Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 14 (4 đến 7-11-2004):
![]() |
Người học trò đất Gia Định xưa, bộ phim làm xong đã lâu nhưng vẫn chưa công chiếu và nay mới có dịp ra mắt một số ít khán giả nhờ có liên hoan phim. Trong ảnh: đạo diễn Huy Thành (bìa phải) trao đổi với hai diễn viên Việt Trinh, Công Ninh trong quá trình làm phim - Ảnh tư liệu |
Trong sinh hoạt điện ảnh VN, một điều rất lạ là còn không ít phim kể từ ngày xuất xưởng vẫn "biền biệt sơn khê", đố tìm thấy tăm hơi tại các rạp. Đấy, Cái tát sau cánh gà, Trò đùa của thiên lôi, Người học trò đất Gia Định xưa... Nhờ có liên hoan mới được xem vội vài ba phim, nhưng việc bình phẩm phim sẽ chưa thật cần thiết cho đến ngày phim được xuất hiện rộng rãi trước mắt công chúng.
Thôi thì trò chuyện với người làm ra phim. Cả khối vấn đề chất chứa, ngổn ngang, phải nói ra cho biết điện ảnh nước nhà đang ở đâu, phải lên tiếng cho vài giải pháp may ra có "cửa" hóa thành đời thực...
Đạo diễn Phi Tiến Sơn đưa ra ý kiến: "Ai chẳng muốn bộ phim của mình bắt được hơi thở của cuộc sống, nhưng nào có dễ tìm được kịch bản như thế! Anh Nguyễn Mạnh Tuấn là người nắm bắt sâu sát, nhạy cảm nên mới viết được kịch bản về đề tài chống tham nhũng, từ đó tôi dàn dựng thành phim Lưới trời (Hãng Phim truyện VN).
Lần vào TP.HCM, tận mắt xem công chúng thay nhau thuyết trình về Lưới trời tại Nhà văn hóa Thanh niên tôi cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên so với phim ảnh Trung Quốc thì họ nói mạnh mẽ, thu hút hơn nhiều. Phim chống tham nhũng của chúng ta còn ít ỏi quá. Xã hội hôm nay đang đặt hàng cho giới làm phim VN - và đặt ra trách nhiệm cho cả giới chức duyệt phim - biết bao đề tài ray rứt, rất nóng!".
|
Vấn đề Vương Đức xới ra một lần nữa chạm vào tâm trạng dồn ứ nhiều năm của người làm điện ảnh. NSND - đạo diễn Huy Thành cho biết: “Bộ phim Người học trò đất Gia Định xưa (Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu) được làm với kinh phí chỉ 700-800 triệu thì thấm tháp vào đâu so với bộ phim khác người ta làm đến 15 tỉ, thi thố với nhau là rất khó...
Tôi làm phim theo nhiệm vụ chính trị, đối với loại phim này thì rất cần đến sự đầu tư để chiếu rạp”. Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, đạo diễn Lê Dũng, nói rõ hơn: “Giới sản xuất chúng tôi muốn đưa phim ra rạp không dễ vì luôn phải thương lượng trong thế yếu. Họ không chịu mua thì chúng tôi biết làm cách nào? Mà có mua thì cũng đưa ra giá rất bèo, 150, 200 triệu gọi là vậy thôi, mua bán như ra ơn. Theo tôi, nếu ngày càng có nhiều rạp tư nhân, phát hành tư nhân, phá thế độc quyền trong phát hành thì sẽ đỡ cho giới sản xuất phim”.
Đến liên hoan phim, giới điện ảnh ngồi với nhau thở vắn than dài cũng không đi đến đâu. Vấn đề vẫn cứ đeo đẳng, còn đó! Tốt nhất là tự vận động. Đạo diễn Trần Lực nói: “Người làm phim nào chẳng thích bộ phim của mình được khán giả quan tâm. Ngay đến dòng phim chân dung lịch sử như Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong (Hãng phim Hội Nhà văn VN) mà tôi được giao đóng vai chính, theo tôi, cũng phải hấp dẫn bằng cách xây dựng nhân vật đời thường hơn, đẩy tiết tấu nhanh hơn. Cái hay ở đây là khi có nước ngoài hợp tác, phim tốt hơn hẳn, êkip làm phim người Trung Quốc rất chuyên nghiệp, với kinh phí làm phim khoảng 15 tỉ thì chưa chắc ở VN đã làm được với chất lượng tương đương!”.
Liên hoan năm nay mở thêm giải “Phim được khán giả yêu thích”, theo suy nghĩ của Trần Lực: “Điều đó rất cần vì xét cho cùng phim phải phục vụ khán giả. Tuy nhiên, bình chọn chỉ thông qua đại diện phát hành phim của các tỉnh thành thì khó mà xác đáng. Họ sẽ nghiêng về số vé bán ra của phim chứ làm sao nắm được yêu cầu từ phía khán giả. Mà cũng không thể lấy ý kiến khán giả tại Đắc Lắc. Nên lấy ý kiến khán giả ở nhiều địa phương. Thôi thì lần này mở ra giải để... rút kinh nghiệm, chưa thể chỉn chu được. Khuôn khổ vài ngày của một liên hoan khó lấy ý kiến một cách khoa học, trong khi lẽ ra phải cần đến ngày rộng tháng dài".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận