22/11/2003 07:16 GMT+7

Ngày 20-11 ở Khe Sanh, Quảng Trị: Hoa và nước mắt

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - “... Để đào tạo được một nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương đất nước, các thầy cô giáo của chúng ta hôm nay không chỉ đổ mồ hôi công sức mà cả máu, thậm chí hi sinh cả tính mạng của mình...”. Đấy là những dòng thư đề ngày 20-11-2003 của ông Lê Hữu Phúc, quyền chủ tịch tỉnh Quảng Trị, chia sẻ với gia đình của ba cô giáo vùng cao huyện Hướng Hóa vừa mất chỉ trong một tháng qua.

I9wMIavu.jpgPhóng to
Bé Thảo Ngọc thắp nhang bên bàn thờ mẹ - cô giáo Lê Thị Hà
TT - “... Để đào tạo được một nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương đất nước, các thầy cô giáo của chúng ta hôm nay không chỉ đổ mồ hôi công sức mà cả máu, thậm chí hi sinh cả tính mạng của mình...”. Đấy là những dòng thư đề ngày 20-11-2003 của ông Lê Hữu Phúc, quyền chủ tịch tỉnh Quảng Trị, chia sẻ với gia đình của ba cô giáo vùng cao huyện Hướng Hóa vừa mất chỉ trong một tháng qua.

Chúng tôi đã lên Khe Sanh và đã thấy những bông hoa cho ngày 20-11 năm nay, nhiều em học sinh đã dâng lên bàn thờ nghi ngút khói nhang...

Tờ quyết định kết nạp Đảng chưa kịp đến

Chỉ hơn mười ngày trước, từ xã Thanh, cô giáo Nguyễn Thị Kim Liền vừa xong ba tiết dạy, kêu mệt với những triệu chứng của sốt rét. Đồng nghiệp khiêng cô ra trạm xá xã, xét nghiệm đầu tiên cho thấy cô bị sốt 3+. Bệnh phát rất nhanh. Cô được chuyển đến Bệnh viện huyện Hướng Hóa cấp cứu rồi chuyển tiếp về bệnh viện tỉnh, vào thẳng Bệnh viên trung ương Huế, nhưng tất cả đã muộn...

Tôi nhìn tấm hình của cô còn để lại, một gương mặt xinh đẹp như thiên thần. Cô còn trẻ quá, mới 23 tuổi, vừa tốt nghiệp khoa sử - địa Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị năm 2001. Quê cô ở tận Quảng Bình, nhưng tốt nghiệp cao đẳng xong cô xung phong lên vùng cao và vào Thanh, một xã khá xa xôi của huyện miền núi Hướng Hóa.

C1vwcGkS.jpgPhóng to
Vợ chồng Hùng-Nghiệp trong ngày cưới 10 năm trước tại Tuyên Quang, nay cô Nghiệp đã ra đi...
Nhắc đến cô, nhiều đồng nghiệp ở phòng giáo dục đều không thể tin là cô đã mất bởi nét hồn nhiên tươi trẻ của cô, bởi những lần ra công tác, học hành ở phòng giáo dục, cô đi ngang là nhiều người ngoái nhìn tấm tắc: cô giáo xinh hơn người mẫu.

Nhưng giờ thì mãi mãi không còn gặp lại cái dáng “người mẫu” ấy nữa bởi căn bệnh sốt rét đã cướp mất cô như trước đó mấy hôm đã cướp mất cô giáo Nguyễn Thị Nghiệp ở Trường PTCS xã Hướng Lộc, cũng là một xã vùng sâu vùng xa nằm cạnh xã Thanh - nơi cô Liền dạy học.

Đến nhà cô Nghiệp mới hay quê cô ở tận Tuyên Quang. Tốt nghiệp sư phạm cô được phân lên dạy tại một nơi địa đầu Tổ quốc là huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Chồng cô, thầy Hùng, là cán bộ Phòng Giáo dục Hướng Hóa. Ngày 20-11, căn nhà thầy Hùng ngập trong hoa trắng. Hai con nhỏ cùng thầy vẫn bàng hoàng sau nỗi đau quá lớn này.

Mười năm trước, thầy Hùng, một giáo viên trẻ có năng lực, được Phòng Giáo dục Hướng Hóa gửi đi học Trường Cán bộ quản lý giáo dục ở Hà Nội, khi ấy cô Nghiệp cũng từ Quản Bạ, Hà Giang về đây học. Tình yêu với người thầy giáo trẻ nơi miền núi Hướng Hóa đã khiến cô vượt cả ngàn cây số theo chồng vào đây. Khi ấy cô Nghiệp và thầy Hùng đều mới 25 tuổi.

Mười năm qua cô gái quê Tuyên Quang, đất nổi tiếng “chè Thái - gái Tuyên” ấy, đã trở thành một giáo viên mang cái chữ đến cho trẻ em vùng cao quê chồng. Thầy Hoàng Văn Sơ, chuyên viên của Phòng Giáo dục Hướng Hóa, kể: “Hầu như các giải học sinh giỏi cấp tỉnh của bậc học tiểu học ở huyện này đều là học sinh của cô Nghiệp. Mấy năm liên tục cô là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Không chỉ rất có khả năng về sư phạm, tận tụy với học sinh, cô Nghiệp vừa được xét kết nạp Đảng”.

Em Thanh Bình, lớp 6, năm ngoái là học sinh lớp 5 của cô, Thủy Tiên lớp 10, Đức lớp 7... hồi lớp 5 đều là học trò cô Nghiệp và đã từng đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh.

Các em đến thăm cô ngày 20-11 nhưng chỉ thấy gương mặt hiền hậu của cô sau làn khói nhang mỏng mảnh, vẫn với nét cười nhắc nhở động viên. Cạnh những bằng khen giáo viên dạy giỏi, bằng khen của tỉnh là khung hình lồng ảnh chụp vợ chồng cô trong ngày cưới tận Tuyên Quang. Một gương mặt khả ái và tràn đầy hạnh phúc...

Thầy Hùng kể: Hồi đầu năm học này, Nghiệp được điều từ Trường tiểu học Khe Sanh vào Trường xã Hướng Lộc. Vợ đi dạy vùng bản, Hùng thay vợ chăm hai con, bé Tú Anh 9 tuổi, học lớp 4 và bé Đức Trung 5 tuổi, đang học mẫu giáo. Thương vợ vào vùng bản xa, Hùng động viên: “Tận Hà Giang, Tuyên Quang em còn theo anh vào tới Hướng Hóa, nay Hướng Lộc có xa cũng là cùng trong huyện”.

Nghiệp lại thương chồng một mình chăm hai con nên mỗi cuối tuần, đường sá cách trở, đồng nghiệp vài tuần mới về, nhưng cô lại băng qua tất cả... Gian nan mấy cô cũng vượt qua, vậy mà cô đã không vượt qua được trận sốt rét định mệnh...

Cảm động nhất là chuyện vào Đảng của Nghiệp. Tờ quyết định kết nạp Đảng đến với cô sau khi cô đã mất năm ngày, được thầy Hùng ép plastic để trên bàn thờ. Ngày cô bị ốm đi cấp cứu cũng là ngày chi bộ họp xét kết nạp Đảng cho Nghiệp.

Năm ngày sau, khi thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa chuẩn y và ra quyết định kết nạp Đảng thì cô đã từ giã cõi đời. Hồi đầu năm Nghiệp vào Hướng Lộc dạy, hai vợ chồng đã tính tết này đưa hai con ra Bắc thăm ông bà ngoại, thế mà tết cận kề rồi...

Nhiều cán bộ của Phòng Giáo dục Hướng Hóa thương cô Nghiệp, đã bực bội nói về một nghịch lý ai cũng biết nhưng vẫn tồn tại từ rất lâu như... chân lý: đấy là những nơi gian khó nhất, đối mặt với nhiều tật bệnh nguy hiểm nhất như miền núi thì lại không có được những thầy thuốc chuyên môn giỏi và phương tiện hiện đại để cấp cứu bệnh nhân.

Và khi chuyển lên tuyến trên thì quãng đường lại rất xa, trang thiết bị hỗ trợ trên đường di chuyển không đầy đủ nên sự an toàn của người bệnh luôn bị đe dọa. Đấy cũng là một thiệt thòi của những người dân miền núi, không riêng gì những giáo viên vùng bản như cô Nghiệp, cô Liền...

Sao mà nghiệt ngã như thế

Không xa nhà của cô Nghiệp là nhà cô giáo Hà - giáo viên Trường THCS Liên Lập cạnh thị trấn Khe Sanh. Hai cô giáo mất gần như cùng lúc. Buổi sáng đưa tang cô giáo Hà thì buổi chiều cô Nghiệp mất.

Ngôi nhà của cô Lê Thị Hà nhỏ đến mức không thể nhỏ hơn được nữa, chỉ đủ đặt bàn thờ cô và cái bàn nhỏ để khách ngồi. Bé Thảo Ngọc, 6 tuổi, cố kiễng chân lên bàn thờ thắp nhang cho mẹ nhưng không với tới lư hương. Anh Chánh, bố cháu, phải kê thêm chiếc ghế nhựa cho bé đứng. Cháu cứ nhìn trân trối vào di ảnh của mẹ... Chị Hà chết không do sốt rét mà là hậu quả của hàng trăm trận sốt rét của 12 năm dạy học ở miền cao đã biến chứng thành ung thư.

Tốt nghiệp Sư phạm Bình Trị Thiên, cô lên đây từ năm 1991. Lập gia đình với anh Chánh khi tuổi đã cao. Anh Chánh cũng dạy ở A Ngo - xã xa nhất của huyện Hướng Hóa hồi ấy (nay thuộc huyện Đakrông).

Từ ba năm nay cô đã vật lộn với bệnh ung thư, nhiều lần tưởng không qua khỏi nhưng đồng nghiệp, học trò đã đùm bọc sẻ chia, quyên góp giúp cô thuốc thang để sống thêm với đời ngày nào hay ngày ấy.

Lương của hai vợ chồng đều trút vào chữa bệnh cho cô nên cho đến giờ ở tuổi gần 50, với hơn 20 năm dạy học ở miền núi mà vợ chồng cô vẫn chưa có một ngôi nhà cho ra nhà để ở. Và rồi cô ra đi vào dịp mà như hằng năm các thầy cô sẽ ngập tràn hoa tặng.

Những bông hoa tặng cô Hà, cô Nghiệp, cô Liền... giờ tỏa hương trên bàn thờ. Các cô đã nằm lại mảnh đất miền núi này, dù quê các cô tận Quảng Bình, Tuyên Quang nhưng những con chữ các cô gieo vào đời những em thơ trên rẻo cao này sẽ tiếp nối tin yêu...

Chia tay với các thầy ở phòng giáo dục huyện, tôi lại nghe tin báo cô giáo Thủy, giáo viên của Trường Tân Hợp (một xã thuộc huyện Hướng Hóa) cũng đang thập tử nhất sinh tại trung tâm cấp cứu bệnh viện huyện... Sao mà nghiệt ngã thế, cuộc sống của những thầy cô đi gieo hạt chữ trên miền cao...

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên