13/03/2004 05:30 GMT+7

Cánh diều nào sẽ bay lên ?

NGUYỄN CHƯƠNG
NGUYỄN CHƯƠNG

TT - Chỉ còn không đầy một tuần lễ nữa, công luận sẽ được biết những bộ phim nào đăng quang giải Cánh diều vàng tại Cung văn hóa Hữu nghị (Hà Nội) vào ngày 19-3-2004. Trang báo này xin gửi đến các bạn yêu thích điện ảnh VN một cái nhìn toàn cảnh về giải thưởng lớn hằng năm của Hội Điện ảnh VN - một “Oscar made in Vietnam”, đồng thời qua đó hình dung về xu hướng, diện mạo của phim ảnh nước nhà hiện nay.

ikJqOaR7.jpgPhóng to
Giáng My, Trà My trong vai hai mẹ con (phim nhựa Khi người ta yêu nhau) - Ảnh tư liệu
TT - Chỉ còn không đầy một tuần lễ nữa, công luận sẽ được biết những bộ phim nào đăng quang giải Cánh diều vàng tại Cung văn hóa Hữu nghị (Hà Nội) vào ngày 19-3-2004. Trang báo này xin gửi đến các bạn yêu thích điện ảnh VN một cái nhìn toàn cảnh về giải thưởng lớn hằng năm của Hội Điện ảnh VN - một “Oscar made in Vietnam”, đồng thời qua đó hình dung về xu hướng, diện mạo của phim ảnh nước nhà hiện nay.

Năm trước (2003), lần đầu tiên giải thưởng của Hội Điện ảnh VN mang danh hiệu mới “Cánh diều vàng”, “Cánh diều bạc”, được tổ chức thành một buổi lễ khá hoành tráng, long trọng, tôn vinh những bộ phim được giải.

Dù có dư luận này nọ, giải thưởng của Hội Điện ảnh VN vẫn được xem là “đỉnh cao” xét trên mặt bằng toàn cảnh phim ảnh VN mỗi năm. “Cánh diều vàng” trao cho phim Lưới trời vào tháng ba năm ngoái đã có hiệu quả là khán giả đến xem đông hơn, và doanh nghiệp Vitek VTB hăng hái nhảy vào cuộc để tài trợ phát hành phim này.

Điện ảnh VN chưa thoát khỏi sự khó khăn, dù vậy người ta vẫn trông ngóng năm nay sẽ xuất hiện một vài “cánh diều” nào đó may ra đủ sức tạo nên không gian bay lượn.

Từ dòng phim chính thống…

5JBjkOIt.jpgPhóng to
Thùy Linh vai cô gái làng chài Hải Thu trong phim nhựa Biển đợi
Về phim truyện nhựa Người học trò đất Gia Định xưa (kịch bản: Nhất Mai, Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu), đạo diễn Huy Thành chắt lưỡi khi bảo 800 triệu đồng đầu tư cho phim của ông chẳng thấm vào đâu. Dù vậy, “Tôi hài lòng, cố gắng không phạm phải những lỗi nghề nghiệp. Công Ninh trong vai Nguyễn Đình Chiểu diễn chững chạc, có chiều sâu. Việt Trinh trong vai người vợ, cô Năm Điền, đã thoát khỏi kiểu diễn nhởn nhơ mà đi vào lối diễn chính thống - đạo diễn Huy Thành tự bình phẩm - Tôi thích nhất là những phân đoạn phục hiện lễ chiêu hồn, vừa thực vừa hư, được dựa trên cảm hứng từ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, như tấm gương sáng cho đời sau”.

Đạo diễn Trần Ngọc Phong, dự thi với bộ phim truyện nhựa Biển đợi (kịch bản: Huỳnh Văn Nhị, Hãng phim Giải Phóng), cân nhắc trong phát biểu: “Tôi rất quan tâm, vì đây là giải thưởng mang tính chất nghề nghiệp cho nên thật vinh hạnh cho những ai nhận được giải. Tôi cố gắng làm phim có gì đó để xem trong câu chuyện của cô gái làng chài Hải Thu đối với hai anh em Thành và Đạt. Chủ đề là gìn giữ truyền thống, thông qua biểu tượng là cây rạo vàng được dùng đánh cá từ bao đời của người miền biển”.

Trong khi đó, câu chuyện của bộ phim Đêm Bến Tre (kịch bản: Thanh Giang, đạo diễn: Trần Phương, Điện ảnh Quân đội) nghiêng về sự cài đặt nhiều tình tiết quanh một Út Hường, cô gái xứ dừa rất quả cảm trong chiến đấu. Thêm vào đó còn là một Út Hường xinh xắn, đôi mắt biết cười khiến trung úy Hùng, đồn trưởng của chiến tuyến đối nghịch đầy kiêu hãnh, phải đem lòng yêu. Bộ phim tránh được "công thức" trong thể hiện ta-địch. Chuỗi hình ảnh giữa Út Hường và Hùng chạm trán nhau giữa ngọn lửa Đồng khởi rừng rực khá là ấn tượng, vì cùng lúc nhiều sắc thái tâm lý đan xen nhau...

Số lượng phim tham dự giải thưởng

YY5MZCo2.jpgPhóng to
Phim Hướng Ngiệp được dư luận khen ngợi và sẽ ra mắt tiếp phần 2

Phim nhựa: 8 phim, gồm: Biển đợi, U14 - đội bóng trong mơ (Hãng phim Giải phóng), Người học trò đất Gia Định xưa (Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu), Đêm Bến Tre (Điện ảnh Quân đội), Người đàn bà mộng du (Hãng Phim truyện Việt Nam), Khi người ta yêu nhau, Trò đùa của thiên lôi (Hãng Phim truyện 1), Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (Hãng phim Hội Nhà văn VN).

Phim video lẻ: 19 phim.

Phim video bộ: 6 phim, gồm: Người thừa của dòng họ (3 tập), Thời gian sống (3 tập) của Điện ảnh chiều thứ bảy; Ngoại tình (3 tập), Hướng nghiệp (58 tập) của TFS; Khi đàn chim trở về (12 tập), Biển trời mênh mang (3 tập) của VFC.

Phim tài liệu nhựa: 8 phim.

Phim tài liệu video: 54 phim.

Phim hoạt hình: 9 phim.

Trên cương vị tổng thư ký Hội Điện ảnh TP.HCM, đạo diễn Huy Thành nhấn mạnh: “Theo tôi, tiêu chí chấm thi của hội phải đặt yếu tố tìm tòi sáng tạo lên hàng đầu”. Rồi ông nói thêm: “và có chú ý đến yếu tố ăn khách”.

…Cho đến sự đặt hàng từ cuộc sống

Không phải vô cớ mà một lần nữa yếu tố ăn khách lại được nhắc đến khá nhiều trước lễ trao giải.

“Năm trước phim Gái nhảy được trao Cánh diều bạc bởi vì phim có cố gắng tìm tòi phương pháp thể hiện phù hợp với người xem trẻ tuổi, mở ra hi vọng phim VN có thể lôi cuốn khán giả đến rạp. Đồng thời bộ phim đó cũng xây dựng được hệ thống nhân vật rõ nét, có tác dụng cảnh tỉnh. Nhưng năm nay bộ phim Lọ Lem hè phố lại toát ra sự không xác đáng của một quan niệm làm phim ăn khách! Cũng vì theo đuổi sự thu hút khán giả một cách đơn thuần cho nên cốt truyện của phim không ấn tượng, chỉ hình thức, nhân vật không có chiều sâu” - ông Trần Luân Kim, tổng thư ký Hội Điện ảnh VN, đưa ra lời đánh giá chính thức trước mùa trao giải năm nay.

Qua đó, ông Kim xác định chuẩn của phim nên là sự kết hợp giữa hai yếu tố mà đạo diễn Huy Thành từng nêu.

Ngay sau khi làm phim Đêm Bến Tre, đạo diễn lão thành 74 tuổi Trần Phương lại bắt tay vào thực hiện bộ phim: Khi người ta yêu nhau (kịch bản Lê Ngọc Minh, Hãng Phim truyện 1).

Trọng tâm phim là tình yêu, chứ không như những mối tình đã từng xuất hiện trên phim chỉ để làm “gia vị” cho các câu chuyện thời sự hoặc xã hội vĩ mô nào đó. Những màn tình yêu nồng nàn giữa nhân vật chính Lan Anh (Giáng My đóng) với chàng sinh viên Hùng (Đăng Khôi), về sau lại chắp nối với thầy giáo Thứ (Minh Đạt) gửi gắm ý tưởng: nhờ tình yêu, con người vượt qua được mọi mặc cảm.

Trong suy nghĩ của đạo diễn Trần Phương, không có chỗ cho sự đối nghịch giữa phim nghệ thuật với phim thị trường. Ông xem “phim thị trường” là một cách để nắm bắt tâm lý con người đương thời.

Nói về “đơn đặt hàng” từ cuộc sống, có lẽ bộ phim Hướng nghiệp (58 tập x 30 phút, kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn: Châu Huế) đem đến cho cuộc thi “Cánh diều vàng” một dẫn chứng xác đáng hơn cả! Sau khi phát sóng, tạo được dư luận mà khen ngợi nhiều hơn hẳn so với lời chê, đến mức Hãng TFS đủ tự tin để ra quyết định phải “nối dài” bộ phim.

Phần 2 của Hướng nghiệp, với độ dài 60 tập, được đưa vào kế hoạch bấm máy của năm 2004. Quả là “sự kiện” xưa nay hiếm. Thế giới của các nhân vật trí thức trẻ trong Hướng nghiệp lại chuẩn bị lên đường đi đến trái tim khán giả...

Dòng phim chính thống hay dòng phim từ đơn đặt hàng của cuộc sống sẽ thắng thế? Hay là phim kết hợp hài hòa cả hai yếu tố trên? Câu trả lời nay mai ít nhiều cũng là một tác động vào định hướng cho những bộ phim VN sắp tới.

* “Không thể nghệ thuật hoặc thương mại đơn thuần"

NGUYỄN CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên