Sau hơn 10 năm, cuốn sách Văn minh Trà Việt của tác giả Trịnh Quang Dũng vừa tái bản và đến tay độc giả với sự chỉnh lý, bổ sung nhiều tư liệu quý giá để minh định thêm về lịch sử văn hóa trà Bách Việt, cội nguồn căn bản của trà Việt trải suốt nhiều ngàn năm lịch sử.
Cái nôi đầu tiên của cây chè trên thế giới ở đâu?
Căn cứ theo một số tư liệu về các cuộc chiến tranh Nam Chiếu - Thổ Phồn với Đại Đường, tác giả Trịnh Quang Dũng nói: "Tuyến Trà mã cổ đạo hướng Đông - Tây chạy qua Nhã An nằm trong sự cai quản của Thổ Phồn hơn 200 năm. Nơi đây từng là chiến trường khốc liệt, triền miên giữa Thổ Phồn - Đại Đường và quân Đường luôn thất bại".
Theo ông Dũng, cứ liệu lịch sử khẳng định cả triều đình nhà Đường và nhà Tống sau này chưa bao giờ xây dựng, sở hữu, quản lý Trà mã cổ đạo như một số tư liệu Trung Quốc quảng bá nhằm minh chứng, củng cố cho nguồn gốc trà từ Trung Hoa.
Con đường này, xưa nằm trong cương vực lãnh thổ Nam Chiếu - Đại Lý (Điền Việt), được các cư dân Bách Việt - Tạng xây dựng nên. Các dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng, Thái, Hà Nhì, Cao Lan... vốn là hậu duệ của dân Bách Việt thời xa xưa.
Nói một cách khác, vùng trà hoang dã thiên nhiên trải rộng từ đất Ba Thục, Điền Việt (Vân Nam ngày nay) xuống tới vùng Tây Bắc Việt Nam, Lào, Miến Điện chưa thuộc về Trung Quốc từ trước thế kỷ XIV.
Ông Dũng cũng cung cấp cho bạn đọc các góc nhìn từ nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác nhau về khởi thủy của cây chè - trà để kết luận Việt Nam là một trong những "cái nôi, vùng nguyên sản chè" của thế giới.
Vào thế kỷ 17, bác sĩ - nhà vạn vật học người Đức Engelbert Kampfer đặt tên khoa học cho cây chè là "Thea Sinensis", nghĩa là chè Trung Quốc.
Tuy nhiên, năm 1974, K.M. Djemukhatze, viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô, sau thời gian dài làm việc tại Việt Nam đã hoàn tất công trình chuyên khảo công phu về cây chè Việt để công bố tại Hội nghị Thực vật học toàn cầu lần thứ 12 (1974), sau đó được ấn hành thành sách vào năm 1976 với tên Cây chè ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ông thiết lập sơ đồ tiến hóa cụ thể của cây chè thế giới như sau: Camellia - Thea Wetnamica (chè Việt Nam) - Thea Fuinamica (chè Vân Nam lá to) - Thea Sinensis (chè Trung Quốc lá nhỏ) - Thea Assamica (chè Assam Ấn Độ).
Theo nhiều nhà nghiên cứu, công trình trên đưa đến kết luận bất ngờ, đảo lộn các giả thuyết khoa học về nguồn gốc cây chè trước đó.
Việt Nam mới là cái nôi đầu tiên của cây chè thế giới và đề xuất tên khoa học mới cho cây chè là Thea Wetnamica, thay cho tên Thea Sinensis đã tồn tại một cách lầm lẫn, sai lệch suốt hơn hai thế kỷ (1753-1974).
Còn học giả Nhật Bản Watable Tadayao nhận định: "Vùng chè hoang dã gần đồng nhất với cái nôi của cây lúa nước". Tác giả Nguyễn Thị Bảy trong cuốn Ẩm thực dân gian Hà Nội viết: "Ở đâu có lúa nước ở đó có chè!".
Theo diễn giải của ông Dũng có thể thấy chè - trà phải bắt nguồn, phát triển và là sản phẩm song hành của nền văn minh lúa nước, nền văn minh nông nghiệp sớm nhất của nhân loại, mà Việt Nam là một đại diện.
Văn hóa thưởng trà
Trong buổi trò chuyện với độc giả, tác giả Trịnh Quang Dũng cho rằng Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có hai dòng trà.
Đó là trà cung đình và trà dân gian. Khác với nghệ thuật thưởng trà cực kỳ hoa mỹ, bay bướm, kiểu cách, thiên biến vạn hóa ở Trung Hoa hay văn hóa Trà đạo lên tầm tín ngưỡng ở Nhật Bản, trà cung đình Việt làm nên bản ngã rất riêng: "Vừa sang trọng kiêu sa lại vừa mộc mạc, dung dị".
Danh sĩ Nguyễn Công Trứ là người xóa bỏ ranh giới giữa trà cung đình và trà dân gian, tạo ra sự hòa hợp trong nghệ thuật ẩm trà Việt vừa cao sang song không mất đi bản sắc mộc mạc, đời thường.
Trong Hàn nho phong vị phú, ông Dũng chỉ rõ sự hiện diện thú uống trà vối, trà bàng bình dân của Nguyễn Công Trứ được sánh với trầu cau cao sang vốn là đầu câu chuyện của người Việt từ ngàn xưa: "Ấm trà góp lá bàng lá vối pha mùi chát chát chua chua/ Miếng trầu têm vỏ mận, vỏ dà buồn miệng nhai nhai nhổ nhổ".
Ông Dũng cho biết: "Nếu thuộc tính của dòng trà dân gian Việt là giải khát, kết nối cộng đồng thì thuộc tính nổi bật của trà cung đình Việt lại là thưởng ngoạn!
Thưởng ngoạn trà giúp tu dưỡng tâm hồn trong sáng, bay bổng, xóa bỏ mọi ưu phiền, rũ bỏ những thói hư tật xấu, ham muốn tầm thường trong đời sống thường nhật".
Còn văn hóa trà dân gian Việt thì lại hình thành trên nguyên tắc xuất phát từ nhu cầu giải khát cấp thiết hằng ngày và có tính kết nối cộng đồng cao. Không quá câu nệ về trà cụ, trong dân gian, người ta uống trà bằng chén bát dân dã để cảm nhận hết hương vị và cái "thần" của nước trà tươi.
Theo ông Dũng, văn hóa trà dân gian Việt Nam cũng tôn vinh trà lên vị trí trân quý trong đời sống hôn nhân của người Việt. Trong sính lễ, trà là vật phẩm tối quan trọng, không thể không có như một quy tắc bất thành văn.
Bài Trà ca của người Cao Lan có nguồn gốc từ vùng trà Lĩnh Nam - Văn Lang xưa có câu: "Tháng Mười một cho người đem trà đến hỏi nàng/ Tháng Mười hai năm hết, cưới nàng về thành đôi".
Trong cuốn Hành trình tìm về cội nguồn của Hà Văn Thùy có đề cập chính Khổng Tử từng dạy học trò: "Người Bách Việt miền Nam có lối sống, tiếng nói, phong tục, tập quán ăn uống riêng... Họ uống nước bằng thứ lá cây lấy từ trong rừng gọi là trà".
Tác giả Trịnh Quang Dũng cho rằng chính Khổng Tử đã gửi thông điệp rằng cho đến thời đại ông (551-479 TrCN), người Hoa Hạ chưa biết uống trà!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận