NSND Viễn Châu xúc động trong chương trình NSND Viễn Châu - Tri ân quê hương năm 2012 tại Trà Vinh - Ảnh: LINH ĐOAN
Người ta hay hỏi tôi viết được bao nhiêu bản vọng cổ, tôi không có thói quen đếm sáng tác của mình, nhưng vừa rồi thử đếm lại cũng được trên 4.000 bài và hơn 70 tuồng cải lương. Lời ca tiếng hát mình viết đã đi khắp đất nước và ra cả nước ngoài...
NSND Viễn Châu chia sẻ năm 2012
Đó cũng là lý do sáng 26-8, NSND Trần Ngọc Giàu, chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cho biết hội đã gửi thư kiến nghị đến Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, Ban Thi đua khen thưởng trung ương đề nghị đặc cách trao Giải thưởng Nhà nước cho soạn giả Viễn Châu (1924 - 2016).
Thiếu công bằng với tác giả
Ông Giàu cho rằng chúng ta đang thiếu công bằng trong việc vinh danh, đánh giá các tác giả cải lương. Mà các tác giả ngày xưa không chỉ viết ra tác phẩm, họ còn là các thầy tuồng, nghĩa là họ định hình cả phong cách biểu diễn nên có một giai đoạn sân khấu cải lương rất đa dạng về phong cách.
"Bác Bảy Bá (tức NSND Viễn Châu) được phong NSND trên cơ sở là danh cầm. Tuy nhiên, với tư cách soạn giả Viễn Châu thì không được đánh giá. Nhiều năm trước, tôi có động viên anh Minh Châu (con trai bác Bảy Viễn Châu) xin Giải thưởng Nhà nước cho bác, hay chị Hồng Dung (con gái bác Năm Châu) cũng có làm nhưng không được.
Lý do là vì nằm trong quy trình, ví dụ diễn viên phải có huy chương vàng để xét. Còn các soạn giả phải có vở diễn đi dự hội diễn đoạt huy chương thì mới xem đó là thành tích hoặc tác phẩm phải in thành sách, được trao giải mới được xem là công trình để xem xét trao Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh" - ông Trần Ngọc Giàu cho biết.
Ông nhấn mạnh nói đặc cách cũng không hẳn chính xác, mà là đánh giá cho công bằng vì giai đoạn, thời điểm đó các soạn giả không có điều kiện mang tác phẩm của mình đi thi để đáp ứng điều kiện xét giải theo yêu cầu bây giờ. Và như vậy chúng ta đã bỏ quên đóng góp to lớn của họ.
Có thể nói những tác phẩm của soạn giả Viễn Châu đã trở thành kho tàng mà đến bây giờ người ta vẫn hát, vẫn dàn dựng, sử dụng đi sử dụng lại. Từ sân khấu đến một buổi sinh hoạt ca hát, những buổi làm đồng hay cả trên bàn nhậu, bài ca cổ của Viễn Châu vang lên mỗi ngày, từ Tình anh bán chiếu, Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Lá trầu xanh đến Cô gái bán sầu riêng, Tình đẹp mùa chôm chôm...
Người thầy của nhiều nghệ sĩ
NSND Viễn Châu là người phát hiện tài năng của NSND Lệ Thủy khi bà mới 13, 14 tuổi, bắt đầu từ vở Quan Âm Thị Kính. Bà cho biết ông là người đầu tiên hướng dẫn bà ở những bản thâu âm. Trong phòng thâu, ông không chỉ là soạn giả mà còn là biên tập và phụ trách đờn trong ban nhạc, vì vậy ông cực kỳ am hiểu và viết như đo ni đóng giày cho nghệ sĩ.
"Chú Bảy (NSND Viễn Châu) viết nhanh lắm, có bữa vô phòng thâu thấy phần này của bài ca chưa đã, ổng biểu thâu trước phần đầu, ổng chạy ra ngoài viết một hơi vô kịp đưa cho mình thâu phần tiếp theo. Bài ca của chú chân phương, thấm đẫm tình cảm quê hương, tình cảm lứa đôi nên gần gũi, dễ đi vào lòng người nghe lắm!" - NSND Lệ Thủy nhớ lại.
NSND Lệ Thủy tỏ ra vui mừng khi nghe tin Hội Sân khấu TP gửi thư kiến nghị đặc cách Giải thưởng Nhà nước cho NSND Viễn Châu. Với bà, ông như người thầy, người có công lớn trong việc phát hiện và phát triển những nghệ sĩ cải lương thuộc thế hệ vàng.
Soạn giả Viễn Châu là người có nhiều sáng tạo trong sáng tác, ông là cha đẻ của tân cổ giao duyên mà bài đầu tiên Chàng là ai? qua tiếng ca Lệ Thủy đã trở thành bất hủ. Chưa hết, ông còn sáng tạo ra thể loại vọng cổ hài. Có cảm giác ông say mê và cứ thế cả đời tung tẩy, để những bài ca cổ trở nên sống động và cứ thế sống hoài trong lòng người mộ điệu.
Ai có thể quên được giọng ca sầu thương của NSND Út Trà Ôn với bài Tình anh bán chiếu, NSND Lệ Thủy chân phương, mộc mạc với hàng loạt bài Cô hàng chè tươi, Chúc Anh Đài, Tình đẹp mùa chôm chôm, Cô gái bán sầu riêng... NSƯT Diệu Hiền từng bày tỏ nhờ hai bài ca cổ của ông là Tần Quỳnh khóc bạn và Trụ Vương thiêu mình mà bà sống cả đời vì đi đâu khán giả cũng yêu cầu bà hát bài đó...
Cách viết một bài ca cổ của ông dường như đã đi vào huyền thoại, khiến không ít tác giả sau này xem đó như là mẫu mực để học hỏi theo. Soạn giả Hoàng Song Việt bày tỏ: "Bác Viễn Châu có rất nhiều vở tuồng gây chú ý nên khi viết một bài ca cổ bác cũng có cấu trúc như một kịch bản hoàn chỉnh.
Các câu chuyện đó đều rất giàu chi tiết, tình nghĩa, có đủ đức tính tốt mà con người cần để ứng xử với nhau như nhân lễ nghĩa trí tín. Là thế hệ sau, tôi học hỏi được nhiều điều giá trị từ cách viết của bác, trong đó tôi thích cách gieo vần bài ca trong câu vọng cổ của bác rất thú vị và sinh động".
Trao Giải thưởng Nhà nước cho cố soạn giả Viễn Châu thiết nghĩ là điều cần làm mà không đợi ai "xin" đặc cách.
Ông Trần Ngọc Giàu chia sẻ sau kiến nghị đặc cách Giải thưởng Nhà nước cho soạn giả Viễn Châu, sắp tới hội sẽ tiếp tục kiến nghị để có những tôn vinh xứng đáng dành cho các "soạn giả của nhân dân" như Hà Triều - Hoa Phượng, Năm Châu, Hoàng Khâm, Kiên Giang, Nhị Kiều...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận