![]() |
Hiển nhiên, nếu ông chỉ giới hạn trong việc nghe người khác nói, thì ông đã không thể trở thành một nhà triết học nổi tiếng, và cũng đã chẳng bị kết án tử hình. Thực ra, ông chỉ đưa ra các câu hỏi, nhất là để bắt đầu cuộc đối thoại, như thể ông là người không biết gì.
Trong quá trình đối thoại, ông sẽ để người kia nhận ra những điểm yếu trong luận cứ của họ, và khi bị dồn vào chân tường, cuối cùng họ sẽ phải nhận ra cái gì đúng, cái gì sai.
Mẹ Socrates là một người đỡ đẻ. Ông từng nói nghệ thuật của ông cũng giống như nghệ thuật của một bà đỡ. Chính bà không sinh ra đứa trẻ, nhưng bà giúp đỡ để nó được sinh ra. Tương tự, Socrates coi nhiệm vụ của mình là giúp đỡ mọi người “sinh hạ” sự thấu hiểu đúng đắn, do sự thấu hiểu một cách thực sự phải đến từ bên trong. Nó không thể được cấy bởi một người nào khác, và chỉ có sự hiểu biết đến từ bên trong mới có thể dẫn tới sự thấu hiểu thực sự.
Tôi sẽ diễn đạt lại một cách chính xác hơn: Khả năng sinh nở là một đặc điểm tự nhiên. Cũng như vậy, ai cũng có thể nắm được chân lý triết học nếu họ sử dụng lý tính bẩm sinh. Dùng lý tính bẩm sinh có nghĩa là lần tìm vào sâu trong bản thân và sử dụng những gì nằm ở đó.
Đóng vai kẻ không biết gì, Socrates đã buộc tất cả những người ông gặp phải sử dụng nhận thức thông thường. Ông biết cách giả vờ dốt nát. Ta gọi đó là “sự châm biếm của Socrates”. Nó giúp ông liên tục làm điểm yếu trong tư duy của mọi người bộc lộ ra. Ông cũng không ngại làm điều đó giữa quảng trường thành phố. Nếu gặp Socrates, rất có thể ta sẽ bị công khai biến thành một tên ngốc.
Do vậy, không phải chuyện lạ khi thời gian trôi qua, người ta ngày càng cảm thấy khó chịu về ông, đặc biệt là những người có vai vế trong cộng đồng. Tục truyền rằng ông đã nói, “Athens giống như một con ngựa lười biếng, còn tôi là một con ruồi trâu đang cố chích cho nó tỉnh ra”.
(Người ta thường làm gì với những con ruồi trâu, hả Sophie?)
Giọng nói thần thánh
Socrates chọc tức những người xung quanh không phải để hành hạ họ. Ông bị thúc ép bởi cái gì đó bên trong. Ông luôn nói rằng ông có một giọng nói thần thánh bên trong. Thí dụ, Socrates đã phản đối bất kỳ sự liên quan nào đến việc kết án tử hình người khác. Hơn nữa, ông còn từ chối tiết lộ thông tin về các địch thủ chính trị của mình. Cuối cùng, ông đã phải trả giá cho điều đó bằng cuộc sống của mình.
Năm 399 trước Công nguyên, ông bị buộc tội “đưa ra các thần linh mới và làm tha hóa thanh niên”, cùng với tội không tin vào các vị thần chính thống. Với gần như đa số, một bồi thẩm đoàn gồm 500 người đã kết luận ông có tội.
Lẽ ra, ông đã có thể xin ân xá, hoặc ít nhất cũng có thể đồng ý rời bỏ Athens để giữ tính mạng. Nhưng nếu làm vậy, ông đã không phải là Socrates. Ông coi lương tâm và chân lý có giá trị hơn cuộc sống. Ông đã cố thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng những gì ông đã làm chỉ nhằm phục vụ lợi ích cao nhất của thành bang. Tuy nhiên, ông vẫn bị kết án phải uống độc dược. Ít lâu sau, ông đã uống thuốc độc trước mặt bạn bè và chết.
Tại sao vậy, Sophie? Tại sao Socrates lại phải chết? Người ta đã đặt ra câu hỏi đó suốt 2.400 năm nay. Tuy nhiên, ông không phải là người duy nhất trong lịch sử đã nhìn nhận rõ mọi việc để đi đến một kết cục cay đắng, và chấp nhận chết cho niềm tin của mình.
Tôi đã nhắc đến Jesus, và thực ra có một số điểm đặc biệt tương đồng giữa hai người.
Cả hai đều là những tính cách bí ẩn đối với những người cùng thời. Không ai để lại ghi chép về các học thuyết của mình, do vậy chúng ta buộc phải dựa vào những hình ảnh do các học trò của họ vẽ nên. Nhưng chúng ta biết rằng cả hai đều là bậc thầy về nghệ thuật đối thoại. Họ có phong cách nói đặc trưng bởi tính thuyết phục mà có thể làm cho người ta say mê hay tức giận.
Một điều khá quan trọng là cả hai đều tin rằng họ đang nói với danh nghĩa của một đấng vĩ đại hơn họ. Họ thách thức quyền lực của cộng đồng bằng cách chỉ trích mọi hình thức của bất công hay tha hóa. Và cuối cùng, họ phải trả giá cho các hoạt động đó bằng mạng sống của mình.
Hai vụ xử Jesus và Socrates cũng có những điểm tương tự.
Cả hai đều đã có thể tự cứu mình bằng cách xin ân xá. Nhưng họ đều cảm thấy sứ mệnh của mình sẽ thất bại, trừ khi họ giữ vững niềm tin đến cùng. Và khi dũng cảm đón nhận cái chết, họ đã tập hợp được vô số môn đệ, ngay cả sau khi họ đã chết.
Tôi không có ý nói rằng Jesus và Socrates giống nhau. Tôi chỉ muốn em chú ý đến chi tiết rằng cả hai đều có một thông điệp gắn liền với lòng dũng cảm của họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận