08/07/2010 06:14 GMT+7

Nghề "alô"

PHẠM PHƯƠNG LAN (TP.HCM)
PHẠM PHƯƠNG LAN (TP.HCM)

TTC - Tốt nghiệp đại học hơn 4 tháng vẫn chưa tìm được việc làm, tôi liền nộp hồ sơ đến một công ty môi giới xin làm điện thoại viên, vì thấy yêu cầu đơn giản: Tốt nghiệp 12, sức khỏe tốt, lương từ 3 - 6 triệu đồng/tháng.

4grxgWeC.jpgPhóng to

Đến ngày phỏng vấn, tôi mới biết đó là công việc chăm sóc khách hàng của các mạng điện thoại di động. Chỉ sau vài câu hỏi đại loại: Vì sao biết được thông tin tuyển dụng? Có thích công việc này? v.v... là hôm sau tôi được báo tin “đậu” (sau này tôi mới biết hầu như ai đi phỏng vấn cũng đậu).

Sau 3 ngày tập huấn, tôi và hàng chục người khác có thêm nghề mới: nghề alô. Tôi mừng quá xá vì nghĩ mình đã tìm được chỗ làm lương cao, đúng nghề, đúng sở thích (tôi vốn cực kỳ mê tám qua điện thoại mà!). Nhưng rồi tôi sớm nhận được vài... gáo nước lạnh. <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Đầu tiên, để được nhận việc, tôi phải đóng tiền thế chân 1 triệu đồng với mục đích: Nếu tôi bỏ việc trước 6 tháng thì tôi mất tiền cọc, hoặc đền bù nếu làm hư hao tài sản. Gáo thứ hai bự hơn nhiều (sau khi hợp đồng làm việc xong, tôi mới biết điều này): Tôi chỉ được nhận lương căn bản 800.000đ/tháng với điều kiện phải nghe được 120 cuộc gọi/ca (8 giờ). Từ cuộc 121 trở đi thì mỗi cuộc được nhận 200đ (hai trăm đồng).

Như vậy muốn có mức thu nhập 4 triệu đồng/ tháng, tôi phải nghe 3.600 cuộc gọi định mức cộng khoảng 16.000 cuộc gọi vượt định mức. Trong khi đó, theo những anh chị làm siêu giỏi, siêu nhanh thì 1 ngày làm việc trối chết cũng chỉ nghe được khoảng 500 cuộc gọi. Điều đó có nghĩa: Để đạt mức lương như quảng cáo là nhiệm vụ bất khả khi.

Nếu thưởng khó bao nhiêu, thì bị trừ lương, phạt tiền lại dễ bấy nhiêu. Đi trễ bị phạt tiền, ra ngoài ăn trưa bị trừ tiền, ăn quá 30 phút bị phạt tiền. Bị giám sát nhắc nhở, cảnh báo 3 lần/tháng thì dù nghe cả trăm hay ngàn cuộc gọi đều không được tính tiền vượt định mức.

Nghe xong, tôi nhụt chí, muốn bỏ cuộc, nhưng vì tiếc 1 triệu đồng thế chân, lại muốn thử thách mình, nên tôi bấm môi quyết tâm làm. Bài học đầu tiên tôi được các bạn đồng nghiệp đi trước truyền lại: “Phải nghe, giải thích nhanh và tìm cách cắt khi khách hàng nói dai để được nhiều cuộc”. Nhưng mới vào nghề, lại bị quản lý răn đe, và sợ những qui định khắt khe của công ty nên tôi và những người đồng nghiệp mới tôn trọng khách hàng một cách tuyệt đối, có phần máy móc.

Mỗi ngày tôi tiếp hàng trăm cuộc gọi, và mỗi khách hàng là một yêu cầu, một tính cách. Chúng tôi phân loại có nhiều dạng khách: Khách hàng quấy rối; khách hàng.. cà chớn, khách hàng khó chịu, khách hàng vui tính... Rất nhiều lần, 2 - 3 giờ sáng, tôi vừa lên tiếng: “Dạ danh số 00... xin nghe. Quý khách cần hỗ trợ gì ạ?” thì bên kia nói ngay: “Cho bóp... cái em!”.

Tôi tức điên, muốn chửi “Đồ mất dạy!”, nhưng sợ vi phạm qui định nên cố gắng nhỏ nhẹ: “Dạ quý khách có cần cung cấp thông tin gì không ạ?” thì lại bị tiếp tục, đến lúc đó tôi mới được phép gác máy sau khi nhã nhặn: “Quý khách không có yêu cầu gì, chúng tôi xin gác máy...”. Lúc đầu, tôi đã khóc vì những lời trêu chọc, quấy rối này, nhưng riết rồi quen.

Còn có một khách hàng ở tỉnh BT gọi điện hỏi về cước phí. Tôi giải thích rất rõ ràng về chính sách của mạng, nhưng anh ta bắt bẻ đủ kiểu cứ như tôi làm ra cái qui định ấy, tôi xin phép gác máy thì anh ta lớn giọng: “Tôi nói cho cô biết, tôi là nhà báo (!?) chứ không phải dân thường đâu! Tôi báo giám đốc một tiếng là cô bị đuổi ngay nghe chưa?”.

Còn có chị gọi điện đến khóc, năn nỉ tôi cung cấp những số điện thoại mà chồng chị đã gọi trong 3 tháng qua. Chị khăng khăng là chồng có bồ nhí, và chỉ có cách này mới tìm ra kẻ thứ ba. Nhưng trường hợp này thì tôi không thể giúp được, vì sai nguyên tắc dù thật lòng tôi rất muốn giúp chị.

Có lần tôi bị rơi vào tình huống tẽn tò. Đó là dịp Tết rồi, tôi nhận được một cuộc gọi yêu cầu: “Cho thầy bài hát xuân nào vui vui làm nhạc chuông”. Tôi hỏi lại: “Anh cần mấy bài ạ?”. Đầu dây bên kia vang lên tiếng “mô Phật, mô Phật”. Nghĩ bị đùa nên tôi hỏi tiếp: “Anh vui lòng cho biết cần mấy bài để em giới thiệu ạ?”. Bên kia luôn miệng “Mô Phật, tôi là thầy tu, đừng gọi bằng anh”.

Mỗi ngày nghe và trả lời quá nhiều cuộc gọi, nên tai và cổ họng của tôi bị ù, nhức, khan tiếng. Ngày nào tôi cũng nấu một nồi nước mát, ngậm kẹo trị đau họng cũng chẳng ăn thua. Lại thêm lương ít (khoảng 1 - 2 triệu đồng/tháng) trực đêm, áp lực công việc nhiều nên sau 7 tháng “thử thách”, tôi bỏ việc (tôi là người cuối cùng trong lứa trúng tuyển với mình nghỉ việc). Bây giờ, tôi vẫn còn bị ám ảnh cái nghề này và nhiều đêm ngủ tôi hay nói mớ: “Danh số 00... xin chào quý khách...”.

OxsAcjho.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 407 ra ngày 1-7-2010hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

PHẠM PHƯƠNG LAN (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên