Nghề bảo mẫu - Kỳ 4: Ngón nghề
TT - Những kiến thức mà tôi học được ở lớp đào tạo bảo mẫu cấp tốc, nào là cách chơi đùa với bé, cách giúp bé ăn ngon miệng, tập cho bé đi “ị” đúng giờ... đều khác xa với thực tế lúc tôi đi làm bảo mẫu.
Vì khi đi làm, tôi phải một lúc chăm sóc, lo chuyện ăn ngủ, đi vệ sinh của hai chục đứa trẻ ở độ tuổi chưa biết gọi cô khi muốn đi “ị”.
Bảo mẫu cho các bé ăn tại một trường mầm non (ảnh minh họa) - Ảnh: H.HG. |
>> Kỳ 1: Cảnh đông con >> Kỳ 2: Cuộc "hành xác" >> Ý kiến bạn đọc: Mong cô vượt khó và xem các cháu như con >> Kỳ 3: Vú em chuyên nghiệp
Phải đến khi vào nghề, tôi mới biết để làm bảo mẫu, tay nghề và sự nhẫn nại, cam khổ là những yếu tố quan trọng nhất. Bởi vậy, chỉ cần có kinh nghiệm chứ không cần bằng cấp, đó là tiêu chí tuyển bảo mẫu của hầu hết chủ trường mà tôi đến làm việc.
Phản xạ
Là bảo mẫu, tôi phải có mặt ở trường từ 6g sáng và ra về lúc 18g30. Cả ngày, công việc của tôi và các cô bảo mẫu khác cứ xoay vòng đều đặn: cho ăn, lau nhà, giặt đồ, dọn phân, đổ bô rồi lại cho ăn, lau nhà...
Trong ngày đầu tiên làm việc, tôi đã hình thành được phản xạ là hễ thấy mấy đứa trẻ “dính” chặt vào nhau thì phải ngay lập tức lôi mỗi đứa ra mỗi đường. Chỉ cần chậm tay thì thế nào cũng có đứa khóc ré lên vì bị bạn đánh hoặc tay chân đầy vết cắn, cào của bạn.
Trẻ giật tóc, đánh nhau sơ sơ còn đỡ, chứ vết cào, vết cắn, xước da và những vết thâm bao giờ cũng là bằng chứng để phụ huynh đến rầy rà chủ trường. Và bảo mẫu chúng tôi sẽ bị la rầy, cằn nhằn hết ngày này sang ngày khác hoặc thực tế hơn là bị trừ một, hai ngày lương.
Một phản xạ nữa mà tôi phải học là khi có bé bị ói. Theo kinh nghiệm của các đồng nghiệp, khi bé bị ói phải lập tức sừng sộ và quát bé thật to để bé giật mình thôi ói, hoặc đánh vào đùi bé để bé quên ói và lần sau biết sợ không ói nữa.
Nhưng thực tế tôi lại thấy mỗi lần các bé đang ói mà bị đánh thì đều khóc to hơn, vừa khóc vừa nấc nên ói nhiều hơn chứ không phải vì sợ mà ngưng ói như kinh nghiệm của các cô. Phần sữa bố mẹ gửi cho các bé trong túi xách nếu bé nào chịu uống thì cô bảo mẫu cho uống, còn bé nào khó uống thì cô này lấy sữa ra cho vào một hộc tủ riêng của cô để khi gửi túi xách về thì bố mẹ nghĩ là con mình đã uống sữa ở trường.
Cô Thủy, một đồng nghiệp của tôi ở một nhà trẻ mang tên “Mầm non tư thục chất lượng cao V” (P.15, Q.11), hướng dẫn tôi vào nghề: “Lớp này có mấy đứa lỳ lợm lắm. Muốn nó ăn phải cho nó nhịn một bữa cho biết thế nào là đói. Nhớ là có đánh thì đánh vào lòng bàn tay hoặc mông, đùi, không thì lấy cái gối, con thú bông mà đánh, không bố mẹ nó phát hiện rồi bị la thì ráng chịu”.
Giờ ngủ trưa của các bé một lớp mầm non tư thục tại quận Gò Vấp (TP.HCM). Ảnh minh họa - Ảnh: H.HG. |
Trẻ nào lì lợm, không chịu ăn sẽ bị bỏ đói một bữa để bữa tiếp theo chịu ăn. Trong lớp có một bé lúc nào cũng khóc đòi mẹ và đòi tôi phải bế lên mới chịu nín, cô Thủy dứt khoát: “Cứ thả nó xuống nền cho nó khóc lúc nào mệt khắc nín. Không được bế đứa nào nhiều vì sau này cô nghỉ nó sẽ đòi. Lúc cho ăn cũng thế, không được tập trung cưng nựng một đứa làm nó quen, sau này người khác cho ăn nó sẽ không chịu”.
“Tiểu xảo”
Phụ huynh đến đón, cô chủ trường trực tiếp trả các bé, trước khi trả còn hôn vào hai má từng bé. Cô dặn phụ huynh của một bé trai: “Hôm nay cháu ăn được lắm, nhưng chị về kiểm tra hệ tiêu hóa của cháu vì tôi để ý thấy phân của cháu có màu hơi trắng so với các bạn” (bé này hồi trưa vừa bị đánh, bị ói và bị đổ mất phần ăn trưa). Khi phụ huynh thắc mắc về một vết hằn trên đùi bé (là vết đánh bằng thước của cô bảo mẫu trong bữa trưa), cô chủ trường liền chỉ vào một thằng bé khác đang chờ bố mẹ và giải thích: “Thằng nhóc kia hư lắm, cứ nhè lúc các cô không để ý là nó lấy đồ chơi “uýnh” bạn, để mai cách ly nó khỏi các bạn khác”... |
Thủy cho biết mỗi tháng phụ huynh các bé này “gửi gắm” mỗi bé 50.000đ-100.000đ. Cô kể: “Nghe bảo những trường khác người ta còn gửi nhiều hơn nên bù vào lương cũng đỡ. Chứ đồng lương thế này làm sao đủ sống. Bố mẹ có điều kiện một chút thì thấy sụt ký là lo lắng, con nhà nào nghèo thì sụt ký chứ ốm đau đi nữa cũng chịu, chẳng có tiền “boa” cho cô đâu, vì có chỗ gửi con để đi làm là may lắm rồi”. Ở trường này lương bảo mẫu 1,3 triệu đồng/tháng, lương thử việc của tôi 1,1 triệu. Tôi và cô Thủy đều là dân ở thuê, riêng tiền nhà trọ đã 400.000- 500.000đ/tháng, chỉ còn non 1 triệu để sinh hoạt và dành dụm.
Tại Trường mầm non TH (Tân Phú), thỉnh thoảng bảo mẫu chúng tôi phải cho trẻ ăn cố vì cô cấp dưỡng nấu dư quá nhiều, nếu bị chủ trường phát hiện sẽ bị phạt trừ lương. Có trẻ bị bắt ăn tới hai tô cơm vào buổi trưa, ăn nhiều quá nên ói ra cả. Còn bao nhiêu chúng tôi phải đem đổ xuống cống để “phi tang”. Ngay cả khi trẻ không chịu ăn thì tô của trẻ sẽ đổ đi để không bị chủ trường phát hiện. Các cô bảo mẫu sẽ cho trẻ ôm bụng đói đi ngủ vì không đủ sức dụ trẻ ăn tiếp khi đã tới giờ ngủ.
Ở trường này, tôi khá ngạc nhiên vì khăn lau của các bé màu trắng, dùng để lau người, lau thức ăn vương vãi, lau đồ ói và có khi dùng vệ sinh lúc bé đi tiêu tiểu, nhưng chỉ qua một buổi trưa lại sạch sẽ và trắng tinh như mới.
Một buổi trưa khi ăn xong tôi được giao việc giặt khăn, khăn dơ dáy đủ loại được giặt sơ và ngâm vào một nồi nước sôi. Tôi xả nước và dùng tay lấy khăn ra thì được cô cấp dưỡng chỉ: “Thuốc tẩy đấy, dùng kẹp mà gắp ra cho khỏi ăn tay”. Theo đúng quy trình, những chiếc khăn này chỉ được xả thêm một lần nước rồi vắt khô để tiếp tục lau mặt và người các bé.
Khi phụ huynh đến đón các bé là thời điểm quan trọng nhất trong ngày. Dù cả ngày ra sao thì đến chiều các bé vẫn phải tinh tươm, sạch sẽ chờ bố mẹ tới đón về. Xong bữa xế, các bé được cho đi vệ sinh một lần nữa rồi lau người và thay áo quần mới. Lúc này cô chủ trường đã bật nhạc thiếu nhi xập xình và mở phim cổ tích cho các bé xem, không khí rất yên bình. Thay áo xong, các bé được bôi phấn thơm để “khử” hết mùi thức ăn, đồ ói trong ngày.
LƯU TRANG
__________________
Người ta ai cũng nghĩ bảo mẫu đồng nghĩa với việc đánh đập trẻ, nhưng mấy ai hiểu được những cơ cực của nghề. “Chị làm mấy năm nên giờ bị ám vào người rồi, đêm còn nằm mơ thấy đứa này tè dầm, đứa kia ói ra sàn... Phải có lòng yêu trẻ mới trụ lại được em ạ”.
Kỳ tới: Nỗi niềm bảo mẫu
====================================================================
Ý kiến bạn đọc
* Mỗi cô chăm lo cho cả chục bé như vậy thì việc có những ngón nghề là điều dễ hiểu. Vấn đề là làm sao để những ngón nghề đó phát huy theo hướng tích cực, như vậy sẽ rất tốt.
Tôi cho rằng nghề bảo mẫu là một nghề gian nan. Bạn thử chăm sóc một đứa con nhỏ của bạn đi rồi bạn sẽ hiểu hơn một cô phải lo cho cả chục bé. Việc bảo mẫu hay giáo viên có đánh trẻ cũng là chuyện dễ hiểu, hẳn nhiên không phải là chuyện phổ biến nhưng không phải là chuyện hiếm. Chỉ mong sao lớp giảm sĩ số, lương các cô cao hơn, phụ huynh thông cảm hơn..., nếu được vậy thì chắc chắn các cô không dại gì tổn hại sức khỏe la mắng hay đánh các bé.
Câu trả lời đang nằm ở tầm vĩ mô hơn: những nhà quản lý giáo dục.
TRẦN MỸ TRÂN (Đồng Nai)
* Nếu làm mức lương 1,2 triệu đồng/tháng từ 6g sáng đến 6g tối như vậy là quá cực. Mình chăm 2 đứa con sanh năm một nên mình cũng hiểu, hầu như mình không thấy có thời gian nào rảnh cả. Cho dù là bố mẹ các bé có bồi dưỡng thêm thì mình nghĩ làm sao các cô có thể trang trải nổi những sinh hoạt hằng ngày?
Mình cũng mong các vị phụ huynh thương con nhưng cũng phải sáng suốt. Thấy con mình bị té bị bầm thì cũng nhiều lý do, mà trẻ con thì đứa nào mà chẳng hiếu động, không bị té ngã chứ... Rồi chuyện lên cân ăn uống, điều quan trọng là con mình phát triển khoẻ mạnh chứ cứ ép theo tiêu chuẩn thì tội cả phụ huynh và cả bé.
TRÂM NGUYỂN
* Trước đây tôi cũng là giáo viên mầm non, cũng vì thấy buồn nghề nên tôi đã xin nghỉ, mặc dù trong lòng tôi cũng rất yêu nghề. Tôi rất muốn gắn bó lâu dài với nghề lắm, vậy thiết nghĩ rằng liệu nhà nước và xã hội đã thực sự quan tâm đến giáo dục mầm non chưa, hay chỉ mới nói thôi còn làm thì chưa được bao nhiêu?
Nghề của chúng tôi không đơn giản chỉ là chăm sóc nuôi dưỡng, chúng tôi còn. bài vở, giáo án, làm đồ dùng học tập. Trong khi đó có biết bao nhiêu áp lực.
Nhưng hi vọng rằng những đồng nghiệp của tôi sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn. Và biết đâu một ngày nào đó tôi lại có thể tiếp tục làm công việc mà mình yêu thích.
LUONG GIA CHI
* Tôi nghĩ có hai vấn đề cần lưu ý có thể giúp các cô "nhẹ gánh" và có thời gian chăm sóc bé tốt hơn:
- Phụ huynh cần phải chuẩn bị cho con vào nhà trẻ để bé hòa nhập được nhanh chóng, đó là việc tìm hiểu sinh hoạt ở trường và tập cho bé quen trước khi cho con vào "tập thể": chế độ ăn uống, giờ giấc ngủ nghỉ, vệ sinh cá nhân, biết chơi chung với anh em trong nhà, biết nhường nhịn... Như vậy bé sẽ không bị "shock" khi đi học vì mọi thứ "khá giống" ở nhà, đã vậy bé còn có bạn để vui chơi, có cô dạy hát múa...
Con tôi 22 tháng và mới đi nhà trẻ công lập ở phường được 2 tháng. Tôi không hề “lobby” các cô, nhưng cô rất cưng bé vì ăn ngoan, chơi ngoan, biết nghe lời cô, tự làm đựơc môt số việc (múc ăn, đi tiểu tiện...). Bé cũng rất vui vẻ và có nhiều tiến bộ từ khi đi học. Chứ cứ "khoán trắng" cho cô, các bé đã quen "làm vua" ở nhà, vô chỗ lạ rất nhõng nhẻo, khóc nhè, không ăn... Các cô có ba đầu sáu tay, có kiên nhẫn cỡ nào cũng không thể quan tâm chiều chuộng được hết mấy chục bé cùng một lúc.
- Nhà trường cũng nên thường xuyên tổ chức huấn luyện và yêu cầu phụ huynh dạy dỗ bé giống như ở trường, để việc giáo dục bé được thống nhất sẽ đạt hiệu quả cao hơn (dạy con từ thuở còn thơ mà). Con nít đứa nào cũng hiếu động, tránh sao được nghịch ngợm trầy sướt.
Nhưng tôi thấy một số phụ huynh dạy con mình đánh bạn, cắn bạn, giành đồ chơi, hoặc cho bé chơi trò bạo lực như bắn súng, đánh kiếm..., thế là vào lớp ăn hiếp các bạn khác. Con tôi thỉnh thoảng cũng bị bạn cắn, cào, về nhà "bắn" mẹ "đùng chéo"... Một mặt tôi chỉ cho bé cách tự vệ (la lên, méc cô khi bị bạn cắn... chứ không được đánh lại bạn), giải thích cho bé biết không được chơi hư. Mặt khác tôi chỉ phản ánh cho cô biết chứ không thể đổ lỗi cho cô, cô làm sao mà kiểm soát được ở nhà bé được dạy dỗ ra sao, và không lẽ bắt cô chú ý đừng cho bé chơi với bé hư (vừa phản giáo dục, vừa ngoài tầm kiểm soát của cô...)
Ngoài ra, trường tư thục cũng không được nhận quá nhiều cháu làm các cô "quá tải", và phải bảo đảm chất lượng bảo mẫu. Các cô cần có trình độ ít nhất tốt nghiệp phổ thông trung học, đã qua lớp sơ cấp về bảo mẫu - ít nhiều cũng được hướng dẫn kỹ năng và kiến thức..., để tránh trường hợp các cô vì thiếu hiểu biết mà xử sự không đúng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ví dụ như không được đánh bé vào mặt vào đầu (nơi có nhiều dây thần kinh quan trọng) mà chỉ được đánh vào mông, không lấy băng keo bịt miệng khi trẻ khóc dễ làm bé ngạt thở... Việc có trình độ sẽ giúp các cô sắp xếp xử lý công việc của mình tốt hơn.
PHUOC
Tôi là người đã từng mở trường mầm non tư thục được gần 3 năm và đành nghỉ vì những áp lực mà mình không thể chịu nổi.
Cũng nói thêm tôi không phải là người được đào tạo chuyên ngành mầm non, mà trước đây tôi làm thứ ký cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Từ khi tôi sanh con thứ hai, do sanh non tháng nên cháu bị bệnh suốt tôi buộc phải nghỉ làm ở nhà chăm cháu. Khi con tôi được 3 tuổi, tôi cần có thời gian ở bên con nhiều hơn nên tôi nghĩ đến việc mở trường để vừa có thêm thu nhập lại vừa có công việc cho mình.
Trước khi mở trường tôi có đi tham quan một số trường mầm non tư thục và các nhóm trẻ mà tôi có người quen làm ở trong đó để tìm hiểu. Sau đó tôi tham gia lớp quản lý trường mầm non do trường Trung cấp sư phạm mầm non TPHCM mở. Lúc đó tôi cứ nghĩ đơn giản là mình nuôi con thế nào thì nuôi con người ta như thế là được…Vậy mà khi bước vào thực tế thì mọi chuyện không đơn giản tí nào…
Nghề này chịu áp lực từ nhiều phía chứ không như những gì tôi đã nghĩ ban đầu. Đặc biệt là từ phía phụ huynh, một mặt họ muốn cho con mình phải ngoan, được chăm sóc tốt, an toàn và phải lên cân đều…còn một số bé dư cân, béo phì thì cô phải làm sao giữ cân cho bé…Họ không cần biết là các cô cũng chỉ là những người bình thường chứ có phải siêu nhân, còn các bé cũng không phải là cái bong bóng đâu mà muốn lên thì bơm vào, muốn xuống thì xả ra là được...
Nếu sau một thời gian mà bé không lên cân thì họ lại bảo là trường này không cho bé ăn đủ chất, các cô thì không nhiệt tình… và họ bắt đầu chuyển trường. Chính vì vậy mà để làm hài lòng phụ huynh, thu hút được nhiều trẻ về trường mình thì mỗi trường phải nghĩ ra một “chiêu” để “giữ trẻ”, thậm chí có thể gọi là để “lừa” phụ huynh. Và cuối cùng là trẻ phải lên cân là được, vì đa số phụ huynh đều mong muốn như vậy.
Thậm chí có người ngày chủ nhật bé ở nhà không ăn được gì, sáng thứ hai phụ huynh đưa bé đến sớm bảo rằng cô cho ăn dùm nhiều để bù cho ngày hôm qua… Vậy đó, nhưng nếu chỉ cần một va chạm nhỏ đối với bé như: trẻ cào nhau, cụng vào nhau, cắn nhau… thì tất cả những gì đẹp đẽ và thương yêu nhất mà các cô đã dành cho bé xem như chẳng còn ý nghĩa gì (mặc dù cũng có một số phụ huynh rất thông cảm, nhưng rất ít).
Mặt khác, giá cả cũng là một vấn đề phu huynh quan tâm khi gởi con, chính vì vậy mà trường phải làm sao để giá cả vừa phải mà phụ huynh vừa lòng thì mới thu hút được nhiều trẻ, nên trường lại phải tìm mọi cách để giảm chi phí đến mức tối đa, thậm chí phải cắt giảm chất lượng bữa ăn của bé là điều cũng có thể làm, nói chi đến việc một cô bảo mẫu không cần qua đào tạo mà phải giữ nhiều trẻ là điều đương nhiên.
Tôi đã không làm (hoàn toàn) như những gì bạn nghe và thấy qua bài “nghề bảo mẫu”, mà tôi đã nuôi những đứa trẻ ở trường mình đúng như những gì tôi học và kinh nghiệm từ việc nuôi hai đứa con của tôi. Kết quả thế nào bạn biết không? Là tôi phải bỏ nghề vì “thu không đủ chi”, mặc dù tôi rất yêu bọn trẻ.
Kinh nghiệm từ một người từng làm mẹ của hai đứa con, từng là chủ của một trường mầm non. Tôi chân thành khuyên các bậc làm cha mẹ có con ở độ tuổi mầm non hãy tìm hiểu kỹ, thật kỹ trước khi quyết định gởi con mình vào trường; hãy luôn đặt mình vào vị trí của các cô bảo mẫu xem tại sao con mình sinh ra, mình nuôi hoài không lên cân mà buộc các cô phải nuôi cho bé lên cân…; lỡ các bé có bị những “sơ suất” nhỏ (không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé), hãy thông cảm cho các cô, đừng vì quá nóng ruột mà xúc phạm đến các cô… -
Mỹ Dung (ttmdung1969@...)
Tôi đồng tình với những ý kiến chia sẻ khó khăn của các cô giáo nuôi dạy trẻ cũng như những ý kiến không đồng tình với việc có hành vi hoặc "tiểu xảo" xấu trong hoạt động nuôi dạy trẻ.
Nhiều gia đình không biết nuôi dạy trẻ: hoặc là chiều chuộng quá, hoặc có thể vô tình, hoặc cố ý đã tạo cho trẻ có những hành vi, ý thức xấu ngay khi ở nhà.
Hãy nghe trẻ nói gì với các cô khi đến lớp về bố bảo thế này, mẹ bảo thế kia, ông bà bảo thế nọ. Xin nói thẳng rằng các cô không phải là siêu đẳng trong dạy người, các cô lại càng không phải là tất cả. Muốn trẻ ngoan, thông minh, thiên tài như ý thì phải kết hợp cả gia đình và nhà trường. Đừng đổ lỗi tất cả cho các cô. Một lớp mẫu giáo nhỏ vài ba chục cháu nhưng phản ảnh tất cả mọi mặt, như một hoạt động xã hội thu nhỏ...
Thanh Nguyen Dinh (thuymaikhanh@...)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận