22/04/2007 21:05 GMT+7

Nhà văn Chu Lai chuyển sang..."chơi" văn

Theo THU HẰNG - Thể Thao & Văn Hóa
Theo THU HẰNG - Thể Thao & Văn Hóa

Từ lâu Chu Lai đã muốn xin nghỉ hưu "non" để được tự do (theo cách nói của nhà văn), mà không được. Giờ đã có quyết định chờ nghỉ, vẫn thấy anh bơ phờ ngồi vào bàn viết trả những món nợ ân tình!

VB1amLEY.jpgPhóng to
Nhà văn Chu Lai: Hơn 30 năm cầm bút, viết văn quằn quại, đau khổ để khẳng định mình...
Từ lâu Chu Lai đã muốn xin nghỉ hưu "non" để được tự do (theo cách nói của nhà văn), mà không được. Giờ đã có quyết định chờ nghỉ, vẫn thấy anh bơ phờ ngồi vào bàn viết trả những món nợ ân tình!

Nhà biên kịch "ngoại đạo" này (đấy là anh tự nhận) cũng vừa được Hội Nghệ sĩ sân khấu VN trao giải thưởng kịch bản (giải B, không có giải A) với Nước mắt của cây. Và sắp tới, cuốn Ăn mày dĩ vãng của anh sẽ được dịch và in tại Pháp.

Tôi hay cả nể!

* Không ít lần Chu Lai nói về một cuộc sống vô vị, thoát tục. Đấy không phải là cách nói văn vẻ đấy chứ?

- Vừa rồi, một sự kiện chưa từng có: 6 nhà văn tạm gọi là "lão làng" ở tạp chí Văn nghệ Quân đội đồng loạt nhận quyết định chờ nghỉ hưu, trong đó có tôi.

Tết, tôi quyết định không ở nhà. Lần đầu tiên, một mình tôi đến Buôn Mê Thuột. Nhiều người tự hỏi, một người đàn ông bỏ nhà đi vào đúng dịp Tết phải chăng là gia đình trục trặc.

Nhưng không, đấy là cách... lãng du mà người đàn bà của tôi đã chấp nhận. Và tôi muốn thoát khỏi lời chúc, câu chào, những cái bắt tay lặp đi lặp lại sáo rỗng ấy...

Đó cũng không phải là cách nói văn vẻ mà là thoát thật, và việc đầu tiên là từ chối các cơ quan báo chí. Mười lời mời trả lời phỏng vấn thì tôi từ chối tới chín, với những lý do này, lý do khác vậy mà vẫn không thoát được. Có lẽ bạn là người thứ mười đấy.

* Còn trong nghề viết?

- Tôi đang chuyển sang một cảm hứng sáng tác tác khác: "Chơi" văn chứ không phải là viết văn. Hơn 30 năm cầm bút, viết văn quằn quại, đau khổ để khẳng định mình.

Đến giờ, chưa biết đã khẳng định được hay chưa, tôi chuyển sang "chơi" văn. Đó là sự khởi đầu cho giai đoạn thứ 3 của cuộc đời: Giai đoạn thư giãn. Tôi muốn kéo dài cái giai đoạn thứ 3 này, vì tôi sợ cái giai đoạn thứ 4 khi chân bước lập cập trong công viên, miệng đeo khẩu trang thỉnh thoảng lại vấp.

Nhưng khổ nỗi, "nghiệp chướng" văn chương cứ đeo đuổi tôi mãi dù cho cái bản lề sinh học đã có vấn đề. Mỗi sáng, miệng đắng ngắt, đầu óc tan hoang vẫn phải cố hâm nóng cảm hứng ngồi vào bàn viết, để trả những món nợ ân tình.

Nhiều đồng đội của tôi đã hi sinh trong chiến tranh, hay có người nhiễm chất độc da cam mới qua đời. Tôi còn sống, vì thế, tôi viết về chiến tranh để đền đáp họ chứ.

Lúc này, tôi đang nợ trại sáng tác kịch bản sân khấu chuyển thể do Bộ VH-TT và Bộ GD-ĐT tổ chức. Từ trước tới nay, Chu Lai chưa nhận chuyển thể tác phẩm của ai trừ của mình, thế mà tôi lại nhận lời. Vì nói thật là tôi cũng hay cả nể lắm.

* Kịch bản sắp ra đời là gì vậy?

- Có thể nói đó là một thử nghiệm của tôi, viết về cuộc sống của giới trẻ. Tôi thường đặt tên tác phẩm sau khi viết xong. Mà tôi vốn kém trong việc đặt tên lắm.

* Hơn 30 năm cầm bút, ông có nhiều kỉ niệm với tác phẩm nào nhất?

- Ngoài viết Nắng đồng bằng, tôi nghĩ mãi không ra cái tên. Sau 1 chầu rượu đãi đám bạn văn mà vẫn chưa được cái tên ưng ý. Sau tôi tự đặt là Nắng đồng bằng.

Rồi tôi được ông anh Hồng Phi dẫn đến nhà nhạc sĩ Văn Cao để nhờ vẽ bìa. Ông làm gì có thời gian đọc hết hơn 500 trang tiểu thuyết, bèn nghĩ, chắc Nắng đồng bằng là về đề tài nông nghiệp, kinh tế mới, thủy nông, trong khi thực tế, nó viết về chiến tranh, bèn vẽ nào là kênh rạch chằng chịt, lúa xanh đất đỏ.

Thế mà sau nhiều lần tái bản, có rất nhiều mẫu bìa được vẽ, nhưng đó là cái bìa tôi thú vị nhất. Đúng là nhiều khi sự nhầm lẫn của một tài năng vẫn là một tài năng.

Tôi trở thành "tù nhân" vì một câu thơ

Cuốn Nắng đồng bằng vẫn tái bản đến tận bây giờ. Sau khi xuất bản nó (năm 1976), tôi trở thành chồng của một cô gái khi cô ấy đã làm xong đám dạm ngõ.

Hồi đó, trại viết Đà Lạt có 18 anh con trai, duy chỉ có cô gái làm biên tập. Đầu tiên, chỉ là cảm hứng hiếu thắng, thế mà vì mỗi một câu thơ mang đầy tính đong đếm mậu dịch: Biển xanh đựng nắng đổ vào mắt em mà tôi trở thành... kẻ tù nhân của cô ấy suốt đời.

Vì thế, sau này, tôi thề không bao giờ làm thơ nữa. Năm 1979, chúng tôi cưới nhau. Chúng tôi đã sống với nhau gần 30 năm.

Tất nhiên 30 năm ấy là 30 lần trục trặc. Nhưng vì cái mẫu số chung đi ra từ cánh rừng trận mạc nên chúng tôi đã bỏ qua cho nhau hết. Cái tạng tôi nó thế, cả nể nhưng cực đoan, yêu ai là yêu cả đời, ghét ai thì ghét truyền kiếp.

"Tham" cũng là một nghệ thuật

* Nhiều người bảo nhà văn Chu Lai giờ sống ung dung, dư dả.

- Cuộc sống nói chung là tạm ổn. Ổn ở đây nghĩa là không phải lo đến chuyện cơm áo, hay không phải băn khoăn khi mùa cưới mà có đến dăm cái thiếp mời mỗi tuần.

* Anh có ghét bị gọi là chuyên gia "thâm canh"?

- Tôi đúng là chuyên gia thâm canh thật. Từ truyện ngắn, truyện vừa, rồi thành tiểu thuyết, kịch bản phim, sân khấu... Nhiều người bảo tôi tham lam, nhưng tham lam cũng là nghệ thuật.

* Sở thích ngoài văn chương của anh?

- Tôi thích chơi thể thao và lãng du. Thỉnh thoảng, tôi phóng ô tô, xe máy đi dạo vài vòng. Tay lái cũng hơi bị "lụa" đấy.

Theo THU HẰNG - Thể Thao & Văn Hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên