03/01/2005 18:21 GMT+7

Truyền hình VN: Từ VKT đến 5V

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TT - Năm 1989, tổng giám đốc Đài truyền hình VN (VTV) khi ấy là ông Phạm Khắc Lãm có ý tưởng thành lập một tổ biệt phái làm một chương trình gì đó về thế giới.

jxWPM7Mw.jpgPhóng to
"Gặp nhau cuối tuần" - một trong những cố gắng luôn làm mới và phục vụ nhu cầu người xem của VTV3 - Ảnh: T.T.D.

Ý tưởng ban đầu chỉ có thế và chương trình VKT nổi tiếng ra đời, với nhóm thực hiện gồm Trần Tiến Đức, Trần Bình Minh, Trần Đăng Tuấn, Vũ Đức Khuynh, Lại Văn Sâm...

Buổi ban đầu ấy họ có một điểm chung: đều là dân ngoại ngữ và phần lớn học ở Nga về. Hôm nay, khi VTV đã có năm kênh truyền hình quảng bá, ba kênh truyền hình cáp, họ cũng có một điểm chung: đều là những trụ cột của truyền hình.

Cuộc trò chuyện cuối năm của Tuổi Trẻ với phó tổng giám đốc VTV Trần Đăng Tuấn xoay quanh chặng đường 15 năm qua của truyền hình, bắt đầu từ VKT đến 5V. Ông Tuấn nói:

- Trước 1996, truyền hình đã có VTV1, VTV2, VTV3 nhưng chung nhau một kênh. Đến bây giờ mà hình dung ba chương trình chung nhau một kênh thấy rất lạ lùng, như ba ca sĩ mà chỉ có... một micro.

Ngày 31-3-1996, VTV3 chính thức tách ra thành một kênh riêng. Suy nghĩ của chúng tôi lúc đó là tách VTV3 để giải quyết nhiệm vụ kép: đáp ứng nhu cầu của khán giả về văn hóa, thể thao, giải trí (lúc đó rất thiếu) và xã hội hóa nguồn lực cho truyền hình, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

Dự đoán ban đầu của chúng tôi là quá trình này sẽ diễn ra trong nhiều năm. Nhưng chỉ hai năm sau, kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Đến nay, 80% quảng cáo mà VTV thu được là từ VTV3. Có số tiền đó, chúng tôi đầu tư trở lại cho tăng cường thời lượng và chất lượng VTV1 và VTV2.

* Nhân ông nói đến quảng cáo ở VTV - nhất là VTV3 - nhiều quá mức dự đoán khi mới thành lập kênh truyền hình này. Có phải đó là do các ông là đơn vị được độc quyền phát sóng trên toàn quốc?

- VTV không phải là nơi thu được phí quảng cáo lớn nhất nước. Ở VN, có đài truyền hình khác thu tiền từ quảng cáo lớn hơn chúng tôi. Nhưng ở VTV, chúng tôi không bao giờ đợi có đủ tiền, đủ thiết bị mới làm chương trình mà luôn luôn liệu cơm gắp mắm để cải tiến chất lượng chương trình.

Nhiều trường hợp đồng nghiệp nước ngoài ngạc nhiên vì chúng tôi chỉ có thiết bị như thế, cơ sở vật chất như thế mà thực hiện được một khối lượng công việc như vậy. Như ở Sea Games 22 vừa qua, số lượng các kênh tín hiệu truyền từ các điểm thi đấu là nhiều nhất trong tất cả các kỳ Sea Games. Tín hiệu hình và tiếng đều tốt, chúng tôi không phải nhận bất kỳ lời phàn nàn nào.

* Mô tả ngắn gọn về VTV hôm nay ông sẽ nói như thế nào?

- Là 2.400 nhân viên với năm kênh truyền hình quảng bá (VTV1, VTV2, VTV3, VTV4 - kênh truyền hình dành cho đồng bào ở xa Tổ quốc và VTV5 - kênh truyền hình tiếng dân tộc), gần 70 giờ phát sóng mỗi ngày. Đó là chưa kể ba kênh truyền hình cáp: VCTV1, VCTV2 - chuyên phim truyện VN và VCTV3 - kênh chuyên về thể thao. Rất khác so với hồi chúng tôi làm VKT nhưng khán giả hôm nay lại khắt khe hơn, cuộc sống xã hội phong phú hơn, phức tạp hơn, đòi hỏi chúng tôi phải nhanh nhạy hơn.

* Nhưng ở các nước châu Á bên cạnh chúng ta, truyền hình đã tiến những bước dài, phát 24/24g. Các ông có dự định gì để VTV tương xứng với vị trí một đài truyền hình quốc gia, ở một đất nước tương lai sẽ có tới 100 triệu dân?

- Những dự định này đã thể hiện trong định hướng phát triển truyền hình đến 2010. Ở nhóm kênh truyền hình quảng bá, chúng tôi có dự kiến mở một kênh truyền hình riêng cho thanh thiếu niên và một kênh truyền hình riêng về đối ngoại.

Như thế thôi, bởi một nước có dân số lên đến hơn 1 tỉ người như Trung Quốc, đài truyền hình quốc gia của họ cũng chỉ có trên dưới 10 kênh quảng bá. Còn trên hệ thống truyền hình cáp DTH, chúng tôi đã có định hướng rõ ràng là mở thêm các kênh giải trí tiếng Việt.

* Xin cảm ơn ông.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên