31/03/2016 08:28 GMT+7

Nếu chọn nhà thầu Âu, Mỹ, chất lượng sân Mỹ Đình đã khác

NGỌC ẨN - K.XUÂN
NGỌC ẨN - K.XUÂN

TTO - Tại sao các dự án luôn bị đội vốn? Các nhà thầu Trung Quốc thi công với chất lượng kém lại đòi điều chỉnh tăng giá thầu với lý do vật tư, nhân công tăng...

Sân vận động Mỹ Đình - Ảnh: Nguyễn Khánh
Sân vận động Mỹ Đình - Ảnh: Nguyễn Khánh

Đó là chia sẻ của ông Hà Quang Dự - nguyên bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban TDTT - về việc nhà thầu Trung Quốc HISG trúng thầu và xây sân vận động Mỹ Đình năm 2001. 

Thời điểm đó Chính phủ đưa ra hạn mức chi phí xây dựng công trình là 67 triệu USD. Khi mở thầu, có rất nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ, trong đó có ba nhà thầu lớn: Philipp Holzmann AG International (Đức) và Hanoi International Group (HISG - Trung Quốc), Lemma (Mỹ).

Theo ông Dự, qua tìm hiểu thì nhà thầu Mỹ thực chất là một công ty của một số người Việt đứng đằng sau, giá bỏ thầu của Lemma cũng rất cao và phương án thiết kế kém nhất trong ba nhà thầu. Philipp Holzmann bỏ thầu 57 triệu USD, có thiết kế rất đẹp, trang thiết bị đạt tiêu chuẩn Âu - Mỹ. 

Philipp Holzmann cũng có hai chuyên gia người Pháp từng tham gia thiết kế xây dựng sân vận động State de France (Pháp). Riêng nhà thầu Trung Quốc HISG bỏ thầu 53 triệu USD - thấp nhất trong số các đơn vị tham gia đấu thầu. 

Sau vòng chấm thầu thứ nhất, ông Dự cho biết ông đã có văn bản gửi Chính phủ và đề nghị chọn nhà thầu Philipp Holzmann.

Ông Hà Quang Dự chia sẻ: “Tiêu chuẩn kỹ thuật của HISG chỉ đạt chuẩn Trung Quốc và Việt Nam. Ngay thời điểm đó hội đồng thẩm định đấu thầu do thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tấn Vạn làm chủ tịch đã có văn bản khẳng định phương án kiến trúc do nhà thầu Trung Quốc HISG thiết kế không đạt yêu cầu.

Cuối cùng HISG đã trúng thầu.

Bộ Xây dựng sau đó lại có văn bản khác khẳng định HISG đạt tiêu chuẩn. Lần đầu tiên trong lịch sử diễn ra việc đơn vị trúng thầu rồi là HISG lại được sửa phương án thiết kế sân vận động. 

Cũng phải nói thêm rằng HISG khi đó chưa có kinh nghiệm xây dựng những công trình lớn như sân vận động Mỹ Đình”.

Theo kết luận thanh tra thời điểm tháng 3-2004, quá trình xây sân vận động Mỹ Đình nhà thầu Trung Quốc HISG đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng như: 94% thiết bị sử dụng xây sân vận động (17/18 triệu USD tiền thiết bị) không đúng với hợp đồng. 

“Kết luận thanh tra về sai phạm hàng loạt của nhà thầu HISG sau khi xây sân vận động Mỹ Đình đã được công khai nhiều người biết từ năm 2004. 

Tôi tiếc rằng nếu chúng ta chọn nhà thầu Âu - Mỹ, chắc chắn chất lượng sân vận động Mỹ Đình sẽ tốt hơn thế này, thiết kế cũng đẹp hơn. Hằng năm ngành thể thao không phải bỏ ra hàng tỉ đồng để sửa sân như suốt những năm qua”.

Nhà thầu Trung Quốc bỏ giá thấp, chất lượng thấp

Gần 10 năm kiên trì cải tạo với khoản đầu tư gần 9 nghìn tỷ đồng. Thành phố đã biến Nhiêu Lộc từ một dòng kênh chết trở thành một lá phổi xanh khổng lồ, mang lại môi trường trong lành cho một siêu đô thị đông đúc và chật chội như Sài Gòn
Gần 10 năm kiên trì cải tạo với khoản đầu tư gần 9 nghìn tỷ đồng. Thành phố đã biến Nhiêu Lộc từ một dòng kênh chết trở thành một lá phổi xanh khổng lồ, mang lại môi trường trong lành cho một siêu đô thị đông đúc và chật chội như Sài Gòn

Ông Fernando F. Requena - nguyên trưởng đoàn tư vấn thiết kế, kỹ sư trưởng tư vấn giám sát dự án vệ sinh môi trường TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Công ty tư vấn quốc tế CDM - Mỹ) - cho biết tại dự án vệ sinh môi trường TP.HCM (đưa vào sử dụng năm 2012) có hai nhà thầu Trung Quốc tham gia hai gói thầu. 

Cả hai nhà thầu đều thi công với chất lượng kém, chậm tiến độ, để lại những hậu quả như chi phí tăng cao, công trình phải sửa chữa.

Cụ thể, ở gói thầu thi công lắp đặt tuyến cống bao băng dưới đáy sông Sài Gòn, phía Trung Quốc đấu thầu với giá thấp hơn vài chục phần trăm so với dự toán, nhưng trong quá trình thi công họ không thực hiện đúng quy trình, khiến công trình gặp sự cố và làm tiến độ chậm trễ gần 2 năm, sau đó chủ đầu tư buộc phải thuê nhà thầu khác.

Ở gói thầu đóng cừ bêtông hai bên bờ kênh, nhà thầu cũng không tuân thủ quy trình thi công. Khi đưa công trình vào sử dụng thì các cừ bêtông bị xiêu vẹo, phải tốn chi phí khắc phục.

Điều tệ hại hơn là các nhà thầu Trung Quốc thi công chậm trễ nhưng họ lại đòi điều chỉnh tăng giá thầu với lý do vật tư, nhân công tăng, dẫn tới việc dự án luôn bị đội vốn.

Theo ông Fernando F. Requena, các nhà thầu Trung Quốc có chiến lược là bỏ giá thầu rất thấp, trong hồ sơ thầu họ luôn đưa tên nhà thầu có năng lực và uy tín. Nhưng khi bắt tay vào thi công thì không phải là nhà thầu nêu trong hồ sơ thầu mà là một nhà thầu không có năng lực về nhiều mặt.

Cụ thể, tại hạng mục di dời đường ống cấp nước phi 2.000mm (cấp nước cho TP.HCM) ở cầu Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), dự toán thầu là 2 triệu USD nhưng nhà thầu chỉ bỏ giá 300.000 USD.

Tuy nhiên khi triển khai, nhà thầu Trung Quốc dây dưa chậm trễ rồi bỏ luôn hạng mục này, chủ đầu tư lại phải thuê nhà thầu khác vào thi công, tốn thêm chi phí đầu tư dự án.

Làm gì để tránh được nhà thầu Trung Quốc kém năng lực? Ông Fernando F. Requena cho rằng vấn đề chính là chủ đầu tư, đơn vị tư vấn cần phải xem xét thật kỹ hồ sơ thầu. Chẳng hạn, khi họ đưa ra giá thầu thấp thì phải yêu cầu giải trình vì sao giá thầu thấp.

Nếu họ giải trình được thì thông qua, còn không giải trình được thì cương quyết loại bỏ nhà thầu. Liên quan tới chất lượng ống cấp nước Trung Quốc ở dự án nước sạch sông Đà 2, ông Fernando F. Requena nói:

“Vấn đề chính là chủ đầu tư phải kiểm tra giá thầu họ bỏ thấp có đúng không, cần xem xét kiểm tra các tiêu chí về kỹ thuật để bảo đảm chất lượng công trình và kiểm soát chặt chẽ họ trong quá trình thi công”.

NGỌC ẨN - K.XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên