![]() |
Bà Phương làm hương xạ - những nén hương không đậu tàn mà thơm dịu ngọt - Ảnh: Nguyễn Hoàng Anh |
![]() |
Người đàn bà hơn sáu mươi tuổi không còn nhớ rõ bà biết làm hương từ khi nào, nhưng “đời ông bà tôi, đời bố tôi, đến tôi rồi giờ tới các con tôi đều làm hương cả”. Mỗi nén hương xạ truyền thống của thôn Cao (xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) là nhiều vị thuốc đông y, nghiền nhỏ rồi xe lại trên tăm hương. Hương ít thơm thì có 2-3 vị thuốc, loại nhiều hơn 7-8 vị, các loại hương thơm nhất gồm một hai chục vị thuốc thơm đông y.
Nhưng lúc này bà Ứng Thị Phương không tìm được một nén hương nào ưng ý. “Mấy hôm trước có cô cháu trong họ về mua hương làm mâm cúng 100 ngày cho cậu em trai. Cô lấy hết hương xe rồi, giờ chỉ còn hương đậu tàn thôi, cô ạ”.
“Hương đậu tàn” là loại hương mà tăm hương được nhúng vào một loại hóa chất người làng không rõ thành phần, chỉ gọi là thuốc “đậu tàn”. “Ngày xưa chúng tôi không khi nào phải làm hương thế này. Từ thời xưa, các cụ đã ngâm tăm hương vào nước vôi trong. Ngâm đúng một tháng trời rồi mang tăm ra phơi hai nắng sáng chiều. Làm như thế hương cháy đều, cháy róc hết, các cụ bảo thế mới là hương tốt” - bà Phương nói.
Tăm hương đã phơi khô, lúc này các vị đông y nghiền nhỏ được đưa ra trộn làm bột mịn. Bột hương được hòa kỹ với nước trong một chậu sành lớn, người lấy nước, người trộn bột phải có đôi bàn tay dẻo, lại phải biết tính sao cho khéo để hương bột trộn nhuyễn, trộn vừa. Xong xuôi rồi mới lấy tăm hương đi xe, từng nén từng nén một xe thủ công bằng tay thợ. Một nén hương thắp trên ban thờ, tụng hết bài kinh nhìn lên là thấy hương vừa róc hết.
Nhưng dăm bảy năm nay người làng Cao Thôn, một trong những làng nghề cổ của Hưng Yên, ít còn làm theo cách xưa nữa. Những loại hương từ bên kia biên giới tràn về bán giá rẻ như cho, lấy hóa chất nhân tạo để tạo mùi. “Họ bán rẻ, rẻ lắm, làm hương thật thì không cách nào làm được như thế” - bà Phương bảo. Theo sau những mùi hương hóa chất, một số người mê tín không hiểu rỉ tai nhau cách nào mà cho rằng tàn hương phải đậu lại sau cháy như các loại hương đó, vậy mới là có lộc.
Hương truyền thống không đậu tàn, nghĩa là không bán được!
Bất đắc dĩ, người làng hương phải gật đầu với loại hóa chất “đậu tàn” nhập ngoại mà người ta mang đến bán tận nơi trong những thùng lớn không nhãn mác. Không còn ai ngâm tăm hương qua nước vôi trong cả tháng trời nữa, giờ chỉ hòa một ít hóa chất vào nước rồi nhúng tăm hương vào. Phơi tăm, xe hương rồi đốt thử, hương chưa đậu tàn thì nhúng hóa chất lại một lần nữa. Ngoài bao hương phải ghi rõ “hương cuốn tàn”, “hương đậu tàn”, thế mới bán được.
Người làng bảo nhau hóa chất đó độc lắm, ảnh hưởng nhất đến sức khỏe người thợ nhúng tăm hương, những người đã dậy từ 3 giờ - 4 giờ sáng để bắt đầu công việc. Nhưng không chịu làm như thế thì hương “không có lộc”, không ai muốn mua.
“Không hiểu người ta mê muội thế nào mà nghĩ ngược với xưa, bắt cái tàn hương phải cuộn vòng như thế. Nén hương cúng ông bà mình, ai lại thắp ra cái thứ ấy. Chúng tôi muốn giữ cách làm của các cụ, cho hương cháy đều, cháy róc, chứ làm thế này… bực lắm. Nhưng chúng tôi nói mãi mà không ai muốn nghe” - bà Phương rầu rĩ. Thế nên bây giờ hương “không có lộc”, chỉ còn được người làng làm bán trong làng mà thôi.
Bà cụ dẫn tôi ra một bên chái nhà, nơi đặt hơn một chục loại thuốc đông y đã nghiền nhỏ trước khi xe. Xuyên quy, xuyên đại hoàng, trắc bách diệp, hoàng đàn, tùng bạch chỉ, đinh hương, mỏ quạ… mỗi vị thuốc là một vị thơm lan tỏa, dăm mười vị như thế cộng lại thành ra mùi thơm một nén hương. Đặt vào lòng bàn tay từng vị thuốc thơm, bà nói cách phân biệt các loại mùi thơm: “Hương ngửi xa, hoa ngửi gần”, một nén hương thơm thắp trong nhà thì ngoài cổng đã thấy vị thơm ngọt, chứ lại gần có khi ít thấy mùi thơm. Hương thơm phải ngọt, phải dịu thì mới là hương xạ thật”.
Hôm tôi đến thôn Cao đang mưa. Trời rả rích cả một ngày, con đường dẫn vào làng thiếu hẳn cái màu vàng ruộm ấm nồng trên những sân gạch phơi hương. “Mưa thế này người ta nghỉ hết cả, cô ạ” - bà Phương nói.
Nhưng dù còn ai ngồi đó làm hương thì họ cũng không làm theo cách xưa nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận