29/06/2010 22:56 GMT+7

Nghe đàn đá ở nhà thầy Khê

Theo ANH KHANGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo ANH KHANGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Một điều khiến những người yêu mến âm nhạc dân tộc cùng GS.TS. Trần Văn Khê cảm thấy ấm lòng nhất trong đêm 19-6 là dù ngoài trời mưa không dứt và trái bóng đang lăn trong mùa World Cup, vẫn có rất đông khán giả đến dự đêm sinh hoạt nghệ thuật mang chủ đề “Đàn đá - nhạc cụ gõ cổ nhất trong truyền thống Việt Nam”.

Nhạc cụ gõ cổ nhất của âm nhạc dân tộc

U0fqauhV.jpgPhóng to
Các khán giả cùng tham gia biểu diễn

Từ thời xa xưa, tại nước ta đã xuất hiện và lưu truyền hai loại nhạc cụ độc đáo, mang ý nghĩa nghệ thuật lẫn văn hóa cao là trống đồng của dân tộc Kinh ở miền Bắc và đàn đá của dân tộc Tây Nguyên ở miền Nam.

GS.TS. Trần Văn Khê đã tái hiện dòng lịch sử để quay về với Tây Nguyên thời cổ đại và cho người dự khán một cái nhìn toàn cảnh về di sản độc đáo mà tiền nhân của chúng ta đã sáng tạo nên. Có thể nói trên thế giới, chỉ ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam mới có những bộ “đàn đá kêu”, ghép từ những phiến đá có âm sắc mà người dân tộc gọi là goong lu (tức là đá kêu như những chiếc cồng).

Những thanh đá này thường được đẽo từ đá nham, dáng đá dài nên không thể treo được, mà phải để nằm song song nhau trên một giá ngang. Mỗi thanh có vết mòn và chỉ cho được một âm khác nhau vang to khi gõ vào (riêng đàn đá Khánh Sơn có một thanh xuất hiện đến hai chỗ mòn cho ra hai âm riêng biệt). Âm thanh phát ra từ những thanh đá này cũng không cố định theo 12 âm luật lữ hay thang âm ngũ cung, mà phù hợp với những loại thang âm được dùng trên Tây Nguyên.

jCHyypn8.jpgPhóng to
GS.TS. Trần Văn Khê giới thiệu về nguồn gốc của đàn đá

Bộ đàn đá đầu tiên được tìm thấy tại Việt Nam vào năm 1949 là đàn Ndut Lieng Krak, gồm 11 thanh đá chôn sâu trong lòng đất đã được ghè đẽo do nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas khai quật tại xã Ndut Lieng Krak (huyện Lạc Dương, tỉnh Đắk Lắk). Sau này, ông đã đưa những thanh đá đó về Pháp để nghiên cứu và trưng bày tại Bảo tàng Con người (Museé de l’Homme) ở Paris.

Một loại đàn đá nữa được biết đến nhiều nhất là đàn đá Khánh Sơn, gồm 12 thanh đá tìm thấy ở huyện cùng tên thuộc tỉnh Khánh Hòa vào năm 1979. Kể từ đó, loại nhạc cụ gõ cổ nhất này bắt đầu cuộc hành trình cùng các nghệ sĩ sáng tạo kỳ công và không ngừng để làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa của âm nhạc dân tộc.

Những nhạc sĩ như Tô Vũ, Thế Viên hay sau này là NSND Đỗ Lộc đã nghiên cứu và chế tác để những thanh đá thô ráp, vô tri cất lên được những âm thanh sống động, cả vui tươi lẫn u buồn, cả nhịp nhàng lẫn trúc trắc… Thế mới biết thiên nhiên đất trời đã gửi gắm biết bao điều kỳ lạ, hữu tình hữu ý vào vạn vật trên đời này!

Đá như biết khóc - cười

uwaesf6p.jpgPhóng to
NSND Đỗ Lộc bên cạnh chiếc đàn đá do chính ông chế tác

Buổi sinh hoạt văn nghệ tại tư gia GS.TS. Trần Văn Khê càng thêm sôi nổi khi NSND Đỗ Lộc xuất hiện cùng bộ nhạc cụ đàn đá để diễn tấu bài nhạc Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh và Chào Mặt trời mọc. Nghệ sĩ đã giới thiệu cho khán giả bộ đàn đá do chính ông chế tác gồm những thanh đá mỏng bằng phẳng, không sần sùi và góc cạnh như những bộ đàn đá nguyên thủy.

Những tràng pháo tay vang lên không dứt khi những phiến đá vô tri bỗng phát ra những giai điệu trong trẻo, réo rắt, làm nao lòng người. Có lẽ lời khen của vị giáo sư cả đời gắn bó với âm nhạc dân tộc dành cho nghệ sĩ Đỗ Lộc là rất xác đáng: “Dường như những thanh đá vô tri vô giác nhiều khi cũng rơi lệ hay nhoẻn miệng cười, biết khóc than lẫn nói cười dưới bàn tay của Đỗ Lộc”.

Nhiều khán giả đã đứng hẳn lên, trầm trồ khen ngợi tài năng của người nghệ sĩ “thổi hồn vào đá vô tri” này khi ông buộc những phiến đá tưởng chừng vô tri “hát” lên những bài ca theo làn điệu âm nhạc truyền thống hay Tây phương. Dù đang giữa mùa hè, nhưng khi giai điệu Happy New Year vang lên và bàn tay người nghệ sĩ uyển chuyển trên các phiến đá tạo thành tiếng chuông đêm giao thừa, ai trong khán phòng cũng cảm thấy nôn nao như đang ở vào thời khắc chuyển giao sang mùa.

vW9h35Y0.jpgPhóng to
NSND Đỗ Lộc cùng nghệ sĩ Bích Diệp song tấu với nhạc cụ đàn t’rưng và angklung

Không chỉ mang đến đêm sinh hoạt các tiết mục diễn tấu cùng đàn đá, NSND Đỗ Lộc cùng người bạn đời là nghệ sĩ Bích Diệp còn giới thiệu các tiết mục song tấu, hợp tấu cùng đàn t’rưng, phong tiêu và đàn angklung cách điệu - một nhạc cụ truyền thống của Indonesia. Có thể nói tài năng âm nhạc của vợ chồng nghệ sĩ này đã đạt đến độ viên mãn khi với bất kỳ loại nhạc cụ dân tộc nào cũng đem lại cho khán giả những màn trình diễn độc đáo, được khán giả vỗ tay nhiệt tình tán thưởng.

c6OQACNA.jpgPhóng to
Tiếng phong tiêu làm cho các tiết mục thêm lắng đọng

Các khán giả cũng được dịp cầm tận tay các nhạc cụ bằng tre, trúc của Tây Nguyên để cùng tham gia dàn hợp tấu Chào Mặt trời mọc hay Trở về Tây Nguyên. Đã lâu rồi mới thấy cảnh khán giả hào hứng cầm trên tay các nhạc cụ dân tộc để cùng các nghệ sĩ tấu lên khúc nhạc sôi nổi, tươi vui.

Nhiều bậc cao niên và cả GS.TS. Trần Văn Khê không giấu nổi xúc động khi thấy vẫn còn rất nhiều người, đặc biệt là những bạn trẻ, đã hồ hởi lắng nghe những giai điệu của đàn đá nói riêng và nặng lòng với âm nhạc dân tộc nói chung. Một cô giáo còn đưa cả các trò nhỏ đến dự và bày tỏ mong muốn truyền cho thế hệ trẻ sự hiểu biết về văn hóa cổ truyền để sau này lớn lên, các em biết giữ gìn và nâng niu di sản mà ông cha để lại.

Tiếng đàn đá - nhạc cụ gõ cổ nhất của âm nhạc truyền thống đã được GS.TS. Trần Văn Khê ca ngợi là “biểu hiện tâm tư hệt như con người”. Và chính những nghệ sĩ có tâm lẫn tài như NSND Đỗ Lộc đã giúp giữ gìn và phát triển nhạc cụ độc đáo này của dân tộc. Vị giáo sư gần 90 tuổi đã xuất khẩu thành thơ và tặng ngay cho NSND Đỗ Lộc bốn câu thơ đầy ý nghĩa: Nghệ sĩ diệu thủ/ Biểu diễn tuyệt vời/ Đá tre cười khóc/ Dưới bàn tay người.

Theo ANH KHANGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên