30/08/2004 06:02 GMT+7

Đã có 520 chiều chủ nhật...

THU HÀ
THU HÀ

TT - Hay dở tốt xấu còn phải bàn nhiều, nhưng người VN đã được xem phim VN, hằng tuần, miễn phí. Và từ đó đến nay đã có 520 buổi chiều chủ nhật.

LcPlOH6x.jpgPhóng to
Mạnh Cường và Minh Châu - hai gương mặt quen thuộc của VNCN trong phim "Không còn gì để mất": giải vàng LHP truyền hình toàn quốc 2002 và giải A hội điện ảnh 2003

Chiều chủ nhật 4-9-1994, một cô gái trẻ hoàn toàn xa lạ với khán giả truyền hình - nữ sinh thực tập Thanh Hương - ngồi trong chiếc ghế mây trong phòng làm việc của đạo diễn Khải Hưng...

Cô ngồi đó, tay cầm hai cuốn băng VHS hơi ngượng ngùng giới thiệu bộ phim truyền hình VN đầu tiên... dài hai tập Mẹ chồng tôi.

Trên màn ảnh thời ấy là sự thống trị tuyệt đối của những Người giàu cũng khóc, Đơn giản tôi là Maria, Oshin... Ít ai có thể ngờ được chính từ buổi chiều hôm ấy, bắt đầu một “kỷ nguyên mới” trên truyền hình: thời của phim truyền hình (TH) VN.

Từ sự nồng nhiệt buổi ban đầu...

Mẹ chồng tôi, Lời nguyền của dòng sông, Tiếng gọi bên sông, Ảo ảnh giữa đời thường,Những người sống quanh tôi, 12A và 4H, Những mảnh vỡ hoàn hảo... những thành công ban đầu được đón nhận nồng nhiệt bởi một lượng khán giả khổng lồ (cứ tính trung bình mỗi TV có năm người xem) có phần dễ tính (vì chưa xem nhiều phim TH nổi tiếng của châu Âu, Trung Quốc và Mỹ), cộng những lời nhận xét kiêm quảng bá của một đội ngũ báo chí ưu ái nền điện ảnh - truyền hình yếu ớt nội địa... tất cả đã khiến không khí làm và xem phim truyền hình những năm đầu (1994-1997) vui vẻ và ấm áp.

Một số đạo diễn và diễn viên điện ảnh đã trở thành các “ngôi sao truyền hình” thật sự. Mỗi phim, nhất là dài tập, chiếu trên “Văn nghệ chủ nhật” đều trở thành một hiện tượng trong sinh hoạt văn hóa, với các bài viết, các buổi giao lưu với người hâm mộ, các cuộc thi bình chọn phim TH hay nhất và diễn viên phim TH xuất sắc nhất...

... Đến hiệu ứng của sự nhàm chán

Thời buổi làm ăn, không ai để cho anh một mình một chợ. Phim Hàn Quốc người xinh quần áo đẹp, phim Trung Quốc (TQ) hiện đại giản dị sâu sắc, TQ lịch sử hoành tráng công phu, phim tâm lý xã hội Ý đầy kịch tính cộng nhà đẹp xe đẹp... tất cả ào vào như một làn sóng. Những non nớt ngô nghê, những lỗi to lỗi nhỏ của phim truyền hình VN bắt đầu được mang ra soi xét. Khán giả khó tính và sành sỏi hơn, báo chí cũng khắt khe hơn, mà phim VN thì... vẫn giậm chân tại chỗ.

Căn bệnh được tổng kết của phim THVN giai đoạn thoái trào là: “Vợ bộ đội chửa hoang lấy thương binh về làng” và “nhà giàu mới nổi toàn nhà lầu xe hơi ở thành phố”. Các phim có nội dung na ná, với các diễn viên quen mặt lấy từ các đoàn sân khấu của thủ đô và các tỉnh lân cận, lại được phát đi phát lại nên người xem chán, nhiều lúc... phát bực.

Cứ thấy Trần Lực là thương binh hoặc ngồi trên bàn thờ, Hữu Độ, Hà Văn Trọng là quan chức ở thành phố có con hư vợ đanh đá, Quốc Tuấn thì trí thức nghèo, Hoàng Lan, Lê Vy gái quê, lão bà Hoàng Yến và Thu An thì thở dài sườn sượt, ho khù khụ và động tí lại quay ra thắp hương mếu máo trước bàn thờ chồng: “Ông ơi sao ông không về mà dạy con?”.

Nói tóm lại là phim chưa chắc đã dở, nhưng xem mới bắt đầu đã biết kết thúc, và người xem thì mỗi ngày một nhiều ý kiến phản bác, phê bình gửi về Ban biên tập Văn nghệ chủ nhật cũng như trên các phương tiện thông tin khác.

Đến độ, theo đạo diễn Khải Hưng, đã có lần Ban TTVH đã phải mở hẳn một cuộc họp để phê bình vè chuyện “chửa hoang” trên phim TH, và Hãng phim truyền hình (đã có tên giao dịch là VFC) phải làm hẳn một thống kê là đã làm bao nhiêu phim có chuyện “không chồng mà chửa”!

***

Từ chỗ chỉ làm các phim lẻ, với ngôn ngữ y chang điện ảnh, đến nay, phim TH VN đã có một bước tiến dài, gần 100 serie truyền hình đã được sản xuất, đội ngũ làm phim TH cũng đông vui hơn, có cả TFS, Điện ảnh chiều thứ 7, phim Văn nghệ chủ nhật cũng vì thế mà bắt buộc phải nhanh nhạy nắm bắt thời cuộc hơn. Đề tài mở rộng và đã xác định được những đạo diễn có sở trường về những mảng đề tài riêng: Đỗ Thanh Hải: thanh niên, sinh viên; Trần Lực, Phi Tiến Sơn: hài; Đỗ Đức Thành: đời sống thị dân; Quốc Trọng: trí thức...

Việc hợp tác làm phim với nước ngoài cũng bắt đầu manh nha, từ Hương bánh khảo (với Hãng Châu Giang - TQ) đến Tình xa (với Kantana - Thái Lan), phim hay cũng nhiều hơn (dù chúng không còn gây xôn xao trong sinh hoạt văn hóa như những năm đầu): Xin hãy tin em, Phía trước là bầu trời, Mùa lá rụng trong vườn, Đất và người, Con nhện xanh... (serie) hay các phim lẻ: Không còn gì để nói, 301, Ngàn năm mây trắng. Nhưng, cái gọi là công nghệ phim truyền hình thì hình như vẫn chưa thật sự tồn tại.

Kỷ niệm 10 năm ngày phát sóng chương trình Văn nghệ chủ nhật đầu tiên, VFC cũng giới thiệu bộ phim đầu tay của đạo diễn trẻ 24 tuổi Hoàng Lâm, với toàn bộ diễn viên là “sản phẩm” tự đào tạo của hãng năm qua: Lời thề cỏ non - tên phim cũng là một thông điệp của VNCN gửi khán giả: mong sao cả người làm phim và người xem phim giữ nguyên vẹn được tình cảm buổi ban đầu.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên