31/12/2005 05:20 GMT+7

Bóng đá nữ - Phía sau những tấm huy chương

NGỌC LAN
NGỌC LAN

TT - Bóng đá nữ có mặt ở VN tính đến nay đã tròn 75 năm, với sự xuất hiện của đội bóng Cái Vồn. Nhưng sự phát triển thật sự của môn thể thao này chỉ mới cách đây 15 năm với người khởi xướng là ông Trần Thanh Ngữ (thường gọi là Tư Ngữ - nguyên trưởng Phòng TDTT quận 1, TP.HCM).

 Kỳ 1: Bước qua buồn tủi

TT - Bóng đá nữ có mặt ở VN tính đến nay đã tròn 75 năm, với sự xuất hiện của đội bóng Cái Vồn. Nhưng sự phát triển thật sự của môn thể thao này chỉ mới cách đây 15 năm với người khởi xướng là ông Trần Thanh Ngữ (thường gọi là Tư Ngữ - nguyên trưởng Phòng TDTT quận 1, TP.HCM).

Chỉ 15 năm thôi, nhưng bóng đá nữ VN đã chính thức chiếm ngôi số 1 Đông Nam Á, sau ba lần liên tiếp vô địch SEA Games. 15 năm ấy biết bao nhiêu là tình, bao nhiêu là khó nhọc, hi sinh... để có được như ngày hôm nay.

Đúng ngày Noel (24-12-2005), 25 "cô bé lọ lem" đăng quang ngôi hậu bóng đá nữ SEA Games 23 đã được đích thân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên và các cộng sự mời dự một bữa cơm thân mật và trang trọng tại Nhà khách Chính phủ.

Ngồi trong khán phòng sang trọng đó, Văn Thị Thanh, Đào Thị Miện và thậm chí cả trợ lý HLV Hiền Lương... nhiều lúc đã len lén quay đi lau những giọt nước mắt. Những giờ phút được trọng thị thế này càng khiến họ nhớ đến bao năm tháng quá dài lăn lộn với trái bóng ở bãi thả trâu hay những căn nhà hầm...

Những ngày “không một xu dính túi”...

Một trong số những "cựu binh" xuất sắc nhất đội tuyển VN hiện nay (và được các nhà chuyên môn bình chọn là cầu thủ xuất sắc nhất SEA Games 21) là tiền vệ Mai Lan - người đã ba lần cùng bóng đá nữ VN đăng quang ngôi vô địch SEA Games.

Nhưng mấy ai biết rằng chị là VĐV duy nhất còn sót lại từ lứa cầu thủ đầu tiên ở đội Than Cửa Ông (đội bóng ra đời cách đây 14 năm, cùng thời với đội nữ TP.HCM của ông Tư Ngữ). Cuộc "sinh tồn" của 21 cầu thủ cùng lứa với chị, nghe kể lại thì đúng là kết quả chiến thắng một cơ chế, một quan điểm của thời bấy giờ.

Nói thì ít người tin, làm bóng đá nữ mà cũng bày đặt nói chuyện cơ chế, quan điểm! Nhưng chính ông Hà Loan Thanh - một trong những người lăn lộn với bóng đá nữ ngành than từ ngày đầu đến nay - nhớ lại:

"Năm 1991, ngành than quyết định thành lập một đội bóng đá nữ mang tên mình. Quan điểm của các nhà chuyên môn ở Sở TDTT Quảng Ninh (đứng đầu là cựu danh thủ Nguyễn Đình Hùng B) là tuyển chọn bài bản từ đầu, chọn các em có năng khiếu để huấn luyện, thế mới hi vọng có một đội bóng tốt, tham dự các giải đấu chuyên nghiệp cấp quốc gia hay quốc tế. Nhưng nơi giữ hầu bao cho những hoạt động này là công đoàn (vì có quĩ phúc lợi) không đồng ý với hướng tuyển quân ấy.

Họ cũng tự xây dựng một đội bóng do công đoàn chọn từ nữ công nhân chơi bóng phong trào. Hai đội tồn tại song song ba tháng trời với lời thách đấu: "Sẽ đá một trận ra trò xem cách đào tạo nào thắng thì được chọn".

Nhưng đội bóng của công đoàn thì ăn no ngủ kỹ. Còn đội bóng của HLV Nguyễn Đình Hùng B chỉ thiếu nước nhịn đói nếu vợ HLV Hùng không đích thân tạm ứng tiền ăn hằng tháng cho cả đội. Đến hôm tổ chức trận đấu "của hai quan điểm", những người gây dựng đội bóng "không một xu dính túi" không dám đến sân xem vì hồi hộp.

Còn đội bóng công đoàn đã đặt tiệc sẵn để chờ chiến thắng và sẵn sàng cho cả đội "tắm bia". Tiếc rằng sau đó chính những người đặt tiệc cho đội công đoàn đã bỏ về đầu tiên vì đội bóng của họ bị thua đội bóng "không một xu dính túi" đến 1-4. Thế là đội bóng đá Than Cửa Ông chính thức được công nhận và được công đoàn thanh toán những chi phí nuôi quân ba tháng đầu.

Thực tế bóng đá nữ ở ngành than Quảng Ninh phát triển mạnh lắm. Lý do, theo ông Hà Loan Thanh: "Vì công nhân nữ nhiều quá!". Hầu hết xí nghiệp (mỏ Khe Chàm, mỏ Mông Dương, mỏ Cọc 6, Cẩm Phả...) đều có đội bóng thi đấu với nhau và đều ra đời cùng thời với quận 1 (TP.HCM), trước cả đội Hoa Học Trò (Hà Nội).

Các xí nghiệp rầm rộ xây dựng đội nữ, nhiều cô đã 26-27 tuổi, có hai con vẫn tham gia chơi bóng. Đông đến độ có HLV trẻ như Nguyễn Văn Thảo mới đến đội bóng năm ngày đã bị người yêu lôi về vì sợ... mất bồ.

Bây giờ thì đội Than VN (do Công ty Than Cửa Ông quản lý) đã lọt vào top 3 đội bóng mạnh nhất làng bóng nữ VN. Họ mạnh là phải vì cứ tham gia đội bóng đương nhiên có một suất là công nhân ngành than, lương 1,6 - 2 triệu đồng/tháng, có cơ sở vật chất khang trang để ăn ở, tập luyện. Từ những năm 1996 và thậm chí tận bây giờ, họ được đầu tư đến 800 triệu đồng để tập huấn, thi đấu.

Và những tài năng từ bãi thả trâu, nhà hầm...

...Và căn nhà bán mái rộng 25m2 là cái nôi đào tạo đội bóng top 3 giải VĐQG Hà Nam - Ảnh: Trường Vũ
Cách đây hơn một năm, theo chân Quả bóng vàng Văn Thị Thanh về Hà Nam, tôi đã thật sự bị bất ngờ khi chứng kiến cảnh sống khó khăn của các nữ cầu thủ ở cái nôi đào tạo này.

22 nữ cầu thủ Hà Nam sống trong một căn nhà rộng chừng 25m2, nằm trơ trọi trong góc của bãi đất rộng mấp mô như bãi thả trâu có tấm biển đề bong tróc còn sót lại trước cửa sân, chịu khó đọc thì cũng hiểu rằng đây là sân vận động (SVĐ) thị trấn Hòa Mục (Duy Tiên, Hà Nam). Từ ngày khai sinh ra đội bóng, tất cả mọi chuyện ăn ở, sinh hoạt đều diễn ra trong khuôn viên SVĐ này.

Dù cách xa quốc lộ nhưng từ HLV đến cầu thủ ngày ngày vẫn phải "đàm phán" với các đám trẻ chăn trâu hoặc thanh niên thị trấn để họ đừng thả trâu, bò hay đá bóng, cho đội lấy chỗ tập. Dụng cụ tập thể lực của đội lúc bấy giờ là một chiếc tạ sắt đã bị mấy tên nghiện hút trèo tường "mượn đỡ" một bên đành tăng cường thêm mấy vòng dây thun chuyên dành cho các bà đi thồ hàng để tập căng cơ cho chắc...

Vào phòng ở của các nữ cầu thủ thấy càng thương hơn. Những chiếc giường đơn mà ở thành phố chẳng mấy nhà còn dùng đều được tận dụng, hoặc ghép lại. Vật dụng chống lại cái nắng nóng mùa hè của "đại gia đình" là thân cây ngô phơi khô vứt lên mái nhà.

Tưởng rằng chỉ riêng Hà Nam mới có hoàn cảnh đặc biệt như vậy. Nào ngờ mới đây HLV Đỗ Thanh Thủy của Thái Nguyên đã kể lại cảnh nuôi quân khốn khổ chẳng kém gì. 20 cầu thủ nữ ở đây sống trong "nhà hầm" - từ mà mọi người quen gọi gầm khán đài SVĐ Thái Nguyên (cũng chẳng mấy khi diễn ra trận đấu nào). HLV Thanh Thủy kể:

"Gọi là nhà hầm vì người lạ vào thấy tối om chẳng nhìn rõ mặt, mùa hè vào một lúc phải chạy ra vì thiếu không khí, rất bí bách". Hầu hết lứa cầu thủ này được tuyển chọn từ các huyện do đích thân các HLV đi phát tờ rơi, hoặc đăng tuyển sinh trên đài tỉnh. Gom quân về, sống trên giường tầng, ở nhà hầm vậy mà đội bóng cũng tồn tại được hai năm qua, dù phải trải qua nhiều sóng gió và khó khăn, thậm chí trên bờ vực giải tán.

"Chúng tôi chẳng có dụng cụ tập luyện thể lực gì đâu, trừ mấy ống nhựa làm bài tập hàng rào" - cô HLV 27 tuổi, mới lập gia đình cách đây vài ngày, tâm sự. Sân tập thì xấu, chấn thương có thể đến bất cứ lúc nào, với 600.000đ/tháng thì lo tiền ăn cũng không đủ và các quán ăn chuyên nấu cho đã mấy lần toan từ chối vì 10.000đ/người/ngày biết nấu nướng ra sao.

Ở Hà Nam, cảnh này cũng khiến HLV Hải Anh rơi nước mắt: "Hồi đầu Hà Nam chi tiền ăn 9.000đ/người/ngày, đi đến đâu cũng bị người ta đuổi không bán vì tiền đó chỉ bán cơm thì lời lãi gì. Chúng tôi đành phải nấu ăn lấy".

Khi Hà Nam đã bớt dần cảnh khó vì bóng đá nữ với những gương mặt như Văn Thị Thanh đã khiến bộ mặt thể thao của một tỉnh "chẳng có gì trên bản đồ đỉnh cao" bắt đầu được biết đến thì việc đầu tư của tỉnh cũng khá hơn.

Nhưng ở Thái Nguyên, mới sau giải VĐQG hồi tháng tám thôi, do thành tích yếu, đội tưởng như đã phải giải tán. Nhiều nữ cầu thủ xin về quê làm ruộng, người thì xin lấy chồng khiến các HLV phải thuyết phục từng ngày. "Bây giờ dù vẫn chưa có gì cải thiện tình hình nhưng đội không bị giải tán là may rồi" - HLV Thanh Thủy thở phào.

Hãy đá thua đi và sẽ được nhận 40 triệu đồng. Một món tiền rất lớn với các cô gái đá bóng nghèo khổ cách đây hơn ba năm. Nhưng họ đã nói: “Không!”...

NGỌC LAN

Kỳ sau:  Nói “không” với tiêu cực!

NGỌC LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên