Phóng to |
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân (bìa phải) hướng dẫn diễn xuất cho ba diễn viên chính trong phim là Thu Hiền, Trang Nhung, Kim Hiền - Ảnh: H.Lê |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Hơn một tháng nay, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân "đóng đô" tại Sài Gòn để thực hiện bộ phim truyền hình dài 30 tập Tuổi yêu.
Việc đạo diễn Nguyễn Thanh Vân - người nổi tiếng với những bộ phim "nặng ký” như Cây bạch đàn vô danh, Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Người đàn bà mộng du, Trái tim bé bỏng... - lần đầu tiên nhận lời làm phim truyền hình - lại là phim xoay quanh thế giới người mẫu - cho hãng phim tư nhân khiến nhiều người ngạc nhiên.
Góp thêm một "món ăn"
* Vì sao anh lại đồng ý khăn gói vào Sài Gòn để làm phim? Vì thu nhập hay nhu cầu có... việc làm?
- Hội tụ nhiều yếu tố lắm. Cả thu nhập, công việc lẫn nghề nghiệp. Tôi nghĩ là không nên ngưng quá lâu sau khi làm một bộ phim nhựa.
* Nhiều đạo diễn khi hợp tác với các hãng phim tư nhân than thở rằng họ bị sức ép lớn về thời gian, bởi nếu thời gian kéo dài thì kinh phí sẽ phát sinh cao. Hình như anh cũng đang bị sức ép về thời gian thì phải?
- Ồ, tôi không bị sức ép nào cả. Nhưng dĩ nhiên làm phim truyền hình thì phải khẩn trương chứ không thể lai rai được.
* Hẳn khi đồng ý bắt tay với hãng phim tư nhân miền Nam, anh đã nghiên cứu kỹ "gu" xem phim của người dân nơi đây chứ?
- Tôi biết rằng sở thích xem phim của người miền Nam có khác với người miền Bắc. Nhưng nhiều khán giả Sài Gòn cũng thích xem phim do các hãng phim ở miền Bắc sản xuất đó chứ, như Chạy án, Ma làng, Luật đời... chẳng hạn. Vì thế tôi làm phim theo cách của mình thôi. Có càng nhiều "món ăn" thì càng tạo sự mới mẻ cho khán giả.
Thanh danh lớn nhất của người nghệ sĩ là được sống với nghề
* Anh nhận xét gì về lớp diễn viên trẻ hiện nay?
- Lớp diễn viên trẻ ngày nay xinh đẹp, nhạy cảm, khá tự nhiên và thoải mái khi diễn xuất. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt phim truyền hình trong thời gian vừa qua khiến họ nhận nhiều phim, do đó thời gian nghiên cứu sâu nhân vật không có nên diễn xuất không thật sự sâu sắc.
* Chê thì cứ chê và xem thì cứ xem - đó là một nghịch lý của khán giả Việt khi xem phim truyền hình VN hiện nay. Anh lý giải điều này như thế nào?
- Ngoài yếu tố chuyên môn, phim ảnh còn mang yếu tố văn hóa. Ví dụ như những người dân ở miền này luôn muốn tìm hiểu về cuộc sống, phong tục tập quán ở vùng miền khác. Chính vì thế phim truyền hình mới tồn tại được.
Một khía cạnh nữa là vấn đề kinh tế, xã hội. Truyền hình là phương tiện giải trí tiện lợi nhất và rẻ nhất. Hiện tại đời sống người dân còn khó khăn thì những sai sót có thể chấp nhận được. Thế nhưng, khi đời sống phong phú hơn với nhiều sự lựa chọn giải trí hơn, người ta sẽ không thể xem sản phẩm mà người ta chê được. Vì thế, phim truyền hình cần phải đổi mới sản phẩm để hấp dẫn hơn.
* Nhiều đạo diễn thành công ở lĩnh vực điện ảnh, nhưng sang truyền hình lại không được như ý. Lỡ khi Tuổi yêu không chiếm được cảm tình của khán giả, anh có sợ thanh danh sẽ lung lay?
- Khi làm phim tôi không bao giờ nghĩ đến việc phim làm xong sẽ đẩy tên tuổi của mình lên. Nếu phim chưa được khán giả yêu thích, tôi sẽ rút kinh nghiệm cho những lần sau. Còn lung lay thanh danh ư, tôi không sợ. Thanh danh lớn nhất của người nghệ sĩ là được làm, được sống với nghề nghiệp của mình. Tóm lại, có lao động đã là tốt đẹp.
|
- Thật ra phim Tuổi yêu không phải phản ánh cuộc sống đời tư giới người mẫu mà chỉ mượn câu chuyện của họ để phản ánh cuộc sống của giới trẻ vào đời. Cụ thể hơn, phim đề cập ba cô gái rời trường trung học để vào đời với những nhánh rẽ khác nhau, hoàn cảnh khác nhau.
Trong phim tôi cũng không chọn nhiều những diễn viên chân dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận