10/03/2014 00:01 GMT+7

Ngành nhựa tăng trưởng trong nền kinh tế nhiều biến động

congtien_canbiet
congtien_canbiet

Cần biết - Mặc dù nền kinh tế Việt Nam thời gian qua có nhiều biến động, nhưng ngành nhựa của TP.HCM vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng bền vững, bình quân từ 20% đến 25% hàng năm.

Nhựa là vật liệu được sử dụng trên rất nhiều sản phẩm, lĩnh vực khác nhau, vốn đầu tư sản xuất nhựa cũng không quá lớn so với các ngành sản xuất khác. Trong ngành xây dựng, các vật liệu xây dựng bằng nhựa có ưu thế về độ nhẹ, giá thành rẻ mà độ bền lại cao. Theo Tổng cục Thống kê, nếu tính doanh nghiệp nhựa đang hoạt động có vốn từ 500 triệu đồng trở lên có trên 1.000 doanh nghiệp, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Số lượng doanh nghiệp tại TP.HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương và Long An chiếm tới 80% tổng số lượng doanh nghiệp nhựa trên cả nước.

Theo Hiệp hội Nhựa TP.HCM (VSPA), qua 20 năm trưởng thành và phát triển, ngành nhựa thành phố phát triển bền vững được như ngày nay nhờ luôn chú trọng, tập trung đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc, thân thiện với môi trường.

TP.HCM hiện được coi là trung tâm về khoa học và kỹ thuật công nghệ nhựa với năm phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, các phòng thí nghiệm quốc tế và các trường đại học có chương trình đào tạo kỹ sư hóa nhựa và phòng thí nghiệm hóa nhựa. TP.HCM là địa phương đi đầu về công nghệ phát triển nhựa phân hủy sinh học, thời gian phân hủy chỉ là 1-2 năm thay cho nhựa hóa thạch 600 năm mới phân hủy, hướng tới công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.

Tiêu biểu là công nghệ OXO sản xuất nguyên liệu chủ phối trộn với nguyên liệu nhựa hóa thạch thông thường, sử dụng thiết bị máy móc sản xuất nhựa phân hủy sinh học. Công nghệ này đang phát triển phổ biến trong các doanh nghiệp bao bì nhựa, trong đó nòng cốt là các doanh nghiệp bao bì nhựa đã nhận thẻ xanh của Tổng Cục môi trường Việt Nam. Hiện đã có gần 20 sản phẩm túi nilon Việt Nam được Tổng Cục môi trường cấp nhãn xanh thân thiện môi trường.

kvKjNZzJ.jpg

Xác định mục tiêu phát triển công nghệ cao thân thiện với môi trường, VSPA đã phối hợp với Liên đoàn nhựa Singapore nghiên cứu công nghệ nhựa phân hủy sinh học 0% plastic từ nhiều năm qua.

Công nghệ này sử dụng nguyên liệu chính là bột khoai mì Việt Nam phối kết với dầu cọ Malaysia và một số loại hóa chất sinh học khác thành nguyên liệu sản xuất, với dây chuyền thiết bị sản xuất khép kín bốn trong một bao gồm các công đoạn tạo hạt, thổi túi, in ấn, xếp túi.

Đại diện VSPA cho biết, công nghệ này sử dụng thiết bị toàn bộ hoàn toàn mới với công nghệ đón đầu 20 năm tới. Sử dụng công nghệ này, doanh nghiệp thổi túi Việt Nam phải đầu tư hoàn toàn thiết bị mới, công nghệ mới đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về công nghệ cao, công nghệ sạch bảo vệ môi trường, nói chung là công nghệ nhựa phân hủy sinh học.

Trong năm 2014, VSPA vận động các doanh nghiệp hội viên đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng, xây dựng các nhà máy sản xuất túi nhựa phân hủy sinh học theo chủ trương khuyến khích của Chính phủ, hợp tác với Singapore nhập trang thiết bị và chuyển giao công nghệ nhựa phân hủy sinh học 0% plastic.

Các nhà máy này tập trung ở TP.HCM và các tỉnh thành, với công suất thiết kế đạt gần 100.000 tấn/năm, cơ bản đảm bảo được yêu cầu thay thế túi nhựa ô nhiễm môi trường hiện nay.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

congtien_canbiet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên