30/01/2014 08:30 GMT+7

Ngày tết ở Chinatown London

NA HỒ
NA HỒ

TTO - Có thể tôi đã được tận hưởng trọn vẹn không khí của một ngày tết đỏ rực màu sắc Á Đông, đủ để không còn ngạc nhiên khi thấy những dãy đèn lồng lộng lẫy kia nữa. Nhưng ngày tết thật sự, không màu mè và náo nhiệt chỉ có thể cảm nhận được đầy đủ khi trở về Việt Nam.

FCqnHFcR.jpg
Khu China Town trang hoàng bằng dãy đèn lồng - Ảnh: Na Hồ

London là một trong những nơi có khu người Hoa đông đúc và sầm uất nhất nhì trên thế giới. Trước đây, lần nào đến London tôi cũng cuống cuồng bởi công việc, chủ yếu là thủ tục hành chính, hồ sơ giấy tờ hoặc những cuộc gặp gỡ chớp nhoáng với bạn bè.

Năm 2012, tôi đến London để chờ chuyến bay đi Cairo vào sáng sớm hôm sau, vô tình gặp đúng hôm mùng một Tết âm lịch, tận mắt thấy sự trang hoàng làm cả đoạn đường ngắn sáng và lộng lẫy hẳn lên.

Châu Á giữa thủ đô mù sương

China Town nằm ngay trung tâm thành phố London, lúc nào cũng nhộn nhịp người qua lại bởi phong cách trang trí, kiến trúc và những món ăn đậm chất Á châu. Đây là khu tập trung số lượng lớn những nhà hàng do Hoa kiều làm chủ với menu đầy đủ các món ăn của các nước phương Đông như Trung Quốc, Việt Nam hay Malaysia.

Mỗi khi đến London mà có thời gian tôi đều ghé qua China town để được ăn những món gần gần với đồ ăn thức uống Việt Nam, khi đã thấy quá ngán ngẩm với những xúc xích, thịt đông lạnh, khoai tây và cà rốt trong bữa ăn hàng ngày. Nói là gần gần bởi vì ở một nước lạnh lẽo như Anh, thật khó kiếm được đầy đủ gia vị và rau cỏ để làm những món ăn như ở nhà.

Món phổ biến nhất ở các nhà hàng Việt bên Anh có lẽ là phở và bánh cuốn. Giữa thời tiết rét căm căm, những thìa nước phở ngọt lịm không làm tôi vơi đi cảm giác thiếu vị hồi, quế và những gia vị đặc trưng gia truyền khác mà tôi không biết trong những bát phở ở Hà Nội. Có lẽ một phần bởi nhiều nhà hàng ở khu China town, tiếng là nhà hàng Việt nhưng chủ và đầu bếp lại là người Trung Quốc nên thật khó để có thể nấu được những món ăn địa phương như người Việt Nam.

Ở China town, chỉ cần bước đến đầu phố là đã thấy không khí Trung Hoa từ những cột trụ bằng gỗ có sơn câu đối và những mái nhà uốn lượn. Ngoại trừ lần đầu can đảm đi bộ hơn 30 phút từ ga tàu Victoria, những lần sau tôi đều rút kinh nghiệm bắt tàu điện ngầm tới ga Piccadilly Circus hoặc Lecester Square cho tiết kiệm thời gian.

Ban ngày, China Town cũng không có gì đặc biệt so với những khu phố khác của London, màu xám của sương mù làm cho những tấm biển hiệu, câu đối màu đỏ không còn rực rỡ. Chỉ đến khi trời tối, cả khu phố như lột xác dưới ánh đèn vàng chiếu lên những tấm biển hiệu hoặc hắt ra từ các cửa sổ làm không khí trở nên ấm áp hơn.

Tôi thích đi dọc khu phố Trung Hoa, để thấy khách hàng ung dung vừa thưởng thức món ăn vừa trò chuyện trên những chiếc bàn gỗ được kê ngay ngắn qua những khung cửa kính. Tôi thấy những giây phút như thế thật thoải mái và vui vẻ bởi cuộc sống sôi động của một đất nước công nghiệp dường như khiến mọi người hối hả hơn.

Thường thấy nhất là hình ảnh nhiều người một tay xách cặp, một tay cầm cốc café cắm cúi đi trên đường với những bước chân dài và nhanh, như sợ chỉ cần chậm một chút thôi cũng có thể lỡ chuyến tàu cuối cùng. Đôi khi, bắt gặp những khách hàng châu Âu trong quán, lúng túng học cách cầm đũa để gắp những sợi mì dài với vẻ mặt đầy thích thú.

Những lúc như vậy trong đầu tôi lại nhớ đến một bài báo đọc đã lâu về sự yêu thích và quan tâm đặc biệt của người châu Âu, châu Mỹ đối với văn hóa và ẩm thực Á Đông. Phải chăng đây cũng là một trong những lý do mà China Town có thể tồn tại và phát triển được ở các nước phương Tây?

0gsjgEJy.jpg
Nhà hàng Việt Nam của người chủ Trung Quốc - Ảnh: Na Hồ

Tết âm lịch ở China Town

Trong những lần đến China Town, nhất là vào dịp Tết âm lịch, tôi thấy khu phố này càng đông đúc và lộng lẫy. Hàng ngàn chiếc đèn lồng đỏ được sử dụng để trang trí thành những dây ánh sáng nối giữa các tòa nhà hai bên đường. Trước cửa nhiều nhà hàng trưng bày những bức hoành phi hay câu đối chữ Hán được viết theo kiểu thư pháp bằng mực tàu trên giấy hồng điều.

Nhiều nhà hàng khác lại làm những mô hình biểu tượng may mắn, tài lộc như nén tiền bằng vàng, ba ông già Phúc - Lộc - Thọ hoặc chú mèo may mắn, vừa để quảng bá văn hóa Trung Hoa vừa thu hút thêm khách hàng. Đi giữa những dãy đèn lồng, cứ ngỡ mình lạc vào một bữa tiệc năm mới ở Trung Quốc chứ không phải đững giữa đất nước quanh năm bao phủ bởi sương mù nữa.

Đêm giao thừa và những ngày tết, các nhà hàng không hề nghỉ ngơi, vẫn mở cửa phục vụ du khách. Ngoài những món ăn thường ngày, trong thực đơn xuất hiện các món đặc trưng chỉ nấu và dùng trong dịp lễ tết, được viết tay trên một trang giấy kẹp thêm vào.

Trong một nhà hàng Việt Nam ở góc đường, nhìn thấy chiếc bánh chưng cỡ trung bình treo trong tủ kính bán với giá cắt cổ, 15 bảng Anh (tương đương với gần 500.000 đồng tiền Việt), tôi bỗng thèm mấy món ăn trong mâm cỗ ngày tết khủng khiếp.

Khu phố China town dịp tết, không chỉ những nhà hàng ăn uống thu hút được nhiều du khách mà cửa hàng bán đồ trang trí cũng đông đúc và nhộn nhịp không kém. Trong gian hàng rộng chừng 15m2, khách ra vào nườm nượp, chen chúc nhau chọn những món hàng hóa bày la liệt trên những chiếc bàn gỗ thấp, nào là đồ sứ, đồ gỗ, đồ nhựa đủ cả.

Những món hàng cao cấp với giá cao hơn được mạ vàng hoặc đính đá không bày cùng các sản phẩm phổ thông mà để trong một tủ kính riêng, chủ cửa hàng chỉ lấy ra khi có khách muốn mua. Cửa hàng không cần phải trang trí gì nhiều bởi ba mặt tường đã được phủ kín bằng các loại chuông, khánh và tranh treo tường.

DAUjfuK5.jpg
Những món đồ lưu niệm - Ảnh: Na Hồ

Khi chúng tôi đến, hai người bán hàng ở cửa đã liến thoắng chào hỏi và mời mua hàng bằng tiếng Trung Quốc khiến chúng tôi chỉ cười trừ, trả lời bằng tiếng Anh rồi vào trong xem đồ. Những món hàng được bày bán không hề xa lạ, hoàn toàn dễ dàng tìm kiếm khi chịu khó đi lên khu Hàng Mã, Lương Văn Can (Hà Nội) mấy ngày cận tết.

Một phần vì không có gì đặc sắc, một phần vì giá cả quá đắt đỏ nên tôi cùng bạn bè chỉ đi loanh quanh phía trong để tận hưởng chút không khí tết âm lịch ở châu Âu. Trong khi đó, đám đông những Việt kiều và Hoa kiều thì háo hức tìm kiếm những món đồ ưa thích, có ‎ý nghĩa tâm linh, phong thủy để về treo trong nhà.

23g đêm, cả khu phố vẫn không hề có dấu hiệu gì của một bữa tiệc sắp tàn. Chúng tôi ra về bằng xe buýt, những ánh đèn sáng trưng, âm thanh ồn ào trôi lại phía ngoài cửa kính mà tôi vẫn còn thấy dư vị của ngày tết âm ỉ...

NA HỒ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên