02/01/2010 17:20 GMT+7

Ngạc nhiên với những sản phẩm sáng tạo tuổi trẻ

TRUNG UYÊN - HỒNG THẮM
TRUNG UYÊN - HỒNG THẮM

TTO - Trong ngày đầu tiên tổ chức sáng nay (2-1-2010), Festival tuổi trẻ sáng tạo lần I đã làm nhiều người tham dự thú vị, ngạc nhiên vì những sản phẩm sáng tạo của bạn trẻ. Chương trình do Thành đoàn TP.HCM tổ chức, kéo dài đến chiều mai (3-1) tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.

Ngày 2 và 3-1-2010: Festival tuổi trẻ sáng tạo TP.HCMSân chơi khơi gợi sự sáng tạo

YxX6LwB9.jpgPhóng to
SV ĐH Bách khoa TP.HCM thuyết trình mô hình “Xe chạy trên điện từ trường” - Ảnh: Nguyễn Thắm

33 gian hàng của các sở - ngành, trường ĐH-CĐ, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật… tấp nập người tham quan. Các tác giả của khoảng 50 sản phẩm, mô hình sáng tạo đuợc trình diễn đã thuyết minh, trả lời “mệt nghỉ” chất vấn của khách tham quan. Không chỉ có robot, robot điều khiển giao thông, xe hai bánh tự cân bằng… mà tại festival bạn còn có thể bắt gặp cả rau mầm, cá lai, gà con, bánh làm từ hạt sầu riêng, mũ bảo hiểm thông minh…

200 hình ảnh, phim tư liệu, 2.000 đề tài nghiên cứu khoa học được triển lãm phần nào giúp bạn trẻ có cái nhìn tổng quát về phong trào nghiên cứu khoa học (NCKH) của bạn trẻ TP.HCM.

Lê Thị Ngọc Hà - SV ĐH KHXH&NV - tỏ ra thích thú khi tham quan các gian hàng: “Không ngờ có nhiều sản phẩm ứng dụng cho cuộc sống như vậy mà lại do các SV sáng tạo!". Còn Lê Minh Toàn - CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, TP.HCM - quan tâm đặc biệt đến robot cá của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM: "Con cá sinh động như thật. Dù chỉ là trò chơi nhưng rõ ràng các tác giả đã đầu tư rất nhiều".

Trong khuôn khổ festival, một diễn đàn với chủ đề "Phát huy nguồn lực NCKH trẻ thành phố" cũng được tổ chức tại Thành đoàn TP.HCM. Tham gia diễn đàn không chỉ có các giáo sư, phó giáo sư, giảng viên, nghiên cứu viên trẻ mà còn cả các bạn trẻ đoạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo, NCKH... Các nội dung được thảo luận như hiện trạng môi trường NCKH đối với các nhà khoa học trẻ, khả năng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ NCKH của các nhà khoa học trẻ, làm thế nào phát huy nguồn lực NCKH trẻ thành phố.

PGS.TS Phan Minh Tân - giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM - nhấn mạnh: “Chương trình phát triển khoa học công nghệ từ năm 2020-2025 rất chú trọng việc phát triển cán bộ khoa học trẻ. Cần nhanh chóng đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất hơn nữa. Các nhà nghiên cứu khi thực hiện nghiên cứu phải đặt ra câu hỏi là giải quyết cái gì cho thực tiễn chứ không chỉ mang tính khoa học. Trong tương lai sẽ có quy chế cụ thể hơn để hỗ trợ các nhà khoa học trẻ".

Xin giới thiệu đến bạn đọc một số sản phẩm, mô hình sáng tạo được giới thiệu tại Festival tuổi trẻ sáng tạo lần I-2009.

Robot cá của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM

Có lẽ "robot cá" là "nhân vật" thu hút sự chú ý nhiều nhất của khách tham quan. Khi được điều khiển từ xa bằng sóng vô tuyến, chú cá bơi uyển chuyển, dễ dàng đánh lừa nhiều người đó là cá thật. Chú cá này có kích thước 350mmx70mmx110mm, tốc độ bơi khoảng 100mm/s, có thể bơi ở độ sâu tối đa 1.000mm, bơi lên, lặn xuống, chuyển hướng nhịp nhàng.

Thạc sĩ Lê Tấn Cường - ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - người hướng dẫn thực hiện sản phẩm này - cho biết: "Robot cá có gắn camera ở đầu, có thể dùng ứng dụng trong những môi trường có hóa chất mà con người không vào được. Hướng phát triển sắp tới là chế tạo thêm 4 hay 5 con nữa để chúng bơi thành đàn bằng công nghệ cảm biến, phục vụ nhu cầu giải trí".

bS2hgCK9.jpgPhóng to
Tò mò tìm hiểu cấu tạo của robot cá - Ảnh: Trung Uyên

Bánh làm từ hạt sầu riêng - ĐH Hùng Vương

Sau khi ăn sầu riêng xong, bạn sẽ làm gì với hạt của nó? Đem luộc, ươm mầm hay vứt sọt rác? Vậy mà nhóm bạn ở khoa công nghệ sau thu hoạch của ĐH Hùng Vương đã trình làng món bánh làm từ hạt sầu riêng.

JJeWLOWm.jpgPhóng to
Cùng thưởng thức món bánh làm từ hạt sầu riêng - Ảnh: Nguyễn Thắm

Bạn Huỳnh Quốc Cường - trưởng nhóm thực hiện - thuyết minh về món bánh này: “Chúng mình đặt tên món bánh làm từ hạt sầu riêng là bánh Hoàng Kim. Món này được làm ra trong một lần tình cờ đi tìm nguyên liệu cho món mứt. Chúng mình thấy nhiều hạt sầu riêng bị vứt lăn lóc, thế là bắt tay vào nghiên cứu... hạt sầu riêng. Khi hạt sầu riêng được nghiền ra thì giống như bột gạo, bột mì. Chúng mình thêm gia vị, ủ men rồi sau đó cắt thành hình dạng yêu thích và đem chiên".

Món bánh hạt sầu riêng Hoàng Kim thu hút khá nhiều bạn đến thưởng thức vì vừa dai vừa ngòn ngọt và có mùi sầu riêng dìu dịu.

Cây thắt bím, hoa đa lộc của khoa công nghệ sinh học và môi trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng

Gian hàng của các SV khoa công nghệ sinh học môi trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng như một khu vườn nhỏ với nhiều loại cây do các bạn tự trồng: cây thắt bím (còn gọi là cây phú quý), hoa đa lộc, rau mầm...

2GauFtkx.jpgPhóng to
Một SV khoa công nghệ sinh học môi trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng giới thiệu với bạn bè cây thắt bím do các bạn tự trồng - Ảnh: Trung Uyên

Các SV bật mí đây là các loài cây không dùng phân bón hóa học, thuốc diệt sâu rầy và có sử dụng các chế phẩm do chính khoa công nghệ sinh học môi trường tạo ra.

Mô hình thang máy của ĐH Bách khoa TP.HCM

Suốt cả buổi sáng, anh chàng Nguyễn Duy Xuân Bách - SV năm cuối ĐH Bách khoa TP.HCM - bận rộn với việc biểu diễn hoạt động của mô hình thang máy và trả lời hàng loạt câu hỏi của người xem. Mô hình làm bằng nhôm và mica, có những đặc trưng cơ bản của thang máy thật, hoạt động bằng vi điều khiển do hai SV ĐH Bách khoa TP.HCM khóa 2003 thực hiện.

nIEpL4y1.jpgPhóng to
Mô hình thang máy thu hút sự chú ý của nhiều bạn nam - Ảnh: Trung Uyên

Xuân Bách cho biết: "Mô hình này tham gia festival sẽ thể hiện các sản phẩm do SV làm ra mang tính chất thực tế. Điều này sẽ giúp các cử nhân bớt bỡ ngỡ khi gặp vấn đề tương tự trong công việc".

Xe chạy trên điện từ trường - ĐH Bách khoa TP.HCM

Mô hình này được phỏng theo nguyên tắc hoạt động của điện từ trường.

Yl0dsmSP.jpgPhóng to
Biểu diễn mô hình xe chạy trên điện từ trường - Ảnh: Trung Uyên

Bạn Lê Lâm - một trong những bạn tham gia làm mô hình - cho biết: “Chúng mình mất khoảng hai năm để biến ý tưởng thành mô hình như thế này. Đường ray sẽ định hướng sẵn cho các phương tiện giao thông. Chi tiết quan trọng nhất của mô hình là mẩu siêu dẫn để các phương tiện nhận được tín hiệu cảm ứng. Nếu mô hình này được áp dụng vào thực tế sẽ giúp xe di chuyển nhanh hơn vì không bị ma sát cũng như ít hao phí năng lượng”.

Nón bảo hiểm thông minh - ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM

Các bạn SV của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã biến chiếc nón bảo hiểm quen thuộc trở nên có những tính năng thông minh hơn. Nhờ bộ cảm ứng, chiếc nón bảo hiểm này sẽ nhắc bạn nhớ đội mũ ảo hiểm bằng cách phát ra tiếng kêu. Chiếc nón này còn hấp thu năng lượng mặt trời để làm một bóng đèn nhỏ gắn trước mũ tự phát sáng vào buổi tối.

gmbz3jRX.jpgPhóng to
Khách tham quan bất ngờ với công dụng của chiếc nón bảo hiểm thông minh - Ảnh: Nguyễn Thắm

Bạn Phạm Thanh Tùng cho biết thêm: “Đây chỉ mới là sản phẩm ban đầu để các thế hệ sinh viên khóa sau phát triển thêm các tính năng như có thể nhắc nhở bạn không nên nghe điện thoại khi lái xe, nhắc chỗ để chìa khóa nếu bạn quên”.

Xe tự cân bằng - ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM

Nguyễn Văn Nam và Lê Nguyên Bình - SV ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - đã mày mò công nghệ và nguyên tắc hoạt động của chiếc xe tự cân bằng (dùng di chuyển trong công ty, nhà máy...không gian hạn chế) ở các nước để làm một chiếc xe tự cân bằng “made in SV”.

KuiU9ayI.jpgPhóng to
SV ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM biểu diễn mô hình xe hai bánh tự cân bằng - Ảnh: Nguyễn Thắm

Ngoài động cơ cảm biến phải mua ở nước ngoài, còn lại những thứ như bánh xe, xích xe… các bạn tận dụng từ xe đẩy, xe máy... Mô hình này ứng dụng bộ cảm biến độ nghiêng để cân bằng khi có người sử dụng. Ban đầu có thể khó giữ cân bằng nhưng chỉ cần vài phút làm quen, bạn có thể di chuyển nhanh hơn. Khối lượng xe không tải là 25kg, tải trọng của xe là 70kg, tốc độ tối đa 12km/g, thời gian sử dụng l2 giờ (chạy liên tục), giá thành mô hình là 10 triệu đồng.

Vào ngày mai (3-1-2010), Festival tuổi trẻ sáng tạo sẽ có các hoạt động: từ 8g-11g30: khai mạc vòng chung kết, tổng kết và trao giải Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ chủ đề “Vì thành phố văn minh, hiện đại và phát triển” lần 1- 2009; từ 14g-17g: hội nghị chuyển giao 20 đề tài, sản phẩm nghiên cứu khoa học và sáng tạo của tuổi trẻ cho các cơ quan, đơn vị, lễ tuyên dưong các gương sáng tạo trẻ, tổng kết festival tuổi trẻ sáng tạo.

TRUNG UYÊN - HỒNG THẮM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên