19/08/2011 03:40 GMT+7

Ngạc nhiên ở điều bình dị...

TRẦN NHÃ THỤY
TRẦN NHÃ THỤY

TT - Làng nằm dưới chân một ngọn núi cao nhất. Người đàn ông chưa bao giờ lên đỉnh núi ấy, suốt ngày ngồi đan lát trước sân nhà. Một bữa, ông đang ngồi một mình thì có hai đứa nhỏ bước vào.

fCUK4kzx.jpgPhóng to
Sách do Nhã Nam và NXB Văn Học ấn hành - Ảnh: V.Q.
TT - Làng nằm dưới chân một ngọn núi cao nhất. Người đàn ông chưa bao giờ lên đỉnh núi ấy, suốt ngày ngồi đan lát trước sân nhà. Một bữa, ông đang ngồi một mình thì có hai đứa nhỏ bước vào.

Tụi nhỏ báo là ba của chúng sẽ tới để rủ ông cùng lên núi thả mây. Lên núi thả mây là sao? Là lên núi lùa mây nhốt vào một cái nhà, rồi chờ những ngày trời trong mở cửa thả mây ra. Chuyện lạ kỳ này đã từng xảy ra với ông chưa? Trí nhớ là không, nhưng cảm thức chập chờn hư thực. Lên núi thả mây là chuyện tầm ruồng hay chuyện quan trọng đời người? Thôi đời ông không bàn tới nữa, nhưng ông dặn con: “Hai đứa còn nhỏ cứ bắt đom đóm chơi, giỡn với con chó, nhưng lớn lên thì phải làm công chuyện gì. Như một lần phải lên đỉnh núi”.

Đó là chuyện trong truyện Lên núi thả mây của Lê Văn Thảo. Một chuyện “không đâu”, được viết “như không”, nhưng tất cả như không mà lại có. Có thật một xáo trộn tự nhiên, một xúc cảm rất đẹp với hình ảnh người đàn ông trèo lên đỉnh núi, cất nhà, nhốt mây, thả mây... Nhẹ nhõm một nụ cười nhân gian, hay thong dong một lối viết truyện ngắn, đó là điều đáng xác nhận về nhà văn Lê Văn Thảo không chỉ thông qua truyện ngắn này mà cả tập sách mới này.

Chỉ bằng chất mộc, không son phấn, nhưng ngòi bút của Lê Văn Thảo lại vẽ ra những miền ảo trong đời sống, phục hồi tính thiện nơi con người.

Chuyện một anh chàng cà khêu không chịu được những cái hàng rào, đi tới đâu là bày trò phá “tanh banh” hàng rào tới đó (Anh cà khêu ghé qua làng), chuyện một ông già viết thư thuê tưởng vô can lại dính líu đủ chuyện hỉ nộ ái ố trên đời (Người viết thư thuê), chuyện người cha cả đời đi tìm con dù hắn là kẻ cướp hay thánh sống (Đứa con trở về)...

Truyện nào của Lê Văn Thảo đọc rồi cũng có thể kể lại được, nhưng cái hay trong truyện ngắn Lê Văn Thảo không phải để kể mà để cảm (mà người kể chuyện ở đây có lẽ không ai thay thế được tác giả), cái ngạc nhiên không phải ở những chuyện lạ lùng mà ở những điều bình dị, điều thích thú không nằm ở thông điệp mà ở chi tiết. Tính hư cấu và phi hư cấu được trộn lẫn một cách nhuần nhuyễn trong truyện ngắn của Lê Văn Thảo.

Và, có lẽ cũng đừng nghĩ viết là “làm công chuyện gì” to tát, mà chỉ như một chuyến lên đỉnh núi thả mây chơi. Thả vào mênh mang...

TRẦN NHÃ THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên