư duy chèo của NSND Trần Bảng trong quá trình thay đổi các mô hình thẩm mỹ của vở chèo Quan Âm Thị Kính dưới ánh sáng của mỹ học Phật giáo”.
Trong suốt 50 năm, NSND Trần Bảng đã 3 lần dựng vở chèo Quan Âm Thị Kính. Lần dựng đầu tiên, năm 1956-1957, chính NSND Trần Bảng đã tự thừa nhận rằng, ông chưa thấu suốt thông tin thẩm mỹ cốt lõi và những yếu tố Phật giáo đậm đặc trong tác phẩm cho nên ông đặt góc nhìn xã hội- lịch sử để tô đậm chủ đề phản phong.
Lần thứ hai dựng vở chèo Quan Âm Thị Kính 1968, ông cũng đã tự nhận ra sự thất bại của mình khi dựng nhân vật Thị Kính vẫn bị rơi vào bi kịch thuần túy và bị ép mỏng mờ nhạt trên sân khấu, thiếu hẳn vẻ đẹp của chữ tâm, chữ nhẫn của tinh thần Phật giáo. Phải đến lần thứ 3, năm 1985, sau khi thức ngộ bất ngờ trước pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát chùa Mía, ông mới có được một vở diễn mà theo PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, nó đã đạt tới vẻ đẹp mẫu mực của một vở chèo. Bởi khi đó thế giới nghệ thuật của tích chèo này đã được soi sáng bởi mỹ học Phật giáo.
Hiện nay, có rất nhiều người đang diễn tuồng nhưng lại không hiểu gì về những vấn đề văn hóa thẩm mỹ mà tuồng đã bị ảnh hưởng. Vì vậy, đề tài như thế này rất quan trọng. Nó giúp cho những người đang theo đuổi nghệ thuật tuồng có “chỗ bám” để sáng tạo nghệ thuật đúng với bản chất thẩm mỹ của tác phẩm và từ đó thăng hoa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận