05/05/2004 06:00 GMT+7

Phim Ký ức Điện Biên: Dần dần bước khỏi lối mòn

VIỆT HOÀI
VIỆT HOÀI

TT - Mang trên vai gánh nặng về một bộ phim tốn kém nhất trong lịch sử điện ảnh VN (con số ban đầu là 16 tỉ đồng), lại phải làm gấp rút, bộ phim mới nhất về ĐBP, cuối cùng cũng kịp ra mắt đúng ngày, đúng tháng.

QRs9unzb.jpgPhóng to
Issack Le (phải) vai Bernard và đồng đội trước khi trở thành hàng binh
TT - Mang trên vai gánh nặng về một bộ phim tốn kém nhất trong lịch sử điện ảnh VN (con số ban đầu là 16 tỉ đồng), lại phải làm gấp rút, bộ phim mới nhất về ĐBP, cuối cùng cũng kịp ra mắt đúng ngày, đúng tháng.

Bộ phim lúc đầu có tên Người hàng binh, sau đổi thành Ký ức Điện Biên.

Cuộc hôn nhân giữa thơ và điện ảnh (cả đạo diễn Đỗ Minh Tuấn và biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đều vốn là những nhà thơ khá tên tuổi) đã giúp bộ phim thêm được ít nhiều xúc cảm trong một đề tài vốn được cho là hơi khô cứng.

Tư duy theo kiểu thơ ca cũng cho phép các tác giả nảy ra những tình huống đầy ngẫu nhiên cho nhân vật mặc tình xử lý, mạch phim cũng vì thế mà đôi khi được phép “nhảy cóc”, không nhất nhất phải kể từ từ, có đầu có đuôi.

Phim mở đầu đầy âm thanh và hình ảnh chiến trường ấn tượng kiểu Giải cứu binh nhì Ryan: máy bay ném bom, pháo cao xạ đan lưới đỏ đầy trời, khói sặc sụa và bùn lầy lội trong những căn hầm cứu thương, bác sĩ cưa ken két những cẳng chân lính Pháp, tiếng rên la thê thảm, cậu lính trẻ có đôi mắt thật to, thất thần nhìn đồng đội quằn quại trong cơn đau.

Sau cùng, cậu rống lên thứ âm thanh ghê rợn và bỏ chạy ra khỏi hầm, bất chấp đạn hai bên đang vãi như mưa - anh lính Bernard chạy khỏi cái chết, chạy khỏi hàng ngũ những kẻ xâm lược, chạy về phía bên kia...

Nhưng ngay sau đó lại là mạch phim truyền thống: chiến sĩ Bạo (diễn viên trẻ Phạm Quang Ánh) được lệnh dẫn người hàng binh (Issack Le) về hậu phương. Trên đường đi, họ có thêm người bạn đồng hành là y tá Mây - cô nữ sinh Hà Nội thạo tiếng Pháp.

Họ đi ngược dòng người ra tiền tuyến: những dân công đỏ đuốc từng đoàn - bước chân nát đá muôn tàn lửa bay, những đơn vị bộ đội kéo pháo, những làng quê đổ nát vì bom đạn, những cánh rừng hoa ban nở đẹp như mơ, những vạt hoa dong riềng đỏ thắm ngọt như mật...

Những bước chân thập thõm, khó khăn càng làm Bernard dần hiểu và yêu mến hai người bạn đồng hành và những con người ở xứ sở xa lạ vốn là thù địch này. Xen giữa câu chuyện của ba người và làm cho nó thêm sức thuyết phục là những tác động của chiến tranh được thể hiện bằng kỹ xảo điện ảnh: hàng đàn máy bay Pháp lượn như chuồn chuồn, lưới lửa pháo binh hai bên dày như dệt thảm, những xác lính Pháp (bằng composite) chất chồng trên các triền đồi và chiến hào, những con bồ câu trắng muốt chấp chới bay lên trong luồng sáng của đạn lửa (thủ pháp đặc trưng của Đỗ Minh Tuấn, quen thuộc qua các bộ phim Ngọn đèn trong mơ, Hoa của trời...).

Cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ thể hiện được khá đầy đủ và chính xác sự ác liệt. Sự tuyệt vọng của những người lính viễn chinh đối lập với bầu không khí lạc quan, yêu đời, tình đồng đội của những người nông dân VN cầm súng cũng được thể hiện khá duyên dáng và hài hước (anh nuôi Túc dạy tiếng Việt cho Bernard...).

Nhưng đáng tiếc Ký ức Điện Biên vẫn chỉ hay ở những cảnh ngắn. Có rất nhiều cảnh nếu mạnh dạn đẩy lên cao trào thì hiệu quả sẽ rất mạnh: Mây và Bernard bị lạc trong rừng, Bernard đang đêm bỏ lên đồi A1 tìm xác bạn, bộ đội ta đào hầm ngầm và đánh khối bộc phá nặng ngàn cân phá hầm ngầm đồi A1... Đã tạo được ấn tượng mạnh với cảnh đặc tả cưa chân lính Pháp trong hầm lúc vào phim, đạo diễn không dám tạo ấn tượng mạnh hơn khi thể hiện cảnh hi sinh của bộ đội ta...

Tiếc, nhưng một góc của Điện Biên 50 năm trước cũng đã đến với người xem đương đại, và cũng là những bước đầu tiên của những người làm phim bước ra khỏi lối mòn của dòng phim kỷ niệm.

VIỆT HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên