03/01/2006 05:25 GMT+7

Thi phim ngắn: kích thích thể nghiệm

ANH THƯ
ANH THƯ

TT - So với lần trước, Cuộc thi phim ngắn toàn quốc 2005, bắt đầu từ 4-1 tại TP.HCM, vượt hẳn về số lượng với 51 tác phẩm dự thi, chia ra 44 phim truyện, năm phim tài liệu, hai phim hoạt hình. Điều thú vị không nằm ở giải thưởng mà nằm ở sự kích thích thể nghiệm...

CynqeKAQ.jpgPhóng to

Họa sĩ và cô gái giang hồ trong phim Hoang tưởng - Ảnh tư liệu

TT - So với lần trước, Cuộc thi phim ngắn toàn quốc 2005, bắt đầu từ 4-1 tại TP.HCM, vượt hẳn về số lượng với 51 tác phẩm dự thi, chia ra 44 phim truyện, năm phim tài liệu, hai phim hoạt hình. Điều thú vị không nằm ở giải thưởng mà nằm ở sự kích thích thể nghiệm...

Như phim Hoang tưởng của Nguyễn Vĩnh Khương “hút” sự chú ý trước hết bằng bố cục hình, ở đó nghệ thuật sắp đặt (installation) và thư pháp lên ngôi, trở thành “ngôn ngữ” thay cho lời thoại của nhân vật.

Nhân vật - một gã đàn ông đầu bù tóc rối - sống đơn độc trong căn nhà hoang. Là đứa con hoang, gã lớn lên trong hận thù cuộc đời. Rồi xảy ra mối quan hệ không bình thường giữa gã và cô gái điếm...

Sự trầm uất vẫn cứ đeo đẳng. Mất niềm tin đến tận cùng, gã tự tử. Khi chết đi, gã mới bàng hoàng nhận ra cô gái thật sự yêu thương mình. “Em yêu tôi thật sao?”, câu hỏi lặp đi lặp lại với đôi mắt đau đáu của gã hiện lên ở hậu cảnh. Cuộc sống nếu đánh mất niềm tin vào tình yêu, vào đồng loại sẽ đồng nghĩa với cái chết.

Phim Thằng khùng của Trần Toàn giăng mắc phần lớn chuỗi hình ảnh trong màu nhờ nhờ của căn phòng thằng Còi khùng, nơi đó nó bị nhốt suốt ngày... Toàn kể: “Từ cuối năm 2 của lớp đạo diễn, tôi đã chọn đề tài và viết kịch bản. Trong quá trình làm phim, chọn diễn viên chính vào vai thằng Còi khùng rất vất vả.

Ban đầu chọn một người bị chậm phát triển tâm thần, nhưng qua tiếp xúc thì vỡ lẽ rất khó để chỉ đạo diễn xuất cho họ, không dám mạo hiểm nữa, tôi quyết định kéo bạn cùng lớp là Đỗ Trường Vũ vào vai. Hai đứa chúng tôi nhiều lần đến bệnh viện tâm thần ở Biên Hòa, ngồi quan sát bệnh nhân cả ngày trời, ghi chép lại những thói quen, cử chỉ, hành động của từng bệnh nhân, sau đó về nhà tổng hợp lại để tìm ra hành động diễn xuất...”.

Thằng khùng đem đến một ý tứ thông cảm và sẻ chia: chẳng có số phận nào đáng phải bỏ rơi cả. Phát hiện thằng Còi có khả năng nhái tiếng muôn loài rất tài tình, một đứa bạn tìm cách đưa Còi ra khỏi nơi nhốt để Còi dùng tài vặt ấy làm vui khách ăn hủ tiếu, có tiền xài... Phim vắng bặt âm nhạc, thay vào đó thể nghiệm dùng tiếng động, những âm thanh.

Trong phim Ai đánh thức tôi khi mặt trời lặn, Lê Thảo Huyên đem đến một bất ngờ, một xúc động. Phim kể rằng trong một chung cư có một ông lão sống thui thủi. Con cái vẫn lo cho ông đủ đồ ăn thức uống bằng cách nhờ người đem đến, vẫn thăm hỏi ông qua điện thoại và... chỉ điện thoại! Không một lần đến tận nhà thăm ông...

Những khung hình tĩnh về căn hộ, về chiếc cầu thang ngoằn ngoèo được Thảo Huyên nhắc đi nhắc lại, tạo cảm giác lạnh, gợi nên một trắc ẩn. Mới hay cái tình của người làm phim trẻ măng vẫn dành một góc lặng trong tâm hồn để nghĩ, để thương “mặt trời lặn” của tuổi già xế chiều.

Còn phim Sài Gòn 5g15 GMT của Nguyễn Vũ Linh Vân đưa ra tình huống độc đáo: một tử tù trước giờ hành quyết đã hiến máu giúp một sản phụ qua cơn hiểm nghèo, qua đó vọng lên bài học cảnh tỉnh đối với những ai chìm trong thành kiến, để cần nhìn về con người tươi sáng hơn...

Thể nghiệm không thể là... "đại trà". Chỉ vài phim vừa kể, trong sự hăm hở đi tìm cái mới, lạ, đã là vui để nhìn xa hơn, triển vọng!

Khán giả muốn xem thử phim ngắn VN (10 - 20 phút/phim) có thể đến xem 10 phim tại Nhà văn hóa điện ảnh Tân Sơn Nhất (186 Nguyễn Văn Trỗi, Tân Bình, TP.HCM) từ 9g ngày 6-1, ngày công bố kết quả và trao giải (vào cửa tự do).

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên