27/08/2012 08:10 GMT+7

Ngán ngẩm khi nghĩ đến đầu tư

Ông CAO TIẾN VỊ
Ông CAO TIẾN VỊ

TT - Lãi suất thất thường, ưu đãi thuế không thống nhất... đã khiến nhiều doanh nghiệp thiệt hại khi đầu tư. Mới đây, do chịu không xiết, ông Cao Tiến Vị - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn - đã phải gửi thư kêu cứu lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Ông Vị nói:

ayC9GAOY.jpgPhóng to
Ông Cao Tiến Vị - Ảnh: T.V.N.
- Điều doanh nghiệp (DN) chúng tôi quan ngại hơn tất cả chính là chủ trương và hỗ trợ không nhất quán, nhiều chính sách quản lý bất cập, dẫn đến khó khăn trong phấn đấu, ngoài sức kiểm soát, tính toán của DN, dù chúng tôi đã có tiên liệu các rủi ro khi lên kế hoạch đầu tư.

* Cụ thể đó là những chính sách bất cập và không nhất quán nào, thưa ông?

- Từ năm 1995, Chính phủ xác định ngành giấy là ngành chiến lược, phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế. Do ngành giấy đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên khi đầu tư, chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ cho khoản đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng đối với nhà máy giấy đặt tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A (Bà Rịa - Vũng Tàu) với hai giai đoạn, bắt đầu từ năm 2007 cho đến năm 2013 thì sẽ vận hành toàn phần.

Theo Luật đầu tư, Chính phủ khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực sau: xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường (đặc biệt ưu đãi đầu tư); thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn, tái chế (đặc biệt ưu đãi đầu tư); sử dụng nhiều lao động (từ 500 lao động trở lên); đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đầu tư sản xuất trong khu công nghiệp do Chính phủ thành lập; đầu tư mở rộng theo quy hoạch ngành giấy.

"Chỉ trong vòng sáu năm (2007-2012), tôi thống kê giá điện đã tăng 63%, nước tăng 79%, gas tăng 72% và lãi suất có thời điểm tăng 100%, khi năm 2007 lãi suất chỉ có 11,2% nhưng năm 2012 có thời điểm lên đến 20,4%..."

Giấy Sài Gòn đã đáp ứng đầy đủ sáu chính sách trên, thế nhưng khi dự án đang triển khai dở dang, chưa hoàn tất thì chính sách đột ngột thay đổi.

Thứ nhất, về ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mở rộng, Giấy Sài Gòn đã được hưởng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư giai đoạn 1 (2002-2005) với thuế suất 15%, miễn bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho bảy năm tiếp theo. Nhưng kể từ năm 2009, chính sách này ngừng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mở rộng đã thực hiện trước ngày 31-12-2008 nhưng chưa hoàn thành trong năm 2009.

Thứ hai, về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, Giấy Sài Gòn được hỗ trợ 50% lãi suất đối với khoản vay VND và 35% đối với khoản vay USD theo công bố lãi suất của Nhà nước. Nhưng cũng từ cuối năm 2009, Chính phủ tạm dừng hỗ trợ lãi suất đối với dự án sau đầu tư này. Chỉ tính riêng việc bị dừng đột ngột các chính sách ưu đãi nói trên, công ty chúng tôi đã bị tổn thất cho toàn thời gian dự án là 300 tỉ đồng. Chưa kể, dự án đầu tư mở rộng đã phải kéo dài thêm ba năm do phát sinh nhiều khó khăn, dẫn đến nhiều thiệt hại liên quan đến thị trường, cơ hội, mất doanh thu do chậm vận hành nhà máy mới, giảm cơ hội đóng góp cho ngân sách, tạo thêm công ăn việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội...

* Nhưng chẳng lẽ mất các khoản ưu đãi này thì DN mất hết cả phương hướng hoạt động?

- Đây là những điểm cụ thể tôi có thể “nói có sách, mách có chứng” từ chính bản thân DN mình. Còn với bất kỳ DN nào, tôi nghĩ cũng đều có những bức xúc tương tự. Chẳng hạn đối với chính sách tăng thuế VAT hàng nhập khẩu máy móc thiết bị. Năm 2007, thuế VAT hàng nhập khẩu máy móc thiết bị ở VN không sản xuất được là 0%. Nhưng từ năm 2009 thuế VAT tăng lên 10%. Hay việc chênh lệch thuế VAT đầu vào và đầu ra dành cho nguyên liệu giấy tái chế là 0%, trong khi thuế VAT đầu ra là 10%. Khoản chênh lệch này cũng “cắn” vào DN mất 70 tỉ đồng/năm, trong khi ở một số nước trong khu vực, các doanh nghiệp tái chế giấy được nhà nước hoàn lại chi phí chôn lấp.

* Được biết, ông dự tính bán hết tất cả những gì mình đã gầy dựng nên cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài?

- Đúng là tôi đã bán 38% cổ phần của công ty cho đối tác ngành giấy của Nhật từ đầu năm 2011. Nhưng với cách điều hành nền kinh tế như hiện tại, tôi nghĩ rất khó để DN trong nước yên tâm đầu tư, ổn định sản xuất. Chỉ trong vòng sáu năm (2007-2012), tôi thống kê giá điện đã tăng 63%, nước tăng 79%, gas tăng 72% và lãi suất có thời điểm tăng 100%, khi năm 2007 lãi suất chỉ có 11,2% nhưng năm 2012 có thời điểm lên đến 20,4%.

Đây là kết quả tất yếu của cơ chế: giá cả theo “cơ chế thị trường” đi kèm chính sách “an sinh xã hội” do một bên tự quyết, với một nguồn cung duy nhất, nên sẽ khó để DN dự báo thời điểm tăng giá, mức tăng giá như thế nào. Nên sức cạnh tranh không có hoặc có và bị mất đi cũng là điều rất dễ hiểu.

“Doanh nghiệp sẽ không trụ lại được”

Bức thư của ông Cao Tiến Vị gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình có đoạn:

“Trong những năm qua, có lúc thắt chặt tín dụng đột ngột, lãi suất cho vay cao kéo dài, đưa VN là một trong 10 nước có lãi vay cao nhất thế giới. Khi chưa rõ định hướng tương lai thế nào, doanh nghiệp phải lui về cố thủ, làm đình trệ sản xuất. Dự án đầu tư mở rộng của Giấy Sài Gòn phải kéo dài thêm ba năm do phát sinh nhiều khó khăn, thiếu vốn do khách quan và vượt mức dự phòng theo kế hoạch, dẫn đến nhiều thiệt hại liên quan đến thị trường, cơ hội. Doanh nghiệp sẽ không thể trụ lại được, hoặc phải bán cho nhà đầu tư nước ngoài, sẽ ảnh hưởng lớn đến chủ quyền của một lĩnh vực thiết yếu... khi đó sẽ ảnh hưởng người tiêu dùng...”.

Ông CAO TIẾN VỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên