![]() |
Xuân Bắc kể chuyện trong tiểu phẩm Lớp học dạy yêu |
Trò chuyện với phóng viên TTCN, Xuân Bắc kể:
Tôi sinh ngày 21-8 tại Việt Trì, sinh năm nào thì... xin được giấu. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu - điện ảnh, tôi đầu quân cho Nhà hát Kịch VN và làm việc ở đó cho đến nay. Trong số nhiều vai diễn không thể nhớ hết được; tôi có thể kể ra một số vai nhận được những nhận xét tích cực như nhân vật Thiện trong 12A&4H, Tài trong Chuyến taxi cuối cùng, Thắng trong Mười cô gái Đồng Lộc, Núi trong Sóng ở đáy sông.
Đó là phim, còn về kịch là một số vai như Ánh trong vở Cánh cửa hi vọng, Tài trong vở Đi tìm điều không mất, và vai anh phu xe trong vở Người ngựa, ngựa người (chuyển thể từ truyện của nhà văn Nguyễn Công Hoan) đã dự thi Tài năng sân khấu trẻ toàn quốc năm 2003.
* Sau vai Núi trong phim Sóng ở đáy sông anh bắt đầu nổi lên trong lĩnh vực sân khấu hài. Vì sao anh lại chuyển... tông như thế?
- Khi sân khấu cần tôi đóng hài kịch tôi sẽ đóng, cần tôi diễn chính kịch tôi cũng sẽ làm. Tôi diễn hài vì thấy cần phải làm thế. Bây giờ tôi vẫn tự xếp mình vào dạng “người tìm việc” chứ không phải là “việc tìm người”. Một nguyên do khác nằm ở phía khán giả. Khán giả thích tôi diễn như thế nào, tôi sẽ diễn như thế. Tôi thích mọi việc diễn ra một cách hồn nhiên.
* “Hồn nhiên” có nghĩa là không phải chịu một áp lực nào hết?
- Có áp lực chứ, nặng nề là đằng khác. Áp lực lớn nhất là trách nhiệm trước khán giả. Mỗi khi gặp phải một sơ sót trong khi diễn, chẳng hạn như bị phân tâm hoặc quên lời, micro hỏng làm khán giả không nghe thấy lời diễn viên, tôi đã buồn suốt cả tuần vì biết rằng những sơ sót của mình sẽ dẫn đến những đánh giá sai hoặc thất vọng về một diễn viên từ phía khán giả.
Tôi nói “hồn nhiên” có nghĩa là khi lên sân khấu tôi không phân biệt ai đang ngồi xem mình diễn. Đối với tôi, việc biểu diễn trước một vị lãnh đạo cao cấp hay biểu diễn cho các em thiếu nhi xem cũng đều như nhau cả.
* Ba giải thưởng Gala cười quả là một thành công lớn đối với anh...
- Những ngày còn học Đại học Sân khấu - điện ảnh, tôi thường tự hỏi không biết khi nào băngrôn có tên mình được treo trên đường, khi nào sẽ có nhà báo đến phỏng vấn mình. Đến khi bước vào nghề tôi diễn hết mình, không phân biệt vai lớn vai bé và rồi nhận ra đối với tôi giải thưởng thật ra không quan trọng, điều quan trọng là có đóng góp được gì hay không cho sân khấu hay điện ảnh. Tất nhiên cũng phải nói rằng giải thưởng vừa nhận được đã giúp tôi nhận ra rằng mình đang được khán giả yêu mến. Đó là một niềm vui rất lớn.
* Dư luận đánh giá về chất lượng của các tiểu phẩm trong Gala cười nhiều khi trái ngược, thậm chí phê phán nặng lời; là một người trong cuộc anh nghĩ sao?
- Không phải ai cũng thích diễn hài và không phải diễn viên nào cũng diễn hài được. Diễn hài không để bị chửi, bị chỉ trích là một điều rất khó. Tôi quan niệm Gala cười là một nơi làm việc hoàn toàn nghiêm túc. Bên cạnh những tiếng cười, có rất nhiều giọt nước mắt của chúng tôi.
Khi tham gia chương trình “Gặp nhau cuối tuần”, các diễn viên được trả thù lao 500.000-1 triệu đồng/người nhưng làm việc căng thẳng tưởng... chết. Rất nhiều khi đạo diễn Thanh Hải, Tự Long, đạo diễn trẻ Thế Anh, chị Minh Hằng và tôi phải cùng nhau bàn bạc đến 3g sáng để tìm ra một cái gì đó khác, mới mẻ hơn cho chương trình sắp tới.
Ba ngày trước lễ trao giải Gala cười, tôi không thể ăn nổi một bát cơm vì lo không tìm ra được ý tưởng để diễn. Quả thật, trong quá trình thực hiện chúng tôi có thể biết được chỗ nào dở, chỗ nào hay nhờ những lời góp ý từ phía công chúng; nhưng để làm một chương trình thật trọn vẹn là điều rất khó đối với tất cả thành viên vì nhiều lẽ: kinh phí hạn hẹp, kịch bản không có mà chỉ có ý tưởng, chưa có trường lớp đào tạo diễn viên hài chuyên nghiệp nên chúng tôi phải “Thiếu Lâm tự” hết, đã vậy thời gian luôn luôn thúc bách. Sơ sót xảy ra là điều đương nhiên. Tôi biết có người xem chương trình “Gặp nhau cuối tuần” chỉ cười mỉm, có người cười nhếch mép, có người cười ha hả, có người lao đến tắt tivi cái bụp! Có nhiều lớp khán giả và khó có thể chiều lòng tất cả. Chỉ có thể nói một điều là chúng tôi đã cố gắng hết sức mình.
* Anh sẽ tiếp tục tham gia “Gặp nhau cuối tuần”?
- Nếu không còn “Gặp nhau cuối tuần” tôi sẽ cảm thấy tiếc vì không còn được cộng tác với truyền hình, tiếc vì không có chỗ để mình nhặt nhạnh cái hay cái dở trong khi diễn, tiếc vì mất đi một chủ đề nóng bỏng để người dân bàn tán, báo chí nhận xét, tiếc vì không còn những tác phẩm hài để từ đó người xem có thể tự rút ra một điều gì đấy cho chính mình. Nhưng tôi không lo rằng mình sẽ không còn đất diễn hài, ngoài “Gặp nhau cuối tuần” vẫn còn rất nhiều chương trình biểu diễn của Nhà hát Kịch VN sẽ được lưu diễn khắp các tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận