22/05/2011 09:57 GMT+7

Ngẫm nghĩ từ sân Emirates

TRƯỜNG HUY
TRƯỜNG HUY

TT - Trăm nghe không bằng một thấy. Dù đã nghe kể nhiều, nhưng lần đầu tiên được đến sân Emirates của CLB Arsenal cũng nhận thấy được nhiều điều thú vị...

TT - Trăm nghe không bằng một thấy. Dù đã nghe kể nhiều, nhưng lần đầu tiên được đến sân Emirates của CLB Arsenal cũng nhận thấy được nhiều điều thú vị...

Đến Anh để xem giải bóng đá vô địch quốc gia hấp dẫn nhất hành tinh bây giờ không phải là chuyện quá khó, nhưng cũng không quá dễ (vì một chuyến đi Anh tốn cả trăm triệu đồng).

Vì vậy, một trong những ước ao của một phóng viên thể thao ở VN là có một lần được đến Anh xem bóng đá. Ước ao ấy của tôi đã thành hiện thực nhân dịp tham gia chuyến đi trao giải cho các bạn đọc đoạt giải nhất cuộc thi “Bình luận viên ngoại hạng” do Tuổi Trẻ cùng Tiger Beer tổ chức và đến sân Emirates để xem trận Arsenal - Aston Villa.

Trong vô vàn điều thú vị, tôi có hai điều ngẫm nghĩ khi nhớ đến bóng đá nước nhà.

1. Nghệ thuật kiếm tiền

Khi đứng làm dáng để chụp hình bên hai khẩu thần công đặt trước sân Emirates, tôi chợt nhìn xuống dưới chân và phát hiện trên mỗi phiến đá granit vuông vức mỗi bề 20cm đều có khắc chìm tên người.

Đọc vào những “Roy Parrish father & son”, “Sam Josh & Allen Littman”... biết ngay đây không phải tên các cầu thủ, mà là tên của các cổ động viên yêu Arsenal. Tôi hỏi ông Bin, người hướng dẫn tour tham quan sân Emirates, thì được xác nhận đúng như mình nghĩ. Ông Bin cho biết: “Để tên mình xuất hiện trên mỗi phiến đá như thế phải đóng cho CLB Arsenal 80 bảng (khoảng 2,7 triệu đồng)”. Tôi nhẩm tính: mỗi mét vuông có 25 phiến đá, vị chi họ thu được 2.000 bảng, khoảng 68 triệu đồng. Đây là giá trị cộng thêm, bởi không cũng phải lót đá cho khu vực bao quanh bên ngoài sân. Mà nó nào có ít, cả vài trăm mét vuông đã được lót đá khắc tên, đem lại cho CLB này vài chục tỉ đồng! Nói với ông Bin suy nghĩ của mình, ông nheo mắt cười: “Đúng thế. Nhưng chưa hết đâu...”.

Ông Bin dẫn chúng tôi đi thêm vài trăm mét, đến một khu đất trống sát sân Emirates. Ở đó, những cần cẩu, máy xúc đang ầm ầm hoạt động. Ông Bin bảo: “Chúng tôi đang xây chung cư để bán cho các CĐV Arsenal. Chỉ mới khởi công nhưng đã đăng ký gần hết. Rất nhiều người muốn ở sát với CLB mà mình yêu mến”.

Nghĩ mọi cách để kiếm tiền, đó là đặc thù của bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng đừng nghĩ họ lạnh lùng. Ví dụ nhé: dãy ghế hơn chục chiếc trên khán đài, ngay phía sau vị trí HLV Wenger ngồi, hiện đã có 40.000 hội viên đăng ký cho mùa bóng 2011-2012 và sẽ xác định bằng hình thức chọn ngẫu nhiên! Sao không bán đấu giá để kiếm thêm tiền? Trả lời câu hỏi này của tôi, ông Bin cười: “Nếu thế thì người nghèo làm sao có cơ hội. Kiếm tiền là cần thiết, nhưng phải biết điểm dừng chứ”.

Chỉ vài chuyện nho nhỏ như thế nhưng sẽ cảm nhận được những người làm bóng đá ở sân Emirates nói riêng và bóng đá Anh nói chung là những bậc thầy trong lĩnh vực kinh doanh thể thao.

Trong khi đó nhìn lại bóng đá VN, tôi điểm tất cả các CLB, hình như các ông giám đốc điều hành đều là những người xài tiền chứ không chú trọng chuyện kiếm tiền. Ngay ở VFF, chuyện kiếm tiền cũng chỉ mới dừng lại ở chỗ dùng sự quen biết để chạy tài trợ, chứ chưa ai nghĩ đến việc kiếm tiền bằng những giá trị cộng thêm. Mặc dù hàng triệu triệu người như say ở AFF Suzuki Cup, SEA Games là một cơ hội khổng lồ.

2. Truyền hình

Chiếc vé ngồi trên tầng 2 của khán đài Emirates có giá 45 bảng (hơn 1,5 triệu đồng). Ngồi đấy nhìn toàn cảnh rất sướng mắt, nhưng xem bóng đá thì có vẻ không sướng bằng xem tivi?

Ông Trần Văn Nghĩa - chủ tịch HĐQT Công ty TLT, người đã có đến bốn lần đến Anh xem đá bóng - cười bảo: “Chính xác”! Tại sao? Ông Nghĩa nói: “Thành công lớn nhất của bóng đá Anh là khi họ quyết định tấn công vào thị trường tiềm năng châu Á, bằng cách thay đổi giờ thi đấu sớm hơn các giải Ý, Tây Ban Nha... (để người châu Á xem được thuận lợi hơn). Và đương nhiên, sự tấn công này phải bằng truyền hình. Hiện dân đạo diễn truyền hình bóng đá ở Anh là số 1 thế giới. Với 27 máy quay đặt trong mỗi sân, các đạo diễn Anh đã biết sắp xếp sao cho trận đấu khi xuất hiện trên màn ảnh tạo cho người xem cảm nhận nó diễn ra thật nhanh, tốc độ. Vì vậy, xem trên sân chỉ sướng hơn nhờ không khí cuồng nhiệt từ khán đài, chứ về diễn biến trận đấu thì xem truyền hình đã hơn”.

Thu hút nhiều người xem thì truyền hình kiếm nhiều quảng cáo, mới có tiền trả cho giải, cho đội bóng.

Lại chợt nhớ đến V-League. Vốn đã không thật hay, nhưng xem truyền hình thì lại kém hơn xem trên sân. Xin dẫn chứng một chuyện nhiều người thấy: truyền hình ở VN quá tệ trong những pha chiếu chậm!

Nhà báo Vũ Công Lập cũng chia sẻ điều này và nói thêm: “Xem bóng đá do các nhà đài VN quay thật chán. Và điều đó không chỉ làm khán giả chán mà còn khiến các HLV bó tay trong việc dùng băng ghi hình phục vụ công tác huấn luyện. Muốn thay đổi điều này, các sân phải bố trí nhiều máy quay hơn nữa. Tôi đã tìm hiểu và được biết để bố trí 17 máy quay chỉ tốn 170.000 USD, trong đó có cả chi phí mua phần mềm xử lý. Một số tiền đâu quá lớn đối với các đại gia làm bóng đá, nhưng chẳng ai chịu làm để bóng đá xuất hiện hấp dẫn hơn khi lên tivi”!

Chỉ mới ngẫm nghĩ hai chuyện thôi đã thấy cái đích chuyên nghiệp thật sự sao mà quá xa vời với bóng đá VN...

TRƯỜNG HUY

TRƯỜNG HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên