27/07/2005 13:19 GMT+7

Bàn tròn: Phim hướng đến khán giả

NHÓM PV TUỔI TRẺ
NHÓM PV TUỔI TRẺ

TTO - “Đại hội 6 sẽ đánh dấu bước chuyển cực kỳ quan trọng của điện ảnh Việt Nam: chính thức bước vào cơ chế thị trường”.

tooRmOQ0.jpgPhóng to
Toàn cảnh bàn tròn trực tuyến tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Bàn tròn này mở ra nhằm tạo một diễn đàn đối thoại giữa khán giả và những "người làm nghề" xung quanh đời sống điện ảnh nước nhà còn quá thiếu chuyên nghiệp, thiếu sinh khí của đời sống thật và còn thiếu rất nhiều bộ phim hướng đến khán giả.

Tham gia bàn tròn trực tuyến từ Hà Nội có bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Cục phó Cục điện ảnh; đạo diễn, diễn viên Trần Lực (ại Hà Nội) và các khách mời tại TP.HCM gồm đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, "ông bầu" Phước Sang

Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng mở đầu bàn tròn trực tuyến:

Pgo02YbQ.jpgPhóng to
Các khách mời tại TP.HCM, từ trái qua: ĐD Vũ Ngọc Đãng, ĐD Nguyễn Quốc Hưng, "ông bầu" Phước Sang - Ảnh: T.T.D.
* Có bao giờ các anh tự hỏi bản thân mình rằng tại sao các đạo diễn Vn chỉ luôn luôn ở dạng tài năng khi đã ngoài 30 và chưa bao giờ "lớn" đến tầm châu lục cả? Vậy theo anh, cái thiếu và yếu của đạo diễn Vn là gì so với các nước trong khu vực? (tôi chỉ nói trong khu vực thôi chứ chưa nói đến thế giới). (Nguyễn Mạnh Hà, 24 tuổi, manhha200082@)

- ĐD Nguyễn Quốc Hưng: Câu hỏi này tương tự như một câu hỏi tôi thường được nghe thấy: vì sao bóng đá – môn thể thao vua, được quan tâm ưu ái và đầu tư hết mực nhưng lại “chưa bao giờ “lớn” đến tầm châu lục” được. Trả lời được câu hỏi này thì mới có cơ may trả lời được câu hỏi mà bạn đã nêu.

- ĐD Vũ Ngọc Đãng: Nếu ở VN, khi bạn 50 tuổi mà bạn mới thực hiện một bộ phim đầu tay thì người ta vẫn coi bạn là một "đạo diễn trẻ". Rất ít đạo diễn được giao phim điện ảnh trước tuổi 30. Điều này bạn phải hỏi lại các nhà sản xuất và các giám đốc hãng phim.

Theo tôi, cái yếu và cái thiếu nhất của đạo diễn VN hiện nay, đó là thiếu phim để làm và quá yếu về chuyên môn, quá cũ về cách tư duy. Lý do, chúng ta đang có một nền đào tạo điện ảnh quá kém. Điều này có thể thấy thế hệ đạo diễn được đào tạo bài bản ở nước ngoài đã lớn tuổi và họ không chịu thay đổi về cách làm phim so với những gì họ đã học được cách đây mấy chục năm.

Thế hệ đạo diễn trẻ như Đãng thì được dạy lại bởi những người như vậy, và một điều đáng buồn là những người giảng dạy không phải là những đạo diễn xuất sắc nhất (vì những đạo diễn giỏi lại bận làm phim). Giáo án, giáo trình giảng dạy không có; kiến thức được giảng dạy chủ yếu theo phương pháp truyền miệng, thiếu thực tế. Chính vì thế, khán giả hiện nay có cảm giác điện ảnh VN không hề thay đổi sau bao nhiêu năm về tiết tấu, bố cục kịch bản, cách trình bày câu chuyện...

Và chúng ta vẫn làm phim theo cách mà chúng ta đã làm cách đây 50 năm.

FSsvUgi5.jpgPhóng to
ĐD Nguyễn Quốc Hưng - Ảnh: Trần Tiến Dũng
* Chào đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng! Tôi rất thích bộ phim và thật sự kính trọng anh sau khi xem Ngọn nến hoàng cung. Thế nhưng trên màn ảnh rộng Việt Nam đến giờ vẫn thiếu vắng những bộ phim về đề tài lịch sử. Theo anh, đó là do các đạo diễn thiếu vốn sống, thiếu tài năng hay đề tài này không đáp ứng thị hiếu của số đông khán giả? (Đông Duy, 27 tuổi, dongduy78@)

- ĐD Nguyễn Quốc Hưng: Xem phim về đề tài lịch sử là một nhu cầu có thực trong công chúng xem phim. Nhưng để thực hiện một bộ phim lịch sử, có những đòi hỏi, yêu cầu hết sức nghiêm ngặt, từ ý tưởng nội dung đến phương pháp thể hiện, mà nổi trội lên trên hết là yếu tố kinh phí. Có lẽ đây là lý do chính mà cho đến nay đề tài lịch sử vẫn là một dạng “kính nhi viễn chi” đối với các nhà sản xuất.

* Phim VN rất thu hút khán giả ở những tập phim đầu, nhưng đến đoạn giữa thì lại rất dài dòng, dẫn đến vô lý và kết thúc không hài lòng người xem, lời thoại nhiều lúc vô lý, có phải chúng ta không có kịch bản hay? Tôi xem phim nước ngoài đóng phim lịch sử rất hay. Chúng ta có nhiều vị anh hùng mà tên tuổi của họ thế giới đều biết, tại sao chúng ta không dựng phim về họ, chẳng hạn như vua Quang Trung - "người anh hùng áo vải"? (Ngan, 23 tuổi, ngocngan_20042003@)

- ĐD Nguyễn Quốc Hưng: Đây là một thực tế có thật, trách nhiệm đầu tiên là thuộc về tác giả kịch bản, trách nhiệm cuối cùng thì thuộc về đạo diễn.

Vì sao chúng ta không có những bộ phim lịch sử hay, chất lượng? Tôi xin nhường quyền trả lời câu hỏi này cho những nhà sản xuất, những cấp có thẩm quyền. Tiện đây, tôi xin giới thiệu với độc giả một cuốn tiểu thuyết về vua Quang Trung rất hay nhưng tiếc là chưa được giới thiệu một cách đúng mực. Đó là cuốn Sông Côn mùa lũ của nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Nếu có điều kiện, tôi sẽ chuyển thể cuốn tiểu thuyết này lên phim.

* Tôi đã đọc Sông Côn mùa lũ, và bản thân rất "mê" vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Tôi có thể góp sức cùng anh trong việc chuyển thể tác phẩm này sang phim, anh nghĩ sao ? (Minh Duy, 29 tuổi, ntminhduy@)

- ĐD Nguyễn Quốc Hưng: Tại sao không nhỉ? Nếu được như vậy thì tôi rất hân hạnh được cộng tác với bạn.

d53sQERo.jpgPhóng to
NS Phước Sang - Ảnh: Trần Tiến Dũng
* Gửi anh Phước Sang: Em có một số ý tưởng kịch bản phim và muốn gửi cho anh. Cho em xin email của anh được không? Chúc anh thêm thành công! Cảm ơn anh! (Người Hà Nội, 29 tuổi, quanhebaochi@)

- NS Phước Sang: Sẵn sàng và rất mong nhận được nhiều kịch bản hoặc các ý tưởng hay từ các bạn gửi cho Phước Sang theo địa chỉ luuphuocsang@yahoo.com hoặc 271 Nguyễn Trãi Q.1 TP.HCM.

* Anh Đãng ơi, liệu Tuổi 20 sẽ là một tuyên bố bừa bãi như một số đạo diễn gần đây tuyên bố sẽ làm phim mà không thấy làm như báo chí phản ánh không? Như anh đã từng tuyên bố làm Biết chết liền rồi sau đó không thấy làm gì nữa hết? Anh nghĩ gì về tình trạng các đạo diễn hay tuyên bố làm phim rồi sau đó không làm gì hết? (Minh Anh, 22 tuổi, chieunaygiothuve@)

- ĐD Vũ Ngọc Đãng: Cám ơn bạn đã theo dõi những dự án mà Đãng thực hiện. Rất tiếc là bộ phim kinh dị Biết chết liền không thể thực hiện nữa vì nhà sản xuất quyết định thay đổi, không sản xuất phim kinh dị nữa. Còn Tuổi 20 chắc chắn sẽ bấm máy vào 15-10-2005 và khởi chiếu vào năm sau.

Còn về việc các đạo diễn tuyên bố làm phim rồi không thực hiện nữa, có hai lý do:

Một là họ biết trước không thực hiện được nhưng vẫn tuyên bố để đánh bóng tên tuổi.

Hai là các bộ phim hướng đến khán giả đều do các nhà sản xuất tư nhân bỏ tiền ra làm nên bộ phim có thực hiện được hay không, đạo diễn đôi khi không quyết định được và dự án phim bị hủy bỏ là ngoài ý muốn của đạo diễn.

* Điện ảnh VN vẫn là những mảng rời rạc nhau: từ khâu kịch bản, sản xuất, tài trợ, hậu cần, phát hành... Vậy theo ông (bà), những việc cần phải làm ngay và những định hướng lâu dài như thế nào để có thể trở thành một guồng máy công nghiệp? (Nguyễn Huy Tâm, 25 tuổi, nguyenhuytam@)

- Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Ở VN hiện nay rất thiếu những nhà sản xuất giỏi. Tôi nhấn mạnh chữ "nhà sản xuất". Bởi vì nếu nhà sản xuất giỏi sẽ thâu tóm được tất cả những thành phần trên mà bạn cho là còn rời rạc. Chúng ta đã nhiều năm sống trong bao cấp nên khó bỏ được thói quen ngồi đợi. Những năm gần đây, việc xã hội hóa điện ảnh rất mạnh mẽ.

Cụ thể, cuối tháng 12-2002, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-thông tin đã kí quyết định cho phép được thành lập các hãng phim tư nhân. Từ đó, đã hơn 20 hãng phim tư nhân ra đời. Hi vọng đây cũng là điều góp phần cho sự phát triển điện ảnh. Bộ Văn hóa-thông tin, Cục Điện ảnh cũng đã trình Chính phủ dự thảo Luật Điện ảnh. Hi vọng cuối năm nay nếu được Quốc hội thông qua thì đây sẽ là hành lang pháp lí rất tốt để phát triển điện ảnh.

- ĐD Nguyễn Quốc Hưng: Việc cần làm ngay bây giờ là tất cả những khâu mà bạn đã nêu đó cùng thiện chí ngồi lại bàn bạc với nhau và trong điều kiện cho phép, cố gắng làm tốt phần việc của mình.

* Xin hỏi chú Phước Sang: hãng phim của chú đã có nhiều bộ rất thành công trong thời gian gần đây vậy thì chú có nghĩ đến việc sẽ làm 1 bộ phim dành riêng cho thiếu nhi hay không - một đề tài hiện đang bị xem nhẹ và đang rất thiếu ? (aizu, 16 tuổi, zelel_pnx_boy90@)

- NS Phước Sang: Hiện chú đang chuẩn bị triển khai bộ phim thiếu nhi Bộ lạc siêu nhí sẽ được ra mắt vào hè 2006. Cháu nhớ đón xem.

wNehfo8s.jpgPhóng to
ĐD Vũ Ngọc Đãng - Ảnh: Trần Tiến Dũng
* Theo các anh, giữa một bộ phim hướng đến khán giả và một bộ phim chạy theo thị hiếu khán giả có gì khác biệt? Riêng đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, bản thân anh xếp Những cô gái chân dài vào dạng nào? (Đông Duy, 27 tuổi, dongduy78@)

- ĐD Vũ Ngọc Đãng: Nói ví von giống như là đi chinh phục một cô gái, có người chọn cách tế nhị, có người chọn cách bộc trực, có người lại chọn cách hơi sỗ sàng... tùy theo cách mà họ thấy thành công nhất. Nhưng mục đích cuối cùng là vẫn chinh phục được cô gái. Tôi nghĩ làm phim thì cũng vậy thôi.

Tôi làm phim Những cô gái chân dài vừa hướng đến khán giả vừa chạy theo thị hiếu khán giả (đặc biệt là khán giả trẻ).

- ĐD Nguyễn Quốc Hưng: Phim hướng đến khán giả hay phim chạy theo khán giả thật ra chỉ khác nhau về cách nói nhưng có cùng một mục đích. Điều quan trọng là phim có hay hay không, có được khán giả tiếp nhận hay không? Từ xưa đến nay tôi chưa từng nghe ai tuyên bố: “tôi làm phim chỉ để dành cho… vợ tôi xem” cả.

* Quí đạo diễn có nghĩ rằng làm phim "hướng đến khán giả" tức là phải làm phim vui vẻ để bán được nhiều vé ? (Trần Mạnh Hảo, 24 tuổi, tranmanhhao@)

- ĐD Nguyễn Quốc Hưng: Bán được nhiều vé là mục đích tối thượng của nhà sản xuất. Chính người xem chứ không phải là chủ quan nhà sản xuất quyết định được diện mạo của bộ phim trong tương lai. Có bao giờ anh tự hỏi bản thân mình và hỏi những người chung quanh: tại sao mọi người lại cứ thích “phim vui vẻ”.

- NS Phước Sang: không hẳn thế, phim hướng đến khán giả trước hết là phải hấp dẫn dù vui hay buồn, dứt khoát phim phải hay, phải nói đúng cái điều mà khán giả cần.

* Đạo diễn Trần Mỹ Hà có lần phát biểu, đại khái rằng phim VN thì chỉ có "dở ít hay dở nhiều". Các ông nghĩ sao về nhận định này?

- ĐD Nguyễn Quốc Hưng: Đây là câu nói có phần cường điệu song nó phản ánh một thực tế có thực: phim VN hiếm có phim hay.

* Đã quá lâu rồi điện ảnh chưa có phim hay (kể cả những bộ phim được đầu tư lớn - nhà nước đặt hàng). Nguyên nhân do đâu, kinh phí có phải là vấn đề lớn nhất không? Nếu đổ lỗi tại kinh phí thì các đạo diễn phải giải thích như thế nào về những bộ phim được đầu tư cả chục tỷ đồng? (thu huong le, 31 tuổi, buihuongnam@)

- ĐD Nguyễn Quốc Hưng: Có nhiều nguyên nhân nhưng quy cho cùng thì nguyên nhân chính là ở khả năng người thực hiện.

* Tôi muốn hỏi anh Vũ Ngọc Đãng nghĩ gì về những phát biểu đại ngôn của một số đạo diễn trẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây, chẳng hạn như "Tụi mình làm phim cũng bình thường thôi nhưng chẳng thằng nào làm bằng mình". Những câu đại loại như thế biểu hiện sự tự tin hay tự cao? (Ngọc Minh, 27 tuổi, ryanlee2911@)

- ĐD Vũ Ngọc Đãng: Tôi xin nói lại tình huống của câu nói này mà báo Sài Gòn Tiếp Thị cũng đã đăng, đó là câu nói đùa giữa tôi và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Thực sự tôi là người rất tự tin và đôi khi còn hơi "ảo tưởng" về mình và tôi nghĩ đây là điều rất cần thiết cho người làm nghề đạo diễn như tôi.

D6bDdiQo.jpgPhóng to
Toàn cảnh buổi trực tuyến tại Hà Nội- Ảnh: Hồ Thanh Vinh
Sự tự tin sẽ làm cho chúng ta thêm mạnh mẽ để thực hiện điều mình muốn làm. Trong nghệ thuật, nếu bạn nghĩ rằng bạn không phải là người giỏi nhất (đôi khi là ảo tưởng) thì bạn sẽ không đủ can đảm để làm.

* Có người cho rằng, phim VN không hay là do bị kiểm duyệt quá khắt khe, luôn đảm bảo tính "chính trị". Ý kiến bà về vấn đề này như thế nào? Ở Trung Quốc, điều kiện, hoàn cảnh giống VN nhưng những vấn đề về quá khứ được đưa lên màn ảnh một cách cởi mở. Bà có cho rằng tương lai VN có như vậy?

- Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Tôi nghĩ những điều bạn hỏi cũng đều đúng cả. Nhưng những năm trước đây, có thể là như vậy. Hơn mười năm trở lại đây, việc kiểm duyệt đã thoáng đi rất nhiều. Thường hội đồng duyệt chỉ chú ý về chuyên môn, thiên về bố cục câu chuyện hoặc các cảnh diễn, trường đoạn chứ không thiên về "nội dung" như bạn nghĩ.

FcFFQ3YB.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Ảnh: Hồ Thanh Vinh
Tuy vậy, các nghệ sĩ là những người làm nghề bao giờ cũng muốn mình nghĩ, mình làm như thế nào thì cứ để nguyên như thế. Điều này cũng có thể đúng với điều kiện người nghệ sĩ phải rất giỏi trong chuyên môn cũng như cách trình bày bộ phim của mình. Nhưng ở VN, tiếc thay những người có tay nghề cao không phải đã là nhiều. Nhiều khi phim bị chê thì lại cứ đổ tại bị kiểm duyệt nên Hội đồng duyệt cũng rất bị mang tiếng vì sự "trách móc" như vậy.

Đương nhiên không khí làm phim ở Trung Quốc rõ ràng rất thoáng. Họ dám nhìn thẳng vào sự thật để mổ xẻ những sai lầm của mình để từ đó có thể rút ra được một điều gì đó cho cuộc sống, tương lai... Nổi lên rất rõ là hai đạo diễn Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca. Gần đây, một đạo diễn người Pháp gốc Hoa Đới Tư Kiệt cũng vậy với bộ phim Balzac và cô thợ may Trung Hoa cũng lột tả rất sâu sắc xã hội Trung Quốc những năm cách mạng văn hóa. Hi vọng ở VN những năm sắp tới cũng sẽ có những bộ phim dũng cảm và hay như vậy.

* Xin chào đạo diễn - diễn viên Trần Lực. Theo tôi, anh là một diễn viên rất ấn tượng và thu hút người xem. Vậy sao thời gian gần đây anh ít xuất hiện trên màn ảnh nhỏ của Đài truyền hình VN? (Nguyen Van Chien, 24 tuổi, biennho101282@)

- ĐD Trần Lực: Trong thời gian này anh đang làm đạo diễn, hiện nay đang làm phim Đời chè của Điện ảnh chiều thứ bảy (10 tập). Làm đạo diễn rất bận cho nên anh không còn thời gian để đóng phim. Khi rảnh rỗi, chắc chắn anh sẽ tiếp tục đóng phim bởi vì diễn viên là nghề anh rất yêu thích.

* Các anh chị có nghĩ rằng mình đang làm những phim "mì ăn liền" ? (Nguyễn Quốc Hưng, 32 tuổi, auochung@)

- NS Phước Sang: Xin lỗi, nếu làm được phim "mì ăn liền" đúng với chất lượng của nó thì cực kỳ khó khăn. Như các bạn thấy đó, các sản phẩm "mì ăn liền" hiện nay rất cần thiết đối với thời buổi rất quý trọng thời giờ và bản thân nó cũng có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các "mì ăn liền" với nhau. Vấn đề ở đây khi làm cái gì phải làm đến nơi đến chốn và đạt đến chất lượng cao với dòng sản phẩm của mình.

zP8S4GI4.jpgPhóng to
ĐD-DV Trần Lực - Ảnh: Hồ Thanh Vinh
* Hiện nay, phim truyện VN vẫn chưa thu hút được khán giả nhà. Đạo diễn Trần Lực có thể lý giải về điều này? Cám ơn Anh. (phonglan, 25 tuổi, hollyha2002@)

* ĐD-DV Trần Lực: Bởi vì chúng ta vẫn chưa có những bộ phim hay. Để có được một bộ phim hay, hấp dẫn khán giả, những người làm phim phải mang tính chuyên nghiệp, từ khâu kịch bản, đạo diễn, diễn viên, quay phim, hoá trang, đạo cụ...

Khâu kỹ thuật của ta còn kém. Bây giờ khán giả đến rạp xem phim muốn hưởng thụ một sản phẩm hoàn hảo, ngoài nội dung phim còn đòi hỏi về hình ảnh, âm thanh. Ở ta những rạp chiếu phim surround còn thiếu. Vậy, muốn kéo khán giả đến rạp, đầu tiên phim phải hay, thứ hai là phải có hệ thống rạp chiếu phim hiện đại.

* Cháu thấy chú Phước Sang mấy năm gần đây ít tham gia biểu diễn với vai trò của 1 diễn viên, có phải đóng kịch không còn là niềm đam mê số 1 của chú? Hay do vai trò của 1 người quản lý đã chiếm hết thời gian của chú? (DO TRANTHUY VAN, 19 tuổi, bautroiva_saodem)

- NS Phước Sang: Phước Sang vẫn tham gia biểu diễn nhưng ở phim nhiều hơn ở sân khấu. Đúng như bạn nói, vai trò quản lý đã chiếm rất nhiều thời gian, nhất là đối với người chọn "hai trong một" như Phước Sang.

* Đã quá lâu rồi điện ảnh chưa có phim hay (kể cả những bộ phim được đầu tư lớn - nhà nước đặt hàng). Nguyên nhân do đâu, kinh phí có phải là vấn đề lớn nhất không? Nếu đổ lỗi tại kinh phí thì các đạo diễn phải giải thích như thế nào về những bộ phim được đầu tư cả chục tỷ đồng? (thu huong le, 31 tuổi, buihuongnam@)

- ĐD Trần Lực: Tôi chưa bao giờ được làm phim với kinh phí một chục tỉ đồng cả nên chưa biết cảm giác của đạo diễn phải làm phim một chục tỉ nó như thế nào.

Kinh phí không phải là thứ nhất nhưng cũng không thể xếp vào hàng thứ hai được. Những bộ phim thành công, ngoài những ý tưởng hay của người làm phim, còn kèm theo cả sự đầy đủ kinh phí để thực hiện ý đồ của người làm phim.

Ở VN, chúng ta vẫn chưa có bộ phim nào gọi là hoàn hảo vì với kinh phí hiện nay, kể cả Nhà nước bỏ tiền hay tư nhân đầu tư, chúng ta không đủ để thực hiện công nghệ làm phim hiện đại như thu thanh đồng bộ, kĩ xảo đặc biệt, dựng phim phi tuyến tính, âm thanh lập thể...

CSjlCK34.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Hông Ngát - Ảnh: Hồ Thanh Vinh

* Với tư cách là Cục phó Cục Điện ảnh VN, cơ quan quản lý điện ảnh VN, bà có thể cho biết chiến lược phát triển điện ảnh VN trong tương lai như thế nào? Liệu chăng sẽ còn hiện tượng phim nhà nước làm tốn hàng chục tỷ nhưng không ai xem trong khi đó phim tư nhân làm thì lại rất đông khách?

Thêm vào đó là chuyện phim nhà nước làm dân không xem thì "các nhà đạo diễn cao quý" của chúng ta quay ra chỉ trích công chúng rằng "thị hiếu tầm thường" và đồng nghiệp ở hãng phim tư nhân là "phim thị trường rẻ tiền". Bà có thể cho biết cảm nghĩ của mình trước hiện tượng trên? (nguyễn mạnh hà, 24 tuổi, manhha200082@)

- Bà Nguyễn Thị Hông Ngát: Hành lang pháp lý nhằm phát triển điện ảnh cho giai đoạn sắp tới, chúng ta phải trông chờ vào Luật Điện ảnh đã được trình Chính phủ. Trong Luật Điện ảnh quy định nhiều điều trong đó có vấn đề phim đặt hàng.

Hãng phim nhà nước và tư nhân đều có quyền tham gia nếu hãng nào đưa ra được một dự án khả thi. Và sự kiểm duyệt cũng rất thông thoáng. Đối với các hãng phim tư nhân, nhà nước chỉ kiểm duyệt đầu ra nghĩa là chỉ xem phim trước khi cho phép phát hành rộng rãi. Khi Luật Điện ảnh được ban hành, tôi nghĩ rằng những điều các nhà đạo diễn "đổ thừa" như bạn nêu trên hy vọng sẽ không còn nữa.

* Anh Phước Sang có bao giờ nghĩ đến việc thị trường phim giải trí có thể bão hòa, người xem không đến rạp nữa vì cảm thấy mình bị lừa quá nhiều hay không? (Vì dạo gần đây có quá nhiều chiêu câu khách cho các phim trên các báo). (Lê Minh, 20 tuổi, mlightvn@)

- NS Phước Sang: Nếu chúng ta có nhiều cụm rạp hơn gấp mười lần bây giờ thì phim giải trí sẽ khó bị bão hoà. Lúc đó là sự cạnh tranh nhau bằng thương hiệu của hãng phim, của nhà sản xuất, của đạo diễn, của diễn viên... Ai làm dở sẽ bị đào thải.

* Tại sao phim VN lúc nào những lời đối thoại cũng đầy sáo ngữ? Ngay cả một quyển tiếu thuyết cũng không... văn chương như vậy. Ví dụ một bà má Nam Bộ chính hiệu nhai trầu bỏm bẻm, khăn rằn vắt vai mà lại thoại như sau: - Tôi NHỜ chú Sáu làm HỘ một việc được CHĂNG...? Và còn những nhân vật thuộc dạng BÌNH DÂN lại nói những câu hết sức TRIẾT LÝ, tưởng tượng ông giáo sư triết học cũng không... dám nói như vậy. Có cần thay đổi vấn đề THOẠI trên phim VN không? (Võ Lộng Ngôn, 32 tuổi, volongngon@)

- ĐD Nguyễn Quốc Hưng: Khác với các loại hình nghệ thuật khác, phim ảnh ít tính chất ước lệ hơn, nó rất gần với đời sống con người. Những điều mà anh đã nêu là nỗi bức xúc của người xem và cả những người thực hiện. Đây cũng là một mảng yếu, bộc lộ rõ nhất sự thiếu chuyên nghiệp của điện ảnh – truyền hình Việt Nam.

qEebpgK8.jpgPhóng to
"Điện ảnh VN cần một không khí mới, một tiết tấu mới, một cách diễn xuất mới, một cách lồng tiếng mới, một cách tư duy về nhân vật theo kiểu mới và rất nhiều cái mới khác..." - Ảnh: Trần Tiến Dũng
* Anh Đãng thân mến, tôi cảm thấy Những cô gái chân dài không phải là một mô típ mới, cách làm phim không mới và cả có một kết thúc chẳng có gì mới. Nhưng trong một bài phỏng vấn gần đây, anh chỉ trích đạo diễn Lê Hoàng và các đạo diễn thế hệ trước có tư duy làm phim cũ. Vậy "mới" với anh là gì? (Hoàng Trinh, 17 tuổi)

- Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: Tôi hiểu bạn đang đòi hỏi cái mới ở đây là mới về đề tài, mới về câu chuyện. Nhưng có một câu nói mà tôi rất tâm đắc: "Nội dung câu nói không quan trọng bằng cách nói". Ý tôi muốn nói từ "mới" có nghĩa là mới về cách thể hiện. Điện ảnh VN cần một không khí mới, một tiết tấu mới, một cách diễn xuất mới, một cách lồng tiếng mới, một cách tư duy về nhân vật theo kiểu mới và rất nhiều cái mới khác không liên quan đến nội dung và đề tài là cái mà mọi người dễ thấy nhất.

* Thưa bà Hồng Ngát, nhà nước chủ trương xã hội hoá điện ảnh, có nghĩa là muốn mở rộng cửa cho mọi người cùng làm điện ảnh. Nhưng Cục điện ảnh định ra luật đạo diễn phải có bằng đại học, không khác gì đóng cửa lại không cho nhiều người có khả năng làm đạo diễn nhưng vì không có bằng cấp mà đứng ngoài cuộc chơi. (yxine, 21 tuổi, admin@)

- Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Cho cả hai câu hỏi của bạn: Điều bạn hỏi đến bây giờ đã trở thành lạc hậu bởi vì bạn hỏi câu này khi bạn đọc Luật Điện ảnh khi ở giai đoạn dự thảo lần thứ năm, và hiện nay Luật Điện ảnh đã dự thảo đến lần thứ 13 rồi, đã tương đối hoàn chỉnh để trình lên Chính phủ. Trong dự thảo lần cuối của Luật Điện ảnh cho phép tất cả những người yêu điện ảnh được làm phim không quan trọng việc tốt nghiệp đại học hay không.

* Thưa bà Hồng Ngát, vì sao trong vấn đề kiểm duyệt phim, Luật điện ảnh không quy định về các vấn đề đánh giá hạn chế lứa tuổi người xem? (Trung Nguyen, 21 tuổi, shi2nqt@)

- Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Điều này sẽ đưa vào các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư hướng dẫn.

xufs83hZ.jpgPhóng to
"Người đạo diễn như một nhạc trưởng và hãy tưởng tượng những diễn viên và diễn viên lồng tiếng cũng như một nhạc công trong một dàn nhạc" - Ảnh: Hồ Thanh Vinh
* Trong khi ngôn ngữ điện ảnh trong phim VN đã được thể hiện rất kém, một lý do quan trọng khiến khán giả không muốn xem phim VN là vì "đài từ" của diễn viên VN quá yếu, đôi khi "vô hồn", gây phản cảm, nói mà như đọc. Trách nhiệm của các đạo diễn ở đâu trong sự hạn chế khó chấp nhận này?

ĐD Trần Lực: Tất cả những hạn chế bạn nói, trách nhiệm đều do đạo diễn. Như các bạn đã biết, trước khi bộ phim được bấm máy, đạo diễn phải làm việc với biên kịch sao cho kịch bản hấp dẫn không chỉ trong từng hình ảnh mà kể cả trong lời thoại. Vào giai đoạn chuẩn bị quay, đạo diễn phải tuyển diễn viên.

Nếu bộ phim thu thanh đồng bộ, đòi hỏi diễn viên vừa diễn xuất tốt, vừa có giọng nói biểu cảm. Còn những bộ phim phải lồng tiếng thì người đạo diễn phải cùng âm thanh chọn diễn viên lồng tiếng sao cho chất giọng hợp với nhân vật trong phim. Vì thế, người đạo diễn như một nhạc trưởng và hãy tưởng tượng những diễn viên và diễn viên lồng tiếng cũng như một nhạc công trong một dàn nhạc. Nhưng chúng tôi không có nhiều nhạc công giỏi để lựa chọn.

* Chào NS Phước Sang, tôi muốn đặt cho anh một câu hỏi thực sự như một lời thắc mắc chân thành (không mang tính hiềm khích cá nhân) là: Anh là một người nghệ sĩ, đồng thời là một nhà kinh doanh (đồng nghĩa với việc anh có một tầm nhận thức và một trình độ nhất định), anh có thực sự khách quan (kể cả tỉnh táo) để xem và đánh giá lại tác phẩm - đứa con tinh thần (chỉ xin nói về mảng điện ảnh, đơn cử là bộ phim Khi đàn ông có bầu)? Anh có tự thấy đó là một bộ phim thực sự phi nghệ thuật, có hợm hĩnh, tào lao và... rỗng tuếch lắm không? (xin lỗi vì đã dùng lời lẽ nặng nề đến vậy)... Nhưng, thực sự đây là câu hỏi tôi rất muốn đặt ra cho NS Phước Sang từ lúc sau khi đi xem bộ phim Khi đàn ông có bầu. (Vũ Lâm, 27 tuổi, nguyenvu1102@)

- N.S Phước Sang: Thứ nhất: Nếu phim phi nghệ thuật thì đã không được duyệt. Thứ hai: phim có hợm hĩnh ko? Cái tựa Khi đàn ông có bầu đã nói lên điều đó. Thứ ba: nếu tào lao và rỗng tuếch... thì không lẽ gần 1 triệu người phí công sức và tiền bạc, thời gian quý báu của mình để xem bộ phim như thế? Hơn ai hết, tôi là người tịnh tâm nhất để chiêm nghiệm những lời đóng góp và khảo sát thực tiễn nhất khi bộ phim đến với công chúng để từ đó tôi có những kinh nghiệm quý báu để sản xuất tiếp phim Đẻ mướnÁo lụa Hà Đông.

aAK0pp6T.jpgPhóng to
"Chúng ta chưa có một truyền thống về tiểu thuyết lịch sử cũng như làm phim lịch sử như Trung Quốc" - Ảnh: Trần Tiến Dũng
* Thưa đạo diễn Quốc Hưng, tôi thấy lịch sử VN thiên về sự kiện hơn là nhân vật (sử Trung Quốc là sử của nhân vật). Vậy khi xây dựng nhân vật lịch sử trên điện ảnh, làm thế nào để nhân vật đó thuyết phục và hấp dẫn người xem? Và nó có phải là mặt hạn chế của dòng phim lịch sử - phim cổ trang của ta? Và các đạo diễn luôn né tránh đề tài này? (Võ Anh Cẩn, 26 tuổi, voanhcan@)

- ĐD Nguyễn Quốc Hưng: Đây là một câu hỏi hay và có thể làm chủ đề cho một hội thảo về phim, tiểu thuyết lịch sử. Tôi chỉ có thể nói ngắn gọn thế này: chúng ta chưa có một truyền thống về tiểu thuyết lịch sử cũng như làm phim lịch sử như Trung Quốc. Và tất cả mọi thứ đều đang ở bước khởi sự. Cá nhân thì tôi nhận thấy rằng, nhân vật mới là chất liệu chính của một bộ phim lịch sử. Sự kiện là một thứ bất di bất dịch, ai cũng có thể nắm được thông tin qua sách sử.

* Xin hỏi bà Hồng Ngát: Với tư cách Cục phó Cục điện ảnh, theo bà thế nào là một bộ phim hướng đến khán giả? Những bộ phim sản xuất từ kinh phí Nhà nước gần đây như Ký ức Điện Biên, Giải phóng Sài Gòn tiêu tốn chục tỉ đồng nhưng lại trình chiếu vội vàng và không có mấy người xem thì có gọi là hướng đến khán giả hay không? (Đông Duy, 27 tuổi, dongduy78@)

- Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Những phim lớn để kỷ niệm những ngày lễ lớn phải ra đúng dịp là điều đương nhiên và có kế hoạch hẳn hoi chứ không thể gọi là vội vàng được. Phim đề tài lớn như vậy mà cũng có rất nhiều người đến xem chứ không thể gọi là không có người xem như bạn nghĩ. Bạn có chú ý đến công chúng của 80% dân số là nông thôn không? Họ chính là những khán giả nhiệt tình và đông đảo của những bộ phim lớn này. Bạn đừng chú ý đến những con số ở những rạp dành cho người thành phố. Nhiều khi những con số này chưa hẳn đã chính xác.

* Thưa anh Quốc Hưng, vì sao đến giờ anh vẫn chưa bắt tay vào làm phim nhựa? Em nghĩ điện ảnh VN cần những người kỹ tính như anh. (Hoàng Trinh, 17 tuổi, chaotuimay@)

- ĐD Nguyễn Quốc Hưng: Rất cảm ơn bạn đã có những ý nghĩ tốt đẹp về tôi. Mong sao những nhà sản xuất, những cấp có thẩm quyền trong ngành cũng có cùng suy nghĩ như bạn.

9YbPaJvw.jpgPhóng to
"Phim VN của chúng ta chưa hay bởi chúng ta đang "liệu cơm gắp mắm"" - Ảnh: Hồ Thanh Vinh
* Người VN có câu "liệu cơm gắp mắm", nhưng vì sao các đạo diễn VN cứ than là không có tiền để làm phim hay, dù chỉ cả chục tỷ đồng đi chăng nữa? Bao giờ thì các đạo diễn VN học hiểu được câu "liệu cơm gắp mắm", thưa tất cả các đạo diễn? (Đức Thuận, 22 tuổi, agentsmith_version3@)

- ĐD Trần Lực: Phim VN của chúng ta chưa hay bởi chúng ta đang "liệu cơm gắp mắm". "Liệu cơm gắp mắm" thì không thể nào có phim hay được.

* Thưa cô Nguyễn Thị Hồng Ngát! Cháu đã xem nhiều bộ phim do cô viết kịch bản. Cô có thể nhận kịch bản phim truyền hình của cháu được không? Nếu được thì cháu sẽ gửi cho cô theo địa chỉ nào? Cháu cảm ơn cô! (Nguyen Vy, 25 tuổi, nguyenvyhl1@)

- Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Cảm ơn cháu đã quá khen. Cháu có thể gửi kịch bản của cháu cho Điện ảnh chiều thứ bảy theo địa chỉ 147 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Cô sẽ đọc ngay, nếu hay thì đương nhiên sẽ được làm phim.

* Gửi ĐD Trần Lực. Em thấy anh rất có duyên làm phim hài. Tại sao năm vừa qua không thấy anh "xuất xưởng" bộ phim nào? Anh có thể "bật mí" những dự định mà anh đang ấp ủ? (thy nga, 28 tuổi, buihuongnam@)

- Đạo diễn, diễn viên Trần Lực: Anh vẫn sẽ tiếp tục làm phim hài vì đây là thể loại anh yêu thích. Hiện anh đang chuẩn bị một số kịch bản phim hài (cả phim nhựa và phim truyền hình). Em hãy bình tĩnh, khi nào phim của anh ra đời thì em sẽ bày tỏ sự hâm mộ ấy bằng cách bỏ tiền mua vé mời người yêu xem.

jN4WOcBk.jpgPhóng to
"Nghề diễn viên không phải ai cũng thành công và ai học ra trường cũng thành công" - Ảnh: Trần Tiến Dũng
* Tôi là SV của trường Sân khấu điện ảnh. Hiện tại tôi đang rất bức xúc về vấn đề phim truyền hình hay phim nhựa bây giờ đều chọn các người mẫu có tiếng, trong khi thực tế thì các người mẫu này lại chẳng có mấy năng khiếu về diễn xuất. Vậy thì những diễn viên trẻ như chúng tôi được đào tạo trường lớp hẳn hoi, có năng khiếu, có lòng yêu nghề sẽ đi về đâu? Và liệu cách làm phim như các ĐD bây giờ vẫn thường làm liệu có vực dậy nổi nền điện ảnh VN vốn đã giậm chân tại chỗ không? (huynhsonthai, 21 tuổi, sonthaidalat@)

- NS Phước Sang: Vực dậy nền điện ảnh VN không của riêng ai. Bạn có dám chắc khi các đạo diễn chọn bạn thì nền điện ảnh VN sẽ sống dậy? Trước đây, khi tôi ra trường, tôi cũng thất nghiệp dài dài, đi xin việc làm ở nhiều nơi cũng không được nhận, cuối cùng tự mình khẳng định chính mình, tự mình cứu lấy mình trước khi trời cứu.

Một lời khuyên chân tình: nghề diễn viên không phải ai cũng thành công và ai học ra trường cũng thành công. Như bạn thấy đó, sinh viên trường Sân khấu điện ảnh một lớp khi ra trường chỉ hoạt động với nghề khoảng một đến hai người. Các đạo diễn khi làm phim đều nhắm tới sinh viên của trường.

* Gởi cô Hồng Ngát: Khâu kiểm duyệt trong phim VN có nhiều nhiêu khê như bên ngoài vẫn bàn tán? Cụ thể là có nhiều cái nhìn chậm tiến về những trào lưu làm phim mới trên thế giới, về tình dục, về bạo lực... Vậy có cần thay đổi ngay từ gốc rễ là những con người chậm tiến để thúc đẩy nền Điện ảnh nước nhà đi theo những hướng mới hay không? (Nguyễn Huy Tâm, 25 tuổi, nguyenhuytam@)

- Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Như thế nào là chậm tiến? Chả nhẽ trong phim cứ đầy tình dục và bạo lực thì mới là "nhanh tiến" hay sao? Trước hết, mình là người châu Á có văn hoá của người châu Á. Chẳng nhẽ thấy một số phim của Hollywood đưa bạo lực vào phim rồi cũng bắt chước như họ ư? Thực tế đã cho thấy, những phim hay nhất của Hollywood lại là những phim tâm lý tình cảm rất ít tình dục và bạo lực. Những người kiểm duyệt phim luôn đặt mình vào vị trí người xem trước tiên chứ không hề lúc nào cũng mang "dao kéo" đi duyệt đâu. Cháu đừng lo.

* Ông (bà) nghĩ sao khi ở VN xuất hiện tình trạng đạo diễn rất lười tìm hiểu tác phẩm của điện ảnh các nước khác, chỉ ở ru rú trong nền điện ảnh nước mình và sáng tác? (Thục Hiền, 26 tuổi, hientrinh25@)

- ĐD Nguyễn Quốc Hưng: Đơn giản vì người ta cho rằng làm phim đâu có gì là khó và ai cũng có khả năng làm được. Thực tế ít nhiều đã chứng thực được điều đó.

- ĐD Trần Lực: Người khác thì tôi không biết, còn tôi thấy các đạo diễn ở Hãng phim truyện VN rất chăm xem phim nước ngoài.

* Kính gởi cô Hồng Ngát: Cô có cho rằng mình đang "bất lực" và có trách nhiệm trước sự kém cỏi của điện ảnh nước nhà hay không? Nếu có, cô có nghĩ đến việc từ chức để những người có khả năng hơn lên thay thế? (Trung, 21 tuổi, shi2nqt@)

- Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Kính thưa cháu là cô có cảm thấy. Đương nhiên cô sẽ có can đảm từ chức để những người giỏi giang hơn cô gánh vác công việc cho điện ảnh nước nhà. Nhưng cũng phải nói trước rằng công việc quản lý cũng không phải là nhẹ nhàng và vui vẻ như đến rạp xem phim đâu.

* Thưa ĐD Trần Lực, anh là một trong những đạo diễn đầu tiên mời người mẫu đóng phim (Hoàng Xuân trong Tết này ai đến xông nhà). Vậy anh có đồng ý với tôi rằng diễn viên VN rất thiếu và... xấu (đấy là còn chưa nói đến việc thiếu tài năng)? Thật khó có thể tìm được một gương mặt diễn viên vừa đẹp vừa cá tính. Vậy dự định trong tương lai, nếu có thể, anh sẽ tiếp tục mời "người ngoại đạo" đóng phim chứ ạ? Và đã bao giờ anh xem phim nước ngoài mà thấy... thèm có diễn viên tốt như họ chưa? (nguyễn mạnh hà, 24 tuổi, manhha200082@)

- ĐD Trần Lực: Tôi đồng ý với bạn rằng diễn viên VN rất thiếu nhưng không đồng ý rằng diễn viên VN xấu và thiếu tài năng. Trong tương lai, tôi vẫn tiếp tục mời những người ngoại đạo đóng phim sau khi đã tuyển chọn trong số những diễn viên chuyên nghiệp mà không tìm được người hợp vai. Diễn viên ngoại đạo tôi chọn không chỉ là người mẫu mà có thể cả những người ở những ngành nghề khác, thậm chí không dính dáng gì đến nghệ thuật.

Khi xem phim nước ngoài, chẳng phải riêng tôi mà đạo diễn nào cũng muốn có trong tay những diễn viên đẹp, diễn có nghề như họ.

AgVScGS0.jpgPhóng to
ĐD Vũ Ngọc Đãng: "Quá chán" là tình trạng chung của đa số phim VN, tôi cũng đồng ý với bạn như vậy - Ảnh: Trần Tiến Dũng
* Xin hỏi "ông bầu" Phước Sang và ĐD Vũ Ngọc Đãng. Tôi chưa từng xem phim VN trong 13 năm nay vì phim VN không hấp dẫn. Tại sao Hàn Quốc, Trung Quốc... có thể làm nhiều phim ăn khách đến như vậy? (Chi, 33 tuổi, cle_01843@)

- ĐD Vũ Ngọc Đãng: "Quá chán" là tình trạng chung của đa số phim VN, tôi cũng đồng ý với bạn như vậy. Lý do, có rất nhiều lý do, nhưng bạn cũng nên lạc quan vì rất nhiều đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất, GĐ hãng phim và Cục Điện ảnh đang tìm cách tháo gỡ để điện ảnh VN thoát khỏi tình trạng quá chán này!

Riêng tôi, chỉ biết trong mỗi bộ phim cố gắng làm cho thật hay, thật hấp dẫn số đông khán giả nhất với khả năng của mình. Bạn có thể thấy sự cố gắng này trong bộ phim truyền hình 30 tập Tuổi hai mươi sắp tới.

- NS Phước Sang: Ở cuộc đời này, nếu bạn nghe không thì nói ai tin. Vấn đề là bạn phải đi xem phim VN dù chỉ một lần mà thôi thì những lời góp ý của bạn sẽ giúp những người làm điện ảnh VN sáng hơn và thực tế hơn. Đừng nghe nói nữa bạn nhé.

* Điện ảnh VN hiện nay hay đổ thừa cho công nghệ như một giải thích cho những yếu kém. Nhưng nếu nhìn lại thì ban đầu trong tay Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi, họ cũng chẳng có gì nhưng họ đã tạo được những bộ phim như Đèn lồng đỏ treo cao hay Thu cúc đi kiện rất xuất sắc. Anh nghĩ thế nào về việc này? (Việt Bảo, 19 tuổi, ...)

- Đạo diễn, diễn viên Trần Lực: Bạn đã xem những phim của Trương Nghệ Mưu ngoài rạp chưa hay chỉ xem qua băng, đĩa lậu? Nếu bạn xem ở ngoài rạp, bạn sẽ thấy họ làm với công nghệ rất cao.

- Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: Khi nói đến công nghệ, người ta thường nghĩ đến máy móc, thiết bị, nhưng có một điều mọi người quên rằng, viết kịch bản, đạo diễn cũng là kỹ thuật, cũng là công nghệ. Ở nước ngoài, hai khâu này đã được nâng lên thành một công nghệ ở VN, người ta vẫn coi hai khâu này là nghệ thuật, nên vẫn viết kịch bản và đạo diễn theo cảm hứng là chính không để ý đến vấn đề kỹ thuật thành ra phim VN vẫn chưa hấp dẫn, lôi cuốn được khán giả.

Có một nguyên tắc tôi đọc được trong một quyển sách mà tôi rất tâm đắc: "Có 3 nguyên tắc để làm phim hay, nguyên tắc 1: kịch bản hay; nguyên tắc 2: kịch bản hay; nguyên tắc 3: kịch bản hay.". Điều này cho thấy vai trò của kịch bản rất quan trọng. Ở nước ngoài, một kịch bản thường được viết bởi một nhóm khoảng 4 đến 6 người. Và ngay cả phần thoại cũng do một nhóm chuyên viết thoại đảm trách. Tôi nói điều này để cho bạn thấy viết kịch bản cũng là một công nghệ.

- NS Phước Sang: bạn có biết ban đầu trong tay Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi cũng có điều kiện gấp trăm lần so với điện ảnh VN bây giờ không? bạn hãy biết chính xác... thì sẽ hiểu, thông cảm và yêu điện ảnh VN hơn.

* Gởi ĐD Quốc Hưng: Xem phim VN, thấy còn quá nhiều điều không tự nhiên: khóc không thật, yêu không giống, tình cảm các nhân vật gượng ép. Nếu một diễn viên diễn không đạt một cảnh nào đó, thì thường đạo diễn sẽ bắt diễn lại tối đa bao nhiêu lần, đạo diễn có dám cho quay đi quay lại đến khi nào đạt thì thôi không? (dieuthao94, 29 tuổi, dieuthao94@yahoo.com)

- ĐD Nguyễn Quốc Hưng: Tôi không nhớ là mình đã đề nghị diễn viên diễn lại bao nhiêu lần cho một cảnh quay, tôi chỉ biết rằng nếu hôm nay mà diễn viên chưa thể hiện được cái điều mà tôi muốn thì tôi sẽ tiếp tục làm việc với họ vào ngày mai.

afH2yvUs.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát đang trả lời trực tuyến tại Hà Nội - Ảnh: Hồ Thanh Vinh

* Gởi nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, ĐD Vũ Ngọc Đãng: Cá vẫn tồn tại mà không có nước. Tôi nghĩ chúng ta nên nghĩ đến vấn đề kịch bản và lực lượng viết kịch bản của chúng ta hiện nay.

Một đội ngũ quá già để có những kịch bản mang hơi thở của giới trẻ; một đội ngũ có khi trẻ nhưng lại quá ít vốn sống thực tế để bắt kịp nhịp sống hiện đại vốn thay đổi từng giờ. Kịch bản thì cứ mãi bám vào cái gọi là chủ đề tư tưởng mà không đi vào khai thác và xử lí những tiểu tiết vốn rất đời và rất thật. Các anh chị thấy chúng ta có nên có một cái nhìn và chọn lựa khác về lực lượng này? (Võ Anh Cẩn, 26 tuổi, voanhcan@)

- Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Bạn đừng bi quan như thế. Lúc nào nước cũng có cá và lúc nào cá cũng có nước. Những vấn đề bạn đặt ra thì chính bạn cũng đã tự trả lời rồi đấy. Hiện nay, theo tôi biết thì lực lượng viết kịch bản điện ảnh trẻ đang rất đông đảo và rất sung sức. Họ có cái nhìn rất lạ trong những kịch bản mà họ viết. Bạn đã được đọc nhiều kịch bản của họ chưa? Đầu ra cho lực lượng viết trẻ này hiện nay rất nhiều, đó là các đài truyền hình trung ương và địa phương, các hãng phim nhà nước và tư nhân.

- Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: "Cuộc đời của mỗi người như một quyển sách, điều quan trọng không phải dài hay ngắn mà là có hấp dẫn hay không", tôi đã đọc được một câu rất hay như vậy, nên đổ thừa người trẻ không có kinh nghiệm, không có vốn sống là lý do không thể chấp nhận được. Tuổi 15 có kinh nghiệm, vốn sống của tuổi 15. Tuổi 20 có kinh nghiệm, vốn sống của tuổi 20. Chính họ là người hiểu họ và những người bằng tuổi họ hơn hết. Không có một tác giả 50 tuổi nào có thể viết chính xác về họ hơn chính bản thân họ.

Có một điều bất thường là những người trẻ khi viết kịch bản lại không viết về những gì họ đang trải qua, đang nhìn thấy và ăn vô từng hơi thở của họ, mà lại chọn những đề tài sâu sắc, giống như ý bạn nói mang tính chủ đề tư tưởng một cách cứng nhắc. Trong khi đó lợi thế của những người trẻ chính là sự trẻ trung, tươi mới, đương đại. Bạn cũng 26 tuổi, bạn là một người trẻ, nếu bạn có thể viết một kịch bản đương đại, trẻ trung, hấp dẫn thì bạn cứ gửi cho tôi. Tôi rất sẵn sàng hợp tác với bạn.

* Tôi muốn hỏi chị Hồng Ngát, chị nói Hội đồng duyệt chỉ chú ý đến chuyên môn, nhưng liệu Hội đồng duyệt có trình độ hơn người làm phim không khi nghệ thuật thì khó có thước đo. Chẳng hạn phim của đạo diễn Kim Ki Duk sai phạm về mặt chuyên môn và chính tả điện ảnh nhưng ông là tên tuổi lớn của điện ảnh Hàn Quốc với thế giới. Nếu ông Kim ở VN, chắc ông ta sẽ không có cơ hội thành công rồi ! (Mỹ Trân, 37 tuổi, runawayss@)

- Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Thưa bạn, hội đồng duyệt hiện nay theo tôi biết thì gồm những người đều tốt nghiệp đại học ở trong nước và nước ngoài, có người là tiến sĩ, có người là nghệ sỹ nhân dân. Đa phần trong số họ đã có rất nhiều cống hiến với nền điện ảnh nước nhà, đã có những tác phẩm điện ảnh được giải trong nước và quốc tế. Theo bạn, như vậy thì họ đã đủ khả năng để được ngồi ở hội đồng chưa? Còn đạo diễn Kim Ki Duk mà bạn nhắc đến thì tôi không tin ông là một nhà đạo diễn lớn lại có thể sai chính tả điện ảnh được.

* Chào anh Trần Lực! Em đã xem qua bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông và rất thích vai diễn của anh ở bộ phim này. Vậy ở vai trò là đạo diễn, anh có nghĩ rằng điện ảnh VN nên có thêm nhiều bộ phim truyền tải một cách sinh động về đề tài lịch sử VN không? Theo anh cái khó để làm phim về lịch sử VN là gì? (Minh Châu, 27 tuổi, mychau1278@)

- ĐD - DV Trần Lực: Cám ơn bạn đã thích vai diễn này của tôi. Bạn nói đúng ý tôi đấy, điện ảnh VN cần có nhiều bộ phim về đề tài lịch sử. Cái khó để làm phim lịch sử là thiếu tư liệu để viết một kịch bản hay, không đủ tiền để dựng bối cảnh, đạo cụ, phục trang... Vì vậy, nếu được mời đóng phim lịch sử thì tôi nhận, còn bảo làm đạo diễn thì tôi "chạy".

* Thưa bà Hồng Ngát, bà nói là một số phim hàng chục tỷ đồng được chiếu phục vụ cho nông thôn. Nhưng làm thế nào biết được phim đến với đông đảo nông dân? Xin lỗi, vì tôi biết bên sân khấu, có những đoàn hát đi đến các xã vùng sâu, chi tiền bồi dưỡng cho các cán bộ xã để lấy giấy xác nhận đã đến phục vụ, bằng cách như thế, đoàn hát đã xoa tay báo cáo là "hoàn thành nhiệm vụ". Bà có chấp nhận cho các đoàn thanh tra của Quốc hội xác minh sự thật về phim chiếu ở nông thôn? (vothuong@hn.vnn.vn)

- Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Cả nước có 64 tỉnh thành thì cũng có nghĩa là có 64 công ty hoặc trung tâm điện ảnh của các tỉnh thành đó. Mỗi công ty điện ảnh này đều có từ hai đến bốn đội chiếu bóng lưu động (cả phim nhựa và phim video). Bạn cứ thế nhân lên thì sẽ biết được công suất của các đội chiếu bóng này đã mang phim VN đến với đồng bào ở nông thôn cũng như vùng sâu vùng xa nhiều như thế nào. Đó là chưa kể bên phát hành phim quân đội có một đội ngũ hơn 100 đội chiếu bóng lưu động phục vụ các chiến sỹ ở mọi miền đất nước. Sự thực vẫn là sự thực, dù có thanh tra của Quốc hội đi xác minh cũng không sao. Bạn không nên phụ lòng những người dành cả cuộc đời mình để "cõng phim" về với bản làng như vậy.

* Thưa đạo diễn Quốc Hưng, theo anh yếu tố hư cấu trong phim đề tài lịch sử nên được đánh giá như thế nào? (Minh Anh, 22 tuổi, chieunaygiothuve@)

- ĐD Nguyễn Quốc Hưng: Theo tôi, hư cấu là yếu tố hàng đầu của một bộ phim lịch sử. Thành bại của một bộ phim cũng như tài năng của người thực hiện bộ phim đều nằm ở yếu tố này.

* Gửi anh Phước Sang. Nếu được phép của Cục Điện ảnh VN, anh có sẵn sàng làm phim về đề tài tâm sinh lý tuổi mới lớn? Hay là anh vẫn sợ dư luận? (trinhkimquy, 38 tuổi, anhquy1002003@)

- N.S Phước Sang: Sẵn sàng, nếu có một đề tài tốt có ý nghĩa giáo dục không vi phạm những điều cấm của luật pháp VN.

* Tôi có xem qua một cuộc tranh luận trên website yxine.com về vấn đề phê bình điện ảnh. Xin hỏi bà Hồng Ngát, bao giờ điện ảnh VN mới có một nền phê bình lý luận điện ảnh đúng đắn, vì không có nó sẽ khó có nền điện ảnh vững mạnh? Ý tôi muốn hỏi về khâu đào tạo nhân lực cho mảng phê bình điện ảnh này. (Dương Gia Hy, 23 tuổi, duonggiahy@)

- Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát: Theo tôi được biết, năm nào Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM cũng có khoa lý luận phê bình. Như vậy, mỗi năm chúng ta có khoảng 15 đến 20 nhà lý luận phê bình "ra lò", đó là chưa kể một đội ngũ cũng khá đông được đào tạo ở nước ngoài trước đây.

Dù vậy, nền lý lu

NHÓM PV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên