03/02/2005 00:30 GMT+7

Ngày tết: làm sao an toàn và khỏe mạnh?

LÊ THANH HÀ ghi
LÊ THANH HÀ ghi

TT - Tết cổ truyền là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội vui chơi, tiệc tùng với gia đình và bạn bè. Tết cũng là thời điểm dễ xảy ra những tai nạn do bất cẩn và rủi ro, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Làm gì để có một cái tết an toàn và khỏe mạnh cho tất cả mọi người?

l8w1ebGj.jpgPhóng to
Cho trẻ đi khám bệnh ngay nếu trẻ có những bất thường về sức khỏe: khó thở, tiêu chảy, sốt cao... - Ảnh: L.TH.H.
TT - Tết cổ truyền là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội vui chơi, tiệc tùng với gia đình và bạn bè. Tết cũng là thời điểm dễ xảy ra những tai nạn do bất cẩn và rủi ro, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Làm gì để có một cái tết an toàn và khỏe mạnh cho tất cả mọi người?

Trẻ em: không gây xáo trộn thời khóa biểu

Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ trong những ngày tết, BS Lê Thị Kim Quí - phó giám đốc điều hành Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - khuyên: cố gắng giữ chế độ sinh hoạt, ăn, ngủ cho trẻ như ngày thường, đủ bữa, đúng giờ. Với trẻ nhỏ phải đảm bảo duy trì đủ ba bình sữa và hai bữa ăn mặn.

Thức ăn của trẻ luôn được nấu mới mỗi bữa, hoặc được cất giữ trong tủ lạnh an toàn. Thực phẩm nấu ăn cho trẻ luôn đảm bảo tươi, mới, hợp vệ sinh. Không cho trẻ ăn thức ăn cũ, ôi thiu. Nếu định cho trẻ đi chơi xa, phải chuẩn bị thức ăn, sữa, nước uống tinh khiết đầy đủ. Chuẩn bị quần áo cho trẻ theo những thời tiết khác nhau trong ngày.

Chú ý cho trẻ mặc quần áo bằng loại vải cotton dễ hút nước. Hạn chế cho trẻ uống nước ngọt vì dễ làm trẻ háo nước, biếng ăn. Nếu không có điều kiện chuẩn bị thức ăn mang theo, có thể dùng cháo ăn liền (loại không có bột nêm, bột ngọt) bỏ vào bình nóng cho trẻ, kết hợp ăn thêm với sữa, hoặc tạm thế bữa ăn mặn bằng uống sữa. Duy trì việc trẻ ngủ đúng giờ, không thức khuya, giữ giấc ngủ trưa.

Đối với những trẻ có cơ địa dị ứng thức ăn, bị bệnh suyễn, viêm đường hô hấp hoặc bệnh tim bẩm sinh lại càng phải chú ý. Cụ thể, trẻ có cơ địa dị ứng nên tránh ăn các loại hải sản. Tránh cho trẻ tiếp xúc với những tác nhân kích thích cơn suyễn. Không để trẻ bị lạnh, uống nước lạnh, mặc quần áo không phù hợp thời tiết, uống nước ngọt có đá... dễ gây tái phát bệnh viêm đường hô hấp, suyễn, làm nặng thêm bệnh tim. Lưu ý, những triệu chứng của các bệnh trên thường xuất hiện về đêm, nên cha mẹ cần chuẩn bị sẵn thuốc dự phòng cho trẻ theo toa của BS. Nếu xử lý ở nhà không tốt, nên đưa trẻ đi bệnh viện ngay.

Theo BS Kim Quí, trẻ gặp tai nạn trong những ngày tết cũng thường xảy ra. Vì vậy không nên cho trẻ nhỏ ăn hạt dưa, hạt bí, kẹo dẻo, thịt cá có xương... dễ gây nghẹn, sặc, mắc xương. Không nên lì xì hoặc cho trẻ chơi tiền xu vì trẻ có thể cho tiền vào miệng, gây tắc nghẽn đường thở.

Nếu phát hiện trẻ khi ăn uống hoặc tự nhiên có ho sặc, sau đó tím tái thì phải nghĩ đến trẻ bị dị vật đường thở, cần khẩn trương đưa trẻ đến ngay bệnh viện cấp cứu. Không cố gắng móc, moi dễ đẩy sâu dị vật vào đường thở khiến tình trạng khó thở tăng lên, gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Ngoài ra không nên cho trẻ xuống bếp; để thức ăn nóng, nước sôi, tay cầm chảo, nồi, dao, kéo... xa tầm với của trẻ để tránh trẻ bị phỏng, đứt tay.

Những ngày tết cũng nên chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt, Oresol... dự phòng khi trẻ có sốt hoặc tiêu chảy. Nếu cặp nhiệt độ, trẻ thật sự sốt trên 380C mới dùng thuốc. Sau khi dùng thuốc năm tiếng mà trẻ vẫn sốt mới cho uống tiếp; nếu uống thuốc mà không hạ sốt hoặc tái sốt thì dùng khăn nhúng nước ấm lau cho trẻ ở trán, nách, bẹn. Trẻ sốt cao chân tay thường lạnh nên cần ủ ấm chân tay cho trẻ. Nếu trẻ bị tiêu chảy, cần cho trẻ nghỉ ngơi, uống nước tích cực. Nếu không bớt phải đưa đi bệnh viện. Không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh khi chưa xác định rõ bệnh của trẻ.

Người lớn: ba điều cần lưu ý!

BS Jean Samuel Wartel - trưởng khoa cấp cứu tai nạn, Bệnh viện Pháp Việt - cho biết trong số các mối nguy hiểm ngày tết thì uống quá nhiều rượu là điều nguy hiểm nhất do các hậu quả nghiêm trọng nó gây ra. Theo BS Wartel, rượu bia ngấm vào máu rất nhanh, nhất là ở phụ nữ, vì vậy không nên uống rượu khi chưa ăn gì và không nên điều khiển xe máy, ôtô khi đã uống rượu.

Cần lưu ý là dù chỉ chạy xe trên một đoạn ngắn cũng có thể gây nguy hiểm cho khách bộ hành và trẻ em. Ngoài ra, với người không quen uống rượu còn có nguy cơ nôn mửa dẫn đến bất tỉnh. Đặc biệt, sẽ hết sức nguy hiểm khi đang dùng thuốc điều trị bệnh mà lại đi uống rượu. Nếu đã uống nhiều rượu và thức dậy vẫn chưa tỉnh táo vào sáng hôm sau, cần bổ sung nước cho cơ thể bằng cách uống thật nhiều nước, ít nhất là 1,5 lít.

Theo BS Wartel, bội thực tuy không nguy hiểm nhưng lại gây những khó chịu trong ngày tết. Những món ăn dễ gây khó tiêu là món ăn đặc sản và các loại mứt. Vì thế, nếu ăn quá nhiều các loại thức ăn trên cùng một lúc hay ăn quá nhiều trong bữa ăn đều gây nặng bụng. Nếu khó chịu sau khi ăn, có thể dùng một số loại thuốc chứa muối citrat như AlkaSeltzer - nếu không chống chỉ định với loại thuốc đang uống.

Việc đảm bảo mọi món ăn phải được chuẩn bị và nấu chín cũng rất quan trọng để tránh ngộ độc thực phẩm. Để thức ăn luôn tươi sống, không nên để ở nơi có ánh nắng và nóng. Hải sản và thịt phải được giữ trong tủ lạnh trước khi nấu và phải được nấu kỹ.

Trong những ngày tết, nhà bếp cũng là nơi nguy hiểm nhất vì đa số tai nạn trong gia đình như đứt tay, phỏng do thức ăn nóng và bếp chảo đều xảy ra trong nhà bếp. Nếu bị đứt tay, nên cầm máu bằng một mảnh vải sạch hay băng cá nhân. Nếu vết cắt quá sâu, cần phải được khâu tại bệnh viện để các BS xem xét vết thương, kiểm tra các dây thần kinh, dây chằng, mạch máu. Nếu bị phỏng, nên dội ngay nước lạnh vào vết phỏng và đến bệnh viện cấp cứu để được kiểm tra băng bó.

LÊ THANH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên