08/01/2010 22:26 GMT+7

Hào hùng thời "Xếp bút nghiên" - Kỳ 2: Ngày lịch sử

TS PHAN VĂN HOÀNG
TS PHAN VĂN HOÀNG

TT - Theo quyết định của Đảng đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn, học sinh các trường công, tư trong thành phố sẽ tập hợp lúc 7 giờ sáng thứ hai 9-1-1950 trước Nha học chánh Nam Việt gần ngã tư d’Espagne - Paul Blanchy (gần ngã tư Lê Thánh Tôn - Hai Bà Trưng ngày nay).

tHyfaBlS.jpgPhóng to
Quang cảnh đám tang liệt sĩ Trần Văn Ơn - Ảnh tư liệu

Kỳ 1: Bảo Đại và “cuộc đón tiếp quái dị”

Từ sáng sớm, hàng trăm học sinh đã tập trung trước nha, đứng chật hai bên lề đường d’Espagne. Đúng 7g30, ban đại diện học sinh gồm bảy học sinh đi vào nha. Để có thêm “trọng lượng”, họ mời bốn giáo viên cùng vào.

Chất vấn giám đốc nha học chánh

Liệt sĩ Trần Văn Ơn sinh ngày 29-5-1931 tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Thuở nhỏ, anh học tiểu học tại thị xã Mỹ Tho. Tháng 4-1946, thi đậu năm thứ nhất bậc cao đẳng tiểu học tại Trường Petrus Ký Sài Gòn. Từ năm 1947-1949 tham gia phong trào yêu nước, gia nhập Hội Sinh viên Việt Nam Nam bộ. Ngày 9-1-1950 cùng đông đảo học sinh biểu tình đòi yêu sách tại dinh thủ hiến và hi sinh.

Giám đốc nha học chánh Henri Nguyễn Thành Giung tiếp họ một cách lạnh nhạt. Năm ấy ông 56 tuổi. Sinh trưởng trong một gia đình giàu có ở Sa Đéc, ông được đi du học ở Marseille (Pháp) và đỗ tiến sĩ quốc gia ngành khoa học tự nhiên (lúc đó gọi là ngành vạn vật học) năm 1923. Ba năm sau, ông xin vào dân Tây.

Sau khi tái chiếm Nam bộ, Pháp lập ra nước “Cộng hòa tự trị Nam kỳ” nhằm tách Nam bộ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Năm 1946 ông Giung ra làm tổng trưởng Bộ Giáo dục của chính phủ Nguyễn Văn Thinh. Năm 1949, khi Pháp dùng “lá bài Bảo Đại”, ông trở thành giám đốc Nha học chánh Nam Việt.

Ban đại diện học sinh trao cho ông bản kiến nghị, ông không đọc, hỏi với giọng gay gắt: “Các anh muốn gì?”. Một người trong ban đại diện nêu hai yêu sách: “Trả tự do cho học sinh đang bị bắt và mở cửa trường cùng khu nội trú”. Ông Giung nói: “Tôi là một người quản lý giáo dục. Tôi chỉ có nhiệm vụ tổ chức việc giảng dạy của giáo viên và việc học tập của học trò. Còn chuyện bắt tay thả học sinh, đóng hay mở cửa trường thuộc lĩnh vực chính trị. Các anh đi gặp những người làm chính trị mà yêu cầu”.

Một đại diện học sinh hỏi vặn: “Nhưng nếu trường tiếp tục bị đóng cửa thì giáo viên lấy chỗ nào mà giảng dạy? Nếu học sinh tiếp tục bị giam cầm thì làm sao học tập được, thưa ông?”. Ông Giung đuổi khéo: “Các anh đi gặp những người có thẩm quyền mà hỏi”. Nói xong, ông trả lại bản kiến nghị.

Đối thoại cùng thủ hiến Trần Văn Hữu

Sau khi hội ý chớp nhoáng, ban đại diện quyết định đi gặp thủ hiến Trần Văn Hữu. Ông Hữu người Vĩnh Long, nhỏ hơn ông Giung hai tuổi. Xuất thân từ một gia đình đại điền chủ, ông Hữu học ngành canh nông, đỗ kỹ sư. Năm 29 tuổi ông nhập quốc tịch Pháp. Từ năm 1946 ông lần lượt làm tổng trưởng Bộ tài chính, phó thủ tướng, tổng trấn Nam phần rồi thủ hiến Nam Việt.

Khi đoàn học sinh tới dinh thủ hiến (nay là Bảo tàng TP.HCM) lúc 9 giờ, số lượng đã tăng lên vài ngàn người, đứng đầy công viên trước dinh.

Trong khuôn viên dinh cũng như trên đường Lagrandière (nay là đường Lý Tự Trọng), lực lượng vũ trang - gồm lính và cảnh sát - được tăng cường, tay lăm lăm súng, mặt ai cũng đằng đằng sát khí. Ban đại diện học sinh gặp người của dinh, đề nghị vào gặp thủ hiến. Sau khi vào trong một lát, người của dinh trở ra cho biết thủ hiến đang bận, không thể tiếp học sinh. Người kia bảo ban đại diện đưa bản kiến nghị để chuyển giúp. Đại diện học sinh đòi trao tận tay thủ hiến, tuyên bố học sinh sẽ ở lại đây cho đến khi gặp thủ hiến.

Nghe tin học sinh đang đấu tranh trước dinh thủ hiến, đông đảo bà con tiểu thương đem xôi, bánh mì, nước uống đến tiếp tế.

Tới 12g30, ông Hữu cho người ra mời ban đại diện học sinh vào.

Một điều bất ngờ là cò Bazin đang ngồi bên cạnh ông Hữu. Bazin là trùm mật thám Liên bang Đông Dương nổi tiếng độc ác. Bàn tay ông ta vấy máu nhiều nhà yêu nước Việt Nam. Không biết cò Bazin đã bày mưu tính kế gì với ông Hữu.

Sau khi nghe ban đại diện học sinh trình bày các yêu sách, ông Hữu trả lời: “Các học sinh bị bắt theo lệnh của tướng Carpentier, tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương và hiện đang bị giam ở khám lớn, do đó không thể thả ngay được như yêu sách của học sinh“. Ông Hữu hứa sẽ trao đổi với phía Pháp về vấn đề này.

Đại diện học sinh nêu thắc mắc: Tại sao nói quốc gia Việt Nam đã độc lập rồi mà công dân Việt Nam lại bị tướng Pháp ra lệnh bắt? Như vậy độc lập ở chỗ nào?

Ông Hữu không trả lời. Cò Bazin ngồi im, mặt đỏ gay. Ông Hữu nói cần phải có thời gian để giải quyết các yêu sách và yêu cầu học sinh phải giải tán trước 13g30. Ban đại diện trở ra, thông báo vắn tắt cho học sinh biết nội dung cuộc đối thoại với thủ hiến và yêu cầu các bạn giải tán trong trật tự.

Bất ngờ lúc 13g20, cảnh sát và binh lính của Pháp - Bảo Đại đã được lệnh tấn công.

“... Lúc bấy giờ, theo đồng hồ tay của chúng tôi là 13g20, còn 10 phút nữa mới hết giờ hạn định của Trần Văn Hữu. Bỗng nhiên có nhiều tiếng tu huýt hoét lên nghe rợn người. Cổng dinh thủ hiến mở toang. Hàng trăm cảnh sát tràn ra đường, vung gậy, dùi cui quất túi bụi vào đám học sinh, bất kể nam nữ, rượt đuổi tán loạn, đẩy lui đoàn biểu tình. Một số học sinh bị đánh la hét, rên rỉ, một số khác ném đá vào bọn đàn áp, mở đường cho học sinh chạy.

Anh em vượt rào leo tường qua hai ngôi nhà ở gần công viên trốn chạy. Anh Trần Văn Ơn bị trúng đạn khi đang đỡ học sinh trèo lên đống củi chất sát rào để vượt tường... Tôi chạy thêm được mấy bước thì bọn cảnh sát ập tới bao thành hình chữ o ra lệnh cho chúng tôi để hai tay lên đầu, đi từng người một. Chúng tôi cùng la lên và tuôn ra một lúc chừng ba mươi đứa tả xung hữu đột mạnh ai nấy chạy trước đòn roi của kẻ thù... 16g30, chúng tôi được tin đích xác anh Trần Văn Ơn bị bắn chết trong cuộc biểu tình...”.

(trích bài “Từ cuộc biểu tình 9-1 đến đám tang Trần Văn Ơn” của Lê Trung Nghĩa, in trong sách Từ xếp bút nghiên lên đàng đến xuống đường dậy mà đi, NXB Trẻ tháng 12-2009)

----------------------------------------------------

Ký ức của một người trong cuộc về đám tang lịch sử và những điếu văn rạng ngời tinh thần yêu nước.

Kỳ tới:Sài Gòn rực lửa

TS PHAN VĂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên