11/03/2013 06:34 GMT+7

Nên liệu cơm gắp mắm

 MINH GIẢNG
 MINH GIẢNG

AT - Các chuyên gia tư vấn cho rằng phụ huynh nên đồng hành, chia sẻ cùng con chứ không nên chọn nghề thay con. Đừng bằng mọi giá bắt con em mình phải vào ĐH. Học sinh nên chọn ngành dựa vào sở thích và thực lực của mình, không nên theo số đông.

kkEeesFq.jpgPhóng to
Phụ huynh cùng con trắc nghiệm trên máy tính tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp tại ĐH Bách khoa, TP.HCM

Bà Trương Trí Mai và con trai Liêu Phong (học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM) đến Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp do Tuổi Trẻ tổ chức từ rất sớm. Đây là năm thứ hai liên tiếp bà và con trai đến ngày hội. Nếu như năm 2012, bà và con trai đến để làm trắc nghiệm chọn ngành thì năm nay đến để tìm hiểu sâu hơn về một số ngành đã qua vòng “sơ tuyển”. “Trước khi quyết định phải tìm hiểu thật kỹ để sau này không hối hận. Nhiều sinh viên nói với tôi rằng nếu cho chọn lại, họ sẽ không chọn ngành đang theo học. Cháu nó đã làm trắc nghiệm, đã chọn được một số ngành và phải hỏi các thầy trong ban tư vấn thật cụ thể rồi về mới cân nhắc chọn ngành nào” - bà Mai chia sẻ.

Chuyện không của riêng ai

Trong khi đó, chờ đến khi kết thúc phần tư vấn, một phụ huynh dẫn theo con mới đến gặp TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - để hỏi tường tận về ngành ngôn ngữ Anh. Bà phân trần “con có thế mạnh và thích ngành này nhưng ba nó buộc phải thi ngành khác vì cho rằng tiếng Anh chỉ là công cụ chứ không phải là một nghề. Cháu không thể nói rõ với ba vì sao mình lại chọn ngành tiếng Anh, còn tôi thì cũng không hiểu gì về ngành này nên phải đi hỏi cho rõ để về thuyết phục chồng cho cháu thi ngành mà cháu thích”.

Ở một góc khu Gỡ rối hướng nghiệp, một phụ huynh đến rất sớm để tìm gặp TS tâm lý Đinh Phương Duy. Bà trình bày các thế mạnh, điểm yếu về mặt tính cách của con mình cũng như môn nào con học tốt, môn nào chưa tốt. Trong câu chuyện của bà, chúng tôi nhiều lần nghe thấy cụm từ “gia đình muốn cháu thi ngành này”. Có lẽ bà rất hiểu con mình nhưng vẫn còn băn khoăn về việc nên thi trường nào, ngành nào thì phù hợp với tính cách và năng lực của con. Không riêng gì bà, rất nhiều phụ huynh đã đưa con đến ngày hội, tỉ mẩn làm bài trắc nghiệm chọn nghề sau đó mới đến gặp ban tư vấn để hỏi rõ về ngành nghề cũng như nhận chia sẻ nên thi ngành nào cho phù hợp. Họ muốn chia sẻ với con trong việc chọn ngành nghề nhưng lại không an tâm nếu để con tự quyết định tương lai của mình.

Và quả thật, nhiều học sinh còn rất mơ hồ về nghề nghiệp của mình trong tương lai khi đến thời điểm này vẫn chưa biết chọn ngành nào dù biết rõ mình có thế mạnh gì, hạn chế ở đâu. Nguyễn Trần Hải - học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM) - băn khoăn: em có nhiều câu chuyện hay để kể, em cũng nghĩ ra nhiều góc quay đẹp, em muốn truyền cảm hứng của mình cho người khác và muốn sớm tự chủ tài chính. Vậy em nên chọn ngành nghề nào? Trong khi đó, một học sinh khác lại muốn làm giám đốc ngay sau khi ra trường: “Em muốn làm lãnh đạo nên dự định học ngành quản trị kinh doanh. Vậy chương trình đào tạo bốn năm sẽ cung cấp cho em các kỹ năng vào đời như thế nào để có thể làm lãnh đạo?”. Học sinh khác thì lo lắng: “Em thích và muốn học ngành quản lý khách sạn nhưng nghe nói cơ hội thăng tiến không có. Trong khi đó nếu học kinh tế thì có người đảm bảo việc làm khi ra trường. Vậy em nên chọn ngành mình thích hay ngành đảm bảo việc làm?”.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Toàn - hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức - tư vấn: “Lãnh đạo phải có tầm nhìn, biết lắng nghe, biết hạ mình để đón nhận trí tuệ của người khác và biến nó thành của mình để xây dựng kế hoạch dài hạn. Mong ước của em như vậy là tốt nhưng không có trường nào đào tạo các em ra làm giám đốc cả. Làm giám đốc hay không là do năng lực của bản thân mỗi người”. Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nói thêm: “Ngành nào cũng cần người giỏi. Sự thăng tiến đòi hỏi phải có sự trải nghiệm và từng bước chứ không thể ra trường là thăng tiến ngay. Tại sao chúng ta tin vào lời hứa trước mắt mà không tin rằng tương lai sẽ còn nhiều lời hứa tốt hơn?”.

Không chọn nghề thay con

Băn khoăn về chọn nghề, chọn trường không chỉ là vấn đề của học sinh mà nhiều phụ huynh cũng rất lo lắng. Đi đến đâu, từ thành phố đến các vùng nông thôn, chúng tôi cũng nhận được những lo lắng vì chưa biết chọn nghề, chọn trường thế nào. Không ít phụ huynh còn làm thay con em mình việc này. Điều này đã tạo ra một tâm lý không tốt nơi các em học sinh. Theo các chuyên viên tư vấn, phụ huynh là người đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng nghề nghiệp cùng con chứ không nên quyết định thay con. “Hiện nay có nhiều phụ huynh lo lắng, suy nghĩ và làm thay cho con em mình. Điều này vô tình bẻ gãy sự đề kháng và tính tự lập của con em mình, biến các em thành người yếu đuối và bị động. Hãy để các em ngụp lặn vào cuộc sống, để cuộc sống dạy cho các em khả năng thích nghi, từ đó trưởng thành. Thất bại không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách mà thôi” - TS Nguyễn Toàn chia sẻ.

Chúng tôi còn nhớ như in hình ảnh hai mẹ con khóc nức nở trong một chương trình tư vấn cho phụ huynh do Tuổi Trẻ tổ chức năm 2012. Cô con gái thích đi học nấu ăn trong khi người mẹ lại muốn con mình thi vào trường y. Bất đồng giữa hai mẹ con không thể giải quyết cho đến khi gặp ban tư vấn. Khi được giải thích, tư vấn, hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở khiến ai cũng chùng lòng. Và rồi người mẹ đã đồng ý để con mình theo học nấu ăn - một quyết định có vẻ rất khó khăn đối với kỳ vọng của bà. Tâm lý vào ĐH đã thật sự in sâu vào suy nghĩ của đại đa số bậc phụ huynh. Để rồi, nhiều khi giữa phụ huynh và con cái xảy ra xung đột về việc chọn nghề nào, trường nào.

Nói như TS Phạm Tấn Hạ - các em học sinh không còn nhỏ nhưng cũng chưa hẳn đã lớn. Sở thích hiện tại có thể chỉ là nhất thời và có thể thay đổi. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải biết mình thích điều gì để phấn đấu thực hiện. TS tâm lý Đinh Phương Duy nhấn mạnh: chuyện lựa chọn nghề nghiệp là chuyện của các em học sinh chứ không phải là chuyện của người khác. Cha mẹ, thầy cô là những người đi trước, có kinh nghiệm sống và trải nghiệm thực tế nhiều hơn nên sẽ có những lời khuyên bổ ích chứ không thể chọn nghề nghiệp thay. Chỉ có mình mới hiểu rõ bản thân mình thích gì, muốn gì và làm gì. Nếu chọn ngành không thích thì các em sẽ không có động lực phấn đấu, nỗ lực hết mình cho công việc ấy và sẽ khó thành công.

TS Nguyễn Toàn ví von: “Chúng ta đi siêu thị, hàng hóa rất đa dạng, nhiều người mua cả xe đầy. Chúng ta cũng chọn cả xe nhưng khi tính tiền lại không đủ tiền để trả và phải trả lại hàng. Thi ĐH cũng vậy. Đa số phụ huynh, học sinh quan tâm vấn đề thi ĐH. Nếu cảm thấy năng lực chúng ta không đủ vào ĐH thì nên mạnh dạn chọn học trung cấp, trường nghề để đỡ mất thời gian, công sức. Phụ huynh đừng bằng mọi giá và tạo áp lực lên con mình phải vào ĐH. Học sinh cũng không nên chạy theo số đông mà nên liệu cơm gắp mắm”.

XhC7FiB6.jpgPhóng to

Áo Trắng số 4 ra ngày 01/03/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên