27/05/2015 15:21 GMT+7

Nghề “rung đùi là... có tiền”

Đặng Phương Anh (TP.HCM)
Đặng Phương Anh (TP.HCM)

Không biết từ bao giờ người ta gọi nghề may là nghề “rung đùi cũng có tiền”, là nghề  nhàn nhã. Thực tế, với thâm niên gần 20 năm trong nghề may, tui nếm trải đủ chuyện vui buồn, xin chép ra chia sẻ. Nếu chị em nào có chuyện vui hơn, mình tiếp tục nhé!

Đi may đồ là những người có dáng khó chọn đồ may sẵn, những người muốn có bộ đồ theo thiết kế riêng hoặc mua đồ không vừa ý nên muốn sửa lại. Khách hàng của tôi đủ kiểu, đủ “xì-tai”. Tui ấn tượng hoài với một chị  chỉ thích vải chấm bi. Khi thì nền trắng chấm bi đen, khi thì nền đen chấm bi trắng, có “phá cách” thì cũng nền trắng bi xanh. Có chị U50 nhưng thích hoa văn màu mè. Cũng có chị nghiện mặc đồ mới, có tiền là đi may, khiến anh chồng đến la bai bải.

Người ta nói nghề may là nghề  làm dâu trăm họ thiệt không sai. Có những người khách rất khó tính, cò cưa giá cả cứ như mua hàng ở chợ với lý lẽ: “Cái đó đưa tui đạp cũng được, chút xíu là xong sao lấy mắc vậy?”(vậy sao không đem về mà đạp?).  Có chị buồn buồn là đi may, nhưng may xong rồi để đó luôn không tới lấy. Có người mới yêu cầu bóp vào, lại đòi nới ra, rồi lại bóp vào nới ra… Ôi trời, khó đến thế mà tui cũng phải chiều trong khi ông chồng tui suốt ngày mặc đồ nhăn nhúm, quần áo rách phải tự vá.  Đó là chưa kể khi đo quần áo cho một ông chồng mà bà vợ đứng kế bên tui cũng phải cẩn thận, không khéo bị “đốt nhà” như chơi.

Để may được một bộ quần áo đẹp, người thợ may không đơn thuần chỉ theo công thức rập khuôn mà phải tính toán sao cho hợp với vóc dáng của khách hàng. Có thể nói nghề may vừa kết hợp tính toán với mỹ thuật. Thế nhưng nhiều chị em lại cứ tưởng thợ may còn là nhà ảo thuật, họ yêu cầu may được bộ đồ mà hô biến được mỡ bụng, tròng vào người là có eo thon dáng chuẩn. Mỗi  dịp lễ tết hay trước năm học mới, người may nhiều, lại hối gấp nên nhiều lúc tôi cũng mang tiếng thất hứa. Có người đưa tiền công trước để tôi may nhanh, lỡ nhận tiền mà may chưa kịp, đi chợ gặp mặt khách tôi né như trốn nợ, điện thoại  cũng không dám nghe.

Tiệm may của tui cũng là nhà, có lẽ vì vậy người may cũng thấy gần gũi với thợ nên nhiều bà nhiều chị tranh thủ “tám” khi đến may, hay chờ sửa. Có chị đến là nói xấu mẹ chồng, có bà lại  than vãn con dâu… Chỉ ngồi trong nhà nhưng chuyện đầu làng cuối ngõ, từ chuyện nhà A mới mua xe lên đời cho con đến con chó nhà B bỗng dưng có dấu hiệu không bình thường… tui đều biết tuốt.

Làm thợ may lâu năm nên bên cạnh bệnh đau lưng, tui còn có thêm bệnh nghề nghiệp. Thấy ai lấy cái áo mình từng may, dù đã cũ, ra làm giẻ lau nhà tui cũng nóng mắt. Đi đường tui cứ nhìn các cửa hàng quần áo mà không chú ý đường đi, xem phim toàn để ý đến quần áo diễn viên, xem xong chả biết nội dung nói gì. Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, nghề này giúp tôi rèn được tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, thỉnh thoảng còn được con gái khen  mẹ tư vấn chọn đồ cho con không sợ lỗi mốt. Tôi còn tái chế lại quần áo cũ cho những người trong gia đình, vừa tiết kiệm tiền, vừa có những kiểu trang phục không đụng hàng.

undefined

Đặng Phương Anh (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên