01/02/2014 14:15 GMT+7

Nghe cái chết còn ở rất xa

NGÔ PHAN LƯU
NGÔ PHAN LƯU

TTXuân - Mẹ anh Phát nay 92. Bà cụ nhỏ thó, quắt lại, hai mắt xuôi như mái nhà, môi thường mím chặt, thần thái cương nghị, đi đứng chưa dùng đến gậy. Có lẽ do trọng lượng cơ thể quá nhẹ, bà di chuyển linh hoạt gọn gàng. Sự linh hoạt gọn gàng của loài chim sẻ, nhìn vào là phải thương mến ngay, không thương không được.

1f6VGUTY.jpg
Minh họa: Đức Trí

Bà không biết chữ, rất ít đau bịnh, và đặc biệt ưa ăn khô, hầu như chẳng bao giờ ăn canh. Bà theo anh Phát về ở số 55 phố Lê Lợi đã hơn 20 năm. Nhưng năm nay thật lạ lùng, đột nhiên bà lại đinh ninh rằng mình đang ở làng quê Trạch Thắng ngày xưa. Quá khứ đã rủ nhau kéo về đồng loạt và nhận chìm bà. Khi hoàng hôn tranh tối tranh sáng sắp buông, bà không cho con cháu rửa chén bát, vì lúc đó oan hồn đói khát vất vưởng rất nhiều, nghe khua bát chén, họ túa đến tội nghiệp họ. Bà đã thương họ.

Tối đến, bà luôn nhắc anh Phát phải đợi muỗi ra cho hết mới được thắp đèn, mặc dù điện nhà đang sáng choang đến nhức mắt. Bà luôn tiết kiệm dầu. Trước khi đi ngủ, bà nhắc vợ anh Phát phải rút củi, tém tro bếp gọn gàng để giữ lửa cho ngày mai, mặc dù nhà đang xài bếp gas đã chục năm nay. Bà luôn lo lắng cho ngày mai mặc dù chúng rất gần. Đến khi hừng đông, bà lại nhắc anh Phát phải rút rơm khô bỏ vào máng bò, cho dù không có bò và chuồng bò. Bà luôn thương bò và sợ bò đói. Đến trưa, bà lại nhắc anh Phát chặt buồng chuối chín, đem cất vào nhà kẻo dơi ăn hết, trong khi diện tích nhà bằng đít con cóc, lấy đất đâu ra mà trồng chuối.

Bà chắt chiu đến từng quả chuối cho con cháu. Trời đổ mưa lớn, bà hối thúc anh Phát phải chặt chuối cây, kết bè làm thuyền tránh lụt. Tội thật, chuyện mưu sinh thoát hiểm đã theo bà cụ đến suốt đời. Nói tóm lại, nơi bà cụ đang ở, tức nhà anh Phát, nơi ấy không còn là thành phố nữa. Thành phố bỗng dưng biến mất trong con mắt của bà. Nơi này chính là làng quê Trạch Thắng ngày xưa, trước mặt có bầu Hương nước quanh năm xanh ngắt. Sau lưng có hòn núi Ễnh chồm lên như muốn bay bổng lên trời. Nhà anh Phát giờ đây bỗng dưng có chuồng heo, chuồng bò, có nọc cây rơm, có cả gà vịt, và cây ăn trái mọc lung tung. Thậm chí cả nắng mưa và ý chí cũng là nắng mưa và ý chí của ngày cũ thuở nào.

Một hôm, anh Phát đem việc lạ lùng này trình bày cho cụ Thám coi ngày giờ nghe. Xong, anh hỏi cụ Thám:

“Chuyện lẫn lộn như thế này, liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe mẹ tôi không? Tôi lo quá”.

Cụ Thám hỏi tuổi bà cụ, rồi bấm đốt tay, lẩm bẩm như tiếng nước ngoài một hồi, cau mày suy nghĩ lung lắm, đoạn cụ vỗ đét vào đùi, phấn khởi nói lớn:

“Việc lẫn lộn này của mẹ anh là một dấu hiệu đại kiết. Tốt lắm. Tốt lắm. Nhờ sự lẫn lộn lạ lùng này, bà cụ có thể sống rất thọ chưa từng thấy. Nhưng anh Phát à, anh luôn phải canh chừng bà cụ, vì bà đang sống trong một thế giới lẫn lộn. Cái thế giới ấy chao đảo lắm. Phải cẩn thận kẻo trượt chân u đầu mẻ trán như chơi”.

“Ai u đầu mẻ trán?” - anh Phát hỏi.

“Mẹ anh. Mẹ anh chứ còn ai vào đây. Bởi vì mặt đường Lê Lợi trước nhà anh, bà cụ có thể tưởng là cái chõng tre ở quê, bà nằm ngủ khò ở đó thì nguy to. Chỉ cần anh miệt mài trông chừng cẩn thận, ắt bà cụ nắm chắc trong tay 150 tuổi khỏe re”.

Nghe thế, anh Phát thở dài, tay gãi gãi chót mũi:

“Mẹ tôi sống đến 150 tuổi ư? Lúc ấy, tôi còn sống không? Xin cụ xem tuổi tôi có còn sống đến đó không?”.

Sau khi hỏi tuổi anh Phát, cụ Thám lại bấm quẻ, lại lẩm bẩm rối ren như tiếng nước ngoài một chặp. Cụ lại cũng cau mày suy tư, dõng dạc nói:

“Theo tôi tính, mà tôi tính lúc nào cũng trúng, không sai bao giờ, anh sống đến lúc đó dư sức. Cái số của anh, trời không cho anh chết trước bà cụ”.

Anh Phát lo lắng hỏi:

“Lúc đó tôi có lẫn lộn như mẹ bây giờ không?”.

Cụ Thám lại vỗ đét đùi, hít hít lỗ mũi như đánh hơi huyền bí. Xong, cụ lại trả lời chắc nịch:

“Anh buộc phải lẫn lộn. Lúc đó, vì kinh tế suy thoái, anh đã dời nhà về quê cũ. Lúc đó, anh tưởng làng Trạch Thắng là thành phố Phong Dao. Nghĩa là đảo ngược lại bà cụ, để cân bằng sinh thái”.

Nghe vậy, anh Phát liền gãi râu, nhìn chằm chằm vào mặt cụ Thám. Cụ Thám cũng gãi râu, nhìn chằm chằm vào mặt anh Phát. Dường như cả hai người đang đấu nhãn lực. Quá căng thẳng, nhưng cuối cùng, anh Phát thua, anh vội lấm lét nhìn sang bụi bông giấy đỏ rực ngoài bờ sân. Anh thở xì, cắn môi như đang suy nghĩ một việc hệ trọng. Cụ Phát lại nhìn chăm chú lên trần nhà, như cũng đang suy nghĩ một việc hệ trọng không kém.

Tóm lại, ngoài những việc lẫn lộn như đã nói trên, đặc biệt hơn một tháng nay, bà cụ đột nhiên quyết liệt đòi anh Phát chở đi thăm người này người nọ liên tục. Đa số là những người ở làng quê Trạch Thắng ngày xưa, nhưng đôi lúc cũng có cả những người trong truyện cổ tích chen vào.

Năm giờ rưỡi chiều. Đi làm về. Xe Honda anh Phát chạy thẳng vào cổng nhà. Bà cụ đã ngồi đợi sẵn ở bậc thềm. Bà lật đật đứng dậy nói lớn với anh Phát:

“Mày sẵn giày dép, xe cộ, chở tao đi thăm bà Sáu Bủng xóm Chiếu”.

Nghe thế, vừa dựng xe, anh Phát vừa gắt:

“Bà Sáu Bủng chết rục xương rồi. Đã cúng sáu cái đám giỗ rồi, mẹ không nhớ à?”.

“Mày nói sao? Chết rồi à?” - bà cụ nhìn quanh quất như thể tìm bà Sáu Bủng có đứng đâu đó không. Trông bộ mặt mẹ lộ vẻ nghi ngờ, anh Phát tiến lại, kề mồm sát vào tai mẹ:

“Con cháu đã chôn bà Sáu Bủng xuống gò Thùng rồi. Đất ăn hết rồi. Làm sao mà chết láo được?”.

Nghe thế, bà cụ vội nói:

“Lạ thật, tại sao nay người ta lại ưa chết quá” - bà lấy tay vỗ vỗ vào chiếc mũ bảo hiểm - “Ừ thôi được, mày chở tao đến nhà bác Tuấn. Bác Tuấn còn sống không?”.

“Úi trời, mẹ mới đến thăm bác Tuấn hôm qua. Bác ấy ở cùng phố mình đấy. Mẹ quên rồi à?”.

“Nhưng hôm qua tao đến thăm bà Sáu Bủng mà”.

Anh Phát nín thinh, thở xì, lẩm bẩm: “Bó tay… Bó tay… Chấm cơm”. Nhưng đột ngột, anh liền vui vẻ ngay. Anh lại kề mồm vào tai mẹ lần nữa:

“Mẹ muốn đi thăm ông Trăng, chú Cuội không?”.

“Ờ, chở tao đi. Còn sống à? Mấy lão đó ở xóm Rớ chuyên môn hô hát bài chòi hay lắm, nhưng ăn nói tục tĩu quá chừng, không biết nay có bớt cái thói đó chưa”.

Anh Phát tắt ngay nụ cười. Anh nín thinh, lại thở xì. Biết mẹ đã “lẫn”, hơn nữa nhìn mẹ đội sẵn mũ bảo hiểm ngồi ngay ngưỡng cửa chờ đợi, anh đành phải chở mẹ đi. Cứ chở đi. Chở đi. Cứ chở đi cho mẹ vui. Còn đi đâu thì sau hãy tính. Biết làm sao bây giờ.

Đây là lần thứ tư chỉ trong một tuần, anh Phát chở bà cụ đến nhà tôi. Quả thật không rảnh rỗi đâu mà tiếp mẹ con anh. Tôi đứng trong hiên nhà nhìn ra với đôi mắt dửng dưng.

Vừa dựng xe, anh Phát ẵm ngay mẹ xuống xe, dắt vào hiên nhà ngang, nơi vợ tôi đang ngồi lặt rau muống. Xong, anh liền đến hiên phòng khách chào tôi, và phân bua ngay:

“Xin ông anh đừng phiền vì mẹ con tôi đến đây nhiều nhé. Cảm thông tôi chút đỉnh, tôi rất biết ơn ông anh. Mẹ tôi đòi đi quá, mục đích để được đội mũ bảo hiểm. Chơi chút, đi ngay, ngoài ra không có việc gì hệ trọng”.

Nghe anh Phát trình bày chân tình như thế, tôi cũng phải thông cảm. Tôi ái ngại nhìn anh Phát:

“Ừ, bà cụ già rồi, anh phải chiều, không nên trái ý. Tôi biết anh thương mẹ, và như vậy là rất tốt. Nhưng… cái mũ bảo hiểm có gì hấp dẫn mà cụ bà thích đội đến thế nhỉ?”.

Anh Phát giải thích ngay:

“Mẹ tôi bảo: Đội vào nặng đầu, nên tao biết mình còn cái đầu. Cho nên tao nghe cái chết còn ở rất xa”.

Tôi tròn mắt, cười toáng lên:

“Ối trời, nó ở gần sát bên thì có”.

Lúc này, tôi nhìn thấy mẹ anh Phát ngồi đối diện với vợ tôi nơi hàng hiên. Bà nghiêm nghị và căng thẳng. Bà mặc áo khoác bằng vải jean phong trần. Chắc chắn là áo của anh Phát. Hai tay bà ôm khư khư mũ bảo hiểm đặt trên bắp vế. Đó là loại mũ bảo hiểm đúng nghĩa bảo hiểm, bởi nó rất to, trùm kín mang tai, có kính chắn, lại có thanh bảo vệ kéo ngang quai hàm. Loại mũ to tê này lúc trước mua cả chỉ vàng. Nhìn mũ mà cứ tưởng cái nồi cơm điện. Loại mũ này đội vào, phải ngồi xe môtô 250 phân khối trở lên mới xứng bì xứng cốt. Tôi liền nói với anh Phát:

“Sao anh không kiếm cái mũ khác, gọn nhẹ hơn, thoáng mát hơn cho bà cụ?”.

“Mẹ tôi chọn cái mũ ấy. Cái khác bà không thèm. Cái mũ này bỏ lăn lóc ở nhà chẳng ai động vào, nhưng mẹ tôi lại khoái. Nằm ngủ, bà cũng đặt nó trên đầu giường”.

Vừa dứt lời, anh Phát liền hướng về mẹ đang ngồi đối diện với vợ tôi. Anh chụm tay làm loa, nói lớn:

“Mẹ đội mũ vào cho ấm đầu, tháo ra chi?”.

Nghe thế, vợ tôi trả lời:

“Bác tháo ra cho bà cụ đấy”.

Nghe thế, bà cụ lật đật đội mũ bảo hiểm lên đầu. Dường như bà cụ chỉ chờ câu nói ấy của anh Phát. Trông bà giống như trẻ con bảo sao làm vậy, lại cũng giống như rôbôt thế hệ đầu tiên của Nhật Bản. Lúc này, tôi nghe tiếng nói trong mũ bảo hiểm của bà cụ thoát ra:

“Chơi đây, lại đến nhà bà Năm Rẫy thăm chút. Còn sớm mà”.

Anh Phát nghe mẹ nói thế , anh nín thinh, anh cau mày. Anh chưa từng nghe tên bà Năm Rẫy. Không biết bà ấy có thật hay không. Không biết bà ấy còn sống hay chết.

Thấy anh Phát có vẻ băn khoăn, tôi cười và hỏi:

“Cụ bà nay ăn uống ra sao?”.

Giọng anh Phát phấn khởi hẳn:

“Đội mũ bảo hiểm đi chơi như thế này, về nhà mẹ tôi ăn được hai chén cơm đầy. Thế nên tôi mới chiều mẹ đấy chớ”.

Nghe thế, tôi đột nhiên nghĩ đến trẻ con. Ừ, người già chỉ khác trẻ con ở chỗ họ “già”. Tôi có mấy đứa cháu nhỏ, chúng cũng ưa đội mũ bảo hiểm như bà cụ anh Phát vậy. Mũ càng bịt bùng, càng to tê, càng rắc rối, càng nặng nề, chúng càng khoái chí. Tôi hỏi anh Phát:

“Bà cụ ngồi xe còn vững không?”.

“Còn vững chớ. Bà ôm chặt bụng tôi. Không những ngồi vững mà bà còn ưa tốc độ. Tôi biết ý mẹ còn muốn tôi té xe một chuyến, để bà kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm nữa đấy. Nếu không biết thế, làm sao tôi dám chở đi?”.

“Úi trời, mẹ anh có một không hai”.

“Mẹ… lúc nào chẳng một”.

Nghe vậy, tôi nín thinh. Đột ngột như bị hụt hẫng. Một hụt hẫng thật sự. Rõ ràng anh Phát là người con có hiếu. Nhìn thoáng qua thấy anh có vẻ ngông nghênh, nhưng thực ra anh là một người con có hiếu. Anh thương mẹ hết mình. Và việc này rõ ràng là không dễ gì.

Thấy tôi tần ngần có vẻ trầm tư, anh Phát nói tiếp:

“Tuần trước, thấy bạn tôi cỡi chiếc Bonus 250 phân khối, kềnh càng khổng lồ như con nai chà, mẹ tôi thích quá, bảo tôi: Sao mày không sắm một chiếc như thế để chở tao đi chơi?”.

“Thế anh có định sắm một chiếc như thế không?”. Tôi cười và hỏi.

“Không. Nhưng nếu mẹ muốn ngồi xe đó quá, tôi sẽ mượn xe của thằng bạn để chở mẹ đi. Để tiền nuôi mẹ. Mua chi”.

Nghe anh Phát nói thế, tôi lại nín thinh. Đột nhiên, tôi lại hụt hẫng một lần nữa. Một trạng thái mất trọng lượng khoan khoái lạ thường. Tôi mỉm cười nhìn chăm vào anh Phát. Rồi ngoái cổ nhìn chăm vào bà cụ đang ngồi ở cuối hiên với vẻ mặt căng thẳng. Và một niềm cảm phục của tôi đối với anh Phát đang dâng lên tràn đầy ở khoảng giữa hai người.

Tôi lật đật vào nhà lấy ghế mời anh Phát ngồi. Tôi nghĩ, vừa rồi mình đã thất lễ với anh.

NGÔ PHAN LƯU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên