14/09/2008 08:13 GMT+7

Nga bắt đầu rút quân khỏi Gruzia

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TT - Theo đúng thỏa thuận, quân đội Nga bắt đầu rút khỏi năm vị trí kiểm soát chiến lược trên đường biên giới Potin-Senaki ở phía tây Gruzia từ sáng 13-9. Các hãng thông tấn đều ghi nhận đoàn xe tải và xe bọc thép Nga kéo về hướng Abkhazia.

Up4k5jYj.jpgPhóng to

Binh sĩ Nga rút quân ngày 13-9 - Ảnh: Reuters

TT - Theo đúng thỏa thuận, quân đội Nga bắt đầu rút khỏi năm vị trí kiểm soát chiến lược trên đường biên giới Potin-Senaki ở phía tây Gruzia từ sáng 13-9. Các hãng thông tấn đều ghi nhận đoàn xe tải và xe bọc thép Nga kéo về hướng Abkhazia.

Ông Alexander Lomaïa, lãnh đạo Hội đồng an ninh Gruzia, xác nhận thông tin trên với báo chí. Ông cho biết khoảng 250 binh sĩ Nga và hơn 20 xe bọc thép đã rời khỏi vị trí từng trấn giữ quanh cảng Poti. Tuy vậy, ông khẳng định vẫn còn khoảng 1.200 binh sĩ Nga trú đóng trên lãnh thổ Gruzia.

Theo thỏa thuận đã đạt được với Liên minh châu Âu (EU) hôm 8-9, trong một tháng Nga sẽ rút hết quân khỏi Gruzia, Nam Ossetia và Abkhazia. Nhưng phía Nga đã chuẩn bị cho việc củng cố vị thế của Nam Ossetia và Abkhazia bằng chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Lavrov đến hai quốc gia vừa được công nhận này trong hai ngày 14 và 15-9, để bàn về việc thiết lập các quan hệ ngoại giao.

Tuy nhiên trên phương diện ngoại giao, mọi thứ có vẻ ngày một leo thang căng thẳng. Đáng chú ý nhất chính là thái độ cứng rắn của Nga khi đề cập vấn đề hậu Gruzia. Ngày 12-9, trong một cuộc nói chuyện với các chuyên gia và nhà báo quốc tế tại Matxcơva, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ví sự kiện “Gruzia tấn công Nam Ossetia ngày 8-8” giống “sự kiện 11-9 đối với người Mỹ”. Ông khẳng định Nga vẫn sẽ tấn công Gruzia như đã làm, dù Gruzia có là thành viên NATO.

Tổng thống Nga nói rõ cuộc tấn công đó có sự trợ giúp từ Mỹ và nó đã đặt dấu “chấm hết vĩnh viễn cho những ảo tưởng” mà người Nga cố gìn giữ lâu nay trên một trật tự quốc tế “đúng đắn, cân bằng, dựa trên luật quốc tế và sự bình đẳng giữa các quốc gia”. Ông Medvedev cho rằng trong thời gian qua, nước Nga đã bị làm nhục liên tục và “chúng tôi không thể cho phép những chuyện đó diễn ra nữa”.

Dường như không còn giấu giếm ý tưởng về một thế giới đa cực, Tổng thống Medvedev nói thẳng: “Một hệ thống quốc tế mà trong đó chỉ mỗi một quốc gia có quyền đối với mọi quyết định quan trọng không thể vận hành được nữa”. Như để bảo vệ ý tưởng của mình, ông khẳng định từ nay Nga sẽ thiết lập quan hệ “kinh tế và phòng vệ” với bất kỳ quốc gia nào “muốn quan hệ với Nga”, chứ không còn e ngại ý kiến từ bất cứ nước nào khác.

Trong khi đó, Nga có những động thái bị xem là phô diễn sức mạnh quân sự. Sau khi các máy bay ném bom của Nga sang tận Venezuela để tham gia diễn tập quân sự, Nga sẽ cho bắn thử tên lửa ở khu vực Thái Bình Dương trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 20-9. Hãng tin Nga RIA Novosti dẫn nguồn tin từ ban chỉ huy quân sự Nga tại vùng đông bắc cho biết các tàu ngầm chiến lược trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa (tầm bắn đến 8.300km) thuộc hạm đội Thái Bình Dương sẽ bắn thử từ biển Okhotsk và biển Bering nhằm vào các mục tiêu trên bán đảo Kamchatka ở miền đông nước Nga.

Ngoài ra, phát biểu trên truyền hình Nga ngày 12-9, Phó thủ tướng Sergei Ivanov thông báo chi tiêu mua sắm vũ khí của nước này trong năm 2009 sẽ tăng lên mức kỷ lục 46,5 tỉ USD. Một ngày trước đó, Tổng thống Dmitry Medvedev tuyên bố cuộc xung đột ở Gruzia đã chứng tỏ các lực lượng vũ trang cần được hiện đại hóa và cần phải giải quyết các vấn đề liên quan đến trang thiết bị quân sự.

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên