21/03/2016 10:31 GMT+7

Ngao ngán kiểu băngrôn "Gia đình 2 con vợ chồng hạnh phúc"

THANH THẢO và nhóm khảo sát  (khoa BCTT Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)
THANH THẢO và nhóm khảo sát (khoa BCTT Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)

TTO - Anh Ngô Văn Nam (Q.7, làm nghề buôn bán) ngao ngán lắc đầu khi nhắc đến băngrôn “Gia đình 2 con vợ (xuống dòng) chồng hạnh phúc”.

Một tấm băngrôn treo xộc xệch trên đường D2 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), rất khó để có thể đọc được toàn bộ những dòng chữ ghi trên đó - Ảnh: Duyên Phan
Một tấm băngrôn treo xộc xệch trên đường D2 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), rất khó để có thể đọc được toàn bộ những dòng chữ ghi trên đó - Ảnh: Duyên Phan

​Khảo sát ý kiến 100 người dân ở TP.HCM cho thấy đa số không đánh giá cao hiệu quả tuyên truyền của các băngrôn trên đường phố hiện nay, chủ yếu do nội dung kém hấp dẫn và tần suất xuất hiện dày đặc gây nhàm chán.

Chỉ có 31% người tham gia khảo sát cho biết thường xuyên đọc các băngrôn tuyên truyền, còn lại chỉ thỉnh thoảng mới đọc hoặc rất hiếm khi đọc.

“Gia đình 2 con vợ chồng hạnh phúc”

Để tuyên truyền tốt, đáng ra câu chữ của băngrôn cần phải tinh tế và gây ấn tượng để người đọc thấm lâu nhưng ngược lại, 74% ý kiến người tham gia khảo sát cho rằng nhiều băngrôn hiện nay hoặc đang mắc lỗi cơ bản về diễn đạt hoặc quá nhàm chán.

Chị Lê Thị Thương (26 tuổi, nhân viên truyền thông) bức xúc khi thấy băngrôn “Không để cháy (xuống dòng) nổ là hạnh phúc gia đình”. Chị cho rằng việc ngắt dòng cẩu thả như vậy làm một băngrôn tuyên truyền trở thành trò cười.

Cũng có ý kiến tương tự, anh Ngô Văn Nam (Q.7, làm nghề buôn bán) ngao ngán lắc đầu khi nhắc đến băngrôn “Gia đình 2 con vợ (xuống dòng) chồng hạnh phúc”.

Chị N.K.H.Bình (Q.Gò Vấp) kể là đã giật mình khi đang trên đường đi làm về và đọc được băngrôn đại ý là “Nếu yêu vợ, hãy xét nghiệm HIV mỗi năm 2 lần”.

Chị bình luận: “Thực sự không biết nên khóc hay nên cười với băngrôn này. Nó tối nghĩa, bất hợp lý và ngụy biện vì vế yêu vợ mâu thuẫn với vế xét nghiệm HIV. Băngrôn này hoặc ám chỉ các bà vợ đều mắc bệnh hoặc ám chỉ các ông chồng đều “trăng hoa” ở ngoài nên mắc bệnh”.

Nhiều người trả lời khảo sát còn bức xúc vì những băngrôn kiểu “nói điều ai cũng biết”. Chị Bạch Vân (25 tuổi, nhân viên văn phòng) dẫn chứng: “Treo băngrôn chỉ có dòng chữ “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe” thì rất vô bổ, nói điều ai cũng biết thì treo làm gì để lãng phí và rối đường phố?”. Những băngrôn nặng tính hô hào, sáo rỗng kiểu: “Nhiệt liệt chào mừng ngày...”, “Tinh thần ngày... bất diệt”, “Toàn khu phố... quyết tâm xây dựng đời sống văn hóa”..., cũng làm người dân cảm giác đang bị “bội thực” bởi sự nhàm chán.

Đó là chưa kể những băngrôn “làm quá” kiểu như: “Tiết kiệm điện là yêu nước”, “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học”..., gây phản cảm cho người đọc.

Chính vì vậy, khi đánh giá về giá trị nội dung của các băngrôn tuyên truyền hiện nay, có đến 48% ý kiến cho rằng các băngrôn thường mang tính hô hào sáo rỗng, 36% nói rằng nội dung khô khan nên đọc xong là quên ngay. Chỉ có 17% cho rằng các băngrôn có nội dung ngắn gọn, dễ đọc và dễ hiểu.

Khảo sát 100 người Đồ họa: Tấn Đạt
Khảo sát 100 người - Đồ họa: Tấn Đạt

 

Đầu tư hơn về hình thức

Khảo sát của Tuổi Trẻ đã đưa hai thiết kế tuyên truyền về việc không hút thuốc lá để người khảo sát lựa chọn.

Trong đó, thiết kế 1 nhấn mạnh về hình ảnh và một câu buộc phải suy ngẫm: “Bạn hút thuốc hay thuốc đang hút bạn?”; thiết kế 2 là một câu khẩu hiệu truyền thống chữ trắng trên nền vải đỏ: “Hút thuốc lá gây bệnh tật và tử vong”. Kết quả, 82% độc giả thích thiết kế 1 với lý do hình ảnh độc đáo và câu từ gợi suy ngẫm.

“Hình ảnh thường có sức mạnh thông tin lớn hơn câu chữ. Vì vậy, tôi nghĩ nên tập trung vào sáng tạo thiết kế để tăng hiệu quả thông tin của các băngrôn” - chị Nguyễn Thị Ngọc Quyên (ngụ Q.Bình Thạnh) đề xuất.

Ý kiến này nhận được sự đồng tình của nhiều người dân, có đến 76% người tham gia khảo sát cho rằng cần phải sáng tạo hơn về mặt hình thức, nội dung câu chữ để băngrôn phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng nên thận trọng trong sử dụng hình ảnh vì các băngrôn hiện nay thường lạm dụng những hình ảnh ghê rợn để răn đe người xem. Chị Ngọc Bích (Q.Bình Thạnh) nói: “Tôi rất sợ nhìn thấy những băngrôn, apphich máu me với kim tiêm để tuyên truyền không hút ma túy. Nhìn một lần không dám nhìn lại lần thứ hai”.

Anh Nguyễn Hoàng Phúc (32 tuổi, nhân viên thiết kế) cho rằng: “Cần tham khảo các xu hướng thiết kế hiện đại để sử dụng hình ảnh tinh tế, gợi giá trị thông tin cao chứ không nên chỉ đánh vào các hình ảnh ghê rợn”.

Bên cạnh yêu cầu thay đổi nội dung các băngrôn, những người tham gia khảo sát cũng cho rằng cần chú ý để tần suất treo băngrôn hợp lý hơn. 62% ý kiến cho rằng băngrôn đang được treo quá nhiều ở TP.HCM, dịp lễ tết và dịp thông tin nào cũng thấy treo.

Thêm vào đó, việc các băngrôn của doanh nghiệp xuất hiện dày đặc cũng làm mất mỹ quan thành phố.

Nhiều người dân nhẩm tính rằng việc các băngrôn treo dày đặc như vậy chắc chắn gây ra lãng phí rất lớn về tài nguyên và nhân lực.

Anh Nguyễn Thành Phát (nhân viên tiếp thị) còn lo ngại rằng: “Băngrôn treo xong bị gỡ được xử lý như thế nào? Vứt đi chắc chắn sẽ thải lượng rác thải lớn vào môi trường. Cần sử dụng các hình thức mới hơn như tuyên truyền online hoặc bảng điện tử”.

* Trần Danh Nhân (25 tuổi, nhân viên truyền thông, Q.7):

 

Có dịp đến một số nước, tôi thấy mục đích treo băngrôn, apphich của họ không chỉ để tuyên truyền mà còn nhằm làm đẹp đường phố nhờ những thiết kế ấn tượng. Vì vậy, để băngrôn hiệu quả hơn, chúng ta phải đầu tư “chất xám” làm mới về mặt thiết kế và nội dung, bỏ ngay kiểu “tôi làm phần tôi, ai thích đọc thì đọc” như bây giờ.

Nguyễn Văn Thuyên (24 tuổi, Q.Thủ Đức):

Tôi nghĩ phương án tuyên truyền như làm các video đặt ở những chỗ công cộng như nhà chờ xe buýt, nhà ga... sẽ tác động cao hơn việc treo băngrôn như hiện nay. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc nhiều vào chi phí nữa.

Bùi Thanh Thảo (23 tuổi, Q.3):

Nên làm băngrôn theo chiến dịch sự kiện, hết rồi thì gỡ đi chứ không nên để lâu ngày. Có những băngrôn để quá lâu, xuống cấp làm mất mỹ quan đô thị. Tôi thấy ở Nhật Bản có cách làm hay, họ tìm cách tích hợp nội dung tuyên truyền với nghệ thuật vẽ graffity trên tường nhà chờ tàu điện ngầm để thu hút người trẻ.

THANH THẢO và nhóm khảo sát (khoa BCTT Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên