23/01/2011 19:06 GMT+7

"Ngài Grand Slam" chống lại "Rafa Slam"

QUANG THÁI
QUANG THÁI

TTCT - Theo cách xếp hạng của trang web thể thao eurosport, chỉ tính riêng ở hệ thống giải Grand Slam, Roger Federer có bảng thành tích thuộc dạng siêu hạng để được gọi là “ngài Grand Slam”.

TTCT - Theo cách xếp hạng của trang web thể thao eurosport, chỉ tính riêng ở hệ thống giải Grand Slam, Roger Federer có bảng thành tích thuộc dạng siêu hạng để được gọi là “ngài Grand Slam”.

Trong khi đó, Rafael Nadal đang hướng tới kỳ tích “Rafa Slam” -tức một Grand Slam theo cách Nadal (đoạt bốn giải Grand Slam liền kề).

Tóm lược lịch sử quần vợt qua những con số đôi lúc chẳng nói lên điều gì, nhất là khi các nhà vô địch không có cùng điều kiện tranh tài. Chỉ tính từ kỷ nguyên Open (năm 1968), thời của Rod Laver, Jimmy Connor, Bjorn Borg, Stefan Edberg, Pete Sampras đã rất khác so với thời của Federer và Nadal hiện nay.

“Ngài Grand Slam” dẫn đầu điểm số

Nếu căn cứ vào thành tích từng vòng đấu ở giải Grand Slam kể từ tuần lễ thứ hai - tức thời điểm cuộc tranh tài thật sự quyết liệt - để cho điểm (đoạt giải được 10đ, á quân 6đ, bán kết 4đ, tứ kết 2đ, vòng 1/8 1đ), Federer dẫn đầu trong danh sách 20 tay vợt với cách biệt khá lớn. Kết quả này hoàn toàn hợp lý ở chỗ tay vợt Thụy Sĩ giữ kỷ lục trận thắng hoặc số trận chung kết. Phong độ ổn định ở đỉnh cao của Federer kể từ năm 2003 là chưa từng có trong lịch sử quần vợt (23 trận bán kết liên tục là bằng chứng rõ nhất). Cụ thể, Federer được 222đ ở 46 giải Grand Slam tham gia, trong đó có kỷ lục 16 danh hiệu vô địch (52đ) và 22 lần vào chung kết. Anh cũng là tay vợt duy nhất đạt ít nhất 50đ ở ba giải khác nhau. Và con số này hẳn chưa dừng lại.

Tất nhiên những nhà vô địch như Laver hay Rosewall chỉ có sự nghiệp Grand Slam khi chuyển sang thi đấu nhà nghề, nhưng nếu tính trung bình (lấy số điểm chia cho số giải Grand Slam đã tham gia) thì Federer vẫn hơn. Những nhà vô địch đã thi đấu dưới 25 giải sẽ dễ có điểm trung bình cao hơn những tay vợt thi đấu từ 40-60 giải. Tính từ năm 1945, chỉ Borg có điểm trung bình cao hơn Federer (5,53 so với 4,82). Cần lưu ý với 123 điểm ở 26 giải (xếp hạng 16), Nadal có điểm số trung bình rất tốt (4,73), xếp ngay sau Federer. Laver chỉ xếp thứ 9 (4,0) và Sampras chốt lại danh sách top 10 này (3,9).

Thế nhưng từ số liệu thống kê đến thực tế trên sân giữa Federer và Nadal là chuyện khác. Tính về tỉ số đối đầu thắng thua trực tiếp, Nadal đang dẫn 14-8. Và thời gian không ủng hộ tay vợt Thụy Sĩ (29 so với 24 tuổi của Nadal) dù gần đây “ngài Grand Slam” đang lấy lại tự tin khi đối đầu với Nadal, đặc biệt không ngại trả bóng trái tay trước cú gài bóng tốt của đối phương.

Liệu Nadal có thực hiện được “Rafa Slam” khi anh được xem là ứng viên số 1 của giải lần này? Như mọi khi, Nadal biết cách giải tỏa sức ép bằng những phát biểu như “các giải Grand Slam đều có áp lực như nhau”, “tôi sẽ nỗ lực cho từng trận đấu”... Thế nhưng đằng sau chiến lược thông tin tài tình đó ẩn chứa ý chí quyết tâm bấy lâu nay tạo nên thành công gắn liền với tên tuổi Nadal. Các nhà báo thể thao của trang web eurosport từ nhiều quốc gia đã cung cấp câu trả lời dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

“Rafa Slam” có khả thi?

Như trên mọi mặt sân nhanh, Nadal sẽ thi đấu tùy thuộc phong độ của đối thủ. Hơn nữa, mặt sân nhanh luôn có nhiều bất ngờ. Dù bảng của Nadal có dễ thở hơn so với các đối thủ, nhưng tay vợt số 1 thế giới vẫn phải dè chừng các ứng viên khác kể từ tuần lễ thứ hai. Ở vòng 1/8 có thể đó sẽ là Marin Cilic từng vào bán kết giải 2010. Hoặc ở bán kết, khả năng sẽ là Robin Soderling, tay vợt Thụy Điển đang có phong độ cao sau danh hiệu giải Brisbane đầu năm; hay Andy Murray - tay vợt từng loại Nadal ở bán kết giải 2010. “Như năm 2009, Nadal sẽ phải chơi thật hay mới đăng quang lần này” - Sébastien Petit dự đoán.

Tuy nhiên, Alvaro Ferreres - nhà báo Tây Ban Nha - có ý kiến ngược lại: “Năm 2011, Nadal hoàn toàn đủ sức tái lập cú đúp Roland Garros - Wimbledon, nhưng đối với giải Úc và giải Mỹ mở rộng tôi bỏ phiếu cho Federer”. Lý do nhà báo này đưa ra là Nadal chỉ là đồng ứng viên của giải Úc bên cạnh Novak Djokovic và Andy Murray. Ngay cả David Nalbandian hoặc Jo-Wilfried Tsonga cũng đã là “khó nuốt” đối với Nadal. “Như đã nói, nếu phải đặt cược, tôi sẽ dồn tiền vào Federer” - Ferreres viết và không quên thòng thêm câu hẳn làm mát lòng người đồng hương của mình: “May thay, tôi không giỏi về dự đoán!”.

Federer làm chúng ta cảm thấy quen thuộc với những gì thuộc dạng siêu hạng, trong khi Nadal đã tầm thường hóa, theo nghĩa tốt của từ này, kỳ tích lịch sử. “Vì vậy, Rafa Slam là một mục tiêu hoàn toàn có thể thực hiện được” - nhà báo Pháp Julian Carrasco bày tỏ ý kiến. Tuy nhiên, ông lưu ý một điều: giải Úc mở rộng là giải Grand Slam đặc biệt khó đối với Nadal. Trong sáu lần dự giải, anh chỉ một lần vào đến chung kết. Mặt sân ở Melbourne Park tạo ưu thế cho một số tay vợt đánh bóng mạnh và biết điều chỉnh tốt nhịp độ nên Nadal sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa, hiếm khi Nadal chuẩn bị tốt ở thời điểm cuối tháng 1 (năm 2009 sau khi dồn sức cho giải Úc mở rộng, Nadal bị dính chấn thương gối và sau đó mất luôn danh hiệu ở Roland Garros, rút lui khỏi Wimbledon). Lần này, Nadal có điều chỉnh lịch đấu vì hiểu được ý nghĩa lịch sử của một “Rafa Slam”, như chỉ dự giải biểu diễn ở Abu Dhabi và thi đấu tại Doha. “Nhưng nếu vào bán kết gặp Soderling, Nadal sẽ rất mệt mỏi vì đây là một trong những tay vợt hiếm hoi đang có phong độ tốt và đầy tham vọng đoạt danh hiệu Grand Slam đầu tiên với động cơ không thua kém Nadal” - Carrasco kết luận.

Là người trong cuộc, Federer hiểu rõ hơn ai hết khả năng của Nadal ở giải lần này và không ngớt lời thán phục đối thủ. Hẳn tay vợt đương kim vô địch giải sẽ không dễ dàng để đối thủ vượt qua mình về kỳ tích bốn danh hiệu Grand Slam liền kề (Federer từng đoạt ba danh hiệu liên tục và đều bị ngáng chân ở Roland Garros). “Nếu có cơ hội, tôi hi vọng có thể chặn đứng anh ta” - “ngài Grand Slam” tuyên bố.

QUANG THÁI

Nữ cũng đánh lòn...

Trong quần vợt, cú đánh bóng qua hai chân lúc chạy ngược về cuối sân - còn được gọi nôm na là lòn háng - thường là độc quyền của nam. Thời gian gần đây, Roger Federer thường thực hiện cú đánh khó này, như ở Giải Mỹ mở rộng 2010 và mới đây là Giải Doha đầu năm 2011. Một số tay vợt nam nổi tiếng khác cũng có lúc vận dụng nhưng không dễ ghi điểm vì thiếu chuẩn xác và bị bắt bài. Ở phía nữ, trong trận bán kết Roland Garros 2000, Mary Pierce từng thực hiện thành công cú đánh bóng qua hai chân nhưng ở tư thế nhảy lên và người hướng về lưới.

Trong ngày khai mạc Giải Úc mở rộng đầu tuần này, người ta lại được chứng kiến cú đánh qua hai chân chạy ngược về cuối sân do Tathiana Garbin (ảnh) thực hiện. Tuy nhiên, Garbin đã nhận đến hai “cái bánh xe” (thua trắng 6-0, 6-0) và người thắng trận, Marion Bartoli, cũng không biết mình vừa tặng đối thủ người Ý “món quà” từ giã sự nghiệp không lấy gì vui vẻ cho lắm.

L.T.

QUANG THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên