02/07/2008 09:44 GMT+7

Phim truyền hình Việt: càng dài càng đuối!

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TT - Đừng để "đầu voi đuôi chuột"! Khán giả xem phim truyền hình bắt đầu bày tỏ một nỗi ngán ngẩm trước tình trạng nhiều bộ phim Việt chỉ hấp dẫn được khúc đầu...

ioasJGvj.jpgPhóng to

Nếu biết tiết chế, có lẽ Một ngày không có em đã hấp dẫn hơn - Ảnh tư liệu

TT - Đừng để "đầu voi đuôi chuột"! Khán giả xem phim truyền hình bắt đầu bày tỏ một nỗi ngán ngẩm trước tình trạng nhiều bộ phim Việt chỉ hấp dẫn được khúc đầu...

"Càng ngày càng đuối. Cứ quanh đi quẩn lại chuyện yêu đương, ghen tuông mà đến mấy chục tập. Chẳng có sự kiện nào mới cả” - chị Liên, nhà ở quận Tân Bình (TP.HCM), lắc đầu ngao ngán. Và đó cũng là hầu hết ý kiến của khán giả khi xem đến tập thứ 56 bộ phim Một ngày không có em (81 tập, đang phát sóng trên HTV7).

Quá nhiều ngày... có em!

Một Quỳnh Anh xinh xắn nhưng nhạt nhòa với vai My quá nhiều mâu thuẫn về tính cách. Nhân vật Hoàng của Huỳnh Đông trong phim này không có gì nổi bật so với chàng Quân lãng tử từng khiến nhiều cô gái ngẩn ngơ trong Gọi giấc mơ về. Sự ra mắt quá chậm trễ của cặp đôi Lương Thế Thành (vai Việt) và ca sĩ Thanh Ngọc (vai Thùy) không thể cứu vãn được tình thế. Cuối cùng, tuyến nhân vật phụ như Kim Chi (vai bà Hương), Quyền Linh (ông Thông), Hải Hùng (vai Nhiên) lại... cứu vãn bộ phim. Nhiều người còn cho rằng khi số phận anh chàng khờ "ăn chè cho mập" Nhiên kết thúc, hay khi ông Trung (do NSƯT Thanh Điền đóng) gặp lại vợ con thì bộ phim dường như chẳng còn gì để xem!

Phim 30 tập là vừa tay

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân: Theo tôi, không có nguyên tắc nào cho việc làm phim nhiều tập hay ít tập. Nếu số phận của các nhân vật trong phim hằng đêm vẫn còn thu hút khán giả thì phim lên đến 1.001 tập cũng tốt, đáng được hoan nghênh.

Ở đây vai trò của nhà sản xuất rất quan trọng. Đồng tiền họ bỏ ra phải mang nguyên tắc sinh lợi nhuận. Cái chính là họ cần nghiêm túc đánh giá số tập phim như vậy có đủ sức lôi cuốn khán giả một cách trọn vẹn không. Trong giai đoạn phim truyền hình VN chưa thật sự phát triển, rất khó tìm ra kịch bản nào đủ sức lôi cuốn trọn vẹn. Vì thế, phim chỉ cần dài khoảng 30 tập là vừa tay với cả người viết kịch bản lẫn người thực hiện.

Thật đáng tiếc, khi mà trước đó bộ phim này đã nhận được nhiều ý kiến khen ngợi của khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ. Trên diễn đàn điện ảnh www.dienanh.net, hầu hết ý kiến khen phần đầu, nhưng toàn bộ ý kiến đều chê phần sau! Gửi thư cho Tuổi Trẻ, bạn đọc Võ Đức Biệc (TP.HCM) than: "Tiếc thay, Một ngày không có em là phim coi được nhưng dài quá, càng rề rà càng phi lý, chế ra những chuyện không thực tế thì nên chăng?".

"Xét tổng thể, Một ngày không có em có nội dung tốt. Thế nhưng nhà sản xuất hơi tham khi kéo dài phim đến 81 tập. Nếu phim này được tóm gọn khoảng 40 tập, bỏ bớt phần rề rà thì đây là một bộ phim khá” - diễn viên Quyền Linh, người đảm nhiệm vai Thông khá dễ thương trong phim, nhận xét.

Cái "tham" này không chỉ có ở Một ngày không có em. Hầu hết nhà sản xuất phim tư nhân hiện nay đều hướng tới việc sản xuất phim truyền hình... càng dài càng tốt. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân kể: "Nhiều nhà sản xuất khi làm việc với giới biên kịch chúng tôi đều đặt hàng phim dài khoảng 30 tập. Họ than rằng làm phim ít hơn số tập này không mang yếu tố kinh tế, bởi khi khán giả "bén hơi" thì phim đã kết thúc, quảng cáo đổ vào không kịp"!

Hăm hở phần đầu, ngán ngẩm phần cuối

Gần đây nhiều hãng phim tư nhân lên kế hoạch sản xuất phim từ 50 tập trở lên, có lẽ vì làm một phim dài tập có lợi ích kinh tế hơn là làm phim có số tập vừa phải. Phim mang yếu tố kịch bản "ngoại" có thể kể đến Cô gái xấu xí (169 tập), Những người độc thân vui vẻ (dự kiến 500 tập), Mùi ngò gai (105 tập). Kịch bản "nội" ngoài Một ngày không có em còn có Đam mê (50 tập), Gọi giấc mơ về (66 tập), KTX (65 tập), và sắp tới đây là Cỏ đuôi gà (60 tập), Đồng hồ cát (120 tập), Vua sân cỏ (70 tập), Cầu vồng ngày không mưa (50 tập)…

Phim hay thường không quá dài

Hầu hết phim truyền hình VN hấp dẫn khán giả trong thời gian vừa qua đều có số tập vừa phải: Tuyết nhiệt đới (30 tập), Ma làng (19 tập), Luật đời (25 tập), Chàng trai đa cảm (19 tập), Chạy án (27 tập), Hương phù sa (29 tập), Ngọn nến hoàng cung (22 tập)... Chỉ hai bộ phim có số tập khá dài là Gọi giấc mơ về (65 tập), Hướng nghiệp phần 1 (58 tập) được khán giả ủng hộ.

Nhưng dù mang yếu tố nội hay ngoại, rất ít phim trong thời gian phát sóng vừa qua khiến khán giả cảm thấy thú vị khi xem từ đầu đến cuối. Có quá nhiều nhân vật nên rốt cuộc khán giả chẳng biết ai là nhân vật chính, ai phụ, chẳng nhân vật nào nổi bật để nhớ. Tình tiết, nhân vật được xây dựng càng lúc càng gượng ép. Vì thế hầu hết khán giả rơi vào tình trạng hăm hở phần đầu, "lãng đãng" phần giữa rồi ngán ngẩm ở những tập cuối.

"Rõ ràng các nhà làm phim cố tình kéo rê tình tiết khiến người xem cảm thấy rất ngán và mệt mỏi" - chị Minh Nguyệt, giáo viên Trường Kỳ Đồng, bày tỏ. Còn đạo diễn Quốc Hưng nhận định: "Dài tập là đặc trưng của phim truyền hình, xuất phát từ nhu cầu khách quan của thể loại này. Vì thế không có tiêu chí cụ thể về số tập phim bao nhiêu thì đủ. Điều quan trọng là dung lượng phim truyền tải nội dung phim như thế nào!".

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên