![]() |
Cảnh các tân khoa nghe xướng danh tiến sĩ tại lễ Truyền lô (chụp trong buổi tổng duyệt chương trình) - Ảnh: Trương Vững |
Đại lễ xướng danh tiến sĩ
Từ khoa thi đầu tiên được tổ chức vào triều vua Minh Mạng năm 1822, cho đến khoa thi cuối cùng dưới triều Khải Định năm 1919, triều Nguyễn tổ chức được 39 khoa thi và kèm theo đó là lễ hội truyền lô xướng danh tiến sĩ và tùy theo hoàn cảnh mà nghi lễ có đôi chút thay đổi. Lần này ban tổ chức Festival Huế có ý chắt lọc những tinh hoa để tái hiện trong một lễ hội...
Nghi lễ đại triều bắt đầu lúc 7g30 bằng đám rước "vua" cùng bảng vàng tân khoa từ Đại nội ra sân Ngọ Môn. Nghi lễ truyền lô tuyên sắc của hoàng đế diễn ra uy nghiêm và trang trọng giữa không gian sân Ngọ Môn và quảng trường với án ngự, nghi trượng kiệu án của vua, các vật phẩm vua ban đặt trên án, quan binh các cấp phẩm, cờ xí đèn lọng rợp trời trong tiếng trống lễ, tiếng nhã nhạc.
Ngay sau đó, các tiến sĩ cùng với hoàng bảng (ghi rõ họ tên, quê quán, học vị của tiến sĩ tân khoa được vua ban) được quan binh tháp tùng ra phía Phu Văn Lâu trước Kỳ đài và sắc ban được treo tại đây để thông báo với thiên hạ... Tân khoa sau đó được rước vào Duyệt Thị đường - Đại nội dự yến tiệc và tiếp nhận các vật phẩm vua ban như từng có trong lịch sử.
![]() |
Các cung tần mỹ nữ (với những gương mặt vô cảm) đang di chuyển vào hoàng cung - Ảnh: T.T.D. |
Làng Dương Nổ trong lịch sử từng có ba vị họ Phan, họ Trần và họ Nguyễn là con dân đỗ đạt tiến sĩ dưới triều Nguyễn được chọn làm chủ thể thực hiện đám rước tiến sĩ tân khoa về làng.
Vào đầu giờ chiều, bắt đầu từ Duyệt Thị đường, vị tân khoa tiến sĩ cùng một đám rước qui mô tiến ra Nghinh Lương đình, xuống bến Văn Lâu và xuôi về làng trên mặt nước sông Hương...
Cũng ở thời điểm này 300 bô lão trong làng chỉnh tề trong áo thụng khăn xanh tiến ra khỏi làng cùng một án lễ, đón tân khoa và nhập vào đám rước từ cung đình về tới đình làng Dương Nổ.
Sau lễ làng đón nhận sắc phong của vua ban là lễ cúng bái tổ tiên, mang ý nghĩa thông báo với tổ tiên, trời đất rằng làng mình đã sản sinh ra một nhân tài làm rạng danh cho quê hương. Sau đó, tiến sĩ mới tiến vào làm lễ bái lạy tổ tiên, dòng tộc...
Cụ Nguyễn Đổng, trưởng làng Dương Nổ, phấn chấn "khoe": “Niềm tự hào xưa nay, bây giờ được phục hiện trong một hội lễ cụ thể tại làng mình, được trực tiếp giới thiệu với du khách khắp nơi thì còn gì vui bằng!”.
Tổng đạo diễn chương trình - nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng (Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) - thì có một cách nghĩ khác về lễ hội này: "Trong lịch sử, một tiến sĩ dưới triều Nguyễn chỉ được hàm thất phẩm (nếu đỗ tam khôi - trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa mới được phong hàm lục phẩm).
Một phẩm hàm rất thấp vậy mà được triều đình tổ chức lễ đại triều trang trọng, chứng tỏ sự trọng vọng trí thức đến tột đỉnh của cha ông một thời. Lễ vật vua ban không nhiều, nhưng kèm theo nó những ân sủng mà cho dù là các quan cấp cao nhất cũng không dễ có được như: cả triều đình dồn vào tổ chức lễ, được dự yến tiệc vua ban, được khắc tên vào bia đá tại Văn Thánh miếu...
Do đó, lễ hội Truyền lô, vinh qui bái tổ không chỉ là tạo nên một sân chơi, một sản phẩm du lịch độc đáo cho festival mà còn nhắc nhở với mọi người, với giới trẻ về truyền thống giáo dục, sự tôn vinh, trọng vọng nhân tài của người VN một thời...".
Theo đạo diễn Lê Quý Dương, chương trình Đêm hoàng cung thứ 2 diễn ra tối nay 6-6, so với lần 1 (tối 3-6) sẽ có thêm những yếu tố mới, theo hướng hoàn thiện hơn. Anh hé lộ vài thông tin: toàn bộ dàn cung nữ sẽ được chăm chút tăng thêm sự lộng lẫy; đám rước quí ông quí bà được mở rộng; khu tam cung lục viện sẽ trở thành một điểm nhấn rực rỡ và... rất lãng mạn cho chương trình. Nếu trong đêm dạ tiệc đầu tiên chỉ có phần nhã nhạc Huế trình diễn, vì hai đoàn nhã nhạc của Hàn Quốc và Nhật Bản chưa đến kịp, thì đêm nay có đủ cả ba. Được biết toàn bộ vé của ba Đêm hoàng cung (đêm cuối cùng 9-6) đã được bán hết ngay trước đêm khai hội. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận