![]() |
Nga đã rút quân qua Abkhazia - Ảnh: AFP |
Thông báo này được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy công bố tại một cuộc họp báo chung với Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili sáng 13-8 ở thủ đô Tbilisi của Gruzia.
Kế hoạch hòa bình sửa đổi bao gồm 6 nguyên tắc: tất cả các bên từ bỏ vũ lực; ngừng hoàn toàn hành động quân sự; cho phép tự do tiếp cận viện trợ nhân đạo; lực lượng vũ trang Gruzia rút về các căn cứ; binh lính Nga trở về các vị trí trước khi xảy ra xung đột; tiến hành thảo luận quốc tế về quy chế tương lai của hai vùng lãnh thổ đang đòi ly khai Nam Ossetia và Abkhazia, cũng như về các biện pháp bảo đảm an ninh ở hai khu vực này.
Tổng thống Sarkozy cho biết văn bản này sẽ được trình lên cuộc họp ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong ngày 13-8 và là cơ sở cho một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề Nam Ossetia. Ông Sarkozy cũng cho biết EU sẵn sàng triển khai binh sĩ gìn giữ hòa bình tại Gruzia nếu tất cả các bên liên quan đồng ý.
Cũng tại cuộc họp báo, Tổng thống Saakashvili tuyên bố Gruzia sẽ "không từ bỏ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình trong bất kỳ kế hoạch hòa bình nào". Ông Saakashvili khẳng định "toàn vẹn lãnh thổ và sự trực thuộc của Nam Ossetia và Abkhazia với Gruzia là thực tế không ai có thể nghi ngờ". Lãnh đạo 5 nước đồng minh thân cận nhất của Gruzia gồm Ba Lan, Ukraine, Estonia, Latvia và Litva đã phát biểu tại một cuộc mít tinh lớn ở Tbilisi bày tỏ "tình đoàn kết" với Gruzia.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo Matxcơva sẽ có các "biện pháp bổ sung" nếu binh lính Gruzia không rút về các căn cứ theo kế hoạch hòa bình sửa đổi. Hãng tin Interfax dẫn lời ông Lavrov tuyên bố: "Chúng tôi sẽ buộc phải có các biện pháp bổ sung để ngăn chặn bất kỳ khả năng lặp lại hành động gây hấn của Gruzia ở Nam Ossetia". Ông Lavrov khẳng định Gruzia phải ký một thỏa thuận ràng buộc về pháp lý để từ bỏ vũ lực và quân đội Gruzia không chỉ rút khỏi Nam Ossetia mà cả những vùng đất tại Gruzia.
![]() |
Một phụ nữ ở Gori (Gruzia) kêu khóc khi ngôi nhà của bà bị trúng đạn cối - Ảnh: Getty Images |
* Trước đó, ngày 12-8, Thư ký Hội đồng An ninh Gruzia, ông Kakha Lomaia, cho biết nước này đã kiện Nga lên Tòa án Tư pháp Quốc tế (ICJ) vì hành vi "thanh lọc sắc tộc" ở Gruzia.
ICJ cũng xác nhận trong đơn kiện, Gruzia cáo buộc Nga đã vi phạm Công ước Quốc tế năm 1965 về chấm dứt tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) trong 3 lần "can thiệp" ở Nam Ossetia và Abkhazia trong thời gian từ năm 1990 đến tháng 8-2008.
Gruzia đề nghị ICJ yêu cầu Nga tuân thủ công ước này; chấm dứt tất cả các hành động quân sự ở Gruzia, kể cả ở Nam Ossetia và Abkhazia và rút binh lính Nga khỏi Gruzia. Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cũng cho biết đã nhận được thông báo về tình hình xung đột ở Nam Ossetia và có thể sẽ mở cuộc điều tra sơ bộ về vấn đề này.
Đáp lại động thái mới của Gruzia, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã nhắc lại cáo buộc của Nga cho rằng Gruzia phạm tội "diệt chủng" khi tiến hành các cuộc tấn công trong tuần trước vào Nam Ossetia nhằm giành lại quyền kiểm soát đối với tỉnh này. Ông Medvedev cho biết Nga sẽ gửi các cáo buộc này lên các tòa án quốc tế nhằm đưa những người phạm tội ra trước công lý. Theo một người phát ngôn Văn phòng Bộ Tư pháp Nga, Tổng thống Gruzia Saakashvili có thể bị khởi tố ở Nga vì "phạm tội chống lại các lợi ích của Nga".
Tại cuộc họp ở Bỉ, các nước thành viên NATO chỉ trích Nga sử dụng bạo lực "không tương xứng" với Gruzia, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với nước này bằng tuyên bố một ngày nào đó Gruzia sẽ gia nhập NATO. Theo đề nghị của Gruzia, Tòa án Nhân quyền châu Âu kêu gọi Nga kiềm chế các hành động có thể đe dọa tính mạng và sức khỏe của dân thường, cho phép các nhân viên cứu trợ khẩn cấp Gruzia hỗ trợ người bị thương qua một "hành lang nhân đạo". Tòa cũng cho rằng hai bên cần thông báo cho tòa biết về những biện pháp nhằm thực hiện hoàn toàn công ước này.
* Song song với những nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm làm dịu bớt cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Gruzia liên quan đến vấn đề Nam Ossetia, các cơ quan cứu trợ nhân đạo đã có mặt tại các khu vực chiến sự ở Gruzia để trợ giúp thường dân và khắc phục hậu quả nhằm tránh nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây. Ngày 12-8, các cơ quan cứu trợ quốc tế đã được huy động để giúp khoảng 100.000 người Gruzia mất nhà cửa do cuộc xung đột với Nga. Các nhà chức trách cũng đã đưa toàn bộ những người nước ngoài được sơ tán trước đó tại Gruzia tới Paris (Pháp).
Người phát ngôn Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) Ron Redmond cho biết chiếc máy bay đầu tiên mang theo hàng viện trợ gồm lều bạt, chăn màn và cả xăng dầu cùng thiết bị nấu nướng đã hạ cánh xuống sân bay Tbilisi ngày 12-8. Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế (ICRC) cũng đã gửi 15 tấn hàng viện trợ gồm thuốc men và nhiều loại nhu yếu phẩm cần thiết khác đến khu vực xung đột tại Gruzia.
Theo số liệu của Nga và Gruzia, khoảng 100.000 người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa do cuộc xung đột ở Nam Ossetia, trong đó trên lãnh thổ Nga có khoảng 30.000 người tị nạn Nam Ossetia.
Phát biểu trước báo giới tại Tbilisi, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Matthew Bryda cho biết Washington đang phối hợp với Chính phủ Gruzia và các cơ quan tài chính quốc tế triển khai gói viện trợ kinh tế nhằm duy trì ổn định và phục hồi nền kinh tế vốn đang lao đao của Gruzia.
* Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ và Úc đã khuyến cáo tất cả công dân hai nước rời khỏi Gruzia cũng như không nên đến nước này do cuộc xung đột Nga - Gruzia vẫn chưa lắng dịu. Theo Bộ Ngoại giao Úc, có 15 người Úc tại Gruzia và hiện chưa xác định được có ai bị thương trong cuộc xung đột đang diễn ra ở nước này không. Người phát ngôn bộ này, ông Andrew Todd kêu gọi mọi công dân nên xem xét rời khỏi Gruzia ngay lập tức khi biên giới vẫn mở cửa. Những người không thể đi hoặc lựa chọn cách ở lại thì nên ở trong nhà và theo dõi tin tức báo chí về tình hình an ninh cũng như mức độ an toàn.
TTXVN
* * * * * * * * * * * * * *
![]() |
Tổng thống Sarkozy (trái) và tổng thống Saakashvili tối qua tại sân bay Tbilisi - Ảnh: AFP |
Theo Interfax, phát biểu tại cuộc họp báo ở Tbilisi sau cuộc gặp, ông Sarkozy nói: "Chúng tôi đã thỏa thuận với Tổng thống Saakshvili toàn bộ nội dung văn bản và đưa vào một số sửa đổi nhất định".
Theo lời ông, văn bản này sẽ được trình lên bộ trưởng ngoại giao 27 nước EU trong cuộc gặp diễn ra hôm nay, và nếu các ngoại trưởng đồng ý, chúng sẽ trở thành nghị quyết và có tính pháp lý. Sau đó, EU sẽ đệ trình nghị quyết này lên cuộc họp của Hội đồng bảo an LHQ. Ông Sarkozy cho biết thêm các thay đổi được đưa vào văn bản là ở điều sáu của kế hoạch, cụ thể, cụm từ "thảo luận quốc tế về quy chế chính trị của Abkhazia và Nam Ossetia" sẽ được rút ra và điều sáu sẽ nhấn mạnh hơn vào các cuộc thảo luận quốc tế nhằm đảm bảo ổn định và an ninh ở những khu vực này của Gruzia".
Ông Sarkozy cũng cho biết thêm, trong tương lai, các bên sẽ thảo luận về quy chế đồn trú của quân Nga tại hai khu vực trên. Họ có được cấp quy chế quốc tế hay không, sẽ là vấn đề thảo luận sau này. Ông kêu gọi các bên thực hiện các điều khoản của văn kiện trên để người tị nạn trở về và bạo lực chấm dứt.
Được biết, sáu điều khoản của văn kiện ngừng bắn mà ông Medvedev đưa ra khởi đầu là: 1) Các bên không sử dụng vũ lực; 2) Chấm dứt tất cả hoạt động chiến sự; 3)Tiếp cận tự do của viện trợ nhân đạo; 4) Lực lượng vũ trang Gruzia trở lại điểm đồn trú thường trực trước đây; 5) Lực lượng Nga rút về tuyến trước khi xảy ra chiến sự; 6) Bắt đầu thảo luận về quy chế tương lai của Nam Ossetia và Abkhazia và các phương pháp bảo đảm an ninh bền vững.
Trong khi đó, mặc cho lời kêu gọi ngưng bắn mà tổng thống Saakashvili đưa ra, theo RIA Novosti, một quan chức giấu tên thân cận với các lực lượng Nga cho biết binh sĩ Gruzia ngày 12-8 vẫn nổ súng vào binh sĩ Nga. Quan chức trên nói: "Các nhóm vũ trang Gruzia vẫn tiếp tục bắn cầm chừng nhằm vào binh sĩ gìn giữ hòa bình Nga ở nhiều địa điểm khác nhau".
Người phát ngôn lực lượng gìn giữ hòa bình Nga thì nhấn mạnh rằng việc Gruzia cáo buộc các lực lượng Nga vẫn đang tấn công nước này sau khi Tổng thống Medvedev ra lệnh ngừng các chiến dịch quân sự ở Gruzia là "hành động khiêu khích". Trước đó, Phó Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Tướng Anatoly Nagovitsyn cũng đã bác bỏ việc Nga ném bom đường ống dẫn dầu Baku - Tbilisi- Seihan (BTC).
Phát biểu từ Tbilisi, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Matthew Bryza cho biết Mỹ đang chuẩn bị viện trợ kinh tế cho Gruzia nhằm giúp chính quyền nước này duy trì ổn định. Gruzia cũng đã đề nghị NATO hỗ trợ quân sự, đặc biệt là thay mới một hệ thống ra-đa bị phá hủy trong những ngày giao tranh vừa qua. Từ Brussels (Bỉ), Đại sứ Gruzia tại NATO Revaz Beshidze cho biết Gruzia cần được trang bị một hệ thống ra-đa mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận