Nhiều năm gần đây, vốn ngân hàng thường bị đóng băng trong quý đầu tiên hoặc thậm chí suốt cả nửa năm rồi sau đó mới bung mạnh và giải ngân ồ ạt vào cuối năm.
Nhìn chung, nếu tính cả 12 tháng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đều đạt nhưng với các nhà băng, việc cho vay tăng trưởng không đều qua các quý là một áp lực không nhỏ trên góc độ làm ăn kinh doanh. Do đó, để giảm tải áp lực phải đẩy mạnh cung vốn ngân hàng vào giai đoạn cuối năm, các ngân hàng đã thay đổi chính sách bằng cách mở rộng hơn hầu bao ngay từ đầu và hiện đang có khá nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi được triển khai trên thị trường.
Trong đó, cũng theo chủ trương giảm chi phí vay nhưng Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) vẫn trung thành theo đuổi chính sách cố định lãi suất khi vẫn bơm hàng nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi lãi suất.
Cụ thể, VIB dành hạn mức 2.000 tỷ đồng lãi suất 7,9%/năm trong 12 tháng đầu cho các khoản vay mới từ 24 tháng trở lên. 1.000 tỷ đồng khác với lãi suất từ 8,49%/năm trong 6 tháng đầu sẽ dành cho các khoản vay mới thời hạn không quá 12 tháng. Bên cạnh đó, VIB cũng dành 3.000 tỷ đồng để cho vay lãi suất ưu đãi 0,68%/tháng trong 30 tháng đầu khi vay từ 5 năm trở lên. Trong đó, theo đại diện nhà băng này, gói vay 0,68% một tháng được khách hàng quan tâm nhất nên chỉ trong vài tháng đã giải ngân hết 2.000 tỷ đồng. Lãi suất sau thời gian ưu đãi của các gói cho vay ưu đãi của ngân hàng đều được tính bằng lãi suất tiết kiệm VNĐ kỳ hạn 13 tháng cộng biên độ cố định 4%/năm.
Trước việc các nhà băng xăng xái cho vay ngay từ đầu năm, một chuyên gia tài chính ngân hàng nhìn nhận đây là cách hợp lý để giảm tải áp lực cho chính họ. “Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước dự kiến đặt mục tiêu tín dụng tăng 12-14% hoặc thậm chí cao hơn. Do đó, nếu tiếp tục bình chân như vại và chờ các tháng cuối năm thì rất có thể nhiều nhà băng sẽ không kịp cán đích tăng trưởng tín dụng”, vị này lý giải.
Trên thực tế, một trong những lý do “rất Việt Nam” khiến tín dụng đầu năm khó đẩy mạnh là tâm lý đầu năm ngại làm ăn, mùa kinh doanh chưa vào cao điểm của các khách hàng, đặc biệt là hộ kinh doanh. Do đó, theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần, không mạnh tay giảm lãi suất sẽ chẳng có lý do gì để khuyến khích họ đầu tư và vay vốn.
Đồng tình với quan điểm này nhưng ông Rahn Wood, Giám đốc Ngân hàng bán lẻ - Mạng lưới phân phối VIB còn cho rằng ưu đãi không chỉ là giảm giá mà cần tạo một chính sách ổn định về lãi suất trong thời gian dài. Ông giải thích:“ Với mọi khách hàng khi đi vay, lãi suất ổn định sẽ khiến họ yên tâm và dễ dàng tính toán các phương án kinh doanh, chi trả tài chính. Hơn nữa, ở những nước phát triển, khi mặt bằng lãi suất bước vào chu kỳ ổn định thì các chương trình ưu đãi lãi suất thường được áp dụng trong thời gian dài. Đó là lý do chúng tôi sẵn sàng kéo dài thời gian ưu đãi lãi suất 0,68% suốt 30 tháng cho một khoản vay, khi có nhiều khách hàng hơn thì dòng vốn sẽ được giải ngân nhanh hơn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận