Phóng to |
Trung chuyển dầu trên vịnh Vân Phong - Ảnh T.L |
Tổng diện tích khu vực này khoảng 150.000ha; trong đó diện tích mặt nước vùng vịnh khoảng 80.000ha và diện tích đất liền khoảng 70.000ha.
Khu vực này có địa hình phong phú, đặc biệt là hệ thống đảo, bán đảo, vịnh sâu và kín gió, bờ và bãi biển, cồn cát hấp dẫn và là khu vực có hệ sinh thái đa dạng như rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn, động thực vật biển nông ven bờ. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia Liên Hiệp Quốc và các nhà nghiên cứu đầu tư phát triển thì Vân Phong là nơi có tiềm năng hàng đầu khu vực châu Á để phát triển du lịch sinh thái, có sức thu hút đông đảo du khách bốn phương.
Hiện nay trong khu vực này cũng đã hình thành một số hoạt động kinh tế như: công nghiệp, có nhà máy đóng tàu biển Huyndai-Vinashin; Xí Nghiệp tuyển cát xuất khẩu và cảng cát Đầm Môn...; nông nghiệp có nuôi trồng thủy sản (năm 2002 có 900ha nuôi tôm sú, thu 1.500 tấn và có 5.100 lồng nuôi tôm hùm, cá mú được 250 tấn; về du lịch có các khu du lịch Dốc Lết, Đại Lãnh, Hòn Sơn-Suối Hoa Lan, Hòn Ông-Đầm Môn... Từ tháng 5-2002, công ty Cổ phần dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải) cũng đã tổ chức thực hiện chuyển tải dầu, với hình thức “ship to ship” trong vùng vịnh...
Vân Phong và Đầm Môn rất khác nhau
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bá Xuân, Viện Hải dương học Nha Trang thì vịnh Vân Phong thực tế là một liên vùng vịnh, bao gồm các vụng chính như Cổ Cò (hay Đầm Môn), Bến Gỏi và Hòn Khói. Trong đó vụng Cổ Cò (Đầm Môn) diện tích mặt nước nhỏ, nhưng khá sâu nằm tại phía đông của vịnh, được che chắn bởi một số đảo nhỏ và lớn nên kín gió và yên tĩnh, có thể phát triển du lịch biển hay các dịch vụ chuyển tải trên biển. Còn các vụng Bến Gỏi, nằm ở phía bắc, nông (chỉ sâu 1,5-2,0 mét), có điều kiện khai thác, phát triển ao đìa nuôi tôm. Vụng Hòn Khói, nằm về phía Tây Nam, chủ yếu làm nghề muối, khai thác vật liệu xây dựng...
Như thế không phải Vân Phong chỗ nào cũng rộng, cũng sâu như các báo cáo của Cục Hàng hải mà rõ ràng là có một sự nhập nhằng khiến nhiều người hiểu nhầm Vân Phong và Đầm Môn là một.
“Chỉ có Đầm Môn là kín gió, còn toàn vịnh Vân Phong thì không!” - TS Trương Đình Hiển, Nghiên cứu viên cao cấp (Viện vật lý tại TP.HCM - Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia) xác nhận như vậy. Theo ông, những thực tế này đã được chỉ ra trong bất cứ một bản đồ nào có tỷ lệ từ 1/100.000 trở lên: vịnh Vân Phong rất rộng, cửa vịnh rộng tới 8.500 mét, trực tiếp chịu tác động của sóng từ các hướng Đông và Đông Nam đi thẳng vào, hoàn toàn không được che chắn.
Nói Vân Phong được bán đảo Hòn Gốm che chắn hoàn toàn sóng gió là không đúng vì Hòn Gốm với điểm cực nam là Mũi Gành ngang với vĩ độ 12034, làm sao có thể che chắn toàn vịnh Vân Phong (từ 12015) được? Còn Đầm Môn, đúng là hoàn toàn yên tĩnh vì chỉ là một vụng nhỏ nằm tại phía bắc Vân Phong, chiếm diện tích mặt nước khoảng dưới 1.000ha so với 80.000ha mặt nước của toàn vịnh và được che chắn bởi bán đảo Hòn Gốm và Hòn Lớn, nên khá lặng gió. Gần như chỉ tại đây là có mặt bằng thuận lợi là một bãi cát phẳng dài khoảng 2km có thể xây dựng hạ tầng của cảng, phần còn lại sát mặt biển là núi và đá.
Nhưng để vào Đầm Môn phải qua luồng có tên là Lạch Cửa Bé, chạy giữa hai Hòn Lớn và Hòn Gốm, luồng lạch này dài hơn 10km, và hai bên là những vách đá dựng đứng; bình thường thì sóng gió yên ổn, nhưng đến khi có gió Đông Nam, gió ùa vào tạo thành một “khe gió”, mà tác động sẽ là “cực kỳ nguy hiểm” cho những con tàu cỡ lớn vào ra; chưa kể tốc độ dòng chảy trong lạch thường rất lớn, dao động trong khoảng 1,5-2,0m/giây (tốc độ dòng chảy 20-25cm/giây. Vậy làm sao có thể phát triển cảng trung chuyển quốc tế (CTCQT) tại khu vực Đầm Môn, nơi chỉ có khoảng 1.000ha mặt nước? Còn nói là làm CTCQT ở Vân Phong, nơi có diện tích vùng mặt nước rộng hàng chục ngàn hecta, lại càng không thể, vì ở đây sóng, gió như biển khơi.
Không thể xây cảng trung chuyển quốc tế
Phóng to |
Bản đồ vịnh Vân Phong |
Ngoài ra, Vân Phong hiện đang như hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài, nhất là với các vùng kinh tế. Để giải quyết thực trạng này có thể đã có ý kiến đề nghị đầu tư xây dựng một con đường bộ nối từ Quốc lộ 1A cũng như đường sắt ra cảng, thậm chí nối với các tuyến đường sang Campuchia và Thái Lan. Trong tương lai cũng có thể xây dựng một sân bay. Nhưng đâu là cơ sở cho chuyện “có thể” này? Đã có những điều tra cơ bản nào cho giải pháp, hay mới là ý tưởng đột xuất. Thử hỏi sẽ phải tốn phí bao nhiêu ngàn tỉ đồng cho các công trình trước cảng, chưa kể thời gian xây dựng hoàn thành phải đến hàng chục năm sau.
Th.S Lê Vũ Khánh, chuyên gia Cục hàng hải trong báo cáo phát biểu nhân Hội thảo ngày về Vân Phong 18-9-2004 tại Nha Trang, cho biết: đường bộ từ quốc lộ 1 vào tới cổng cảng dài 20km (còn phần đường nội bộ đã được tính vào chi phí xây dựng cầu cảng) hết khoảng 105 triệu USD, đường sắt cũng cần một khoản đầu tư tương đương để có thể nối cảng với hệ thống đường sắt quốc gia.
Quan trọng nhất là Vân Phong trong thực tế rất thiếu mặt bằng cho yêu cầu của một CTCQT. Theo tiêu chí hiện nay, trung bình 1km bến cảng cần ít nhất 1km2 (tức 100ha) bến bãi chuyên dùng, không kể diện tích đường giao thông khác! Theo các tính toán sơ bộ, dựa trên các bản đồ có tỷ lệ 1/50.000 với các cao trình và độ sâu cụ thể, và mặt bằng dự kiến của toàn bộ cảng là 12.590km chiều dài bến cần đến hơn 12.000ha bến bãi. Để có đủ mặt bằng, chỉ còn có giải pháp là phải nổ mìn phá núi, lấy đá san biển, như các nhà tư vấn cho cảng Vân Phong từng đề xuất.
Và để làm điều này, thì một loạt các hòn đảo lớn, nhỏ có tên rạch ròi trên bản đồ tỉnh Khánh Hòa như hòn Đỏ, hòn Ông, hòn Săng, hòn Trì, hòn Nhạn, hòn Gấm, mũi Nai Ba Kèn, mũi Cổ Cò, mũi Đá Son… sẽ bị tàn phá hoặc xóa sổ. Tất nhiên không chỉ bằng cơ giới, mà còn bằng hàng vạn tấn thuốc nổ. Toàn bộ cảnh quan, môi trường, nhất là môi trường sống của các loài thủy hải sản, đặc biệt là san hô trong vùng sẽ đi về đâu? Đó là chưa nói đến chi phí mà theo dự toán lên đến 3,55 tỉ USD lấy đâu ra số tiền khổng lồ này?
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng khả năng huy động vốn trong nước, gồm vốn của doanh nghiệp từ các Tổng công ty 90, 91, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngoài quốc doanh đến toàn dân... thông qua nhiều hình thức như: bán trái phiếu công trình, thành lập các công ty cổ phần để đầu tư phát triển CTCQT Vân Phong cũng sẽ chẳng là bao. Còn huy động vốn ngoài nước? Nguồn ODA không dễ dàng, vì theo đánh giá của JICA, giai đoạn đến 2020 vốn ODA không thể tăng hơn và thủ tục thường kéo dài. Nguồn FDI thì không phải cứ lớn tiếng mời gọi là thiên hạ đổ tiền vào, quan trọng là dự án thực sự có tính khả thi, có đầy đủ số liệu khách quan, trung thực, được khảo sát, đo đạc, tính toán chính xác, khoa học.
Hãy dành Vân Phong cho du lịch!
Bất kỳ một ai đã có dịp đặt chân đến vùng vịnh Vân Phong đều ngỡ ngàng trước cảnh trí thiên nhiên tuyệt vời. Vân Phong không chỉ núi và biển, với những bãi tắm trải dài, đầy cát mịn và quanh năm chan hòa ánh sáng. Ở đây còn có một hệ sinh thái đa dạng của các vùng đất ngập nước, vùng cửa sông ven biển, vùng đảo ven bờ, rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn… mà sự tác động của con người còn chưa đáng kể.
Các chuyên gia của Hiệp hội Du lịch Thế giới (OMT), Chương trình Phát triển du lịch Liên Hiệp Quốc (PNUD) và Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam (IRDT) cùng thừa nhận rằng: nơi đây có đủ các điều kiện tối ưu để phát triển du lịch. Trong dự án VIE89/003, OMT ghi rõ: “Bán đảo vịnh Vân Phong, là một trong những thắng cảnh nghỉ ngơi đẹp nhất trong khu vực châu Á và Viễn Đông, vượt xa Phuket (Thái Lan) và có thể so sánh được với bãi biển tuyệt mỹ ở Sierra Leone (châu Phi). Vịnh Vân Phong là một trong những nguồn dự trữ của ngành du lịch nghỉ ngơi nhiệt đới...”.
Ông Nguyễn Hùng Tráng, một nhà đầu tư, giám đốc Công ty IDC, từng mạnh dạn tuyên bố tại một cuộc hội thảo về phát triển du lịch vùng vịnh Vân Phong rằng: “Khó có thể tìm được một nơi nào có những nét thiên nhiên đặc thù như tạo hóa đã ban cho Vân Phong. Đây là một tài sản quý báu cần được bảo tồn cho hậu thế, bởi không thể nào tái tạo bằng công sức và trí tuệ của con người khi đã phá vỡ nó để thay vào đó là những công trình kỹ nghệ dù hiện đại cỡ nào, hiệu quả kinh tế mang lại cỡ nào chăng nữa… Singapore phải mất 30 năm từ 1965 và đầu tư trên 30 tỉ USD mới có được cảnh quan du lịch nhân tạo như hiện nay; trong khi Việt Nam đang có trong tay một Vân Phong trị giá gấp nhiều lần 30 tỉ USD và không cần thời gian tạo dựng, sao lại không biết tận dụng?”.
Thực tế, từ hơn chục năm trước đây, đã có hàng loạt các tập đoàn du lịch lớn trên khắp thế giới, như: Eastalex International-Airport Development Corp. (Canada), Accor (Pháp), Hyatt (Mỹ), Club Mediterranean (Pháp), Sigma Group (Malaysia), Lemon Group (Thụy Sĩ), Silverlink Holding (Úc), Arman Resort (Đức)… đã tìm đến Vân Phong, xây dựng các dự án lớn trong vùng.
Tất cả vẫn còn có thể và hy vọng Vân Phong không bị tiêu điều, xơ xác bởi những dự án như nhà máy Thép Posco, CTCQT hay Nhà máy đóng tàu Vinashin đang làm trĩu nặng con tim nhiều người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận