15/01/2012 07:11 GMT+7

Nghe Táo báo cáo chuyện đời

NGA LINH
NGA LINH

TT - Kéo dài tới 12g đêm, buổi tổng duyệt chương trình Táo quân 2012 vừa kết thúc tối 13-1 và sẽ tiếp tục có hai đêm ghi hình vào ngày 14 và 15-1 tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

odWlUlcc.jpgPhóng to
Vấn đề giao thông với mô hình chiếc xe buýt được đưa lên sân khấu Táo quân 2012 - Ảnh: Nguyễn Khánh

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Cố gắng không né tránh

Những vấn đề được phản ánh trong Táo mỗi năm thật ra hoàn toàn phụ thuộc vào những gì đã diễn ra trong năm đó. Khi bắt tay lên khung kịch bản, chúng tôi thống nhất không né tránh bất kỳ lĩnh vực nào. Việc của êkip thực hiện là chọn ra những đề tài nóng nhất của từng lĩnh vực, với thể thao có thể là bóng đá, với giao thông là các chính sách bất cập được đưa ra liên tiếp... Quan trọng là phải gửi gắm mọi ý tưởng vào trong những tình huống hài hước, những lời thoại gây cười để khán giả thư giãn.

Năm nay chương trình có vẻ nóng hơn một chút vì ngoài êkip thực hiện, chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến nhân vật GS Cù Trọng Xoay - Đinh Tiến Dũng. Dũng làm việc với Gặp nhau cuối năm từ năm 2007 nên rất hiểu cá tính của từng anh em trong đoàn. Vì thế, cùng mọi người viết kịch bản Táo quân, Dũng có thể xây dựng những lời thoại, tình huống “đo ni đóng giày” cho từng diễn viên. Trên mạng, các ca khúc chế lời của Dũng rất thịnh hành, nên việc viết lời bài hát cho các Táo cũng là sở trường của Dũng.

Năm nay nhiều Táo sẽ báo cáo tình hình theo cặp và những bất cập dưới “hạ giới” tiếp tục được gửi gắm qua những ca khúc đắt khách đã được chế lời. Khán giả gặp lại những gương mặt quen Quốc Khánh (vai Ngọc Hoàng), Xuân Bắc (Nam Tào), Công Lý (Bắc Đẩu) bên cạnh Chí Trung (Táo giao thông), Vân Dung (Táo y tế), Tự Long (Táo thể thao), Quang Thắng (Táo kinh tế), Thành Trung (Táo điện lực). Chương trình được phát sóng từ 20g-22g ngày 22-1 (tối 29 tết) trên VTV1, VT2, VTV3, VTV4.

Táo giao thông “bí quá”, Táo thể thao... từ chức

Là chương trình được khán giả mong đợi sau một năm đầy sự kiện, vấn đề nổi cộm, đoàn quân Táo năm nay tiến vào sân khấu bằng chiếc xe buýt “hung thần xa lộ”!

Mở đầu là cặp đôi “thông” (Táo giao thông) - “dục” (Táo giáo dục), hai “sát thủ đầu mưng mủ” năm qua với những chính sách, cải cách mang tính đầy... phát minh! Năng lượng dồi dào trên sâu khấu và vốn nghề chắc tay khiến Táo giao thông của Chí Trung hễ ra sân khấu là khán giả cười bò. Nào là thị sát xe buýt, quăng lưới bắt xe máy, nắn đường, đổi biển, đổi giờ làm, tăng phí xe cộ... Táo giao thông có má đỏ hồng kêu gào “biết rồi” nhưng “bí quá”, vả lại những xe “điên”, đường lún, tàu hỏa đâm ôtô, tàu du lịch chìm, tai nạn giao thông thảm khốc chỉ là... “trường hợp hi hữu” thôi!

Đổ lỗi cho Táo giao thông khiến các phụ huynh đưa con đi học vất vả, bản thân Táo giáo dục vấp phải chuyện muôn năm cũ: nạn dạy thêm bên cạnh thu nhập đói của giáo viên, bằng cấp liên thông giả...Cả hai Táo cùng dắt tay nhau “càng làm càng sai phạm”.

Cặp đôi năm qua gây “ấn tượng và kèm nhiều tai tiếng” là y tế và kinh tế đã có màn đấu tố nhau từ chuyện giá cả tăng, chứng khoán giảm đến việc năm bệnh nhân một giường bệnh, cắt nhầm thận của bệnh nhân... Dù Vân Dung “xinh nhất làng Táo” và chiếm thời lượng lớn trong chương trình, nhưng cặp đôi “song tế” có khi lặp đi lặp lại nội dung diễn của mình. Thay Vân Dung diễn “Táo điện lực” năm nay, diễn viên trẻ Thành Trung với màn báo cáo về xả lũ thủy điện, tăng giá điện cũng chưa thật sự nổi bật.

Quyết định chọn những vấn đề nóng hổi của thể thao, có xen lẫn cả nội dung văn hóa, Táo thể thao của Tự Long được thả sức “tố tội” năm qua. Gỡ áo mũ xin từ chức, Táo thể thao với bộ complet thường phục đã được một phen “thẳng tay chém gió” mắng thẳng vào nạn cầu thủ móc ngoặc, trọng tài dàn xếp, sân bóng như sân khấu của diễn viên hay sàn diễn của ảo thuật gia... Lợi thế giọng hát và một sức khỏe tốt trên sân khấu, những phút độc diễn của Tự Long kéo Táo quân lên những khoảnh khắc thăng hoa vào phút cuối.

Nếu có “kém sắc”...

wGekFxKI.jpgPhóng to
Phụ trách hình ảnh Táo giao thông, NSƯT Chí Trung (phải) cho rằng mình có lợi thế hơn các bạn diễn vì: “Rõ ràng đây là một Táo “đầu ngành”. Năm qua giao thông có quá nhiều phát kiến khiến người dân vô cùng bức xúc, vì thế tôi càng có nhiều đất diễn để thể hiện hơn”. Nhân vật Táo này cũng được Ngọc Hoàng (Quốc Khánh) bầu là một trong hai Táo “đầu gấu hàng đầu thiên đình” - Ảnh: Nguyễn Khánh

Với một kịch bản được thực hiện bài bản, nhiệm vụ giao cho từng êkip riêng, khó có một sự kiện gây xôn xao dư luận nào lọt qua tầm mắt của các Táo trong Gặp nhau cuối tuần. Chỉ riêng với văn hóa, ngay từ bài hát của cô ca sĩ “dao kéo”, các tuyên bố hùng hồn của “nữ hoàng nội y”, hay đau buồn quanh việc thất thoát của Cục Điện ảnh được tái hiện. Những vấn đề xã hội gần đây nhất như xe cháy chưa rõ nguyên do cũng được nhắc lại. Quá kỹ lưỡng liệt kê tất cả vụ việc, lại dễ khiến các diễn viên khó tìm được nhiều cách báo cáo khác nhau. Thậm chí ngay cả khi diễn viên diễn rất sung, đôi khi cảm xúc của khán giả lại ở lưng chừng vì biết Táo bị nói hớ do... quên thoại. “Đôi khi việc biểu diễn tại sân khấu có thể hay hơn hoặc dở hơn so với bản dựng phát sóng. Những hạt sạn nếu có sẽ được phát hiện và trau chuốt khi xuất hiện trên truyền hình” - đạo diễn Đỗ Thanh Hải quả quyết.

Mặc dù lấy ý tưởng “cặp đôi hoàn hảo” để các Táo dễ báo cáo tình hình, song với những cách vận dụng: cải lương, xiếc, múa... khán giả ít nhiều có thể đoán ra được điều mình sẽ xem hoặc được thưởng thức. Sự xuất hiện của Táo lạ (NSƯT Quốc Anh) với màn hầu đồng tố các tội của Táo có thể là một nhân tố bất ngờ, và nếu được dàn dựng tốt sẽ nói được nhiều chuyện với khán giả trước thời khắc của giao thừa.

Diễn ra hằng năm với cách làm việc “gia đình” bởi sự thân quen của cả một êkip, có thể khó tìm thấy những yếu tố mới mẻ trong các tình huống kịch bản, các loại hình nghệ thuật phụ trợ, mọi sự đành trông chờ vào tài biến hóa diễn xuất của các gương mặt gạo cội và rất được khán giả yêu mến, tin tưởng. Có điều, phải chăng chính lịch làm việc khiến ngay cả đạo diễn cũng phải ái ngại đã ít nhiều lấy đi thể lực của các diễn viên. Năm nào cũng vậy, nửa tháng trước giờ quay chính thức, các Táo thường tập dượt từ 7g30 tối đến sáng hôm sau. “Chúng tôi không thể làm khác, vì tất cả anh chị em đều quá bận rộn với lịch diễn chồng chéo. Khi khán giả đã nghỉ ngơi hoặc đi ngủ, lúc đó các Táo mới tìm được một giờ chung để tập kết” - đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ.

Nhiều chuyện cấp bách phải lo

sU8J6Lsr.jpgPhóng to
Hình ảnh hiệp sĩ đường phố lên đến thiên đình vẫn còn ra tay bắt cướp là điểm sáng trong vở Một ngày đàng - Ảnh: Linh Đoan

HTV9: Năm nay chương trình Táo quân HTV có sự đổi mới khi chuyển giao “quyền lực” đạo diễn cho NSƯT Hồng Vân. Với kịch bản dài khoảng 100 phút Táo 2012 (kịch bản: nhóm tác giả Đài truyền hình TP.HCM), chương trình sẽ được ghi hình ngay tại sân khấu Phú Nhuận và phát sóng tối 22-1 (tức 29 tết) trên kênh HTV9. Vở có sự tham gia của lực lượng nghệ sĩ khá hùng hậu như: Chí Tài, Hồng Vân, Anh Vũ, Trấn Thành, Trịnh Kim Chi, Kim Huyền, Xuân Trang... Đặc biệt, Hoài Linh sẽ góp mặt trong vai Táo Bắc và sau đó được cử làm anh cả đỏ cai quản năm Rồng.

Đã nhiều lần tham gia các chương trình Táo quân của HTV ở vị trí diễn viên nên dù lần đầu làm đạo diễn chương trình này, Hồng Vân cho biết chị cũng không cảm thấy xa lạ và áp lực. “Chỉ có điều lâu lâu mới được làm đạo diễn nên tôi tranh thủ chen vô những nhu cầu cấp bách ở lĩnh vực của mình!” - Hồng Vân cười không giấu giếm “tham vọng”.

Cái cấp bách mà chị nói đó là chuyện thiên đình mở hội Táo quân mà các tiên nữ ăn mặc hở hang múa may lộn xộn, Nam vương uốn éo hát Đường cong, cháu của Nam Tào - Bắc Đẩu sau một thời gian “đu” giấc mơ làm nghệ sĩ dịp này cũng bung ra làm trò lố khiến Thiên Hậu phải đấm ngực kêu trời... Đó còn là cuộc tranh cãi bất tận giữa Táo văn nghệ và Táo kinh tế để giành quyền lợi phân chia ngân sách với lý luận không có kinh tế, không có ăn là chết đói liền chứ hổng có văn hóa thì... có sao đâu!

Táo 2012 còn cấp bách với chuyện Mèo liêm khiết dâng sớ trảm tập đoàn nhà chuột tung hoành, đục khoét nhân dân. Cũng bởi Ngọc Hoàng yêu cầu mail báo cáo lên cho ngài coi trước sau đó mới họp, nên nhà chuột đã lợi dụng kẽ hở đó để chạy, đút lót cho bà Táo mèo sửa dữ liệu trong USB từ trảm thành... thưởng. Và từ đây bắt đầu mọi rắc rối, cái xấu ngang nhiên tuyên chiến với điều thiện và những mặt trái được phơi bày...

BTV2: Đài truyền hình Bình Dương năm nay tiếp tục tin cậy tân Cù nèo vàng Hoàng Duẩn với khả năng viết kịch bản và đạo diễn vở táo Một ngày đàng (phát tối 29 tết trên BTV2). Kịch bản dài khoảng 130 phút là căn bệnh vô cảm ngày càng trở nên nhức nhối trong xã hội. Đó là cuộc hành trình đầy sóng gió của ba ông Táo văn hóa (Bảo Trí) - kinh tế (Phương Dung) - xã hội (Mai Dũng). Thay vì cưỡi cá chép một lèo lên thiên đình, họ quyết định vi hành. Và trong cuộc hành trình họ chứng kiến một tai nạn, kẻ gây tai nạn bỏ mặc nạn nhân, người đi đường cũng thờ ơ.

Trong khi Táo xã hội sợ trách nhiệm chuồn mất thì hai Táo còn lại khệ nệ đưa nạn nhân vào bệnh viện. Ở đây họ lại gặp phải sự thờ ơ của nhân viên y tế, rồi lại chứng kiến cảnh giang hồ xách dao rượt bác sĩ... Thoát được lên thiên đình, các Táo lại gặp một hiệp sĩ đường phố vì ra tay nghĩa hiệp bị giang hồ chém chết, hồn liêu xiêu bay về cõi trời...

SCTV7: Cũng vì căn bệnh vô cảm mà Bắc Đẩu khi thị sát bằng xe máy cùng Ngọc Hoàng, do xe bất ngờ cháy không rõ nguyên nhân phải đưa vào bệnh viện đã bị bác sĩ cắt mất quả thận cũng không rõ... nguyên nhân. Trong cuộc thị sát đó Ngọc Hoàng đã chứng kiến nhiều điều chướng tai gai mắt như nạn đua xe, “lô cốt”, hố tử thần... Cặp đôi hoàn hảo nhà Táo với cuộc thi “Nhà Táo hoàn hảo” còn khá đặc biệt vì có sự tham gia của ca sĩ Phương Thanh trong vai hoàng hậu cùng các nghệ sĩ khác như Phước Sang, Cát Phượng, Phú Quý, Minh Béo, Khánh Nam...

Cặp đôi hoàn hảo nhà Táo (tác giả: Nguyễn Huy; đạo diễn: Lê Quốc Tùng) phát tối 29 tết trên kênh SCTV7.

Năm nay nghệ sĩ - nhà văn Mạc Can góp mặt chuyện làng Táo với hai kịch bản táo quân cho đài Sóc Trăng và Đồng Tháp. Dù thời lượng tương đối ngắn nhưng ông cũng lồng ghép được vào đó những ý tứ nhẹ nhàng, sâu sắc.

Đài Sóc Trăng có vở Thần Táo và Ngọc Hoàng (dài 60 phút. Đạo diễn: NSƯT Việt Anh, phát sóng tối 23 và 29 tết) phản ánh tình trạng ứng xử trong văn hóa cộng đồng xuống cấp, va chạm nhẹ cũng có thể gây ẩu đả. Bên cạnh đó là nỗi lo “đinh tặc”, “hố tử thần”, cướp giật... Sau tất cả mọi chuyện, Ngọc Hoàng đã lưu ý Táo quân cứ lo mấy chuyện vĩ mô, còn việc quan trọng, thiết thực nhất của Táo, của người làm quan là phải chăm lo miếng cơm manh áo cho người dân.

Trong khi đó vở Ba ông Táo vùng lũ (dài 45 phút, đạo diễn: Quốc Thuận, phát sóng ngày 23 tết) của Đài Đồng Tháp lại quan tâm đến chuyện biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến đồng bằng sông Cửu Long, nạn bạo hành trong gia đình ở nông thôn...

Góp mặt trong những vở kịch Táo của các đài truyền hình miền Tây là Đài Long An với vở Chuyện Táo năm Thìn (tác giả: Diệp Vàm Cỏ, đạo diễn: Hoàng Duẩn). Vở phản ánh tiêu cực nhẹ nhàng thông qua cuộc thi vượt vũ môn hóa rồng để cai trị trần gian của cá Hồng lý ngư và Hoàng lý ngư. Hồng lý ngư đã móc ngoặc với Nam Tào - Bắc Đẩu để đánh bại Hoàng lý ngư.

Tuy nhiên, do người dân bức xúc “méc” Ngọc Hoàng và kể tội hai ông kia xuống trần gian rủ nhau tắm tiên và “nhậu sinh thái” nên cuộc thi đã được xem xét lại. Vở sẽ được phát sóng tối 29 tết.

NGA LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên