Theo thống kê từ Bộ Công Thương, sản phẩm mây tre Việt Nam đã được xuất khẩu tới trên 120 quốc gia. Trong đó, đứng đầu là thị trường Mỹ chiếm đến trên 19% thị phần, Nhật Bản chiếm gần 17% thị phần. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu mây tre Việt Nam hiện chỉ chiếm chưa đến 3% thị trường thế giới. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả này.
Từ năm 2009 đến nay, các làng nghề mây tre nổi tiếng như Phú Nghĩa, nón Chuông, làng Vát, Chàng Sơn, Phú Túc, nón Huế... gặp rất nhiều khó khăn do thị trường bấp bênh, nguồn nguyện liệu không ổn định, sản xuất cầm chừng. Mặt khác, trên 80% các cơ sở sản xuất trong ngành mây tre đan không đủ vốn để đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, hầu hết đều sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thấp, thiếu đa dạng về mẫu mã, hạn chế sức cạnh tranh cả trên thị trưởng trong nước lẫn xuất khẩu.
Ngoài ra, trong khi người tiêu dùng ở các nước phát triển ưa chuộng những sản phẩm đơn giản, có tính hình khối thì sản phẩm mây tre Việt Nam thường rườm rà, nhiều chi tiết và lắm góc cạnh, uốn lượn… nên khó có thị trường bền vững. Chúng ta cũng chưa xây dựng được thương hiệu chung cho các sản phẩm tre Việt Nam.
Từ mây và tre có thể chế biến được hàng trăm loại sản phẩm khác nhau phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Cụ thể, những vật liệu này có thể sản xuất thành 2 nhóm hàng lớn: các sản phẩm truyền thống như măng tre làm thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, mành, chiếu, tăm, giấy…; các sản phẩm mới như tre ép làm ván sàn và đồ nội thất, tre ép phục vụ xây dựng, làm than hoạt tính, làm sợi,…
Tre nứa, song mây là những loài cây lâm sản ngoài gỗ có khả năng gây trồng thành vùng nguyên liệu chuyên canh hoặc bảo tồn khai thác bền vững. So với các loài cây gỗ, tre nứa có ưu điểm nổi trội là tốc độ sinh trưởng rất nhanh, trồng sau 3-4 năm có thể khai thác, năng suất cao 4-12 tấn/ha/năm. Luân kỳ khai thác của rừng tre, nứa rất ngắn, từ 2-3 năm.
Với đòi hỏi từ thị trường, từ nay đến năm 2020 và 2030, cơ cấu sản phẩm của ngành chế biến tre nên là 30% cho các sản phẩm truyền thống và 70% sản phẩm thuộc nhóm các sản phẩm mới. Các sản phẩm tre ép khối thay thế gỗ trong sản xuất đồ nội thất ngày càng được ưa chuộng, vì có độ bền đẹp không thua gỗ, nhưng giá bán lại rẻ hơn rất nhiều. Việt Nam cần hướng vào dòng sản phẩm mới này. Nếu có chiến lược và cơ cấu sản phẩm hợp lý, Việt Nam có khả năng chiếm được 8-10% thị trường thế giới, thì ngành chế biến mây tre Việt Nam sẽ vươn tới 1 tỷ USD trong tương lai.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận