02/11/2005 20:02 GMT+7

Đạo diễn Đặng Nhật Minh và "Hồi ký điện ảnh"

Theo Thể thao và Văn hóa
Theo Thể thao và Văn hóa

Lâu nay, ông được biết đến với những tác phẩm điện ảnh xuất sắc như Bao giờ cho đến tháng Mười, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi… Thế nhưng ít ai biết rằng để “tiến thân bằng điện ảnh”, ông đã bắt đầu từ một anh phiên dịch…

ShjQM5Ik.jpgPhóng to
Đạo diễn Đặng Nhật Minh
Lâu nay, ông được biết đến với những tác phẩm điện ảnh xuất sắc như Bao giờ cho đến tháng Mười, Thương nhớ đồng quê, Mùa ổi… Thế nhưng ít ai biết rằng để “tiến thân bằng điện ảnh”, ông đã bắt đầu từ một anh phiên dịch…

* Hiện đang có xu hướng những người nổi tiếng viết hồi ký. Ông có nghĩ rằng độc giả quan tâm đến Hồi ký điện ảnh trước hết vì tên tuổi Đặng Nhật Minh?

- Ngay trong lời nói đầu của cuốn sách tôi đã nói: Thoạt đầu tôi viết hồi ký này chỉ dành để những người thân trong gia đình đọc. Bởi vì gia đình tôi toàn người làm nghề y và dạy học, chẳng ai hiểu tại sao tôi lại đi vào con đường nghệ thuật mà lại là nghệ thuật điện ảnh!

Nhưng rồi chính em gái tôi là Đặng Nguyệt Ánh (tiến sĩ công tác ở Viện Năng lượng hạt nhân) sau khi đọc xong sách đã đề nghị tôi nên công bố cho mọi người cùng đọc. Và tôi đã nghe theo lời khuyên của em gái tôi.

* Qua hồi ký của ông, người ta thấy hiện ra cả một thời kỳ ấu trĩ của điện ảnh cách đây chưa xa... Ông cũng từng tâm sự “Viết làm sao cho trung thực với chính mình mà lại không động chạm đến ai, quả là khó... Dẫu sao, gạt bỏ những cái chủ quan của người viết, mà chắc là không tránh khỏi, vẫn còn lại cái gì đó hữu ích đối với những ai muốn tìm hiểu đôi chút về một thời làm phim ở nước ta”. Phải chăng ông cũng sợ làm người khác “mếch lòng” và vẫn cần phải “giữ quan hệ” - ở một mức độ nào đó?

- Tôi cố gắng viết đúng với sự thật như tôi được biết.

* Hơn hai chục năm, kể từ thời các nhà biên kịch cầm giấy giới thiệu đi về các địa phương. Đến đâu cũng được lãnh đạo các cấp đón tiếp niềm nở, ở nhà khách của tỉnh, cơm bưng nước rót, nghe báo cáo thành tích, gặp gỡ vài tấm gương điển hình, ghi ghi chép chép, rồi về ghép lại thành kịch bản. Rồi những kịch bản như vậy được thông qua rất dễ dàng.

Chúng là sản phẩm của một nền văn nghệ được thực hiện bởi những nghệ sĩ - công chức. Chúng khô khan, sơ lược, giáo điều... nhưng lại được cho là mang tính hiện thực xã hội chủ nghĩa sâu sắc. Và kịch bản mang tính hiện thực xã hội chủ nghĩa thì cái kết phải vui.

Tất cả những điều ấy hình như vẫn còn đang tiếp diễn, thưa ông?

- Đó là bức tranh của một thời đã qua. Nhưng ngay trong cái thời đó cũng có những bộ phim xuất sắc còn để lại cho đời sau như Chị Tư Hậu, Chim Vành khuyên, Cánh đồng hoang... Cũng chính trong cái thời đó tôi đã có Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông, Trở về...

Từ đó đến nay tình hình đã thay đổi nhiều nếu không thì tôi đã chẳng có được Thương nhớ đồng quê , Mùa ổi... mặc dầu dư âm chuyện cũ vẫn còn.

* Có quá muộn không khi ở tuổi ngoài 60, khi đã nghỉ hưu, ông mới tuyên bố: “Tôi bắt đầu cảm nhận cái khốc liệt của chốn bon chen này... Cuộc chơi đã đến màn kết thúc. Tôi lại trở về với chính mình để bước vào một chặng đường mới. Tôi hài lòng nhận thấy đã không đánh mất mình trong những năm qua”?

Vậy phải chăng khi xa rời các chức vụ thì người ta mới dám đối diện với chính mình? Và những người hay phát biểu lại là những đại biểu không nắm chức vụ gì quan trọng?

- Tôi nhận ra cái khốc liệt của chốn bon chen này khi mới vừa bước chân vào điện ảnh, khi chưa làm phim nào. Cái chức Tổng thư ký một hội nghề nghiệp chẳng phải là một chức vụ gì ghê gớm trong bộ máy nhà nước như cô tưởng để phải không dám đối diện với chính mình. Mà tôi làm có 2 khóa, có Hội có người làm Tổng thư ký đến 4 khóa.

* Cá nhân tôi đặc biệt thích Mùa ổi. Đó là chút hồn nhiên, ngơ ngác lạc lõng còn sót lại, nói theo kiểu “đao to búa lớn” thì đó là mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, giữa gìn giữ và hội nhập. Song quá khứ của một nền nông nghiệp tiểu nông trồng lúa nước với văn minh làng xã nhiều khi cũng là một sức ỳ... Ông nghĩ sao? Bản thân ông, ông có thấy mình còn chút hồn nhiên, trong trẻo của người đàn ông - cậu bé Hòa không?

- Tôi rất tâm đắc với nhận định của một tờ báo Pháp nói về phim Mùa ổi khi nó được công chiếu ở Paris: Đây là một phim nói về phẩm giá và nhân cách.

* Có vẻ ông rất tâm đắc với đạo diễn OZU (Nhật Bản), “ở đời cái gì không quan trọng thì làm theo trào lưu, cái gì quan trọng thì làm theo đạo đức, còn trong nghệ thuật thì làm theo mình”. Ông tự xếp “chiếu” cho mình thế nào?

- Tháng 11-2003 tôi được mời tham dự Liên hoan phim OZU ở Nhật bản nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Những người được mời là những đạo diễn được Ban tổ chức coi là có phong cách làm phim gần với OZU. Đối với tôi OZU là một đạo diễn khổng lồ của điện ảnh thế giới, một mình một chiếu, chẳng có ai dám sánh với ông cả. Chẳng có ai dở hơi đi sánh mình với những đạo diễn khác.

Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên