Ga Sài Gòn vắng vẻ những ngày giữa tháng 11-2020 - Ảnh: C.TRUNG
Câu chuyện đổi mới ngành đường sắt đã đặt ra từ 20 năm trước. Đến nay sự chuyển mình của ngành này vẫn chậm chạp.
Quạnh hiu ga Sài Gòn
Ghi nhận của Tuổi Trẻ những ngày giữa tháng 11-2020 tại ga Sài Gòn là không gian vắng vẻ bao trùm nhà ga rất nhiều thời điểm, từ ngoài vào trong. Một số cửa hàng dịch vụ buôn bán thức ăn, sim card, quà lưu niệm... cũng đóng cửa, trả mặt bằng. Ngay cả các máy tính được trang bị cho hành khách tra cứu lịch tàu cũng tắt ngúm. Trên tầng 1 của nhà ga, thang máy tắt điện, quầy bán vé ngổn ngang rác, dây điện chỏng chơ trơ vỏ...
Trong khi đó, nhiều hành khách cho biết việc mua vé tàu đã dễ hơn so với trước khi có thể mua online, song cách thức mua vé đường sắt vẫn chưa tiện dụng.
Chẳng hạn khi đăng nhập vào mua vé tàu, nhiều toa tàu hiển thị "chỗ nghiệp vụ, không bán vé", có một số đoàn tàu xuất hiện tình trạng 9 toa tàu thì có đến 4 toa là vé nghiệp vụ, gây mất cảm tình, nhiều người nghĩ ngành đường sắt ghim vé. Trong khi đó, ngành hàng không thể hiện chuyến bay còn chỗ rõ, khách có thể chọn hoặc chi thêm tiền để đặt vị trí tốt hơn.
Chị Nguyễn Minh Chi (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đánh giá vé tàu đắt hơn vé máy bay là nghịch lý. Trong khi các hãng hàng không luôn tung ra những đợt khuyến mãi, thậm chí có cả vé 0 đồng thì vé tàu hỏa vẫn cao ngất ngưởng, khuyến mãi không nhiều.
Khó đầu tư, liên kết với đường sắt?
Ông Đào Anh Tuấn - tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn - cho biết thời gian qua cũng có nhiều doanh nghiệp liên kết với ngành đường sắt tổ chức tour du lịch nhưng chỉ đến một vài điểm. Song, trên thực tế có tour chưa kịp bán ra thì đột ngột dừng lại vì sự cố tàu xảy ra nhiều, và đến nay chưa khởi động lại, như tour du lịch bằng đường sắt chất lượng cao với tên gọi Amazing rail tour do Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) thực hiện.
Bà Đoàn Thị Mai Hương - tổng giám đốc SASCO - nói thẳng: còn nhiều rủi ro khi liên kết với đường sắt, như thường xuyên bị tắc giữa đường, không quay đầu tàu kịp để đón khách, nguy cơ bể tour cao. Theo bà, ban đầu SASCO thuê 1-3 toa tàu để thiết kế hẳn tour du lịch nhưng vướng cơ chế của ngành đường sắt nên không làm được.
Cơ chế nặng nề khó thay đổi được nên đầu hàng, chịu thua!
Bà Đoàn Thị Mai Hương (tổng giám đốc SASCO)
Đầu tư vào đường sắt cũng không dễ. Như năm 2018, một doanh nghiệp đề xuất với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để cải tạo toàn bộ mặt bằng tầng 1 và tầng 2 của ga Sài Gòn nhằm có chất lượng như sân bay. Doanh nghiệp này cho biết dù đã tới lui xuôi ngược bàn thảo nhưng vẫn không xin được cơ chế để đầu tư. Đơn vị này nói khá nản sau khi tính đầu tư vào đường sắt.
Một số doanh nghiệp cũng cho rằng cần cuộc "đại phẫu", tái cơ cấu triệt để ngành đường sắt cũng như cơ chế cho ngành, tránh việc bản thân lãnh đạo đường sắt muốn làm cũng không được. Ngành này vẫn có thế mạnh, cần sự năng động và cả cơ chế hoạt động khác mới phát triển được.
Cần thay đổi thực sự
Lãnh đạo một doanh nghiệp ở TP.HCM nhấn mạnh ngành đường sắt thực ra được ưu tiên nhiều mặt, có trong tay cơ sở vật chất khổng lồ, cần thực sự thay đổi cơ chế, cách làm để tăng hiệu quả. Vì vài mặt bằng tại TP.HCM của ngành nếu cho thuê thì số tiền thu được cũng lớn hơn lợi nhuận cả năm của ngành này.
Theo các doanh nghiệp du lịch, để xây dựng các tour du lịch bằng đường sắt, ngành này cần đảm bảo tàu đúng giờ, chất lượng toa xe, vệ sinh sạch sẽ, phục vụ ăn uống trên tàu... Bên cạnh đó cần có chính sách giảm giá vé, giá dịch vụ theo từng giai đoạn. Hàng không luôn có ưu đãi riêng cho các đơn vị lữ hành và các đoàn khách lớn. Không làm được nên đây là hạn chế rất lớn của đường sắt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận