Phóng to |
Thanh Thủy xuất thần trong Cánh đồng bất tận - Ảnh: GIA TIẾN |
Trong truyện Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Sương là một cô điếm rất lạ. Bỏ nghề rước khách trên cạn, cô đi theo Út Vũ sống đời dong ghe không bến không bờ, chẳng phải hoàn toàn vì yêu mê người đàn ông hận vợ này mà vì xót thương hoàn cảnh của hai đứa nhỏ xa mẹ: Nương và Ðiền.
Ngay trong lần "gặp" Sương trong tác phẩm văn học, Thanh Thủy đã có cảm giác như mình bị "mất thăng bằng" bởi sự lung linh trong tâm hồn cô. Ðến khi được đạo diễn Minh Nguyệt chính thức đặt lời mời vào vai Sương trong vở kịch do chị chuyển thể từ tác phẩm trên, Thanh Thủy mới giật mình, bởi Sương là một cô gái trẻ đẹp. Nhân vật được tả trong truyện là thế, mà có một thân thể tươi mát, hấp dẫn âu cũng là một "luật định" xưa nay cho người làm gái. "Còn sức trẻ của mình - chị cười tâm sự - dường như đang bị chế giễu bởi câu hát ngày ấy xa rồi...ngày ấy xa rồi..."!
Những thời khắc xuất thần
Thanh Thủy biết rõ nhận một vai như vậy là thử thách, nhưng từ chối nó lại là một thử thách lớn hơn. Chị tìm thấy nơi nhân vật một tình thương - thứ tình thương không thể rờ mó, không mua được bằng tiền nhưng có giá trị thiêng liêng vô bờ và có khả năng đem lại sự sống cho con người.
Trong suy nghĩ của Thanh Thủy, Sương không cứ là một cô gái trẻ mà có thể là một người vợ, một người mẹ. Lâu lắm mới gặp được một vai hay, càng lạ lẫm càng hay nên chị cho phép mình tự "nặng lời" để thể hiện một quyết tâm: "làm không được thì mang nhục, thì bỏ nghề!". Và chị đã nhập vào Sương với tất cả sự rung cảm và tràn đầy lòng tin. Vậy mà ở buổi diễn đầu tiên vở Cánh đồng bất tận (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B, TP.HCM), Thanh Thủy có cảm giác như đang quay lại thời khắc 20 năm trước với bài thi tốt nghiệp, hồi hộp không biết sẽ thành công hay thất bại.
Cô gái ăn sương của chị không phô diễn nét gợi cảm về xác thịt nhưng lại khiến người ta buốt lòng về nỗi thèm khát được sống cho ra một con người. Có lúc tưởng có thể ngất đi trong vô vọng, nhưng rồi bằng niềm tin từ trong sâu thẳm như chút ánh sáng lóe lên phía chân trời xa, cô lại gượng dậy. Cách diễn như rút ruột rút gan của Thanh Thủy cho phép người ta tin rằng Sương thật sự đã trở thành chỗ dựa của hai chị em Nương và Ðiền. Sương chính là một khát vọng sống của con người.
Thanh Thủy là vậy, đã "lên sàn" là quăng hết ruột gan, không còn nhớ đến bản thân mình. Khác với thân phận dưới đáy xã hội của Sương trong Cánh đồng bất tận, ở vai thái hậu Nguyễn Thị Anh trong vở Bí mật vườn Lệ Chi (Sân khấu IDECAF), Thanh Thủy lại mang vẻ mặt "sát thủ" của kẻ bề trên đang khống chế một vương triều. Chị nói hồi nhỏ học sử không nghe nói nhiều đến Nguyễn Thị Anh, đến khi nhận vai diễn, tìm hiểu mới biết đây là một người đàn bà có nhiều tham vọng, đã nắm quyền trị vì đất nước đến 15 năm.
Trong vụ án tru di tam tộc Nguyễn Trãi, bà biết mình sai mà vẫn ra tay tận diệt người tài đức, hiểu rõ tại sao mình phải làm điều ác. Trên sàn tập có lúc chị đã xỉu vì đói. Ðến khi diễn tới suất thứ 20, cứ nghe hồi trống cuối cùng vang lên, chị vẫn thấy mình choáng váng, đầu óc chao đảo muốn ngã, nhân viên hậu đài phải xốc chị vào hậu trường, Thanh Thủy mới hiểu trước đây mình xỉu không phải vì đói.
Vai diễn quá căng. Trên sân khấu chị như chỉ còn là hình hài được Nguyễn Thị Anh vay mượn. Chất giọng vốn nhẹ mỏng thường ngày của chị bỗng trở nên nhọn sắc như dao. Cứ mỗi lần người đàn bà ấy xuất hiện, không khí như có tang ma, các bầy tôi vây quanh như trở thanh giun dế. Thanh Thủy nói rằng ở vở này, trước khi mở màn 15 phút, hậu trường im lặng như tờ, không ai dám đùa giỡn và từ thời khắc đó chị đã nhập làm một với Nguyễn Thị Anh.
Phóng to |
Thanh Thủy (vai Sương) và Hoàng Thành (Điền). Trong tháng 5 này, Cánh đồng bất tận tiếp tục được diễn trên sân khấu 5B Võ Văn Tần -Ảnh: GIA TIẾN |
Người đàn bà giữa hai thế giới
Thanh Thủy có một cách sống khá tách bạch giữa một ngôi sao sân khấu và một phụ nữ trong đời thường. Khi theo học diễn viên, chị nghĩ đây cũng là một nghề để sống như bao nhiêu ngành nghề khác, và không hề nghĩ có một ngày nghề diễn viên lại đưa mình trở thành người của công chúng. Với chị, cánh gà sân khấu chính là lằn ranh phân định hai thế giới trong cuộc đời mình. Từ cánh gà bước ra sàn diễn là chị quên hết những gì thuộc về mình, chỉ còn lại nhân vật mình sắm vai. Và từ sàn diễn bước vào, chị lại là một phụ nữ bình thường với những vui, buồn và những bổn phận.
Thanh Thủy lập gia đình khá sớm, yêu và lấy người bạn trai cùng lớp đạo diễn làm chồng. Vì vậy ngay từ những năm tháng mới vào nghề, ngoài thời gian nhọc nhằn phấn đấu đi tìm cho mình vai diễn, chị đã là một phụ nữ của gia đình, rất tận tụy với chuyện chợ búa cơm nước. Nhưng rồi dẫu đã cố công vun quén, cuộc hôn nhân đầu tiên cũng nửa đường đứt gánh. Cuộc hôn nhân thứ hai của chị cũng được khởi đầu một cách khá khó khăn. Lúc ấy dẫu đang là một cô đào sáng giá, nhưng vì để bảo toàn hạnh phúc, chị đã đột ngột âm thầm rời bỏ sàn diễn, sống cuộc đời ẩn dật, để lại cho khán giả sân khấu biết bao tiếc nuối.
May mà vài ba năm sau đó, khi biển lặng trời yên, Thanh Thủy đã trở lại "thánh đường" của mình, tiếp tục hóa thân thành công nhiều số phận con người mới trên sàn diễn. Giờ đây, niềm hạnh phúc lớn nhất của chị là ngày ngày được nhìn ngắm, chăm chút hai cô con gái nhỏ tên "cà": Cà Rốt và Cà Na. Chị nói không có thành công nào lớn bằng những đứa con. Không sợ nghèo, không sợ đói, không sợ bị bỏ rơi, không sợ đàn ông, chỉ sợ con! Thanh Thủy cười thú nhận như vậy. Chị tự nguyện làm một Thanh Thủy của gia đình - là người thích vào bếp, thích làm bánh, đi ăn ở đâu cũng "bươi" coi trong đó có gì để về nấu cho chồng, con, bạn bè ăn.
Chị thích làm bạn với những người vui tính, có thể làm cho mình cười, bản thân chị trong giao tiếp bạn bè cũng thích chọc ghẹo mọi người. Thế nhưng từ trong sâu thẳm, Thanh Thủy luôn nghe rõ nỗi đau đời. Những lúc khóc thầm trong đêm, chị lờ mờ nhận ra hình như mình chưa có được một tình yêu đích thực. Chị thường có cảm giác mất thăng bằng và sợ độ cao, bởi không biết có lúc nào mình nhảy xuống để được yên nghỉ. Sự nhạy cảm trong các vai diễn phần nào được chị lấy từ sự trải nghiệm của chính đời mình.
Thanh Thủy là một trong những gương mặt xuất sắc của thế hệ diễn viên kịch nói ở Sài Gòn sau năm 1975, được dư luận tôn vinh là thế hệ vàng. Nhưng so với bạn bè cùng thời, những tinh anh của chị được “phát tiết” khá chậm. Khi những Hồng Vân, Hồng Đào... làm mưa làm gió ở Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm 5B vào những năm cuối thập kỷ 1980 thì mãi đến những năm 1990, Thanh Thủy mới xuất hiện với vai diễn đầu tiên là vai bà già đi qua cầu trong vở Ngụ ngôn năm 2000 (tác giả Lê Hoàng). Bà già trong bộ bà ba đen, khăn trùm gần kín mặt, lọm khọm dợm bước trên chiếc cầu khỉ chỉ một người đi. Không ai nhìn rõ mặt Thanh Thủy, nhưng giọng nói cùng cách diễn thông minh và duyên dáng của chị đã thật sự lôi cuốn người xem. Sau vai diễn này, chị được xem như một phát hiện bất ngờ và tiếp đến, sân khấu truyền hình chính là chiếc đòn bẩy bước đầu đưa chị đến trái tim người xem với những vai diễn rất ấn tượng trong các vở kịch Sợi dây đay, Hoa xuyến chi, Kỷ niệm một thời áo trắng, Trái tim người lính... Nhưng phải đến khi về cộng tác với sân khấu IDECAF, Thanh Thủy mới thật sự phát huy được hết sở trường, tên tuổi chị trở thành thương hiệu của sân khấu này bên cạnh những Thành Lộc, Hữu Châu... với hàng chục vai diễn được yêu thích trong suốt hơn mười năm qua mà vai thái hậu Nguyễn Thị Anh là một ví dụ. Cũng ở sân khấu này, thỉnh thoảng chị được trở về với nghề nghiệp chính được đào tạo là đạo diễn. Ả cave nhà hàng Maxim, Chuyện làng Ung, Tiếng vạc sành, Quan Thích - thích làm quan... là những vở chị đã thể hiện tay nghề dàn dựng. Có bi có hài, có nụ cười có nước mắt là điểm chung nhất trong các vở chị đạo diễn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận