![]() |
Ca đầu tiên bị chết do đẻn biển “nổ” (cắn) là ông Lê Văn Giảng. Hồi ấy ông Giảng chưa có kinh nghiệm bắt đẻn. Ở giữa biển khi xúc được con đẻn to ông liền thò tay vào bóp chặt cổ theo kiểu bắt rắn rừng. Con đẻn gồng mình, cuốn chặt cánh tay và rút mạnh làm tê lạnh cả người, khiến ông Giảng phải buông tay. Vừa buông thì ông liền bị đẻn “nổ” ngay.
Chiếc thuyền cách 40km cấp tốc quay mũi nhưng đến nơi thì ông Giảng đã chết. Ca tiếp theo là trường hợp em Hải (12 tuổi). Một lần đi biển, cha của Hải bắt được ba con đẻn cơm nhốt dưới thuyền chờ ngày biển động làm mồi nhậu. Sau khi làm thịt đẻn, một cái đầu đẻn bị cắt lìa vứt ra sàn thuyền miệng mở hoác. Hải ngồi cạnh, đưa tay sờ vào miệng đẻn. Tự nhiên miệng con đẻn ngậm lại, Hải rút tay ra thì thấy hoa cả mặt mũi, ngực tức tối khó chịu. Người nhà cõng Hải chạy lên trạm xá nhưng em tắt thở sau chưa đầy 10 phút.
Đẻn có bốn loại: đẻn cơm, đẻn rồng, đẻn xanh, đẻn cò. Cả bốn đều có những độc tố rất mạnh. Đẻn cơm, đẻn cá cũng chỉ là một (người Quảng Bình chỉ gọi là đẻn cá). Đẻn cơm mình ngắn, da phớt vàng, hễ chạm nọc của nó là chết (như trường hợp em Hải). Đẻn rồng (đầu giống hệt đầu rồng) mình dài, vằn vện đen trông rất ghê. Con nhỏ khoảng 800g, con lớn nặng đến 4kg. Khi gặp đẻn rồng phải hết sức cẩn thận bởi nó là loại đẻn rất nhanh và khỏe, có thể bơi như xé sóng để phóng độc. Đẻn xanh đầu vừa ngắn, vừa khô, da mái xanh. Đẻn cò nặng nhất cũng chỉ đạt 1,2kg. Loại này có ngoại hình rất lạ: đầu và cổ (dài 20cm) bé như chiếc đũa con nhưng toàn thân lại có thể phình to như bắp chuối. Đây là loại đẻn độc nhất, nếu đã “nổ” thì đừng mong cứu sống nếu chậm.
Những vùng biển dài cát pha thường có nhiều đẻn chung sống sinh nở. Mùa đông đẻn lặn sâu xuống đáy bùn ăn rong rêu và cá con. Mùa hè, đẻn kéo từng đôi bơi lượn trên mặt biển để săn mồi. Đẻn rất ưa ánh sáng, nhất là ánh sáng chiếu mạnh của những loại đèn cao áp. Vì thế các ngư phủ Cẩm Nhượng săn đẻn bằng cách dùng đẻn vào lưới để bắt. Chính cái chết của ông Giảng do liều lĩnh bắt đẻn bằng tay đã giúp họ nghĩ cách chế tác chiếc vượt được đan bằng lưới mành, có cán tre dài 3m để bắt đẻn gọn gàng và an toàn. Đẻn nằm trong vượt được lựa đầu cho vào miệng chiếc can lớn đựng đầy nước nước mặn như một trò ảo thuật.
Tháng ba bắt đầu mùa săn đẻn. Tháng tư, năm, sáu là dịp nghề săn đẻn hái ra tiền. Chị Nguyễn Thị Liếu, giáo viên về hưu ra buôn bán nơi gò cửa Nhượng đã chục năm, nay trở thành “bà chủ đẻn” ở cửa biển này. Chị vừa mua đẻn ở đây vừa thu mua đẻn từ vùng biển Vũng Áng, biển Hói, Cẩm Dương, Cẩm Hòa, Cẩm Long tập kết về. Có những mùa đẻn chị mua cả tạ đem về nuôi cho lại sức mới bán sang Trung Quốc. Chị cho biết: “Khi có cơn sốt đẻn, ngoài lưới mành người ta còn dùng cần câu để câu đẻn. Do đẻn “sốt” liên miên nên bây giờ người ta săn đẻn phải ra khơi xa trên 50 hải lý mới lùng được đẻn. Khi nghề buôn đẻn mới phát, mỗi ký đẻn chỉ có 4.000đ nay lên tới 150.000đ/kg nên dân Cẩm Nhượng ai ai cũng đi săn đẻn. Ngoài các lão ngư lão luyện tay nghề, có những đứa trẻ 9-10 tuổi.
Năm 1998 con trai duy nhất của nạn nhân Lê Văn Giản là Lê Văn Huy đi săn lùng đẻn biển, khi vào bờ đang lúc cầm cân để bán thì bị con đẻn cò rướn người lên để đớp. Vợ con đưa lên trạm xá, Huy chưa ngồi đã gục đổ xuống, cả nhà khóc lóc, cáng Huy chạy về nhà ông Nguyễn Duy Khai ở ven vùng biển Thiên Cầm. Ông Khai đem một loại thuốc đặc biệt bôi vào vết thương, chỉ sau 5 phút Huy tỉnh lại.
Ông Khai kể: “Lúc đầu tôi không nghĩ mình sẽ chế được thuốc chữa nọc đẻn vì có nguời chỉ sau 5- 10 phút gặp họa đã chết”. Tình cờ năm 1985, trong chuyến buôn đẻn đầu tiên sang Trung Quốc, ông Khai được một người Hoa chuyên buôn đẻn biển tặng mười viên biệt dược và dặn: “Người bị đẻn cắn nếu hoa mắt, gục xuống thì cho uống liền hai viên. Người chưa hoa mắt uống một viên là khỏi”. Như được bảo bối, ông Khai về làng cho những chủ thuyền thân tín nhất mỗi nguời một viên để phòng thân ngoài biển xa. Đến lúc chỉ còn một viên, ông nghiền nhỏ đem ra Hà Nội nhờ một số đồng nghiệp cũ ở một số bệnh viện xét nghiệm và bào chế. Sau nhiều lần thử nghiệm thuốc rất công hiệu. Từ năm 1990 đến nay ông Khai đã chữa khỏi cho hàng chục người bị đẻn cắn, trong đó có những trường hợp rất đặc biệt. Mới đây anh Quy, chủ hảng hải sản ở thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), bị đẻn cắn được bệnh viện tỉnh trổ động mạch cho máu độc ra, đồng thời tiếp máu vào vẫn không xong, đã được ông Khai chữa lành. Theo ông, viên thuốc này đủ chữa khỏi cho khoảng 2.000 người và cũng chưa một lần ông Khai thất bại (trừ những trường hợp cấp cứu chậm để nọc độc nhập tim).
Gần đây trong các mùa du khách vùng biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh) đến các thị xã biển Cửa Lò (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hóa), thịt đẻn, rượu đẻn, cháo đẻn và huyết đẻn đã vượt xa các đặc sản biển quen thuộc như tôm, cua, mực, ốc thành mốt ăn thời thượng của những người sẵn tiền. Vì vậy, đẻn biển trở thành món hàng “độc”. Chính nhu cầu tìm mua đẻn biển đã khiến ngư dân Cẩm Nhượng ngày đêm dong thuyền trên biển sóng săn lùng mặc dù họ thừa biết đây là một công việc cực kỳ nguy hiểm.
Ăn rắn biển
Người Nhật tiêu thụ rất nhiều hải sản, trong đó rắn biển được coi là có vị thuốc. Đặc biệt người dân trên đảo Okinawa rất thích món rắn biển mà họ gọi là ibaru. Người Việt ở nhiều vùng biển khắp đất nước cũng ăn rắn biển hay con đẻn, và khi đánh bắt được nhiều ngư dân còn phơi khô để dành như cá khô.
50 loài đẻn
Có khoảng 50 loài rắn biển - tất cả đều mang nọc cực độc - thuộc họ Hydrophiidae, chủ yếu sống ở các vùng biển phía tây Thái Bình Dương và ở Ấn Độ Dương. Cũng có vài loài rắn ở đông Thái Bình Dương, ngoài khơi vùng Trung Mỹ và phía bắc Nam Mỹ.
Rắn biển có hình dạng như con lươn nhưng đuôi của nó tựa mái chèo với sức đẩy tới rất mạnh. Là một tay bơi lặn cừ khôi dưới nước, rắn biển trở nên lờ đờ khi ở trên cạn. Thường chúng sống và săn mồi ở độ sâu trung bình 1,5m nhưng cũng có lúc xuống sâu hơn 3m. Một số loài rắn biển có lớp da màu sắc rực rỡ, chẳng hạn loài rắn biển bụng vàng, da lưng màu nâu hay đen, cổ và ức lại màu vàng chanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận